Màu thời gian ở Akô Dhông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi mua một ít gạo và rượu trắng mang đến mộ ông đặt xuống hướng chân, vì biết người dân tộc thiểu số Ê Đê vốn coi gạo với rượu mộc là thứ cao cả, và chân là chỗ linh hồn con người bay lên, cùng với đầu. Người ta chưa làm lễ bỏ mả cho ông. Ông ra đi vào một mùa khô cuối năm nọ. Chỗ ông nằm là cuối làng, mộ ông nhìn ngay ra bao quát hết buôn Akô Dhông này.   

Ngày ông mất tôi không hay biết. Nay bất chợt ghé lại thăm thì ông đã ở dưới kia. Ngồi bên mộ phần bé gọn của ông và nhìn vào căn nhà dài mà mình từng đặt bước lên nhiều lần, một hình ảnh Ama HRin hiện ra…

“Kiến trúc sư trưởng”

Người đã nằm dưới mộ khi còn sống có một phong thái như Tây, mà ai đã gặp có thể so sánh ông với những người làm trong ngành ngoại giao chuyên nghiệp. Song cái phong thái Ama HRin có là nhờ sự chân thành trong cốt cách và sự trải nghiệm từ minh tri núi rừng sâu nặng cùng cuộc đời chìm nổi của chính mình mà ra chứ không phải nhờ trường lớp. Ở ông, bất cứ tình huống nói chuyện với ai cũng ở dạng tâm tình. Sự từ tốn, bặt thiệp và chân thật đó khiến khi tiếp xúc với ông, phút chốc khách lại như trở thành người của làng, bị tan hòa trong sự nồng ấm và niềm tin không giới hạn đó.

 

 Những ngôi nhà dài ở Akô Dhông nay được rào chắn kỹ lưỡng-điều trước kia không hề có. Ảnh: N.H.T
Những ngôi nhà dài ở Akô Dhông nay được rào chắn kỹ lưỡng-điều trước kia không hề có. Ảnh: N.H.T

Ông từng kể với tôi ông là đứa trẻ mồ côi. Kể về cái làng Ea MLai nhỏ ở vùng MDrak bị thiêu rụi vì đạn pháo chiến tranh. Ông đi chăn bò thuê, và làm nhiều việc khác. Cho đến khi học lỏm được nghề trồng cà phê của Tây, khi ông làm thuê trong các đồn điền Pháp trên cao nguyên Đak Lak. Và ông đã dạt đến đây, đầu con suối Ea Nuôl, thuộc phường Tân Lợi của TP. Buôn Ma Thuột bây giờ, lập được cái buôn Akô Dhông cho những người Ê Đê nghèo như ông kể từ giữa thập niên 50 thế kỷ trước. Làng ông là làng người Ê Đê đầu tiên trồng cà phê, và ông là người trước hết của làng.

Tôi mê mải ngắm Akô Dhông. Kiến trúc chan hòa trong sinh thái. Nó thanh bình và thiện lành. Ra đời hơn 60 năm qua, Akô Dhông vẫn nguyên si nếp nhà dài Ê Đê truyền thống. Mỗi gia đình một căn nhà sàn dài ngút, đẹp thuần khiết, chắc chắn, sườn là gỗ căm xe và cà chít. Bên trong căn nhà dài nào cũng có bếp lửa, có ghế kpan, có cồng, chiêng, ché rượu, cây nêu, vỏ bầu, trái bí và tất cả những vật kia vẫn đang “sống”, được gióng lên, thở ra, bốc khói, chứ không phải hiện vật triển lãm. Để lên bất cứ căn nhà sàn nào, người ta phải bước lên cặp đôi cầu thang “đàn ông” và “đàn bà”, mà chiếc cầu thang nữ thì vẫn tạc đôi ngực phồn sinh của người phụ nữ để biểu thị cho tinh thần mẫu hệ. Bây giờ đời sống khá giả, nhiều nhà xây thêm nhà mới, thì căn biệt thự lại đặt lút phía cuối căn nhà dài, để nó nép mình bên căn nhà sàn, chứ không cho chồm ra. Cây phía sau trùm cái biệt thự lại, trong khi căn nhà sàn như mũi tàu hướng ra mặt đường phố chính-con đường nhựa mang tên Trần Nhật Duật xuyên qua làng.

 Dân trí ở cái làng này không những không thua kém mà nhiều khu phố người Kinh hình thành trên đất Tây Nguyên chạy theo ứ hơi không nổi. Người Akô Dhông tham dự vào mọi nghề nghiệp trong xã hội, thành đạt, và được nể trọng rộng khắp. Bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, công chức, doanh nhân… ê hề ở làng này. Nhiều chục năm trước Ama HRin đã coi giáo dục là lối ra cho dân tộc, và thuyết phục các gia đình bền bỉ thực hiện. Con trẻ ra đường nói tiếng phổ thông cho tiện, cho hội nhập, nhưng về nhà phải nói tiếng Ê Đê với nhau. Đi xe hơi, ăn tiệc buffet, nhảy múa hiện đại, uống rượu Tây, nhưng ai cũng yêu giấc ngủ ở nhà dài, chơi được đing pút, đing năm, ăn được món kiến trộn, canh cà đắng, si mê dân ca Ê Đê, dệt được thổ cẩm... Nửa thế kỷ qua, Ama HRin đã định hướng con đường phát triển cho cộng đồng như thế. Giàu có, sung túc, nhưng vẫn có hồn cốt riêng, sức mạnh riêng, vẻ đẹp riêng. Cái làng với sự thanh bình, ấm no, bình đẳng đạt đến tận cùng. Cái làng sâu sắc và sang trọng. Bao nhiêu năm rồi mà vẫn không lạc “quy hoạch”, không vỡ kiến trúc, không tan thiết chế gia đình, xã hội giữa một thành phố khổng lồ năng động như Buôn Ma Thuột. Nó đặc quánh Ê Đê. Đến nói tiếng Pháp và tiếng Việt lưu loát như Ama HRin mà khi chết vẫn chết trên căn nhà dài.                         

Trước những đổi thay

Tôi lại đặt chân lên các căn nhà dài. Nhưng tôi biết, thời gian bao giờ cũng thách thức mọi giá trị trên đời.

 

Ảnh: N.H.T
Ảnh: N.H.T

HLen Nie, một người phụ nữ rắn rỏi 43 tuổi đang chỉ huy cất thêm một căn nhà dài phía trước mảnh đất còn lại của gia đình mình. HLen bảo, dù thời cuộc thế nào cô cũng phải giữ truyền thống, vì nó gần gũi với sở thích và tâm hồn mình. Cái khác là xưa nay mọi căn nhà dài do đồng bào xúm lại cất cho nhau, nay thì HLen thuê người Kinh làm theo sự chỉ huy của mình. HLen lý giải sự khác căn bản này là để nhanh gọn hơn, vì đồng bào thi công chậm, kỹ thuật máy móc không sẵn. Rất thức thời, vấn đề là linh hồn của nhà sàn, hình dáng kiến trúc và người sử dụng nó chứ không phải đám thợ nào đã cất.

Nhưng HLen không chịu được cảnh gần đây giữa các nhà sàn với nhau lại dựng lên những cái tường rào. Điều này trước đây không có. Xưa nay mỗi căn nhà dài là một gia đình, kể cả nhiều thế hệ. Và toàn buôn là một gia đình lớn, chứ không có cảm giác mỗi căn nhà dài là một “cát cứ”, mạnh ai nấy biết, nấy sống, nấy thở. Đường qua làng, mặt trước, mặt sau xưa vẫn tuồn tuột không rào, chẳng bao giờ để ý đến mất mát, an ninh. Người ta sống yêu nhau và tin nhau, tin cả người bên ngoài nếu đặt chân đến Akô Dhông.

Ama HRin ra đi, Akô Dhông có cái gì đó lành lạnh, chùng xuống, giãn ra. Tôi có cảm giác cái buôn huyền thoại này như mất thỏi nam châm nguồn cội; có cái gì đó hơi chơi vơi ở nơi này, giờ đây. Đúng như HLen lo, tôi nhận ra tường rào xuất hiện khắp. Mà không chỉ tường rào, mỗi lối vào nhà sàn đã bắt đầu án ngữ những chiếc cổng sắt khổng lồ. Đặc tính cái gì cũng đòi nắm cho chắc, giữ cho kỹ và hoài nghi tất cả này buôn làng thuần hậu Akô Dhông rõ là đã học ở người Kinh tôi rồi-học các làng Việt, khu phố xung quanh. Của cái vật chất đã không còn xem thường, sự cảnh giác cũng tăng lên, an ninh bỗng chú ý. Xung quanh sống bằng lý trí thì ta không thể sống bằng trái tim. Cấu trúc vật thể và phi vật thể thế là giãn ra, rạn dần.

Đất chật người đông ra, gần đây nhiều nhà chia đất ra bán để giải quyết cuộc sống. Người không phải con dân sinh ra và lớn lên ở làng đã bắt đầu xuất hiện. Nhà của “công dân mới” biết liền, nếu không mọc ra nhà xây hộp diêm mái bằng thì cũng một cái nhà sàn cao to khác thường, diêm dúa hơn, cổng rào to hơn, như muốn nhấn chìm những nhà sàn truyền thống xung quanh. Buôn mới hôm nào thuần hậu, chưa có cảm giác “đau”, “tiếc” là gì. Nay thì nhiều người bỗng bất lực cho cái vốn quý là cấu trúc của làng ngày một mong manh. Họ bảo tôi suốt năm qua họ ê chề cho cái nhà hàng, khách sạn khổng lồ với thứ kiến trúc xa lạ nằm ngay đầu làng. Khách sạn và nhà hàng Yang Sing đó dĩ nhiên khai thác giá trị của buôn Akô Dhông để sinh lợi, nếu không vì sức hấp dẫn của Akô Dhông thì nó không có mặt ở đây làm gì. Chỉ có điều nó như “đè” cái buôn này xuống để vắt sữa, thay vì khiêm tốn nương theo từ kiến trúc đến văn hóa, tâm hồn.

Giai điệu cuối của rừng

 

Ảnh: N.H.T
Ảnh: N.H.T

Nên giờ thì tôi đã thấy những người trẻ ở Akô Dhông vẫn chơi xe máy, xe hơi, điện thoại di động đủ kiểu. Họ vẫn quần Jean, áo Pull, váy hiện đại, chứ  không một váy thổ cẩm. Như Y Zắc hát bất cứ thứ nhạc pop, rock nào anh thấy hay, có cảm xúc. Vậy thì cái truyền thống nhiều khi chỉ là mong muốn ước lệ, vì nó có giá trị. Chứ không hẳn nó bất biến, đánh gục và trói con người lại thả chìm trong đó. Nó tiếp biến. Ama HRin tạo ra được không gian kiến trúc đặc trưng cho Akô Dhông, nhưng với tâm hồn của những người bên trong từng căn nhà dài thì ông không thể ngăn cản được sự vận chuyển của cảm xúc, mà cảm xúc thì nó đi cùng cuộc sống.

Và như HLen, có lường được đâu một ngày đi thuê những người không sống và không biết gì về nhà dài Tây Nguyên dựng những căn nhà dài ấy cho cảm xúc của mình. Nàng nói nhà sàn của nàng vẫn nguyên mẫu hồn phách Ê Đê, đủ hai bếp lửa trên và dưới, chiêng, ché, kpan, trống, sàn… Đó là quyền của HLen. HLen bảo nếu nàng là trưởng buôn sẽ nói cộng đồng không cho những kiến trúc thô bạo, vô duyên, lạc điệu, như cái khách sạn, nhà hàng to lạ kia bỗng đột nhiên xuất hiện trước buôn. Nhưng luật pháp nào cho nàng làm điều đó, khi người ta xây dựng công trình theo giấy tờ, được luật pháp bảo hộ. Giấy phép xây dựng thì không tính đến lịch sử của làng và bản sắc văn hóa. Vật chất và văn hóa nhiều lúc không đồng hành. Cũng như luật pháp và luật tục vậy, dù cả hai đều có giá trị cho con người, nhưng không gian tồn tại lại khác. Thôi thì giữ được chừng nào thì giữ, cái bản sắc cộng đồng, văn hóa ngàn đời. Trật tự tự nhiên nó sẽ “dạy” cho người đời chuyển dịch và tồn tại.

HLen đủ nội lực của một người mẹ Ê Đê với tình yêu sâu nặng truyền thống để giữ cho căn nhà sàn cô đang cất thật “Ê Đê”. Y Zắc đủ sức để hát nhạc hiện đại nhưng vẫn mang hồn cốt núi rừng, ở cái tuổi trên 40 và được trải qua hành trình dài được Ama HRin nạp cho năng lượng. Nhưng những người trẻ có đủ sức để đi theo con đường khó khăn đó-cái con đường hội nhập nhưng vẫn là chính mình, nhận ra mình là ai giữa đám đông, trong nếp ở, hơi thở, lời ăn tiếng nói. Giữ bản sắc sơn nguyên được hơn nửa thế kỷ qua đã là kỳ diệu, khi mà bon, plei, buôn ở nhiều nơi đều bất khả. Khi cả Buôn Ma Thuột đã nở tưng ra, mỗi ngày một to đùng, sinh động và sôi động, ồn ào và bát nháo, cởi mở và tàn bạo, thì “không gian” của Kiến trúc sư trưởng Ama HRin thành một “cõi riêng” mà được à.

*  

*      *



Buôn của ông là cái buôn nổi tiếng nhì Tây Nguyên. Có điều cái buôn nổi tiếng nhất là Buôn Ma Thuột kia chỉ còn cái tên, thành địa danh cho một thành phố, còn buôn ông vẫn đương thì. Nó đang “sống”, nhưng mọi người trong nó không biết nó “sống” đến khi nào trước cơn sóng thần của thời đại và cơn lốc của đô thị hóa. Chúng ta giờ còn không nhận ra đâu là bản sắc của mình, từ chỗ ở đến quần áo trên người, vật dụng trên tay, xe cộ để chạy, thú vui giải trí. Song chẳng lẽ những người ở Akô Dhông này làm được? Hẳn sẽ không riêng tôi tiếp tục nghiêng mình, nếu họ làm được như vậy. Vái lạy nấm mộ già làng khả kính và nhìn cho thỏa thuê bản sắc một làng sơn nguyên ngạo nghễ giữa phố đô hội lần nữa, tôi chậm bước ra phía đầu làng.

Một tiệm internet tiễn biệt tôi. Mà internet và toàn cầu hóa, đạo đức khốc liệt của nó là làm phẳng thế giới ra, không nhân nhượng bất cứ thứ gì.

Nguyễn Hàng  Tình

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.