Màu hoa ở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhặt cánh bằng lăng xoay xoay trong tay, Duyên lơ đãng nhìn về phía trời xa, nơi mấy cánh diều đang chao lượn, từng đụn mây trắng bồng bềnh lãng du, một vệt khói dày đậm kéo dài tận cuối chân trời.

Tiếng ơi ới của cậu con trai khiến Duyên trở về thực tại. Xỏ vội chân vào đôi dép, cô lập cập chạy ra phía con, tay đỡ vội lấy lõi nhựa cuộn dây diều. Thằng bé mồ hôi ướt đẫm lưng áo, hai má bừng đỏ, miệng hò hét inh ỏi cùng chúng bạn. Hai tay Duyên huơ rối rít để thu dây, chiếc lõi đã đầy lên sau mỗi vòng quay. Bên kia, thằng bé cùng bạn toát mồ hôi dìu con diều qua được ngọn cây sưa già.

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

- Thả ra, thả ra mẹ ơi! Thằng bé hét lớn.

Duyên cuống quýt buông tay, cuộn dây rơi xuống đất lăn lông lốc. Chiếc diều chao đảo, thằng bé ngớ người nhìn mẹ. Duyên lao theo chụp vội, may quá, nó vẫn còn giữ được thăng bằng. Chỉ cần lơ đễnh một chút thôi thì vuột khỏi tầm tay ngay, như hạnh phúc ấy. Duyên trộm nghĩ rồi cười một mình.

- Vui không mẹ, mẹ thích không mẹ?

Thằng bé hỏi mà không chờ chị trả lời rồi tiếp:

- Mẹ biết sao diều nhà bạn Thắng bay cao nhất không? Vì ba bạn Thắng vót một chiếc nan tre thật mỏng rồi canh lên hai cánh con diều, nó không bị chúi đầu như diều của con. Nói xong mặt thằng bé phụng phịu.

- Cái đó dễ ẹc, để mai đi làm về chú vót cho. Huy bất ngờ từ đâu đi tới, nói xen vào câu chuyện của hai mẹ con.

Thoáng giật mình, Duyên quay lại nhìn Huy cười:

- Nay đi làm về sớm vậy? Không lai rai cùng chiến hữu à?

- Có đâu, mọi khi tan sở em đá banh rồi ngồi tào lao với mấy anh em, chứ lai rai chi đâu. Mà chị về từ khi nào em không biết?

Huy hỏi thế chứ anh biết tỏng chị về từ hôm kia.

- Chị về hai hôm rồi. Duyên trả lời.

Không gian như chùng lại. Mới đó đã hơn mười lăm năm.

- Bé lớn năm nay nhiêu tuổi rồi chị?

- Mười bốn! À,… bằng bé Cỏ hồi nớ!

Cả hai đưa mắt nhìn nhau rồi cùng cười phá lên. Nhắc đến bé Cỏ là biết bao nhiêu kỷ niệm ùa về.

Cỏ là con một cặp vợ chồng, cha người Kinh, mẹ người Ca Dong. Sự pha trộn hai sắc tộc khiến cô bé có một làn da ngăm khỏe khoắn, mái tóc dày hơi khô, đôi mắt sắc và chiếc cằm nhọn, cánh mũi thon cùng làn môi mỏng. Ở con bé toát lên vẻ đẹp lạ lùng. Nét hoang dã nổi bật giữa đám con nít, trông em đầy nội lực.

Gia đình Cỏ vừa chuyển tới xóm này. Nhìn em trai Cỏ với cái bụng ỏng to dưới chiếc áo thun ngắn cũn cỡn, cái quần đùi có hai ống như lồng đèn xếp, mái tóc hoe vàng, mắt cũng hoe vàng, bọn trẻ con trong xóm vừa tò mò xen lẫn thích thú. Thích vì mấy trò chơi lạ chị em Cỏ mang tới, tò mò bởi những món ăn lạ đời mà họ chế biến rồi mời xóm giềng. Được cái, họ rất vui vẻ và hòa nhập nhanh.

Duyên đang cắm cúi học bài. Bất chợt một mái tóc xù rối thù lù ngay cánh cửa hông khiến Duyên giật bắn người.

- Chi á Cỏ, em làm chị hết hồn!

- Chị ơi, chị giúp mẹ em với!

Nhìn khuôn mặt thảm hại của nó, Duyên nhảy vội ra khỏi chỗ ngồi:

- Mẹ làm sao à?

- Ba đánh mẹ, chảy máu đầu rồi, huhu, huhu…

- Ối em đừng làm chị rối. Duyên ngó quanh tìm hộp cứu thương.

Người lớn giờ này còn đang tỉa mạ dưới ruộng, tranh thủ buổi sáng trăng. Con nít thì chơi trốn tìm, chỉ mấy đứa cuối cấp như Duyên phải cắm cúi học bài thôi. Duyên nắm tay Cỏ chạy băng con ngõ nhỏ.

- Mẹ đang ở chỗ ni nè! Cỏ nói rồi kéo tay Duyên qua gốc rơm.

Dưới ánh đèn pin nhập nhoạng, một tay mẹ Cỏ ôm đầu, tay kia chống xuống đất.

- Có sao không cô ơi? Để con gọi người đưa cô đi bệnh viện nghe!

Mẹ Cỏ xua tay:

- Không hề chi mô con, xíu hết chừ!

Duyên vẫn thảng thốt, hai tay run rẩy rịt thuốc vào vết thương.

- Cô quen rồi. Chừ không biết làm răng ra nhà cô Năm ngủ đỡ một đêm. Mai ổng hết say rồi về.

Duyên đưa mắt nhìn Cỏ, đầu Cỏ gật lia lịa, ý chừng nó cũng mong muốn vậy.

Còn chưa biết phải xử lý tình huống này thế nào, chợt nghĩ đến Huy, cậu nhóc ở trọ nhà hàng xóm, kém Duyên hai tuổi. Hai chị em vẫn đi về chung đường.

Khẽ nhón chân mấy bận qua hàng râm bụt rậm rạp, Duyên cũng khiến cặp mắt kính dày độp của Huy dướn cao.

Dắt chiếc xe giàn ngang ra khỏi nhà, tiếng bà lão hàng xóm cất lên rè rè:

- Đi đâu giờ ni, Huy?

- Con đi đây xíu về liền, ngoại!

Huy là cháu họ hàng gần của bà. Bà không con, sống một mình. Có khi bà sống một mình thế gần trăm năm rồi cũng nên. Bà già lắm. Già không đoán được tuổi. Mà có hỏi thì bà cũng chẳng nhớ. Như gốc sưa già đầu ngõ. Mùa thu trụi lá xù xì, những thân cành khẳng khiu buồn bã. Mùa đông đến tưởng không qua được, vỏ dày lên xơ xác. Nhưng khi xuân đến, thân cây như thay một chiếc áo mới, rục rịch nẩy những chồi xanh. Rồi cứ thế, mấy bận tưởng không sống nữa, mấy bận tưởng sẽ rời đi. Nhưng sau những bận như thế, bà lại như được hồi sinh một cách nhiệm màu.

Cỏ ngồi trước giàn ngang, tay bíu vào tay Huy khiến anh chàng không lái được. Mãi mới hướng dẫn được cô bé ngồi cho hợp cách. Mẹ Cỏ trì trật trèo lên chiếc Phượng Hoàng màu mận chín của Duyên. Hai chiếc xe lặng lẽ rời con xóm nhỏ để ra đường lớn.

Cứ mỗi lần ba đánh mẹ, Cỏ lại qua nài nỉ Duyên. Mà nhà ấy đánh nhau như cơm bữa. Sáng còn cười nói, chiều đã thấy xoong nồi loảng xoảng. Hàng xóm ban đầu còn ái ngại can ngăn, riết rồi quen. Mỗi lần giải cứu mẹ con bé Cỏ xong, Duyên và Huy thường đạp thêm vài vòng quanh những con phố rợp màu hoa. Từ Phan Châu Trinh, lên Huỳnh Thúc Kháng nghe mùi hoa sữa trái mùa nồng nàn. Qua Hùng Vương rồi tới quãng trường bằng lăng tím những góc phố. Hai đứa tấp vào một góc nào ấy, bẻ trộm nhánh bằng lăng rồi tà tà đạp về. Những câu chuyện không hồi kết lan man ngày này qua ngày nọ. Những kỷ niệm đan lên nhau như mớ lá vàng rơi bên thung lũng cừa, ngày mỗi dày thêm, lớp lớp tầng tầng…

Tiếng gào của bé Cỏ khiến Duyên giật mình thảng thốt. Mắt Cỏ hằn đỏ, khuôn mặt căng lên, miệng phát ra mấy lời khó nghe. Giọng mẹ Duyên dỗ dành:

- Ai làm chi con à?

- Con phải tìm cho bằng được đứa mô dám ngồi trên xe anh Huy của con. Chỗ nớ là của con. Tối mô anh Huy cũng chở con đi… hức hức.

Duyên chết lặng. Trời ơi, tin được không. Chiều qua xe Duyên hỏng phải gửi lại tiệm sửa. Đang lóng ngóng thì Huy trờ tới. Trời cũng gần tối. Đợi mãi chẳng còn đứa bạn nào về ngang qua, Duyên đành vén tà áo dài ngồi trước chiếc xe giàn ngang không gạc-ba-ga cho Huy đèo về. Tuy nhỏ hơn Duyên hai tuổi nhưng trông Huy cao lớn khỏe mạnh, tính cách cũng ra dáng, chững chạc. Đôi tay rắn rỏi đưa con xe lạng lách qua các ổ gà ổ voi rồi rẽ vào xóm Bầu Nê. Chiều lồng lộng gió. Con đường nhỏ xíu giữa hai bên là đồng ruộng. Lúa đang mùa làm đòng xanh tốt. Thi thoảng có chú cò lạc đàn bay vù lên, rồi đậu lại ở một vũng trâu đằm nào đó cắm cúi tìm mồi. Ngác ngơ nhìn lên nền trời, cò đồng theo nhau về núi.

Chừ Cỏ đi truy ai đã ngồi trên xe Huy! Trời đất, cái này thiên hạ gọi là “ghen” đó sao? Duyên vừa mắc cười vừa khó chịu.

- Người ta ngồi trên xe anh Huy thì bình thường có chi đâu - mẹ Duyên trêu.

- Anh Huy là của con!

Mẹ Duyên hoảng hồn, thầm nhủ không đùa với cô bé này được. Cái nếp sống ồn ào của ba mẹ đã ăn sâu vào đầu óc con bé mới lớn.

Mẹ liếc vào nhà, bắt gặp ánh mắt Duyên nhìn ra, cũng thảng thốt không kém. Mẹ nói thêm vài câu dỗ dành cho Cỏ về.

Mấy đận sau, mỗi lần Cỏ qua nhà chơi, mẹ toàn bảo chị Duyên đang học bài thi. Duyên rời nhà lên phố học. Thi thoảng về nên ít gặp nhau. Nghe mẹ bảo Cỏ thay đổi nhiều lắm. Mới lớn chút đã son phấn nhòe nhoẹt, áo hai dây trễ nải. Thoắt cái, Cỏ lấy chồng sinh con.

- Em thế nào rồi?

Câu hỏi bất ngờ của Duyên khiến Huy giật mình. Huy cười lóng ngóng:

- Cũng vậy!

Duyên đã nghe chuyện của Huy, một câu chuyện không khá hơn cô là mấy. Có điều, Huy chưa kịp có con cùng vợ, hai người đã dừng mối lương duyên ngắn ngủi. Lý do không hợp nhau thật chung chung nhưng không ai cảm thấy cần nhau nữa.

- Nếu có con cùng nhau, tụi em có dừng lại không? Duyên lại hỏi, vẻ mặt nghiêm túc.

Huy cười buồn:

- Em cũng không biết. Có lẽ cả hai đã quá vội cho những quyết định. Mà thôi, chuyện qua rồi, nói chuyện khác đi.

Nói rồi Huy liếc qua những khóm hoa tím cả góc chiều:

- Huy sẽ chở Duyên đi khắp các con phố ngắm bằng lăng. Ngắm thôi, không bẻ nhé!

Duyên cười. Cả ánh mắt, cả khóe miệng, cả khuôn mặt ngời lên nét tươi trẻ của tuổi đôi mươi.

Duyên đâu biết chính ánh mắt nụ cười này đã ăn sâu vào tâm trí Huy. Để rồi khi dở dang cuộc hôn nhân cùng người vợ trẻ, người anh nghĩ đến đầu tiên là Duyên. Biết Duyên cũng đang một mình nuôi con, anh quyết tâm về lại nơi này. Ít ra, những màu hoa sẽ là chiếc cầu nối lại những dở dang trước kia anh chưa dám tỏ.

Bên kia, cu nhóc nhà Duyên đang ào chạy về phía hai người. Không hẹn trước, cả hai cùng đưa tay ra đón lấy…

Có thể bạn quan tâm

Hiên nhà nhớ mẹ

Hiên nhà nhớ mẹ

(GLO)- Lúc còn nhỏ, mẹ dạy tôi biết yêu sự tinh khôi của buổi sáng, bố dạy tôi thấm thía từng chiều. Và có lẽ tâm hồn tôi đã đầy ắp những cảm xúc từ thuở ấy.
Mưa thu

Mưa thu

(GLO)- Mùa thu bao giờ cũng đem đến nhiều xúc cảm, nhất là khi thư thái ngồi lại cùng những cơn mưa.
Đừng vội nản lòng

Đừng vội nản lòng

(GLO)- Ai trồng cây cũng mong đến ngày hái quả. Người ta khi làm việc gì cũng đều mong gặt hái được kết quả. Điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi. Vậy nên, đừng vội nản lòng khi kết quả mình mong đợi chưa đến.
Như cau trước bão

Như cau trước bão

(GLO)- Lúc gia đình tôi chuyển về nơi ở mới, ngay trước cửa đã có hàng cau thẳng tắp. Cây nối nhau, cao tầm hơn chục mét, như chiếc lược lớn chải vào mây trời.

Trăng ngọc ngà

Trăng ngọc ngà

Non đêm, mấy người đàn ông trung niên trong xóm tụ lại trước sân nhà Minh, chơi cờ giết thời gian, ca hát góp vài tiếng lao xao chờ đón trăng lên. Trong đám người lao xao đó có vợ chồng Thụy.
Mây ngũ sắc…

Mây ngũ sắc…

Bà ơi bà! Giá mà bà cháu mình được ngồi đung đưa trên vầng trăng lưỡi liềm kia thì vui phải biết. Hai bà cháu mình ngắm mây bay luồn qua những kẽ ngón chân. Thò tay xuống nhón mây chỗ này thả ra chỗ kia. Nặn lại mấy vầng mây hình thù xấu xí kia thành hình bông hoa, con cún.
Lời sóng vỗ

Lời sóng vỗ

(GLO)- Biển trong mắt người gắn mình với xứ núi hơn 40 năm luôn là một điều bí ẩn. Có lẽ vì thế nên những lần đắn đo lựa chọn điểm đến cho những kỳ nghỉ ngắn hoặc dài ngày, nơi có biển vẫn luôn là ưu tiên.
Nhớ những mùa vàng

Nhớ những mùa vàng

(GLO)- Những mùa lúa vàng trĩu bông thơm mùi rơm rạ là hình ảnh đã ăn sâu vào ký ức bao thế hệ người Việt, đặc biệt là những người lớn lên ở thôn quê.
Thơm thảo mùa thu

Thơm thảo mùa thu

(GLO)- Một buổi chiều thu, giữa người xe phố phường giăng mắc, tôi chợt thấy bên vỉa hè một chị hàng rong lặng lẽ bày ra những quả hồng. Những quả hồng chín ửng căng bóng, màu cam đỏ pha chút thẫm xanh dịu mắt được xếp vào chiếc mẹt tre.
Cái gạc-măng-rê của mẹ

Cái gạc-măng-rê của mẹ

Mấy tuần nay, bà ngoại sắp nhỏ dọn nhà đi nơi khác nên những thứ đồ cũ kỹ được bỏ bớt. Chỉ có cái gạc-măng-rê (garde manger), chuyển mấy lần nhưng mẹ tôi để hoài không nỡ bỏ. Cái gạc-măng-rê được đặt ở góc bếp, lặng im, cũ kỹ nhưng chứa đầy kỷ niệm của từng thành viên.
Hương ổi mùa xa

Hương ổi mùa xa

(GLO)- Tôi không lớn lên giữa đồng bằng miền Bắc để được biết đến cái ngọt ngào và tinh túy của đất trời vào thu bằng hương cốm hay hương thị đẫm hồn xưa.
Tự “chữa lành” cho bản thân

Tự “chữa lành” cho bản thân

(GLO)- Cứ gần đến ngày nghỉ lễ là các anh chị đồng nghiệp lại xúm xít hỏi nhau: “Lễ này đi chơi ở đâu?”. Còn tôi thì chỉ muốn nghỉ ngơi bên gia đình. Đã rất nhiều năm rồi, tôi không có khái niệm đi chơi ngày lễ, nhất là những chuyến đi chơi xa dài ngày.
Bất chợt mùa lá rụng

Bất chợt mùa lá rụng

(GLO)- Mùa thu ở xứ sở nhiệt đới như nước Việt chúng ta, sự chuyển đổi của thiên nhiên không rõ ràng, đặc tả như ở trời Âu. Nhưng sắc thái của mùa lá rụng cũng đủ để làm xao động lòng người, ghi dấu ấn vào thi ca, nhạc họa từ xưa đến nay
Sắc lan mùa phố

Sắc lan mùa phố

(GLO)- Người chơi lan vẫn có câu: “Kiến giả thị bảo, bất kiến giả thị thảo” (Nghĩa là: Biết thì là bảo vật, không biết thì chỉ là cỏ). Vì thế, mỗi người chơi lan sẽ có một cách ứng xử riêng với hoa.
Quê cũ

Quê cũ

(GLO)- Xe bắt đầu rẽ vào con đường bê tông rộng rãi. Trước mắt là xóm làng với những ngôi nhà cao tầng, mái lợp ngói đỏ nhấp nhô. Bên trái là cánh đồng lúa sắp vào vụ gặt, vàng ươm trải dài.

Tháng Chín...

Tháng Chín...

Tháng Chín khiến người ta nhớ và bâng khuâng khi vấn vương một tà áo trắng, một ánh mắt cười trong ngày khai giảng. Mới đó mà đã gần hai mươi năm trôi qua. Không dưng thèm bé lại, được hồn nhiên tung tăng cắp sách tới trường như thuở nào.
Nghĩa tình hàng xóm

Nghĩa tình hàng xóm

(GLO)- Mặc dù chuyển đến nơi ở mới đã lâu nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn về thăm những người hàng xóm cũ. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, nói chuyện hoài không hết, tôi lại càng thấm thía hơn lời dạy của người xưa “Hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau”.
Tháng Chín yêu thương

Tháng Chín yêu thương

Ngày đầu tiên của tháng Chín, tôi đi trong nắng thu vàng mà lòng trào dâng nhiều cảm xúc. Xin gửi lời chào tháng mới yêu thương, với Tết Độc lập của dân tộc và những ngày đầu đến trường sau kỳ nghỉ hè.

Chòi rẫy

Chòi rẫy

(GLO)- Trong rẫy của người Jrai bao giờ cũng có một cái chòi. Sau khi thu hoạch nông sản, tất cả sẽ được cất giữ tại chòi rẫy.
Thương những bờ xanh

Thương những bờ xanh

(GLO)- Từng có những bờ xanh thật xanh, mãi cứ ngời biếc ở một khoảng nào đó trong tâm thức chúng tôi, những đứa trẻ đã từng lớn lên giữa trong lành xa xưa ấy.