Măng Đen - Lịch sử dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong lịch sử, địa bàn thị trấn Măng Đen là nơi cư trú lâu đời của người Mơ Nâm - một nhánh của dân tộc Xơ Đăng, thuộc giống người Indonésien (Anh-đô-nê-dieng), nói tiếng Môn Khmer, ngữ hệ Nam Á.

Từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, người Mơ Nâm sống ở địa bàn thị trấn Măng Đen ngày nay vẫn đang là ẩn số đối với các nhà nghiên cứu dân tộc học, chưa ai biết rõ về họ. Các dấu tích và hiện vật khảo cổ về thời kỳ tiền sử vẫn chưa phát hiện. Qua các cứ liệu lịch sử, đặc biệt trong cuốn Vũ Man Tạp lục thư được Ôn Khê Nguyễn Tấn viết vào năm 1871 chỉ nhắc đến dân tộc Ba Nam (tức người Mơ Nâm), sống ở sâu trong rừng rậm nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Ngãi. Về sau, các công trình nghiên cứu về các dân tộc ở Kon Tum và Tây Nguyên chỉ giới thiệu sơ lược, chưa có tính hệ thống, cụ thể về người Mơ Nâm.

 

Người Mơ Nâm trên cao nguyên Măng Đen. Ảnh: Bình Vương
Người Mơ Nâm trên cao nguyên Măng Đen. Ảnh: Bình Vương


Qua nhiều câu chuyện được các “Vi Kră” (chỉ những người già, lớn tuổi trong làng) kể lại, người Mơ Nâm xưa nay vẫn sinh sống trên cao nguyên Kon Plông và tập trung tại các xã Măng Cành, xã Hiếu, thị trấn Măng Đen. Theo truyền thuyết, người Mơ Nâm, Tơ Đrá, Ca Dong, Xơ Teng đều cho rằng: “Trong trận đại hồng thủy, đất trời đen tối, nước dâng cao, làng mạc và cây cối đều ngập nước, chỉ có người phụ nữ và con chó sống sót được khi họ chạy lên những đỉnh núi cao trong vùng”. Ở vùng Mơ Nâm, người ta chỉ đến dấu tích của ngọn núi Ngok K’Bum (trên các bản đồ xưa đều ghi Ngok Boum), ngày nay thuộc làng Đăk Ne, nằm ở trung tâm của xã Măng Cành. Một số người già ở làng Kon Bring còn lưu truyền câu chuyện về Pling Huynh và 7 người con trai là Gu Kăng Đam, Gu Kăng Rpong, Gu Kăng Zơ Ri, Gu Kăng Zui, Gu Kăng Săng, Gu Kăng Lung và Gu Kăng Pô đã xuống vùng đất Diang Rơ Măng (theo tiếng Ba Na Jơ Lâng là chỗ bằng) để tạo nên con người và hình thành 7 ngôi làng của người Mơ Nâm (theo Hồ sơ di tích Lịch sử và Danh thắng Măng Đen, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum năm 2000). Ngày nay, dấu tích của những hồ nước vẫn còn tồn tại và đang được chính quyền địa phương bảo tồn, tu bổ nhằm phát triển du lịch sinh thái.

 

Làng Kon Rleng. Ảnh: Bình Vương
Làng Kon Rleng. Ảnh: Bình Vương

 
Người Mơ Nâm sống theo từng cụm nhỏ và mỗi làng có lãnh thổ riêng được quy định bởi các đời trước và con cháu là người thừa kế và thi hành. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, có một trận dịch đậu mùa xảy ra trên diện rộng, khắp vùng Bắc Tây Nguyên. Những cư dân ở khu vực Kbang của tỉnh Gia Lai đã di cư lên cao nguyên Kon Plông và định cư ở khu vực Kon R’Leng và sống cùng với người Mơ Nâm ở đây. Về sau, nhóm cư dân này vẫn tự nhận mình là người Mơ Nâm (theo lời kể của bà Y Văng (sinh 1930) ở làng Kon Rleng, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông).

Từ thập niên 30 của thế thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp đặt nền cai trị trực tiếp trên địa bàn cư trú của người Mơ Nâm. Tuy nhiên, các ngôi làng của người Mơ Nâm ở địa bàn thị trấn Măng Đen vẫn chưa có sự xáo trộn lớn.

Từ sau năm 1960, với chính sách dồn dân lập ấp của Ngô Đình Diệm, các làng của người Mơ Nâm dồn về khu căn cứ quân sự và trên các trục lộ giao thông, nhằm dễ khống chế và kiểm soát. Từ đó, một số làng có sự thay đổi về vị trí cư trú hoặc một số tên làng không còn tồn tại hoặc hình thành nên một số làng mới trên cơ sở nhiều làng gộp lại. Sau năm 1975, nhiều tên làng của người Mơ Nâm ở thị trấn Măng Đen đã không còn tồn tại vì lý do sáp nhập, chia tách như làng Kon Doa, Măng Gôr, Kon Pet, Kon Vong…

Tháng 9/1975, Huyện ủy Kon Plông quyết định dời toàn bộ cơ quan từ xã Nước Lò (Ngok Tem) về đứng chân tại địa bàn Măng Đen. Tuy nhiên, sau 2 năm, vì gặp phải khó khăn về nước sinh hoạt và thời tiết nên đã dời về thung lũng Đăk Rve. Cho đến năm 1978, Lâm trường Măng Cành được thành lập trên địa bàn Măng Đen, với mục đích trồng rừng và khai thác nhựa thông trên địa bàn Măng Đen đến các xã Măng Cành, xã Hiếu thuộc huyện Kon Plông. Từ đó, một số công nhân người Kinh từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa lần lượt lên đây định cư và làm ăn. Năm 1980, số công nhân ngày càng đông, đã có 20 hộ sống tại ở khu vực Măng Đen gần hồ Đăk Đam và thành một làng nhỏ người Kinh đầu tiên ở Măng Đen, người dân thường gọi là “làng ông Tạn” (ông Nguyễn Như Tạn là Giám đốc Lâm trường nhựa thông Kon Plông, đã giúp nhiều người ở quê Hà Tĩnh lên Măng Đen sinh sống lập nghiệp).

Ngày 31/1/2002, huyện Kon Plông chia tách và thành lập lại, nhiều người dân lên đây buôn bán, làm ăn và sinh sống cùng với số cán bộ công chức, viên chức của huyện được điều động về làm việc. Từ đó, số lượng người Kinh và người Hrê, Ka Dong, Mường… lần lượt có mặt trên địa bàn thị trấn Măng Đen ngày càng đông.

Năm 2004, thành lập thôn Măng Đen trên cơ sở số dân người Kinh ở tại khu vực Lâm trường Măng Cành và thôn Kon Bring, thuộc xã Đăk Long, huyện Kon Plông. Dân số ban đầu có khoảng 300 người. Đây là thôn người Kinh đầu tiên có mặt trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Theo số liệu thống kê năm 2020, thị trấn Măng Đen có tổng dân số là 5.209 người, trong đó, người Kinh có 3.173 người, 1.016 hộ; người Mơ Nâm (Xơ Đăng) có 1.769 người, 603 hộ; người Mường có 55 người, 15 hộ; người Hrê có 27 người,  7 hộ; người Ka Dong có 22 người, 7 hộ và các dân tộc khác có 126 người và 34 hộ. Dân cư ở thị trấn Măng Đen phân bố ở 4 tổ dân phố và 6 thôn Kon Bring, Kon Xuh, Kon Braih, Kon Leng, Vong Kia, Kon Chốt.    



https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/mang-den-lich-su-dan-cu-24306.html

Theo Ngok Linh Nguyên (baokontum)

 

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.