Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 10: 40 năm trọn một chữ tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trở về sau “mưa bom, bão đạn” cựu binh Trần Ánh Yên (SN 1948, trú xóm 6, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) miệt mài thu thập thông tin phần mộ những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. Việc làm thầm lặng của ông hơn 40 năm qua đã góp phần giúp nhiều liệt sĩ trở về với “đất mẹ”.

Trách nhiệm của người còn sống

Nhập ngũ năm 1968, chàng trai trẻ Trần Ánh Yên suốt 2 năm là lính công binh của đoàn 22 thuộc Quân khu 4. Tại đây, ông từng tham gia mở đường, đào hào bảo vệ vùng biển Nghi Lộc, Cửa Lò (Nghệ An). Tiếp đó, ông Trần Ánh Yên được biên chế vào Trung đoàn 271 đi chiến trường Thượng Lào chiến đấu nơi núi rừng hiểm trở. Một năm sau, ông Yên trở về hoạt động ở khu vực đường 9 - Khe Sanh.

Năm 1971, Trung đoàn 271 nhận lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam, tăng cường vào đội hình Đoàn C30B và Sư đoàn 3 (Bộ Chỉ huy miền Nam) chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên. Ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, Trung đoàn 271 của ông thực hiện nhiệm vụ tiếp quản và phát triển tăng gia, sản xuất tại Phước Long (Bình Phước).

Trong Trung đoàn 271 Anh hùng, ông Trần Ánh Yên là một người sống và gắn bó lâu năm nhất từ khi vào lính đến lúc xuất ngũ (1968-1989). Sau nhiều năm chiến đấu gian khổ, năm 1988, ông về đoàn tụ cùng vợ con với quân hàm Đại úy. “Trong quân ngũ, tình đồng chí, đồng đội thắm thiết như tình anh em ruột thịt.

Qua bao nhiêu trận chiến máu và nước mắt, qua bao chiến trường khốc liệt “mưa bom, bão đạn”, tôi chứng kiến bao đồng đội nhẹ thì bị thương, nặng thì vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Sống sót trở về với tôi đó là một niềm hạnh phúc nhưng không vì thế mà tôi quên hết tình đồng chí, đồng đội”, ông Trần Ánh Yên tâm sự.

Ông Trần Ánh Yên cùng đồng đội chụp lưu niệm tại Bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 271 thuộc vùng biên giới huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Ông Trần Ánh Yên cùng đồng đội chụp lưu niệm tại Bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 271 thuộc vùng biên giới huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Từ đó, cựu binh Trần Ánh Yên góp nhặt, dành dụm tiền để mỗi khi có dịp là về lại chiến trường xưa tìm kiếm phần mộ đồng đội nơi núi rừng hoang lạnh. Chậm rãi lật giở từng trang tài liệu tìm kiếm được về thông tin liệt sĩ, người cựu binh tâm sự về những chuyến băng rừng tìm hài cốt đồng đội.

Theo ông Yên, đa phần đồng đội của ông khi hi sinh đều được an táng trong rừng sâu, bởi vậy cuộc hành trình trở lại cũng rất khó khăn. Khi có dịp về lại chiến trường xưa, ông Trần Ánh Yên cố nhớ xem tại đó có bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống rồi ông hỏi người dân xung quanh để lấy thông tin.

Cứ vậy, cuốn sổ ghi danh sách thông tin phần mộ liệt sĩ là đồng đội của ông ngày càng dày thêm. Sau ngày giải phóng, ông không nhớ rõ đã bao nhiêu lần miệt mài hành quân tìm phần mộ đồng đội. Tất cả mọi khoản kinh phí đi lại đều do cá nhân ông tự bỏ ra, không nhờ ai tài trợ.

Quyển sổ ghi danh sách thông tin phần mộ đồng đội là liệt sĩ của Cựu binh Trần Ánh Yên

Quyển sổ ghi danh sách thông tin phần mộ đồng đội là liệt sĩ của Cựu binh Trần Ánh Yên

Cầm hai cuốn sổ ghi danh sách đồng đội đã hy sinh tại các chiến trường cùng những kỷ vật thời chiến, ông Yên cho biết, đó là tài sản lớn nhất của mình. Đến thời điểm này, ông và đồng đội đã lập được danh sách 2.000 ngôi mộ liệt sĩ của Trung đoàn 271, Sư đoàn 302 hy sinh từ năm 1972 đến năm 1977 tại các chiến trường nơi ông đã từng chiến đấu gồm tên tuổi, quê quán, chức vụ, ngày hi sinh, nơi đang yên nghỉ… Nhiều gia đình tìm được phần mộ liệt sĩ rất xúc động nhờ những thông tin mà ông Yên cung cấp.

“Đối với những người như tôi, được trở về đã là may mắn. Bao đồng đội của tôi đã đi mãi không về, bỏ lại đằng sau là mẹ già, em nhỏ… để tôi có được cuộc sống hôm nay. Tìm lại tên cho đồng đội là việc làm để tôi và đồng đội còn sống có thể thay lời tri ân với những người đã ngã xuống”

Cựu chiến binh Trần Yên bộc bạch

Những kỷ vật thời chiến

Những kỷ vật đã theo cựu binh Trần Ánh Yên vào sinh ra tử suốt những năm kháng chiến vẫn còn được lưu giữ như một phần máu, thịt của ông. Số lượng nhiều thêm khi người cựu binh luôn sưu tập khi trở lại chiến trường xưa để tìm đồng đội. Đến giờ, trong căn nhà của ông có hàng trăm kỷ vật chiến tranh. Theo ông, kỷ vật nào cũng quý, cũng gắn nhiều kỷ niệm nhưng như chiếc lưỡi cưa lúc ở nhà nó quá bình thường nhưng với người lính lúc chiến đấu nơi rừng sâu thì đó thật là một dụng cụ quan trọng vì không có nó thì không thể dựng lán trại nên ông vẫn cất giữ rất cẩn thận.

“Kỷ vật lâu nhất, có ý nghĩa nhất là chiếc đài radio. Lúc hành quân trên đường Trường Sơn, ngày đi, đêm nghỉ mang đạn, vũ khí, có chiếc đài của anh chính trị viên phát những bài ca kháng chiến, chương trình thời sự, tuy mệt nhưng vẫn cố gắng theo cho kịp chính trị viên để được nghe tin tức”, ông Trần Ánh Yên kể lại.

Vuốt ve những kỷ vật, ông Yên chỉ rõ công dụng và nguồn gốc xuất xứ của từng vật dụng thân thuộc với người lính từ đơn giản như bi đông, lưỡi cưa, đèn chiến đấu đến những vật dụng phức tạp như ống nhòm, đồng hồ pháo binh, vỏ bom bi. Đặc biệt nhất là chiếc lược nhôm tự tay ông làm để tặng cho người yêu cũng là vợ của ông bây giờ… Tất cả đều được ông nâng niu, cất giữ cẩn thận. “Tôi góp nhặt, giữ lại những kỷ vật này cũng là để luôn nhớ đến một thời oanh liệt mà hào hùng của những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những vật dụng đơn giản nhưng đằng sau nó là biết bao câu chuyện cảm động của những người lính nơi chiến trường”, ông Trần Ánh Yên nói và cho biết, những lúc đồng đội đến chơi, ông thường mang ra để cùng hàn huyên, nhắc lại một thời khói lửa. Sau này ông sẽ dành tặng toàn bộ những kỷ vật của mình cho bảo tàng quân sự Việt Nam.

Không chỉ “nặng tình với đồng đội”, hiện cựu binh Trần Ánh Yên cùng con trai còn sở hữu vườn cây cảnh tiền tỷ. Ông Nguyễn Văn Đường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tràng Sơn (huyện Đô Lương) cho biết: “Cựu chiến binh Trần Ánh Yên là một tấm gương sáng về phẩm chất bộ đội cụ Hồ.

Trở về quê hương, ông Yên không chỉ là một tấm gương làm kinh tế giỏi của xã, hăng hái tham gia mọi phong trào, hoạt động hội mà còn dày công sưu tầm phần mộ những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. Việc làm thầm lặng mà cao cả của ông đã tô thắm thêm đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, giúp được nhiều gia đình tìm được phần mộ liệt sĩ, đưa trở về quê hương”.

Hơn 20 năm trong quân ngũ, cựu chiến binh Trần Ánh Yên được Đảng và Nhà nước tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý như Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất, Huân chương Chiến công… và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc do Nhà nước Campuchia tặng (1979-1999).

(còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.