Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 2: “Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ư(GLO)- Đỗ Trạc thường đọc cho bạn bè ở vùng An Sơn nghe trong giai đoạn anh từ Huế trở về quê để chờ thời, chuẩn bị cho một hành trình mới trong đời, đó là những câu đầy trăn trở trước thời cuộc: “Nào ai tỉnh, nào ai say/Lòng ta ta biết, chí ta ta hay/Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ/Hà tất cùng sầu đối cỏ cây…” (Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác-người theo phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh). Một số thanh niên và trí thức nông thôn ở An Khê bấy giờ đang hoang mang, đứng ở ngã ba đường. Không khí chiến tranh khá ngột ngạt bao trùm khắp nơi, các tổ chức yêu nước bị giặc khủng bố, đàn áp.

Ở Gia Lai, phong trào tiến bộ trong giới công nhân ở các đồn điền của Pháp bị giải tán, thanh trừng. Một nhóm thầy giáo ở Cửu An, Tân An như: Thanh Huy, Nguyễn Đình Bá, Trợ Nhơn có tư tưởng tiến bộ, đấu tranh cho dân chủ, dân sinh đã bị Pháp bắt đi đày. Một số người có tư tưởng dựa vào quân Nhật để chống thực dân Pháp như: Nguyễn Hữu Phương, Đặng Xước, Đỗ Bá… cũng bị Pháp bắt giam khiến lòng người dân rối bời.

Tượng Anh hùng Đỗ Trạc tại trụ sở UBND xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: L.Đ.N

Tượng Anh hùng Đỗ Trạc tại trụ sở UBND xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: L.Đ.N

Khi Đỗ Trạc gác bút nghiên về quê đã chứng kiến nhiều cảnh áp bức của giặc đối với người dân và cảnh bắt bớ, đối xử bất công với giới trí thức ở địa phương nên anh hết sức cảnh giác, bình tĩnh để nhìn rõ con đường mình phải đi. Một số người tiếp cận với Đỗ Trạc, thấy anh có bằng cấp, hiểu biết rộng và nhanh nhẹn, họ khuyên: “Anh có tri thức nên xin vào làm viên chức cho các công sở để có đồng lương nuôi bản thân, gia đình và có chút địa vị trong xã hội! Bây giờ, ở nhà làm nông khó đủ cơm no, áo mặc, thuế má thì cao, cực khổ trăm bề. Anh được cha mẹ cho ăn học đến chừng ấy mà không chịu ngồi bàn giấy để chân lấm tay bùn làm sao đáp trả công ơn sinh thành, dưỡng dục của phụ thân?”.

Kể ra, họ nói cũng có cái lý. Biết bao người cũng học hành như anh, cũng đang làm việc trong bộ máy công quyền của chúng đấy thôi! Nhiều người trong đó còn âm thầm tìm cách giúp hoặc tham gia các tổ chức yêu nước để chống lại bọn thực dân, như ông Nguyễn Đường, Phan Bá… đang làm Thư ký Tòa sứ, Tòa Hành chính ở Pleiku; mấy ông này luôn tìm cách chống lại bọn Tây và thường bị chúng để ý và kỷ luật…

Nói thì đơn giản vậy nhưng trong thực tế có lắm điều phức tạp mình không thể lường hết được. Anh Đỗ Trạc đem những điều băn khoăn, lưỡng lự đó tâm sự với cha mẹ và anh chị em trong gia đình. Cha anh-ông Đỗ Chuyên, người trọng nghĩa khí-đã khuyên con trai: “Gia đình mình xưa nay không có ai làm gì cho giặc để mang tiếng là kẻ phản quốc. Giữa thời buổi loạn ly thế này, con không thể ra tiếp tay với lũ tham tàn đó được. Con có học hơn người nên nghĩ ra một công việc làm ăn lương thiện để kiếm sống, lập gia đình. Cha tin rằng sức dài vai rộng, có tri thức như con không thể thất nghiệp được”.

Những lời của cha già, Đỗ Trạc thấm tận tâm can. Những suy tư trong anh bấy lâu nay đã bật dậy với một quyết tâm để không lãng phí thời gian của tuổi thanh xuân.

Trước hết, anh nghĩ cần phải thể hiện mình có thực lực mới mở rộng được thanh thế và tập hợp được lực lượng, tìm ra con đường chính nghĩa mới có thể tham gia vào chuyện đại sự. Muốn đứng vững phải có nghề nghiệp ổn định. Nghĩ vậy, Đỗ Trạc bàn với gia đình hỗ trợ anh ít vốn ban đầu ra An Khê tìm chỗ thuận lợi để thuê làm nơi mở tiệm cho thuê sách báo và lập hiệu thuốc để chữa bệnh cho dân. Đây là 2 lĩnh vực khả năng anh có thể tự xoay xở được, với lại ở miền sơn cước này ít người kinh doanh. Riêng lĩnh vực sách báo, dường như ở đây chưa có tư thương nào mở tiệm cho thuê. Sách cũ của anh sau bao năm học tập, vừa mua vừa được bạn bè tặng cho anh đem về nhà cũng kha khá, cộng với số sách huy động đóng góp của một số thầy giáo, giới trí thức ở địa phương. Báo chí thì anh đặt một số loại báo có tư tưởng tiến bộ với giá gốc của các tòa soạn có chiết khấu công phát hành.

Công việc này tuy không giàu có gì nhưng đổi lại cung cấp, phổ biến được tri thức, thông tin cho người dân. Còn sở trường bốc thuốc Bắc-Nam, anh Đỗ Trạc được thừa hưởng từ người cha. Sau này ra Huế học, anh có giao du với một số lương y nên học được những bài thuốc cơ bản chữa các bệnh thông thường, đồng thời đọc toa bằng Hán tự (Hán dược) để bốc thuốc cho bệnh nhân. Hành nghề được một thời gian có tiến triển khá, anh Đỗ Trạc mở rộng giao lưu, nhất là giới trí thức nông thôn và thanh niên trong vùng thường xuyên gặp gỡ trao đổi vấn đề chính trị-xã hội, chuyện thời sự, tình hình trong nước và quốc tế.

Có được chút vốn, Đỗ Trạc kết hợp với anh cả ở An Điền để mở lò gạch và sắm mấy cỗ xe bò chở hàng hóa, vật liệu để phục vụ người dân. Nhờ vùng đất An Điền-Cửu An có chất đất sét phù hợp và những người thợ lành nghề ở Bình Khê lên giúp nên lò gạch-ngói của anh em nhà Đỗ Trạc làm ăn phát đạt, nhận được nhiều đơn hàng của người dân. Công việc làm ăn khá thuận lợi nhờ sự tính toán hợp lý, giao thương rộng rãi và giá cả phải chăng nên chuyện thiếu ăn thiếu mặc đến thời điểm này anh Trạc có thể lo cho cha mẹ già chu toàn. Thời gian rảnh, anh tham gia công tác xã hội, giúp đỡ những gia đình hoạn nạn, nghèo đói, vận động thanh niên rèn luyện thân thể, đọc sách báo mở mang trí lực.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.