Lưu giữ hương vị mứt truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giáp Tết Nguyên đán, những người làm mứt truyền thống tại Trung tâm Thương mại Pleiku đang tất bật đẩy nhanh tiến độ sản xuất để phục vụ nhu cầu của người dân. Bao năm qua, họ vẫn gắn bó với nghề, lưu giữ hương vị mứt truyền thống, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Giữa không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết, ở một góc nhỏ tại Trung tâm Thương mại Pleiku có 6 người phụ nữ đang miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn chế biến các loại mứt, như: mứt gừng, dừa, đậu…

Nhanh tay đảo đều mẻ mứt gừng trên bếp than đang đỏ lửa, bà Nguyễn Thị Nhung (tổ 3, phường Ia Kring) chia sẻ: Trước đây, nhóm của bà chỉ bán trái cây ở Trung tâm Thương mại Pleiku. Để có thêm thu nhập, vào mỗi dịp Tết, mọi người làm thêm mứt để bán. Dần dần, họ quen nhau và quyết định kết hợp để tạo nên gian hàng mứt này. Thời gian thấm thoắt trôi, nhóm của bà đã cùng nhau làm mứt truyền thống tại Trung tâm Thương mại Pleiku đến nay được 27 năm.

Để có được những mẻ mứt thơm ngon, hàng ngày, từ sáng sớm, các thành viên trong nhóm cùng nhau lựa chọn những củ gừng to, không quá già hay non và những quả dừa có độ dày cơm vừa phải để làm mứt. Mỗi người đảm nhận một công đoạn khác nhau từ việc rửa gừng, thái gừng, thái dừa đến nấu mứt.

ba-le-thi-cam-dang-chuan-bi-mut-gung-giao-cho-khach-anh-dong-lai.jpg
Bà Lê Thị Cẩm (tổ 1, phường Phù Đổng) chuẩn bị mứt gừng giao cho khách. Ảnh: Đ.L

Bà Lê Thị Cẩm (tổ 1, phường Phù Đổng)-thành viên của nhóm-cho hay: Làm mứt dừa đòi hỏi kỹ thuật và sự tỉ mỉ trong việc lựa chọn cơm dừa. Nếu muốn mứt giòn, chọn cơm dừa già; còn nếu muốn mứt dẻo, lại chọn cơm dừa non. Cơm dừa sau khi được tách, rửa sạch thì đem đảo đều với đường cho đến khi có độ khô vừa phải, lưu giữ hương vị thơm ngon tự nhiên.

Còn với mứt gừng, phải lựa chọn những củ gừng tươi, gọt vỏ, thái mỏng và ngâm kỹ. Quá trình rim gừng trên bếp cần nhỏ lửa để đường tan chảy đều, thấm sâu vào từng lát gừng. Bí quyết để mứt gừng có màu vàng tự nhiên và vị cay nhẹ đặc trưng chính là việc sử dụng chanh và quất để làm trắng gừng một cách tự nhiên, không sử dụng phẩm màu hay chất bảo quản.

Quy trình làm mứt gừng truyền thống của những người phụ nữ tại Trung tâm Thương mại Pleiku (TP. Pleiku). Thực hiện: Đồng Lai

Vừa xắt xong rổ gừng để mang đi ngâm chuẩn bị cho mẻ mứt mới, chị Nguyễn Thị Linh (tổ 3, phường Ia Kring) vừa vui vẻ chuyện trò. Chị kể: Ngày xưa, tôi chỉ làm mứt một mình, số lượng ít để mang ra chợ bán. Dần dần, nghề này trở thành niềm đam mê của tôi.

Bây giờ, chúng tôi tập hợp lại để làm số lượng mứt nhiều hơn nhằm cung cấp cho các cửa hàng, các chợ trong thành phố và một số khu vực lân cận. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, mỗi ngày, cả nhóm làm hơn 50 kg mứt các loại.

Là khách hàng quen thuộc của nhóm trong mỗi dịp Tết, chị Nguyễn Thị Hồng (tổ 4, phường Tây Sơn) chia sẻ: “5 năm qua, Tết nào, tôi cũng mua mứt tại đây. Không chỉ gia đình tôi yêu thích hương vị đậm đà, đúng điệu của mứt truyền thống mà nhiều người khi thưởng thức cũng đều tấm tắc khen ngợi và hỏi địa chỉ để mua. Mứt được làm hoàn toàn thủ công nên giữ được hương vị tự nhiên và thơm ngon hơn so với các loại mứt công nghiệp”.

cac-nghe-nhan-dang-tat-bat-lam-nhung-me-mut-truyen-thong-de-phuc-vu-cho-khach-hang-anh-dong-lai.jpg
Các “nghệ nhân” đang tất bật làm những mẻ mứt truyền thống để phục vụ khách hàng. Ảnh: Đồng Lai

Làm mứt thủ công là một nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, từ việc chọn nguyên liệu cho đến việc nấu từng mẻ mứt. Dù công việc có vất vả nhưng đối với những người phụ nữ này, đó là niềm đam mê.

“Chúng tôi hy vọng rằng, thế hệ trẻ hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Những mẻ mứt thủ công không chỉ mang lại hương vị Tết mà còn là món quà tinh thần đong đầy tình cảm và sự đam mê của những người làm nghề”-bà Cẩm bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

Lên núi săn cua đá

Lên núi săn cua đá

(GLO)- Nằm ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai, nơi dòng sông Ayun hợp lưu với dòng chính sông Ba, thung lũng Ayun Pa không chỉ sở hữu đất đai phù sa màu mỡ mà còn đầy ắp sản vật. Một trong số đặc sản của vùng là cua đá.

Giữ hương rượu cần Ia Peng

Giữ hương rượu cần Ia Peng

(GLO)- Nhiều năm qua, bà con Jrai ở buôn Sô Ma Hang B (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đang từng ngày lưu giữ hương rượu cần truyền thống như một cách bảo tồn nét văn hóa của dân tộc mình.

Chị Nay H'Tó (buôn Phu Ma Miơng, xã Ia Rtô) khởi nghiệp với thịt heo gác bếp và rượu cần. Ảnh: Vũ Chi

Về làng thưởng thức thịt heo gác bếp

(GLO)-Nói đến văn hóa ẩm thực của đồng bào Jrai tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) không thể không nhắc đến thịt heo gác bếp. Với hương vị thơm ngon, béo ngậy, thịt heo gác bếp đã thành một đặc sản mà bất kỳ ai khi xuống buôn làng ngày Tết đều muốn một lần thưởng thức và cảm nhận.

Độc đáo món anam tơpung của người Jrai

Độc đáo món anam tơpung của người Jrai

(GLO)-Mỗi khi gia đình có hiếu hỉ, người Jrai thường nấu nhiều món ăn truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong số đó, không thể không nhắc đến món anam tơpung, một món canh bột độc đáo và hấp dẫn.

Bay xa hương rượu cần Ia Yeng

Bay xa hương rượu cần Ia Yeng

(GLO)- Nhờ duy trì cách làm men rượu từ những loại rễ cây, bà con Jrai ở xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã làm ra mẻ rượu cần thơm ngon. Từ đó, góp phần gìn giữ loại men rượu cần độc đáo, tạo cơ hội cho hương rượu cần Ia Yeng bay xa và đem về nguồn thu nhập ổn định cho mỗi gia đình.

Chợ chiều Phú Túc

Chợ chiều Phú Túc

(GLO)-

Có ai đó đã từng nói, muốn tìm hiểu về một vùng đất, hãy đến phiên chợ của nơi ấy. Và chợ chiều thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) là nơi như thế khi hội tụ những nét đặc sắc rất riêng của miền quê vùng chảo lửa mà hiếm nơi nào có được.