Theo Bộ Y tế, tại VN tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi đang giảm dần. 10 năm qua từ 2010 - 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi toàn quốc giảm từ 29,3% xuống 19,6%.
Tuy nhiên, tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi hằng năm đang chậm lại, ở mức dưới 1%/năm kể từ 2015. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ học đường (5 - 19 tuổi) vẫn còn ở mức 14,8%. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi gầy còm cũng giảm từ 7,1% xuống 5,2% (năm 2020). Suy dinh dưỡng thấp còi cản trở việc đạt chiều cao tối đa khi trưởng thành.
Mức tiêu thụ rau quả ở người trưởng thành VN mới chỉ đạt hơn 66% so với khuyến nghị. Ảnh: shutterstock |
Đáng lưu ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì (liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn và lối sống) đang gia tăng nhanh chóng ở mọi lứa tuổi cả ở thành thị và nông thôn.
Thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% (9,8% ở thành thị; 5,3% ở nông thôn); với trẻ em lứa tuổi học đường là rất cao, ở mức 19%. Kèm theo đó là hệ lụy gia tăng các rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng và mắc các bệnh không lây nhiễm ở người trưởng thành.
Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân, béo phì là 15,6% (theo Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015) và tiếp tục gia tăng. Cũng theo điều tra này, tỷ lệ người trưởng thành có tăng huyết áp là 18,9%; tỷ lệ người trưởng thành mắc đái tháo đường là 4,1%; tỷ lệ người trưởng thành có rối loạn mỡ máu là 30,2%.
Về khẩu phần ăn, nhìn chung đã có những cải thiện tích cực về năng lượng trung bình trong khẩu phần, ước hiện đạt 2.023 Kcal/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1.925 Kcal/ngày (năm 2010).
Đáng lưu ý, mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm; mức ăn rau quả của người dân đã được cải thiện: từ 190,4 gr rau/người/ngày; 60,9 gr quả chín/người/ngày (năm 2010) lên mức 231 gr rau/người/ngày; 140,7 gr quả chín/người/ngày (năm 2020). Tuy nhiên, mức tiêu thụ rau quả ở người trưởng thành mới chỉ đạt khoảng 66,4 - 77,4% so với khuyến nghị. Trong khi đó, mức tiêu thụ thịt tăng nhanh từ 84 gr/người/ngày (năm 2010) lên 136,4 gr/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn ở mức 155,3 gr/người/ngày. Đặc biệt, học sinh ở thành phố có xu hướng gia tăng tiêu thụ nước ngọt và thực phẩm chế biến công nghiệp.
Với những thống kê trên, Bộ Y tế và các bộ ngành bổ sung, hoàn thiện các chính sách, quy định để kiểm soát việc quảng cáo các thực phẩm, sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em và phụ nữ có thai; chính sách để giảm tiêu thụ muối trong khẩu phần, hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường và thực phẩm siêu chế biến; rà soát, bổ sung bảng thành phần thực phẩm khuyến nghị dinh dưỡng cho người VN; rà soát, bổ sung hướng dẫn quốc gia về khẩu phần, thực đơn cho đối tượng khác nhau, hoạt động thể lực cho người VN (theo nhóm tuổi, loại hình lao động, tình trạng sinh lý và sức khỏe); hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giảm muối; hướng dẫn phòng chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.
Theo Nam Sơn (TNO)