'Luật ngầm' ở các khu du lịch biển: Mối quan hệ 'cộng sinh'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo lời kể của các tài xế xe điện thì nguồn thu chính của họ là từ tiền hoa hồng, tiền ăn chênh lệch giá mua bán hải sản. Chính vì thế, nhiều năm qua tại các khu du lịch biển, nhiều người tự phát mua xe điện 4 bánh để chở khách dù không đầy đủ giấy tờ, thủ tục.

ĂN CHIA HOA HỒNG TỶ LỆ 50 - 50

PV Thanh Niên tiếp tục tìm hiểu về vấn nạn tài xế xe điện chèo kéo, ăn chia hoa hồng với chủ các cửa hàng bán hải sản ở TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa). Những "chuyện trong nghề" của giới xe điện dần được tiết lộ khi PV trong vai một khách du lịch sử dụng dịch vụ xe điện tham quan các khu vực bán hải sản ở Sầm Sơn. Trong quá trình chở PV trải nghiệm các chợ, khu vực bán hải sản, một tài xế có nhiều năm hành nghề lái xe điện ở TP.Sầm Sơn cho biết hoa hồng giữa xe điện với các chủ cửa hàng bán hải sản ở đây được chia theo tỷ lệ 50 - 50 của tổng số tiền bán hàng hóa.

Một cửa hàng bán hải sản ở KDL biển Hải Tiến không niêm yết bảng giá

Một cửa hàng bán hải sản ở KDL biển Hải Tiến không niêm yết bảng giá

Tài xế này kể: "Ở đây, các loại hải sản đều do chủ cửa hàng làm giá rồi bán, chứ xe điện bọn em không được làm giá. Còn hoa hồng thì chủ yếu chia theo tỷ lệ 50 - 50. Chủ cửa hàng bán 100.000 đồng/lít nước mắm thì cắt cho xe điện chúng em 50.000 đồng. Một số hàng khác, như 1 kg mực khô bán ra thì bọn em được chủ cửa hàng cắt cho 30.000 đồng, 1 kg ghẹ được cắt 50.000 đồng, cua biển thì được từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, tùy vào giá cửa hàng bán được cao hay thấp".

Ở đây, các loại hải sản đều do chủ cửa hàng làm giá rồi bán, chứ xe điện bọn em không được làm giá. Còn hoa hồng thì chủ yếu chia theo tỷ lệ 50 - 50. Chủ cửa hàng bán 100.000 đồng/lít nước mắm thì cắt cho xe điện chúng em 50.000 đồng...

Một tài xế xe điện ở TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa)

Khi PV có ý sẽ mua hải sản về làm quà, người tài xế này liền chào rằng cửa hàng mà anh chuyên chở khách đến bán có giá "mềm", hàng đảm bảo chất lượng hơn. Rồi người này chở PV đến một cửa hàng bán hải sản có quy mô lớn ở khu phố Nam Hải (P.Trung Sơn, TP.Sầm Sơn). Đây cũng là khu vực tập trung nhiều nhất các cửa hàng chuyên bán hải sản cho khách du lịch. "Đại lý này em hay chở khách vào đây. Vừa rồi các anh mua 3 kg cá thì em được chia hoa hồng 20.000 đồng/kg", người tài xế xe điện không ngần ngại khoe thành quả của mình.

Theo tìm hiểu của PV, tài xế xe điện ở Sầm Sơn ngoài được ăn chia tiền hoa hồng mua bán hải sản, vào mỗi đầu mùa du lịch các xe điện còn được chủ cửa hàng hải sản cho tiền đầu xe, dao động 12 - 15 triệu đồng/xe, tùy vào tài xế nào chở được nhiều hay ít khách.

Xe điện tập trung tại khu vực có nhiều cửa hàng bán hải sản ở KDL biển Hải Tiến

Xe điện tập trung tại khu vực có nhiều cửa hàng bán hải sản ở KDL biển Hải Tiến

Theo ghi nhận của PV, một thực trạng phổ biến ở các khu du lịch (KDL) biển, đặc biệt là KDL biển Hải Tiến (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), hầu hết các cửa hàng bán hải sản đều không treo bảng niêm yết giá. Đây có lẽ là kẽ hở để tài xế xe điện hoặc chủ cửa hàng mặc sức đưa ra giá cả với khách. "Thuận mua vừa bán thôi, mình thấy họ đưa ra giá rồi mình trả giá, họ bán thì mình mua. Còn về bảng niêm yết giá thì mình không thấy họ treo", một nữ du khách ở tỉnh Nam Định chia sẻ sau khi mua hải sản về làm quà tại KDL biển Hải Tiến.

Thực tế, dù du khách mua được hàng với giá như thế nào, hoặc cảm thấy không bị "chặt chém", nhưng thực ra giá trị trong mỗi món hàng họ mua đã phải chịu "luật ngầm" về giá để các chủ cửa hàng đảm bảo vừa có lãi, vừa có chênh lệch trả cho tài xế xe điện chở khách đến.

GIÁ XE ĐIỆN ĐẮT GẤP ĐÔI VẪN KHÔNG CÓ ĐỂ MUA

Chính vì nguồn thu "khủng" từ tiền hoa hồng, tiền chênh lệch giá hải sản và tiền đầu xe, nên nhiều năm qua ở các KDL biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, người dân đổ xô mua xe điện để hoạt động trái phép. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, các lực lượng chức năng gắt gao hơn trong việc dẹp bỏ xe điện trái phép, nên nhu cầu mua được xe điện của các doanh nghiệp (DN) được cấp phép hoạt động ngày càng cao, khiến giá xe điện tăng gấp đôi vẫn không có để mua.

Một khu vực tập trung nhiều cửa hàng bán hải sản ở TP.Sầm Sơn

Một khu vực tập trung nhiều cửa hàng bán hải sản ở TP.Sầm Sơn

Một tài xế xe điện ở KDL biển Hải Tiến tiết lộ rằng để mua được xe điện có đầy đủ thủ tục pháp lý từ các DN được cấp phép kinh doanh, phải mất số tiền gấp đôi giá trị thực của xe. "Giờ phải mua xe lại của công ty nhưng giá đắt lắm. Giá mỗi chiếc từ 420 - 450 triệu đồng. Trong khi giá trị thật của xe chưa tới 200 triệu đồng. Dù giá cao như thế nhưng ở đây nhiều người có nhu cầu mua. Mỗi mùa du lịch ở đây, trung bình một chiếc xe điện như của tôi kiếm được khoảng 150 - 160 triệu đồng", tài xế này cho hay.

Tình trạng xe điện làm xấu xí hình ảnh du lịch biển từng được lãnh đạo TP.Sầm Sơn nhắc đến nhiều lần. Trong cuộc họp báo trước mùa du lịch biển năm 2023, ông Lương Tất Thắng, Bí thư Thành ủy TP.Sầm Sơn, khẳng định: "Hình ảnh du lịch Sầm Sơn hoen ố và xấu đi, có đến 70% là do mấy "ông" xe điện này lừa khách, chở khách đi ăn một nhà hàng quen, nhưng khách không đồng ý thì mấy ông xe điện lại đuổi khách xuống xe. Thậm chí còn gạ khách đi mua nước mắm linh tinh, đồ hải sản không đảm bảo chất lượng, đậu đỗ bừa bãi, chạy ngang chạy dọc, lấn làn lạng lách vi phạm". Cho đến nay, theo ghi nhận của PV Thanh Niên thì tình trạng xe điện chở khách vẫn đang có nhiều tác động xấu đến hình ảnh các KDL biển.

Dù tình trạng cửa hàng bán hải sản ở các KDL biển đa phần không niêm yết giá, tình trạng xe điện gây nhiễu loạn thị trường, giá cả, nhưng khi hỏi về việc kiểm soát giá cả, hàng hóa tại các KDL biển ở Thanh Hóa, ông Lê Thế Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Thanh Hóa, cho rằng thời gian qua đơn vị này đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật.

Cũng theo ông Anh, trước mỗi mùa du lịch biển, Cục QLTT Thanh Hóa thường ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý nhà nước đến các Đội QLTT số 2 (quản lý địa bàn TP.Sầm Sơn), Đội QLTT số 3 (địa bàn H.Hoằng Hóa) để quản lý, giám sát chặt chẽ, và xử lý nghiêm về hành vi không niêm yết giá, và bán không theo giá niêm yết. Và kết quả của việc kiểm tra, giám sát từ năm 2022 đến ngày 23.5, lực lượng QLTT Thanh Hóa chỉ phát hiện, xử phạt 28 vụ, với tổng số tiền hơn 26,2 triệu đồng về hành vi không niêm yết giá.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 11 DN được cấp phép thí điểm sử dụng xe điện 4 bánh chở khách du lịch, với tổng số 659 xe. Trong đó, TP.Sầm Sơn có 474 xe, H.Hoằng Hóa 180 xe, H.Cẩm Thủy 5 xe. Ngoài ra, có 125 xe điện 4 bánh do người dân tự mua không đủ điều kiện để đăng ký, đăng kiểm, và nhiều năm qua vẫn lén lút hoạt động, đặc biệt là tại KDL biển Hải Tiến. Theo đánh giá của Sở GTVT Thanh Hóa, hoạt động của xe điện 4 bánh trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: tình trạng chèo kéo, tranh giành khách; gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; chưa chấp hành đầy đủ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước cũng như của DN; hoạt động không đúng phạm vi cho phép...

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.