Các hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào dịp Đại hội Đảng các cấp tiến đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, vấn đề nhân sự và lựa chọn cán bộ là một trong những mối quan tâm lớn của không chỉ các đảng viên mà còn của người dân.
Bác Hồ với công nhân xe lửa. Tranh sơn dầu của họa sĩ Phạm Lung (1970) |
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt một cách cụ thể và thiết thực: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Muốn vậy “phải biết rõ cán bộ”, “phải cất nhắc cán bộ cho đúng”; “phải khéo dùng cán bộ”;“phải giúp cán bộ cho đúng”; “phải giữ gìn cán bộ”…
4 chữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra, đòi hỏi với cán bộ “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” thì chữ “Liêm” được Bác nhắc đến nhiều.
Tháng 11.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời trước kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch: “Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân”. Người khẳng định: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ đó giữ địa vị nào, làm nghề gì”.
Hơn nửa thế kỷ, cho đến nay, nhiều cán bộ không giữ được chữ Liêm, thậm chí cả những cán bộ cấp cao bị kỷ luật, bị xử lý trước pháp luật thì việc đòi hỏi “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” đối với công tác cán bộ đặt ra bức thiết. Trong đó phải thẳng tay loại bỏ cán bộ “bất liêm” như lời Bác.
Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”. Trong đó, một trong những nội dung trọng tâm là kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII những người: Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”.
Đảng không cấm cán bộ làm giàu, không cấm cán bộ đem trí tuệ, công sức của mình ra để mang lại ấm no cho gia đình. Thậm chí việc làm giàu chính đáng, hợp pháp cần được khuyến khích bởi có như vậy cán bộ mới hướng dẫn, chỉ đạo người dân làm giàu, đem tâm huyết, trí tuệ để làm giàu cho đất nước.
Cán bộ nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản vẫn giữ được chữ Liêm nếu làm ăn chính đáng, đúng pháp luật. Chỉ có những người giàu bất thường bởi “đục khoét”, “ăn của đút”, “dĩ công vi tư” thì cần lên án và thẳng tay loại trừ bằng quy định của Đảng, bằng pháp luật.
Có như thế, chúng ta mới có được lực lượng cán bộ tốt, có Đức có Tài, đất nước ta sẽ thực hiện được “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là nguyện ước của Bác lúc sinh thời và mong mỏi của toàn dân.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/lua-chon-can-bo-va-chu-liem-cua-bac-806323.ldo
Theo Hoàng Lâm (LĐO)