Loạn 'thần y'- Bài 1: Chữa bách bệnh bằng dao lam, nện và… chuối

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
L.T.S: Trong thời đại mà công nghệ hiện diện ở mọi mặt của đời sống thì sự tồn tại của những “thần y” dỏm, chữa bệnh bằng phương pháp phản khoa học tưởng chừng lạc quẻ. Vậy nhưng, họ vẫn có đất sống bởi vẫn có một bộ phận người dân tin tưởng vào cách chữa bệnh “lành ít dữ nhiều” này. Chúng tôi đã thâm nhập thực tế nhiều điểm chữa bệnh theo phong cách… lang băm, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. 
Không cần uống bất cứ loại thuốc nào, chỉ đến nhà ngồi hoặc nằm tùy thích và ăn trái cây rồi hấp thụ “khí” tỏa ra từ “Ông Trời” là có thể chữa được trăm thứ bệnh, kể cả ung thư, HIV... 
Bệnh là do nghiệp tạo ra
Trưa 19-3, viện lý do có người nhà đang bị bệnh phong ngứa, chúng tôi tìm đến nhà ông Trịnh Xuân Vượng (ở tổ 8, khu phố 2, phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai), người tự xưng là “Ông Trời” có thể chữa được trăm thứ bệnh. 
Ông Vượng kéo chúng tôi ngồi bệt xuống nền nhà, luyên thuyên một hồi rồi kết luận, bệnh phong ngứa là do nghiệp tạo ra, không có thuốc nào có thể chữa được, chỉ có ông chữa được thôi. Cụ thể, ông này nói, do… kiếp trước, không chỉ một mà hàng trăm kiếp trước, người nhà chúng tôi làm nghề chế biến sứa biển nên giờ sứa “xổ” ra gây ngứa. “Tối nay, đúng 19 giờ, cứ đem người nhà tới đây ngồi hay nằm tùy thích, ăn trái cây, uống nước máy rồi “hấp thụ khí” để cho chất độc “xổ” hết ra ngoài thì bệnh sẽ khỏi. Nếu vẫn chưa hết thì ông sẽ đắp và bó thêm bánh mì cho, loại này hút chất độc nhanh, đảm bảo chỉ một thời gian ngắn khỏi bệnh nên cứ yên tâm”, ông Vượng nói. Trước khi về, chúng tôi nói có một người hàng xóm bị ung thư vú giai đoạn cuối, bệnh viện chữa không khỏi, trả về nhà, đang nằm chờ chết. Nghe xong, ông Vượng khẳng định: “Ông chữa được hết, cứ bảo họ tới đây. Bệnh là do nghiệp tạo ra, kiếp trước do người này cắn người ta nên giờ bị bệnh ung thư vú thôi, cứ đến ông hấp thụ “khí” sẽ được hóa giải và sẽ khỏi bệnh”. 
Đúng giờ hẹn, tôi dẫn một đồng nghiệp (đóng giả người nhà bị bệnh) tới nhà ông Vượng. Ông yêu cầu bệnh nhân ngồi duỗi thẳng hai chân để ông trị bệnh. “Ông trông người mày toàn ma khí xanh xanh, đỏ đỏ và hôi tanh lắm nên cố gắng ngồi cho nó “xổ” hết ra ngoài”, ông Vượng nói trong lúc thực hiện động tác mà ông nói là hấp thụ khí để thải độc ra khỏi cơ thể người bệnh.
Ngồi một lát, có thêm một người phụ nữ người xanh xao, gầy gò tìm đến. Theo lời ông Vượng, đó là chị H., bị ung thư tử cung giai đoạn cuối và đi khám, chữa tại các bệnh viện nhưng bệnh không khỏi. Từ khi đến nhờ ông, bệnh thuyên giảm nhanh chóng và sắp khỏi. Và dĩ nhiên, bệnh của chị H. cũng do… nghiệp tạo ra. Nói rồi, ông Vượng cũng lấy một trái chuối và một trái ổi đưa cho chị H. và bảo ngồi xuống cạnh mọi người. Chúng tôi đánh tiếng hỏi chị H. có ổn không thì nhận được câu trả lời ổn và vì bệnh sắp khỏi rồi!
Chỉ trong vòng một giờ, chúng tôi đếm được khoảng 10 người, cả nam và nữ, chủ yếu là trung niên và người già với đủ thứ bệnh hiểm nghèo đến nhà của ông Vượng để chữa bệnh. Và khi tới đây, ông Vượng đều phát cho họ một trái chuối và một trái ổi rồi ngồi dưới nền gạch ăn, ăn xong thì rót nước máy chứa trong những chiếc bình nhựa xanh bám nhiều bụi để ở góc sân ra uống. 

 
Bệnh chi cũng “nện” 
“Tiếng lành đồn xa”, rằng thầy Tư Tịnh (tên thật là Bùi Văn Tịnh, thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) là đệ tử của “thần y” Võ Hoàng Yên, chữa được bách bệnh, từ nặng cho đến bệnh nhẹ, chúng tôi liền tìm đến.
Cách cơ sở của thầy Tư khoảng 3km, chúng tôi hỏi người bán hàng rong về cơ sở của thầy Tư. Họ phản ứng liền: “Thời buổi này bệnh đi khám bác sĩ chứ tìm ông Tư Tịnh làm chi, người già cả thiếu kiến thức tìm đến không nói, mấy anh chị trẻ tuổi vậy mà cũng tin. Vô đó ổng đạp, đánh cho mà tè ra quần, chứ có thấy ai hết bệnh đâu”. Người này nói tiếp, trước đây thầy Tư gặp thời nên khách đến đông lắm, toàn khách thập phương, giờ thì bị chính quyền “tuýt còi” nên thưa khách, nhưng vẫn hoạt động lén lút. 
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến đúng cơ sở của thầy Tư, người trong nhà thấy chúng tôi lạ mặt nên trả lời dứt khoát là thầy đã nghỉ chữa bệnh. Chúng tôi đành ra quán nước gần đó, cậy nhờ mấy người ngồi trong quán nói giúp. Vào được nhà thầy Tư thì nghe người trong nhà báo thầy đã đi TPHCM học nghiệp vụ y, giờ có đệ tử của thầy Tư làm thôi. Trong tích tắc, một người đàn ông lục tuần đến. Họ trải chiếu trên bộ đi văng, bảo chúng tôi thay đồ.
Vị đệ tử của thầy Tư không nói không rằng, không bắt mạch, chỉ hỏi vài câu bâng quơ: bệnh sao, đau nhức ở đâu. Chúng tôi bảo là thoái hóa đốt sống cổ và đau nhức phía sau ngang thắt lưng. Vậy là ngồi quay lưng lại, lưng thẳng, chân duỗi thẳng. Thầy nói, ngồi như vậy để “nện” từ trên xuống cho đau nhức theo đó đi ra ngoài. Vị này bắt đầu xoa dầu nóng ở những chỗ vừa nói, rồi dùng một “dụng cụ” giống như cái bình nước, có tay cầm, được đúc bằng inox đặc, rất cứng và nặng. Thầy bắt đầu chữa bệnh bằng những động tác nện liên tục vào những chỗ đau mà bệnh nhân vừa “khai báo”, bắt đầu từ cổ, theo đường xương sống cho đến thắt lưng. Ban đầu là theo “nhịp điệu”, càng về sau là “liên khúc”, chúng tôi phải chịu đựng khoảng 20 phút. Thầy bảo: Mấy anh to con “nện” vậy mau hết bệnh, chứ gặp mấy người già, lớn tuổi thì “nện” nhẹ nên lâu hết lắm! Thiệt tình, sức thanh niên như chúng tôi mà chịu không nổi thì bô lão, có nhẹ hơn thì cũng chịu gì xiết. 
Vị đệ tử chân truyền của thầy Tư bật mí, chữa như vậy thì bệnh gì chữa cũng hết, kể cả viêm gan. Còn đau nhức nhẹ thì làm một lần này là về hết nhức liền, nhưng phải kết hợp dùng thuốc (10 gói nhỏ) được thầy Tư biệt chế, với giá là 100.000 đồng/gói. Sau đó, thầy mở tủ, lấy ra 2 bọc thuốc được chuẩn bị sẵn đưa cho chúng tôi, nói là chữa bách bệnh, nhưng ngoài nhãn mác, chỉ ghi “Gia truyền, đặc trị: nhức khớp, tê mỏi”. Tuy nhiên, điều làm cho chúng tôi lo lắng là nhãn mác có đề một câu “dùng trong cơ sở không được bán ra ngoài”. Vậy trước giờ, thuốc này ai kiểm định? 
Trước khi rời cơ sở khám chữa bệnh của thầy Tư ở An Giang, một người phụ nữ còn đưa 1 xấp danh thiếp, nhờ chúng tôi phát cho mọi người để biết tìm đến điều trị. Trong danh thiếp ghi những lời giới thiệu như “Hoa Đà” tái thế: “Chữa ung thư, trĩ nội, trĩ ngoại, chữa câm điếc, chữa viêm xoang, chữa đau nhức xương khớp…”. Không biết phác đồ điều trị cho bá tánh của thầy Tư và các đệ tử chân truyền có hiệu quả không, nhưng riêng chúng tôi, điều trước tiên phải làm là mua thuốc tan máu bầm vì trên lưng chúng tôi có nhiều vết bầm, vết trầy do “dụng cụ” chữa bách bệnh gây ra. 
Lấy dao cắt, xổ thuốc là hết bệnh!
Chúng tôi tìm đến chùa Ưu Đàm (khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) được nhiều người giới thiệu là nơi chữa bệnh “mát tay”. Đến nơi đã có vài người ngồi đợi ghế đá phía ngoài. Bên trong căn phòng khoảng 10m² có một người phụ nữ đang xung điện cho một thanh niên, 2 sư cô áo lam đang chích lể máu cho người bệnh. Trong lúc chúng tôi ngồi đợi, một người đàn ông hơn 60 tuổi nằm trên giường, được sư cô lấy dao lam lể chi chít trên lưng và nặn máu. Rạch lưng xong, người đàn ông này nói đau mắt liền được lể nặn máu tiếp phần trên chân mày. Bông gòn dính máu quăng vào thùng rác, rơi rớt dưới sàn nhà. Chúng tôi hỏi: “Đau không chú?”, - ông trả lời: “Tui bị gai cột sống. Đây là lần đầu lể máu như vầy. Tui tuốt từ Long Khánh, Đồng Nai lên đây mà. Cũng không biết chữa vậy khỏe hẳn không, giờ ai chỉ đâu đi nấy chớ sao giờ”, ông cho biết. Sau ông, đến lượt một nam thanh niên hơn 30 tuổi lể máu chi chít ở 2 tay. “Đàn ông gì cái tay lạnh ngắt nè, mà kêu hổng bệnh sao được. Khí huyết không có lưu thông được. Lể xong lấy thuốc bột, mua cái chai kia về uống cho lưu thông khí huyết nha”, sư cô nói với người này. 

Dùng dao lam chữa bệnh tại chùa Ưu Đàm, TP Thủ Đức (ảnh trái) và “hậu quả” sau khi bị đệ tử thầy Tư nện để chữa bệnh
Dùng dao lam chữa bệnh tại chùa Ưu Đàm, TP Thủ Đức (ảnh trái) và “hậu quả” sau khi bị đệ tử thầy Tư nện để chữa bệnh
Chúng tôi nói sơ qua bệnh đang mắc phải là bị đau xương khớp, gút, đặc biệt đau hai tay… “Em bỏ vô tủ kiếng giúp 5.000 đồng tiền sổ khám bệnh, tiền thuốc tê 10.000 đồng nữa”, người này nói và sau đó chúng tôi được xung điện. Xung điện xong, chúng tôi được hướng dẫn lại giường để được sư bà cắt lể máu độc. Sư bà không hỏi gì nhiều về bệnh tình, lấy một chiếc kim cùng các dụng cụ như dao lam, bông gòn, kem gây tê Emla 5%, cồn xanh 90o tiến hành cắt lể. Chúng tôi định dừng lại vì sợ đau thì bà nói: “Bậy bạ, đau gì? Mà có đau mới hết chứ không đau sao hết được. Ở đây đau cái gì cũng lể hết. Lể xong là biết khỏe hay không chớ hỏi gì nhiều. Cái máu độc này nó nằm ở đây cho nên mình phải làm cho nó thoát ra”. Nói đoạn bà lấy chiếc kim đâm xuyên qua phần da trên mu bàn tay để giữ phần sẽ rạch, rồi dùng dao lam cứa trên phần đó. Khi máu tuôn ra, bà rút kim, dùng bông gòn nặn liên tục tới khi máu thấm, lại thay bằng miếng bông khác. 
Khi nghe chúng tôi bảo mình còn bị xơ cứng biểu bì, rối loạn da liễu, bị mụn, ghẻ ở lưng nữa, bà dặn thứ bảy nhớ ghé lại, bà chữa hết liền. 
NHÓM PHÓNG VIÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.