Liên tiếp các vụ tai nạn do đốt pháo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù đã được cảnh báo về sự rủi ro, nguy hiểm, nhưng nhiều người dân tại Gia Lai vẫn ngang nhiên đốt pháo và gặp phải những tai nạn nguy hiểm. 
Hàng năm, dịp Tết Nguyên đán, nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn do pháo nổ lại tăng cao. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn coi thường tính mạng, sức khỏe của mình và người khác mà vẫn tổ chức đốt pháo. Các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn hành vi mua, bán pháo nổ nhưng thực tế pháo nổ vẫn được tuồn vào thị trường với một số lượng lớn. Tại Gia Lai, ngay từ những ngày cận Tết, tiếng pháo đã nổ râm ran khắp nơi. Nhiều người vẫn quan niệm tiếng pháo sẽ mang lại không khí ngày Tết nhưng không lường trước được hậu quả của nó sẽ gây ra. Riêng tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, chỉ trong 2 ngày 29 và 30 Tết đã liên tiếp tiếp nhận những vụ tai nạn do pháo nổ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. 
Cụ thể, khoảng 0 giờ 50 phút sáng mùng 1 Tết, anh Lê Văn Quốc (SN 1995, trú tại thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng sưng to, đau nhức 2 mắt vì pháo nổ. Trong đó, 1 bên mắt phải của anh bị chảy máu và không còn khả năng nhìn. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị bỏng kết giác mạc và đã chuyển bệnh nhân đến khoa Mắt điều trị để tránh nguy cơ mù vĩnh viễn. Tại bệnh viện, anh Quốc tỏ ra khá ân hận vì đã tham gia đốt pháo để ảnh hưởng nặng đến thị giác.
Liên tiếp các ca nhập viện cấp cứu do pháo nổ. Ảnh: Văn Ngọc
Liên tiếp các ca nhập viện cấp cứu do pháo nổ. Ảnh: Văn Ngọc
Tiếp đến, khoảng 2 giờ sáng mùng 1 Tết, anh Trần Văn Vũ (SN 1995, trú tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) cũng đã được chuyển đến bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng tương tự. Một bên mắt của anh Vũ có dấu hiệu xuất huyết và không thể nhìn thấy được. Theo người nhà, anh Vũ cùng một số người khác đã mua pháo rồi tổ chức bắn để chào đón giao thừa. Tuy nhiên, quả pháo bất ngờ đổi hướng bay thẳng vào vùng mắt khiến anh Vũ bị thương nặng. Trước đó, tối 29 Tết, anh Nguyễn Phú Trường (SN 1993, trú tại xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cũng được chuyển đến khoa Mắt của bệnh viện Đa khoa tỉnh sau khi 2 mắt của anh bị bỏng do pháo nổ. 2 mắt của anh cũng bị xuất huyết và đau nhức vì bỏng kết giác mạc.
Không chỉ gây ảnh hưởng cho chính bản thân người tham gia đốt pháo, nhiều người khác đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của tình trạng này. Chiều 29 Tết, bà Lê Thị Hữu (SN 1953, trú tại tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã bị tai biến, loạn thần cấp do nghe tiếng pháo nổ. Người nhà bà Hữu cho biết, chiều cùng ngày, nhà hàng xóm của bà Hữu tổ chức đốt pháo để mừng bữa tiệc tất niên. Vì tiếng pháo nổ to khiến bà Hữu giật mình, hoảng sợ dẫn đến bị tai biến, có dấu hiệu nhồi máu cơ tim nguy hiểm đến tính mạng. Rất may nạn nhân đã được chuyển đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời nên hiện đã qua khỏi. 
Theo bác sĩ Dương Thái Thuấn-Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, việc người dân đốt pháo sẽ tạo rất nhiều hệ lụy và trực tiếp nhất là các vụ tai nạn. Thường gặp nhất vẫn là các vết thương vào vùng mặt, ảnh hưởng nặng nề đến thị giác khiến nạn nhân có thể bị mù. Nhiều trường hợp khác cũng bị thương tích vùng tay, chân do pháo nổ gây nên. 
Lê Văn Ngọc 

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.