Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khởi đi từ đời sống, nghệ thuật dân gian chạm vào đời sống và có sức sống bền lâu. Điều đó thêm một lần thể hiện tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024 qua phần trình diễn của các nghệ sĩ “chân đất”.

Vẻ đẹp cuộc sống

Màn trình diễn của các đoàn nghệ nhân đến từ 11 huyện, thị xã, thành phố đã chứng tỏ sự giàu có, phong phú, đặc sắc của nghệ thuật dân gian. Mỗi đoàn đều có những tiết mục mang đậm dấu ấn cá tính của chủ nhân một vùng đất.

Các đoàn nghệ nhân đến từ vùng đất phía Tây tỉnh như Chư Păh, Ia Grai hay TP. Pleiku như những “ngọn lửa cao nguyên” với phần trình diễn bốc lửa, đầy ngẫu hứng. Phần trình diễn của nghệ nhân Bahnar đến từ vùng Đông Trường Sơn như Mang Yang, Đak Pơ, Kông Chro, Kbang lại có nội lực thâm trầm, mềm dịu như nước. Trong khi đó, người Jrai đến từ vùng đất phía Đông Nam tỉnh như Chư Sê, Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa lại có phong cách, sắc thái cũng rất riêng.

Tiết mục “Cùng nhau đi hái cà đắng, lá mì” của đoàn TP. Pleiku giành giải B thể loại hát dân ca tại liên hoan. Ảnh: H.N

Tiết mục “Cùng nhau đi hái cà đắng, lá mì” của đoàn TP. Pleiku giành giải B thể loại hát dân ca tại liên hoan. Ảnh: H.N

Mỗi vùng đất mang một đặc trưng nghệ thuật dân gian riêng. Diễn viên thể hiện bài hát mà như đang tâm tình, đang kể về cuộc sống thanh bình, tươi đẹp. Ở đó có khung cảnh sinh hoạt thường ngày như: “Chờ mệ dệt vải”, “Học chữ ở nhà rông”, “Hái rau bên bờ suối”, “Cùng nhau đi hái cà đắng, lá mì”, “Rước nước về làng”… Những cảm xúc sâu xa, âm thầm trong lòng bật lên thành lời hát như trong các bài: “Nỗi nhớ nương rẫy”, “Mãi không rời xa”, “Chàng trai đẹp”, “Anh em cùng chung một nhà”, “Chiếc cần tình yêu”…

Là giọng hát dân ca trẻ của TP. Pleiku, chị H’Khánh (làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ) chia sẻ: “Khi hát bài dân ca “Đi hái rau” của người Jrai, tôi mường tượng ra cuộc sống của ông bà thời xưa. Đó là cuộc sống rất mộc mạc, giản dị. Bà con lên rừng hái rau, măng để ăn qua ngày, không có nhiều lo toan như cuộc sống hôm nay. Dân tộc Bahnar cũng có những bài hát phản ánh đời sống rất thật, rất mộc mạc như vậy. Liên hoan đưa thế hệ trẻ chúng tôi trở về với không gian buôn làng Tây Nguyên, sống hồn nhiên, chăm chỉ lao động biết trân quý những giá trị cuộc sống”.

Cuộc sống tươi đẹp được tái hiện trên sân khấu liên hoan. Ảnh: Hoàng Ngọc

Cuộc sống tươi đẹp được tái hiện trên sân khấu liên hoan. Ảnh: Hoàng Ngọc

Còn anh Đinh Văn Tờ Rum là giọng dân ca đến làng Tờ Nùng-Măng (xã Ya Ma, huyện Kông Chro). Anh bày tỏ: “Người Bahnar thường mượn dân ca để nói lên tiếng lòng của mình. Như bài “Adok linh” nói về tâm trạng của một chàng trai lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Anh ta rất lo lắng, không muốn xa buôn làng. Nhưng cuối cùng, chàng trai nhận ra đó là nghĩa vụ của mỗi người đối với quê hương, đất nước, là để bảo vệ cuộc sống bình yên cho những người thân yêu. Bài dân ca này đã có từ lâu, đến nay vẫn được nhiều người hát để nhắc nhở con trai, con gái Bahnar góp sức xây dựng quê hương, bảo vệ buôn làng”.

Sức sống của nghệ thuật dân gian

Giới nghiên cứu cho rằng, cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên rất tài tình trong việc hình tượng hóa, khái quát hóa cuộc sống bằng nghệ thuật. Phần trình diễn nhạc cụ các dân tộc tại liên hoan thêm một lần nữa minh chứng điều đó. Nhiều đoàn mang đến dàn nhạc cụ truyền thống quy mô với hàng chục loại t’rưng, đàn đá, sáo, đàn goong, k’lông pút, đinh pah, k’ní… Nó làm nên những bản hòa tấu đỉnh cao từ những nhạc cụ thô mộc nhất.

Qua âm nhạc, chủ nhân của vùng đất Trường Sơn-Tây Nguyên mang đến không khí tưng bừng của lễ mừng chiến thắng, sự rạo rực ngày hội; tái hiện một cuộc sống êm đềm, đầy chất thơ buổi sáng lên rẫy, không khí khẩn trương ngày mùa, không kém phần tinh tế cảm xúc chờ lời tỏ tình đêm trăng...

Nghệ nhân Siu Thanh (đoàn Ia Grai) độc tấu đàn goong "Tỏ tình đêm trăng". Ảnh: Hoàng Ngọc

Nghệ nhân Siu Thanh (đoàn Ia Grai) độc tấu đàn goong "Tỏ tình đêm trăng". Ảnh: Hoàng Ngọc

Nếu đàn goong được ví như cây đàn tình yêu của người Bahnar, Jrai thì đàn tính của người Tày hay tiếng khèn của người Mông cũng gieo vào lòng người những cung bậc cảm xúc tương tự. Dù chỉ chiếm số ít trong 55 tiết mục tham gia liên hoan nhưng các nghệ nhân người Mông, Tày cho thấy âm nhạc dân tộc có sự kết nối kỳ diệu trong tâm thức. Các nghệ nhân đã khiến người nghe thổn thức nỗi nhớ da diết người thương, hình bóng quê nhà qua những giai điệu tâm tình sâu lắng.

Anh Sơn (làng Kon Mah, xã Hà Tây, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Đây là cuộc giao lưu lớn giữa các nghệ nhân đến từ nhiều vùng đất. Chúng tôi học hỏi được nhiều điều. Chương trình của các đoàn góp phần làm nên thành công của liên hoan, không gian nghệ thuật dân gian thêm thăng hoa. Mong sao tỉnh tổ chức thêm nhiều sự kiện tương tự để người Bahnar, Jrai có thể giới thiệu thêm giá trị trong kho tàng âm nhạc dân gian của mình”.

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Trưởng ban giám khảo liên hoan-đánh giá: “Điểm nổi bật của liên hoan là các đoàn đều tuyển chọn những tiết mục tiêu biểu trong kho tàng âm nhạc dân gian của các dân tộc. Nhiều tiết mục ngỡ đã về với thế giới Atâu cùng lớp người già lại xuất hiện trong liên hoan lần này, được các nghệ nhân trẻ đón nhận và thực hành đầy trân trọng với tình yêu vốn quý mà cha ông để lại. Qua đó khẳng định, giới trẻ không thờ ơ hay quay lưng với âm nhạc dân gian, ngược lại rất đam mê và có trách nhiệm với những vốn quý đó. Mỗi đoàn mang đến những gì tiêu biểu nhất nên kết quả liên hoan chỉ mang tính tương đối, rất khó minh định đoàn nào hay hơn, đặc sắc hơn”.

Tiết mục hát "Dam Thơi" của đoàn thị xã Ayun Pa. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tiết mục hát "Dam Thơi" của đoàn thị xã Ayun Pa. Ảnh: Hoàng Ngọc

Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024 do Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San tổ chức với sự tham gia của 200 nghệ nhân, diễn viên đến từ 11 huyện, thị xã, thành phố. Ban tổ chức đã trao tổng cộng 42 giải, trong đó có 15 giải hát ru và hát dân ca, 20 giải trình diễn nhạc cụ các dân tộc và 7 giải toàn đoàn. Đoàn Ia Grai xuất sắc giành giải A, đoàn Chư Păh đạt giải B; 2 đoàn TP. Pleiku và thị xã Ayun Pa cùng đạt giải C. Ngoài ra, Ban tổ chức trao 3 giải khuyến khích cho các đoàn: Mang Yang, Đak Pơ, Kbang.

Liên hoan một lần nữa chứng minh cho sức sống trường tồn của âm nhạc dân gian nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung. Từ “mật ngọt” chắt lọc qua thời gian, thế hệ kế tiếp có điều kiện sáng tạo mới, làm dày thêm kho tàng âm nhạc dân gian của dân tộc mình. Để dòng suối nghệ thuật dân gian miệt mài neo buộc tâm hồn người Tây Nguyên bao thế hệ.

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.