Liên hoan hát ru, hát dân ca và nhạc cụ truyền thống huyện Đak Pơ: Âm vọng suối nguồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giấc ngủ êm ả có tiếng mẹ ru, bước chân lên rẫy có bài dân ca làm rộn vui hay những ngày hội ngân vang tiếng nhạc… là những hình dung mà Liên hoan hát ru, hát dân ca và nhạc cụ truyền thống các dân tộc huyện Đak Pơ lần thứ II-2024 đã mang đến cho khán giả. 

Quê hương trong lời hát

Liên hoan hát ru, hát dân ca và nhạc cụ truyền thống các dân tộc do UBND huyện Đak Pơ tổ chức ngày 13-6 tại Hội trường 24-6. Hơn 300 diễn viên và nghệ nhân đến từ 11 đơn vị đã cống hiến gần 60 tiết mục hát múa, diễn tấu đặc sắc, mãn nhãn. Đó là những âm vọng như suối nguồn, nhắc nhớ sâu xa về quê hương, cội rễ.

Một tiết mục hát dân ca kết hợp trình diễn nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và nhạc cụ truyền thống các dân tộc huyện Đak Pơ. Ảnh: P.D

Một tiết mục hát dân ca kết hợp trình diễn nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và nhạc cụ truyền thống các dân tộc huyện Đak Pơ. Ảnh: P.D

Bà Bùi Thị Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao huyện Đak Pơ năm 2024-thông tin: Liên hoan là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đak Pơ (24/6/1954-24/6/2024), tôn vinh và khích lệ phong trào hát ru, hát dân ca, trình diễn nhạc cụ truyền thống trong các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là dịp lựa chọn, bồi dưỡng các nghệ nhân xuất sắc tham gia Liên hoan hát ru, hát dân ca và nhạc cụ truyền thống các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ II-2024.

Tại liên hoan, các diễn viên, nghệ nhân đã trình diễn những bài hát ru, hát dân ca gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Nội dung chương trình phong phú với các ca khúc mang đủ đặc trưng vùng miền trong cả nước. Từ hát ru, dân ca ba miền như “Bèo dạt mây trôi”, “Lý mười thương”, “Lý chiều chiều”, “Ru con”… đến những khúc hát đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên như “Ru em”, “Đám mây kẹo bông”, “Chờ mẹ dệt vải”, “Đính ước”… đều gợi nhiều cảm xúc đẹp.

Bế mạc liên hoan, về giải toàn đoàn, Ban tổ chức đã trao giải A cho xã An Thành, giải B cho xã Yang Bắc; 2 giải C thuộc về xã Ya Hội và Phú An. Về giải cá nhân, giải nhất thể loại đơn ca và tốp ca được trao cho xã Ya Hội. Xã An Thành giành giải nhất song ca-tam ca và biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 2 giải cho diễn viên triển vọng.

Trò chuyện với P.V, bà Phan Thị Hồng Vân (63 tuổi, xã Hà Tam)-một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất liên hoan-cho hay, bà di cư từ Huế vào Hà Tam từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Sau khi trình diễn bài hát ru: “Ru con ru cả tiếng lòng” đúng chất miền Trung, bà Vân chia sẻ: “Lâu lắm rồi, tôi mới cất lên lời ru vì con cháu đều đã lớn. Lời ru sẽ nuôi dưỡng tâm hồn bằng sự nhẹ nhàng, thanh thoát, êm đềm. Đó là kỷ niệm đáng nhớ đối với tuổi thơ của bất kỳ ai. Vì vậy, cần tổ chức những liên hoan như thế này để thế hệ sau hiểu thêm về hát ru, để tình yêu quê hương thấm đẫm trong lòng”.

Tại liên hoan, những bài dân ca, hát ru của đồng bào Bahnar vùng Đông Trường Sơn cũng mang đến cho khán giả thật nhiều xúc cảm. Đơn cử, bài hát “Khúc chị ru em” (lời mới “Đám mây thành kẹo bông”) do diễn viên khối công nhân viên chức biểu diễn đủ sức khiến người nghe lay động: “Lời ru êm ái hát xuyên tuổi thơ trong nắng/Đừng khóc con ơi mẹ biến đám mây thành kẹo bông/Em ơi đừng khóc nhé em chị biến gió mưa thành mật ong”.

Với bài hát ru mang đậm âm hưởng Bahnar, 2 cô gái trẻ Đinh Thị Khanh-Đinh Thị Klech (thị trấn Đak Pơ) mang đến một ấn tượng rất riêng qua phần thể hiện bài hát “Chờ mẹ dệt vải” chất chứa những lời dịu ngọt: “Ngủ ngoan con này, ngủ ngoan để cho mẹ dệt áo ngoan nào, ớ con con ngoan con”. Đinh Thị Khanh kể, từ nhỏ, Khanh đã được nghe mẹ hát ru và những lời êm ái ấy theo cô lớn lên. “Mỗi khi hát bài này mình lại thấy nhớ mẹ. Mẹ mất cũng gần 20 năm rồi”-Khanh quay đi lau nước mắt.

Trao truyền thế hệ

Cùng những lời hát ru êm đềm hay câu dân ca dặt dìu, âm thanh nhạc cụ truyền thống reo ngân tại liên hoan cũng đã cho thấy nỗ lực gìn giữ bản sắc của những chủ nhân văn hóa trên vùng đất Đak Pơ. Trong bản hòa ca các loại nhạc cụ truyền thống, bên cạnh đàn bầu, sáo… diễn viên các đoàn cũng phô diễn những thanh âm đa sắc màu dân tộc như đàn t’rưng, klông pút, goong, khèn, đàn đá… thông qua hình thức độc tấu, song tấu, hòa tấu.

Có thể kể đến các tiết mục như: độc tấu đàn goong “Pơ kao rung reng” (nghệ nhân Đinh Ruk, thị trấn Đak Pơ); hòa tấu đàn đá Jor Nốt (tốp nam xã An Thành); độc tấu t’rưng “Gặt lúa Đông Xuân” (nghệ nhân Đinh Khươnh, xã Phú An); độc tấu “Thanh âm núi rừng (nghệ nhân Đinh Srech, xã Yang Bắc); độc tấu “Tiếng khèn gọi mùa xuân” (nghệ nhân Lý Thiên Toàn, xã Ya Hội)…

Sự trao truyền thế hệ trong đội hình của đoàn diễn viên, nghệ nhân thị trấn Đak Pơ tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và nhạc cụ truyền thống các dân tộc huyện Đak Pơ. Ảnh: Phương Duyên

Sự trao truyền thế hệ trong đội hình của đoàn diễn viên, nghệ nhân thị trấn Đak Pơ tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và nhạc cụ truyền thống các dân tộc huyện Đak Pơ. Ảnh: Phương Duyên

Một trong những đoàn có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo tại liên hoan là xã An Thành. Cả 6 tiết mục đều có sự hỗ trợ của nhiều loại nhạc cụ như t’rưng, klông pút, cồng chiêng, đàn đá… Đáng nói, các thành viên trong đoàn, với nhiều lứa tuổi khác nhau, đã cho thấy sự kế thừa và trao truyền thế hệ.

Nghệ nhân trẻ Đinh Byưm chia sẻ, đây là lần đầu tiên anh tham gia một liên hoan hát ru, hát dân ca và nhạc cụ truyền thống. Sự tự tin sau các tiết mục đã khiến anh có thêm động lực để trao lại tình yêu văn hóa dân tộc cho các em, các cháu trong làng Kuk Đak.

Một trong những nghệ nhân nhỏ tuổi nhất liên hoan, em Đinh Thị Thi Un (8 tuổi, thị trấn Đak Pơ) cũng gây bất ngờ khi tham gia tốp ca hát bài “Ru em”. Un cho hay, em có em nhỏ mới 2 tuổi và thường hát ru em bằng những câu thương yêu: “Ơi em… Như chim non bé xinh, chim chơ rao đáng yêu, chim non chưa biết bay, chim non hót chưa hay, trong vòng tay chị yêu”.

Sự trao truyền thế hệ sẽ tiếp tục được tiếp nối nếu các nghệ nhân “nhí” như Un vẫn nuôi tình yêu với những khúc hát đậm đà bản sắc như thế.

Có thể bạn quan tâm

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

(GLO)- Trên đời có thực sự tồn tại những con người có quyền năng hô mưa gọi gió? Chính hiện thực và truyền thuyết hư ảo đan cài vào nhau khiến lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở thung lũng Ayun Hạ trở thành một hiện tượng đặc biệt, hấp dẫn bởi sự linh thiêng, huyền bí.

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

(GLO)- Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích quốc gia đặc biệt, tọa lạc tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đây cũng là quê hương của Hai Bà Trưng-những nữ tướng anh hùng đã nổi dậy chống quân xâm lược nhà Hán.

Nối nghề

Nối nghề

Lần đầu tiên nghệ nhân Y Pư giới thiệu nghề làm gốm thủ công tại Bảo tàng tỉnh trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 (năm 2016) đã để lại ấn tượng đẹp.

Ông Đinh Plih sắp xếp bộ cồng chiêng và các vật dụng sẵn sàng đem theo khi đi trình diễn, quảng bá văn hóa dân tộc Bahnar. Ảnh: N.M

Đinh Plih: Tự hào “vốn liếng” văn hóa Bahnar

(GLO)- “Ý nghĩa của công việc không phải chỉ nằm ở chỗ tiền bạc mà còn ở nhu cầu về tinh thần, biểu hiện của giá trị, một vốn liếng để tự hào”. Câu nói này thật đúng đối với ông Đinh Plih (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Với ông, hạnh phúc đơn giản là bản thân được sống trọn với đam mê.

Sức sống của lễ hội Tây Nguyên

Sức sống của lễ hội Tây Nguyên

(GLO)- Hoa pơ lang thắp lửa cuối khu nhà mồ làng Pyang, thị trấn Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Nổi bật giữa lớp lớp nhà mồ cũ là 3 nhà mồ mới làm. Đó là những dấu hiệu mùa lễ hội giữa núi rừng Trường Sơn.

Lễ bỏ mả của người Bahnar ở Kông Chro

Lễ bỏ mả của người Bahnar ở Kông Chro

(GLO)- Từ 21 đến 23-2, làng Pyang (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) tưng bừng tổ chức lễ bỏ mả-một trong những lễ hội lớn và đặc sắc nhất của người Bahnar Đông Trường Sơn

Gìn giữ giai điệu của đá

Gìn giữ giai điệu của đá

Trong dịp đầu xuân, tại chương trình trình diễn, trải nghiệm di sản văn hóa diễn ra ở Bảo tàng – Thư viện tỉnh, người dân và du khách có dịp thưởng thức những giai điệu của đá được trình diễn bởi nghệ nhân ưu tú A Thu (50 tuổi) ở thôn Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô).

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.