Lênh đênh nghề thuyền thúng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Không biết có từ bao giờ và cứ như thế, nghề lưới thúng gần bờ ở thôn Sơn Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn được duy trì cho đến hôm nay.

Chỉ một chiếc thúng đơn sơ, không buồm, không mái che, nhỏ nhoi trước sóng dữ, có lúc phải đánh đổi cả mạng sống nhưng bằng một cách nào đó những ngư dân vẫn yêu nghề, bám biển mưu sinh từng ngày.

Bỏ khơi xa, bám bờ gần

Lênh đênh trên biển, nếm trải vị ngọt mặn của cái nghề cơ cực này từ năm 12 tuổi khắp các vùng biển của Việt Nam, lão ngư Nguyễn Văn Bảy (70 tuổi trú thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) khi được hỏi về những tháng ngày bám biển xa, ánh mắt ông lại dõi về phía biển: “Năm 12 tuổi tôi đã đi bạn “công em” (sai vặt trên tàu) đến nay đã hơn 55 năm gắn bó với biển”.

Ngược về kí ức, lão ngư Nguyễn Văn Bảy kể rằng, năm 2008 ông ra tận Thừa Thiên - Huế bỏ 20 cây vàng mua chiếc tàu có công suất 40 CV, hành nghề lưới vây. Hồi đó ở xã Bình Đông tàu lớn như vậy chỉ đếm đầu ngón tay. Tàu của ông lúc đó hành nghề ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, mỗi lần ra khơi lúc nào cũng trên 10 bạn thuyền. Làm ăn khấm khá, đầu năm 2014 ông tiếp tục bỏ ra gần 500 triệu mua chiếc tàu khác có công suất 74 CV của một ngư dân ở Bạc Liêu. “Hồi đó cá nhiều lắm, nhiều đến nỗi tàu vừa chạy ra khỏi cửa biển đã thấy cá, mỗi chuyến biển tôi đút túi 2 -3 cây vàng là chuyện bình thường”, ông Bảy nói.

Đến khi tuổi cao, sức khỏe không còn chịu được những chuyến lênh đênh trên biển nhiều ngày, thêm vào đó ngư trường cạn kiệt dần, cuối năm 2018 ông quyết định bán cả 2 tàu. “Tôi quyết định bán tàu một phần vì cảm thấy sức khỏe không còn tốt, ra khơi lúc nào cũng lỗ, bên cạnh đó bạn thuyền rất khó tìm, nguồn hải sản thì cạn kiệt”, ông Bảy trải lòng.

Một góc làng chài Sơn Trà Ảnh: NN

Một góc làng chài Sơn Trà Ảnh: NN

Ông Bảy cho biết, ở thời của ông, ngư dân đâu có sử dụng cào đôi, cào chiếc, mà chỉ có lưới. Bán tàu rồi ông đầu tư cho mình chiếc thuyền thúng gắn máy đánh bắt gần bờ. Nghề lưới thúng gần bờ chỉ đắp đổi qua ngày chứ không thể làm giàu. Biển giã ngày càng ít cá nên cuộc sống càng thêm khó khăn, mà dân làng chỉ có đi biển chứ biết làm nghề gì nữa đâu. Biết là nghề biển cực lắm nhưng vẫn phải làm, ngồi một chỗ không chịu được...

“Ở thôn Sơn Trà dường như nhà nào cũng có thúng máy đi biển, mỗi nhà đều có khoảng 7-8 giàn lưới đánh bắt các loại cá khác nhau, mùa cá nào có giàn lưới đó. Như mùa này cá hố, cá bạc má… thì dùng giàn lưới có mắt lưới lớn và dày hơn”, ông Bảy nói thêm.

Mưu sinh trong đêm

Trong lúc mọi người vẫn đang còn say giấc nồng, đúng 1 giờ sáng đồng hồ báo thức reo lên, ông Huỳnh Tấn Việt (55 tuổi, trú thôn Sơn Trà, xã Bình Đông) lại lọ mọ thức dậy chuẩn bị đồ nghề đi biển. Lần từng bước chân rời nhà trong đêm tối, ra đến bờ biển, ông kéo chiếc thúng máy (thúng nhựa composite có gắn máy nổ) cùng ngư cụ bên trong xuống mép nước.

Lúc này, cả bãi biển ở thôn Sơn Trà rộn ràng tiếng người gọi nhau í ới trong đêm. Ông dựa vào chút ánh sáng le lói từ chiếc đèn pin cầm trên tay, tay xách nách mang đồ dùng xuống thúng nhà mình, tiếng máy nổ vang lên, chiếc thúng hướng thẳng ra biển, bắt đầu chuyến hành trình mưu sinh trong ngày.

Chạy hơn một tiếng, khoảng 10 hải lý ra đến nơi đã định, lúc này đồng hồ đã 2 giờ 30 phút, ông giảm ga cho thúng chạy chậm lại, ánh mắt nhìn hướng gió, tay bắt đầu thả lưới. Dàn lưới dài hơn 2km, thả xuống độ sâu hàng chục mét. Hai đầu lưới gắn đèn pin nhấp nháy báo hiệu cho các thuyền thúng khác biết nơi này đã có người thả lưới.

Vợ chồng ông Nguyễn Đại gỡ cá sau chuyến biển đêm

Vợ chồng ông Nguyễn Đại gỡ cá sau chuyến biển đêm

Xong xuôi, ông thả neo, nằm bệt trên thúng nghỉ ngơi đợi đến một tiếng sau bắt đầu kéo lưới thu thành quả. Khi những mét lưới cuối cùng kéo lên khỏi mặt nước, ông nhổ neo, nổ máy cho thúng vào bờ. Về đến nơi trời cũng đã hừng đông, mặt trời đã ló dạng. “Chuyến biển hôm nay đi không trúng gì cả, chỉ được vài cân cá tạp bán cũng đủ tiền dầu… Gặp bữa trúng cá ham lắm, không thấy mệt gì cả. Cứ mang cá về cho vợ bán rồi tiếp tục ra biển. Có lúc thả cả dàn lưới mà chỉ được vài con, không đủ ăn trong ngày”, ông Việt cười.

Sau khi thu dọn, rửa lưới, tát nước và vệ sinh thúng cũng đã hơn 10 giờ, ông cùng vợ về nhà nghỉ ngơi, ăn trưa, đến 13 giờ chiều lại quay xuống thúng vá lưới, đến 16-17 giờ mới kết thúc một ngày. “Biển nuôi tui gần hết cuộc đời rồi, từ năm 16 tuổi tôi đã theo tàu lớn ra vào Hoàng Sa và Trường Sa như cơm bữa. Đi khơi tốn sức quá, hải sản lại cạn kiệt nên đầu năm 2017 tôi quyết định bỏ đi khơi về nhà sắm cái thúng máy, đánh cá gần bờ”, ông Việt nói.

Ông Việt cho biết, một chiếc thúng máy có công suất từ 6-12CV mua mới có giá từ 60-80 triệu. Nếu mua đã qua sử dụng thì rẻ hơn nhưng lại mất công tu bổ và không an toàn nên nhiều người chủ yếu chọn mua mới. Khác với việc đánh bắt xa bờ, vốn bỏ ra khi đánh lưới bằng thuyền thúng cũng không nhiều, lại không cần nhiều nhân lực chỉ một người một thúng là được, nay có máy móc hỗ trợ kéo lưới nên cũng không tốn mấy công sức.

Cạnh đó, vợ chồng ông Nguyễn Đại (56 tuổi, trú thôn Sơn Trà) tay thoăn thoắt gỡ cá, để kịp bán cho phiên chợ. “Nghề lưới thúng này phải thức khuya, dậy sớm. Có người cho thúng ra khơi từ buổi chiều, có người ra khơi vào lúc 1 - 2 giờ sáng. Đánh bắt trong đêm, sáng ra thúng nào không đánh bắt được cá cũng về bờ, chiều hôm sau hoặc đêm sau đi tiếp”, ông Đại nói.

Nghề lưới thúng còn có tên gọi khác là nghề lưới cước. Đây là nghề khá phổ biến ở các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi. Riêng tại huyện Bình Sơn có khoảng 900 hộ ngư dân mưu sinh bằng nghề này, tập trung ở các xã Bình Hải, Bình Thuận, Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Trị.

Theo ông Đại, nghề lưới thúng nguy hiểm lắm. Đang lúc trời yên biển lặng thì mình ra khơi thả lưới. Nhưng chỉ lát sau giông gió nổi lên chạy vào không kịp là chuyện thường. Gia đình và cả dân làng trải qua phen hú vía vì lo sợ. Nhưng đấy là chuyện cơm bữa của những ngư dân hành nghề thúng máy nơi đây.

Ngoài ra, sóng lớn và dòng hải lưu gần bờ thỉnh thoảng cuốn trôi cả dàn lưới, thiệt hại có khi lên đến hàng chục triệu đồng. “Nghề biển là nghề làm ăn trên bọt nước, sống - chết ngang nhau. Trời thương thì được no, không thương thì đói. Nếu không may thúng chìm, mất thúng, lưới thì cũng đành chịu vì lúc ấy phải làm sao để lo cho cái thân”, ông Đại tâm sự.

Làng chài Sơn Trà (xã Bình Đông) nằm sát mé biển, tiếp giáp với cửa Sa Cần. Để có những mẻ lưới đầy cá, ngư dân nơi đây phải thức trắng đêm, dãi nắng dầm mưa. Họ ra khơi chỉ có một người vừa lái thúng vừa thả lưới, ngày qua ngày bám biển kiếm sống.

Có thể bạn quan tâm

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…