Người nặng lòng cùng cổ vật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với nhà sưu tầm cổ vật (NST) Lâm Dũ Xênh (64 tuổi), cảm xúc thăng hoa cùng cổ vật sẽ xuất hiện khi mọi thứ chung quanh đều tĩnh lặng.

Cái lặng đó không chỉ về bối cảnh mà còn ở bên trong lòng người. Hành trình tìm kiếm, bảo vệ từng món đồ hàng nghìn năm tuổi của ông Xênh tựa như dấu gạch nối từ quá khứ đến hiện tại và cho cả tương lai.

untitled.jpg
Nhà sưu tầm Lâm Dũ Xênh giới thiệu các sản phẩm sưu tập gốm Mỹ Thiện.

Lần giở từng mảnh ghép

Đón chúng tôi trong không gian nhà cổ của mình ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), ông Xênh biểu lộ rõ lòng hiếu khách. Dưới mái nhà chòi gỗ lục giác, ông Xênh đốt một muỗng bột trầm hương. Khói xám hòa lẫn vào những giọt mưa cuối năm. Mặc dù là lần đầu gặp gỡ nhưng nụ cười hiền của ông Xênh đã khẳng định, đây là một người chơi đồ xưa rất hào sảng ở đất này.

Trong ngôi nhà cổ vừa được phục dựng, ông Xênh đưa người xem đi vào một bảo tàng thật sự. Vài cặp câu đối viết bằng chữ Hán, chiếc mảnh sành 500 năm tuổi bị vỡ trở thành khay đựng ấm trà, mấy cặp ché được đặt trang trọng hai bên, chiếc tủ đựng hàng chục mảnh lọ gốm, chân đèn, chén bát… “Từ không gian này, ông mong muốn hướng đến điều gì?”. Ông Xênh đáp: “Đó là những mảnh ghép tạo nên bức tranh văn hóa của quê hương tôi”.

Hành trình phục dựng nhà cổ của NST Lâm Dũ Xênh hình thành từ những lần mua - bán cột, kèo làm nhà. Đầu những năm 2000, mong ước có một ngôi nhà cổ để thỏa đam mê thôi thúc ông Xênh tập trung nghiên cứu, tích góp kinh phí. Giai đoạn đó, quá trình tập hợp thông tin, đầu mối kết nối về nhà cổ và cổ vật rất khó khăn. Trong tay ông Xênh không có điện thoại, không sách vở, không mạng internet. Điều duy nhất mà người đàn ông này có là sự dấn thân không biết mệt mỏi.

Tự động viên rằng, bản thân sẽ làm được, ông Xênh trải qua chặng đường dài 15 năm để sưu tầm, phục dựng nên bốn ngôi nhà cổ. Ông Xênh vẫn nhớ vô số kỷ niệm ăn ngủ cùng đội thợ mộc. Có lần, cả đội ở lại phố cổ Hội An (Quảng Nam) gần một tuần chỉ để học cách dựng bộ cổng. “Nhìn qua thì ai cũng nghĩ cổng nhà rất đơn giản. Nhưng đi sâu vào phải có một tư duy nhìn nhận. Mục tiêu là làm sao để khi cánh cổng dựng lên có mối tương quan với văn hóa của vùng đất. Từng yếu tố nhỏ được làm cẩn thận mới chuẩn nét ngày xưa của cha ông ta”, NST Lâm Dũ Xênh bộc bạch.

Đam mê chuyển thành hành động, cơ duyên bất chợt gắn kết chuyến hành trình là điều xuyên suốt trong thâm tâm của ông Xênh. Nhấp một ngụm trà, ông Xênh cho rằng, yếu tố may mắn đã và đang đến với ông. Từ những con người xa lạ, họ chỉ nghe loáng thoáng về thú chơi đồ cổ của ông. Và rồi, họ kết nối, đồng hành cùng ông trên mọi nẻo đường theo dấu cổ vật.

Giai đoạn 2017 - 2018, ông Xênh cùng PGS, TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Nghiên cứu kinh thành và TS Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á thực hiện 5 chuyến điền dã về vùng đèo Le (xã Quế Long, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) để tìm dấu vết lò gốm của Khách trú (tức người Hoa di cư sang). Ông Xênh thu thập được một số mảnh vỡ còn sót lại ở khu vực này cũng như hình dung ra không gian làm gốm ngày xưa.

“Từ hình ảnh chi tiết trên bề mặt gốm ở đèo Le, tôi phát hiện ra một điều rất hay. Hơn trăm năm trước, nhiều người cứ tưởng gốm gia dụng có hoa văn mầu xanh dương là nhập từ Trung Quốc. Điều đó đúng nhưng không đủ. Vài chục năm gần đây, gốm men xanh dương đều được sản xuất ở chân đèo Le. Những người Khách trú đến Quảng Nam và lan truyền nghề làm gốm. Qua thời gian, sản phẩm dần trở nên đại trà trong các gia đình miền trung”, ông Xênh cho biết.

Từng mảnh ghép đồ xưa ít nhiều mang theo một cảm xúc nhất định. Đã có một vài lần, sự nuối tiếc như bao vây lấy ông Xênh bởi vì không kịp sưu tầm món đồ quý giá. NST Lâm Dũ Xênh quan niệm, cái tĩnh trong suy nghĩ của bản thân giúp hóa giải mọi nuối tiếc. Mọi thứ chung quanh ta đều có linh hồn. Với đồ cổ, có duyên thì nó ở với mình, nếu hết duyên thì để nó đi.

Một ngôi nhà cổ do ông Xênh phục dựng.
Một ngôi nhà cổ do ông Xênh phục dựng.

Đời gốm như thể đời ta

Quay lại ngày thơ bé, cậu trai trẻ Lâm Dũ Xênh thường theo đám bạn dạo xóm, đi bắn bi ở làng Mỹ Thiện (thị trấn Châu Ổ). Với nét ngây thơ của đám trẻ, lò gốm chỉ là một hình ảnh bình thường, toàn đất và khói. Dẫu vậy, khi lớn lên, ông Xênh suy nghĩ cần làm một điều gì đó với quê hương.

Trải qua những năm tháng tìm hiểu về gốm Mỹ Thiện, NST Lâm Dũ Xênh nhận thấy đây là một loại gốm rất riêng biệt ở miền trung. Ông Xênh đã có cơ hội tiếp cận các tư liệu và nhân chứng sống của làng gốm Mỹ Thiện. Tất cả các yếu tố cùng đi đến kết luận, có khoảng 40 hộ dân từng làm nghề gốm này và họ sinh sống tập trung ở một khu vực nhất định. “Trên cả dải đất miền trung, gốm Mỹ Thiện có một chất men đặc biệt hơn. Từ 200 năm về trước, các người thợ tập trung làm hai dòng là gốm sản xuất hàng loạt và gốm độc bản. Tuy nhiên, mọi sản phẩm gốm từ làng Mỹ Thiện phải nổi lên chất men vàng”, NST Lâm Dũ Xênh nhấn mạnh.

Ông Xênh chẳng thể nhớ được đã bao nhiêu lần rảo bước ở làng Mỹ Thiện. Ông cứ lầm lũi đi đi, về về. Ông kết nối với các cụ, các bác trong làng để nghe những câu chuyện xưa cũ của họ. Kể cả việc ông phải khom lưng bước vào lò nung gốm như thể, những lò nung đầy khói lại có một sức hút kỳ diệu nào đó. Điều kỳ diệu đó được hiểu là men vàng chỉ hiện ra khi được nung bằng than củi và trấu.

Hiện nay, chỉ còn vợ chồng nghệ nhân Ðặng Văn Trịnh (61 tuổi) và Phạm Thị Thu Cúc (55 tuổi) vẫn tiếp tục sản xuất gốm Mỹ Thiện. Ông Xênh luôn dành một tình cảm trân trọng cho hai vợ chồng này. Trước khi làm một sản phẩm, ba người cùng thảo luận sẽ tái hiện từng hình ảnh đơn sơ, mộc mạc như cành trúc lá tre, con rồng lên bề mặt gốm.

“Chúng ta cần hiểu con rồng của gốm Mỹ Thiện có đôi mắt lồi. Trên cặp ché, không bao giờ có sự đối xứng ở con rồng. Người thợ đắp nổi con rồng và chỉ cho nó nhìn về một hướng. Do đó, gốm Mỹ Thiện không có tư thế “lưỡng long” như các nơi khác”, ông Xênh phân tích.

Đồng hành cùng làng nghề từ khi nhà nhà đều làm gốm và hiện tại chỉ còn một hộ gia đình giữ nghề, NST Lâm Dũ Xênh hiểu đó không phải là sự lụi tàn. Tất cả mọi thứ diễn ra sẽ thể hiện xu hướng của thời đại. Đơn cử, đã có giai đoạn, các già làng ở tận vùng Tây Nguyên tìm đến làng Mỹ Thiện đặt gốm. Các già làng cùng tham gia nung gốm đến khi đạt chuẩn sẽ gùi về làng trên Tây Nguyên. Sự kết hợp nét đẹp giữa hai vùng miền vẫn tồn tại đến ngày nay. Khi ông Xênh quan sát phần đáy ché Mỹ Thiện, chi tiết tựa hình ảnh dấu chân voi đều có ở mọi chiếc ché.

Thêm một năm trôi qua, bộ sưu tập gốm Mỹ Thiện của ông Xênh lại tăng dần về số lượng. Hơn 200 hiện vật gốm đủ tình trạng như nguyên vẹn, một số đã bị mài mòn, thậm chí vỡ một phần… được ông Xênh cẩn thận chia ra thành từng gian trưng bày. Cầm trên tay chiếc lọ mầu vàng ươm, NST Lâm Dũ Xênh bày tỏ, câu chuyện bảo tồn văn hóa quê hương rất cần sự chung tay của mỗi người. Dù thời gian luôn chảy trôi thì cái gốc gác, nguồn cội của gốm Mỹ Thiện vẫn được lưu truyền.

Như một lời thổ lộ lòng mình, ông Xênh sáng tác nên bốn câu thơ bằng chữ Nôm và dịch nghĩa ra tiếng Việt: “Cuối cùng cũng chỉ là một giấc mộng. Tấc lòng với mùa thu và tình yêu thương trên đời. Đời người khó có được một lần say. Thế gian khó có được Ta qua một lần”. Đọc bài thơ trong làn khói trầm hương, cái say mê với miền xưa cũ càng thêm vẹn đầy.

Trong 30 năm sưu tầm và tìm kiếm cổ vật, ông Lâm Dũ Xênh còn kết nối, hiến tặng đồ cổ cho các bảo tàng, nhà lưu niệm. Năm 2012, ông nhượng lại cho Bảo tàng Tổng hợp Bình Định bộ sưu tập gốm cổ gồm 17 hiện vật. Trước đó, ông đã hiến tặng 21 thanh kiếm sắt thời Tây Sơn tìm thấy ở Gò Kho (vùng căn cứ Tây Sơn Thượng đạo thuộc thị xã An Khê, Gia Lai) để đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định). Ngoài ra, ông Xênh hiến tặng cho Nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) bộ 38 tờ tiền giấy xưa có chữ ký của cố Thủ tướng khi còn làm Bộ trưởng Tài chính.

Theo Bài và ảnh: MAI TRƯỜNG AN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

null