Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Lễ cúng rụng rốn (Et tuh klok) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của mỗi người Bahnar. Không chỉ là cúng tạ ơn, mong muốn các thần linh che chở, bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, mà lễ cúng còn là sự xác nhận đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng.

Theo già làng Y Thành (66 tuổi, làng KDung, xã Hra, huyện Mang Yang), xưa kia, người Bahnar quan niệm rằng, mỗi đứa bé khi sinh ra chỉ được xem là thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng khi đã tổ chức xong lễ cúng rụng rốn và đặt tên. Bởi vậy, cúng rụng rốn là nghi lễ rất quan trọng, vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm của gia đình đối với đứa bé.

Khi đứa bé mới sinh ra chưa rụng rốn, chưa có tên, nếu trong giai đoạn này mà không may qua đời thì cha mẹ và gia đình đem chôn cất nhưng không tổ chức tang lễ. Còn nếu trời thương, phù hộ đến khi đứa bé rụng rốn thì cha mẹ, họ hàng đứa bé vui mừng, tổ chức lễ cúng rụng rốn và đặt tên. Lúc này, đứa bé chính thức được xem là thành viên trong gia đình.

Thầy cúng mời rượu mừng cha mẹ và đứa bé đã được làm lễ cúng rụng rốn và đặt tên. Ảnh: A.D

Thầy cúng mời rượu mừng cha mẹ và đứa bé đã được làm lễ cúng rụng rốn và đặt tên. Ảnh: A.D

Theo phong tục của người Bahnar, trong vòng đời của mỗi người thường trải qua 3 lễ cúng quan trọng gồm: lễ cúng rụng rốn và đặt tên; lễ thổi tai được tổ chức khi đứa trẻ biết bò hoặc chập chững tập đi; lễ trưởng thành (chủ yếu gia đình giàu có tổ chức cho con cái) diễn ra khi đứa trẻ 9-11 tuổi, bắt đầu có ý thức biết, tự chơi, tự đi câu cá, bẫy chim...

Cả 3 lễ cúng đều nhằm cầu an, mong muốn Yàng che chở, phù hộ cho đứa trẻ có sức khỏe tốt, thông minh, siêng năng chăm chỉ, bình an cả đời. Tuy nhiên, lễ cúng rụng rốn có giá trị tinh thần cao hơn cả vì không chỉ giúp đứa bé là thành viên chính thức trong gia đình và cộng đồng mà còn là dịp để gia đình bày tỏ lòng biết ơn với các thần linh đã che chở cho đứa bé qua được giai đoạn sơ sinh tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm.

Ngày nay, lễ cúng rụng rốn vẫn được cộng đồng người Bahnar xem trọng và gìn giữ. Già làng Y Thành khẳng định: “Đến nay, chúng tôi vẫn gìn giữ lễ cúng này. Đây cũng là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của người Bahnar để cầu xin Yàng ban ơn phước, phù hộ cho đứa trẻ lớn nhanh, khỏe mạnh”.

Để thực hiện lễ cúng rụng rốn, thông thường sau khi sinh đứa bé, các thành viên trong gia đình chuẩn bị những lễ vật cần thiết, cùng bàn luận và chọn cái tên ưng ý để tiến hành làm lễ. Lễ cúng được tổ chức to hay nhỏ tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình nhưng bắt buộc phải có 1 con gà nướng, 2 ghè rượu.

Bên cạnh đó, anh em, họ hàng thân thiết góp thêm những ghè rượu, gà vịt... theo khả năng, vừa để giúp đỡ, chung vui, vừa để tạo nên tình cảm gắn bó, thân tình. Khi lễ vật đã chuẩn bị đủ, gia đình mời thầy cúng tiến hành lễ, khi cúng phải cúng bằng tên của đứa bé.

Thực hiện xong nghi lễ, mọi người cùng ăn uống mừng cho đứa trẻ đã có tên, mừng cho gia đình có thêm thành viên mới. Về rượu cúng rụng rốn, gia đình sẽ mời bà mụ đỡ đẻ uống trước. Tiếp đó, già làng mời rượu cha mẹ đứa bé để chúc phúc...

Lúc này, gia đình cũng bắt đầu thay đổi cách xưng hô, dựa vào tên của đứa bé. Chẳng hạn đứa bé tên Tâm thì họ sẽ xưng hô, gọi nhau như bố Tâm, mẹ Tâm hoặc ông-bà Tâm ơi... Và, người Bahnar tin rằng, khi đã thực hiện xong lễ cúng rụng rốn thì đứa bé sẽ được trời đất phù hộ, có sức khỏe tốt, siêng năng chăm chỉ, bình an cả đời.

Có thể bạn quan tâm

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

(GLO)- Tôi sinh hoạt cùng anh chị em văn nghệ sĩ ở Gia Lai-Kon Tum từ những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Khi ấy, phong trào nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian (Folklore) đang rộ lên. Tôi tự cảm thấy đây là lĩnh vực cũng cần tìm hiểu và có trách nhiệm với nơi mình đang sống.
Ché quý của người Jrai

Ché quý của người Jrai

(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.
Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

(GLO)- Với người Jrai, hát dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, những người biết hát dân ca luôn quan tâm tới việc bảo tồn, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.