Làng nghề truyền thống Gia Lai tìm hướng đi-Kỳ 1:"Cái khó bó cái khôn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dệt thổ cẩm, đan lát, làm nhạc cụ dân tộc, rượu cần… là những nghề truyền thống giúp “nhận diện” bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Đây được kỳ vọng là nguồn sinh kế của nhiều hộ gia đình, giúp đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa… Tuy được quan tâm đầu tư nhưng đến nay sản phẩm từ làng nghề vẫn không tạo được dấu ấn, nhiều nơi ngừng hoạt động. Vậy đâu là hướng đi cho các làng nghề?
Nhiều nghề truyền thống có từ lâu đời của cư dân địa phương đang ngày càng mai một, mất đi sức sống vốn có mặc dù đã từng được quan tâm đầu tư và đặt rất nhiều kỳ vọng.
Đầu ra và nguyên liệu: Bài toán khó
Năm 2005, đề án “Mỗi làng một nghề” đã được Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất triển khai nhằm khôi phục và phát triển làng nghề, thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị truyền thống. Cùng với nhiều chính sách khác về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn của Chính phủ, các hoạt động nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh đã được khôi phục và phát triển như nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, sản xuất rượu cần… Vậy nhưng, đến nay, hàng loạt làng nghề gắn với tên tuổi các nghệ nhân tài hoa như dệt thổ cẩm làng Nghe Lớn (thị trấn Kông Chro), Hợp tác xã (HTX) mây tre đan ở 2 làng Hà Tiên, Nhang Lớn (xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro), làng nghề dệt thổ cẩm kết hợp với du lịch ở làng Đê Ktu (huyện Mang Yang) hay HTX sản xuất nhạc cụ dân tộc ở làng Chuét (phường Thắng Lợi , TP. Pleiku)… và nhiều làng nghề truyền thống khác từng một thời tấp nập trong khung cảnh lao động thì nay đều ngừng hoạt động.
Nghề đan lát ở xã Ia Pết (huyện Đak Đoa) hiện đang gặp khó khi nguồn nguyên liệu ngày một khan hiếm. Ảnh: Phương Linh
Nghề đan lát ở xã Ia Pết (huyện Đak Đoa) hiện đang gặp khó khi nguồn nguyên liệu ngày một khan hiếm. Ảnh: Phương Linh
So với hàng chục làng nghề truyền thống được hình thành rồi nhanh chóng tan rã, hiện chỉ còn một số làng nghề còn hoạt động và được xem là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung về làng nghề, song cũng hoạt động cầm chừng. Trong số này có thể kể đến HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm ở xã Glar (huyện Đak Đoa), CLB Phụ nữ dệt thổ cẩm kết hợp du lịch cộng đồng xã Ia Ka (huyện Chư Pah), làng nghề đan lát ở xã Ia Pết (huyện Đak Đoa).
Theo tìm hiểu của P.V, khó khăn lớn nhất để duy trì làng nghề truyền thống chính là thị trường tiêu thụ và nguồn nguyên liệu. Theo ông Ngô Quốc Thịnh-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương), mặc dù có một số đề án hỗ trợ làng nghề, tạo điều kiện để sản phẩm của các làng nghề truyền thống tham gia các hội chợ, triển lãm nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn là bài toán nan giải. “Trung tâm chỉ có thể hỗ trợ các làng nghề về đào tạo nghề, giới thiệu sản phẩm, làm cầu nối để sản phẩm đến được với người tiêu dùng chứ không thể tiêu thụ giúp sản phẩm cho làng nghề. Muốn sản phẩm có thị trường ổn định thì cần sự hỗ trợ từ nhiều phía và trên hết là sự năng động của chính các thành viên làng nghề”-ông Thịnh phân tích.
Hợp tác xã Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) là cơ sở từng duy trì hoạt động sản xuất tấp nập với các đồ dùng thủ công từ mây, tre, bẹ chuối… Ban đầu, HTX cũng có thị trường tiêu thụ ổn định khi ký kết cùng HTX Ba Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, sau khi HTX Ba Nhất dừng hợp đồng, Thảo Nguyên loay hoay tìm thị trường mới nhưng bất thành, các xã viên buộc phải quay sang làm ngành nghề khác để tồn tại. Hoặc như HTX Công-Nông-Lâm nghiệp và Dịch vụ Ia Dom (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) cũng đã từng quy tụ hơn 20 chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia với sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống. Tuy nhiên, thời gian để hoàn chỉnh một sản phẩm tốn rất nhiều thời gian, cùng với đầu ra nhỏ giọt, ít ỏi khiến các chị em không còn mặn mà với công việc.
Không chủ động, kiểm soát được nguồn nguyên liệu cũng là một bài toán hóc búa đối với nghề truyền thống. Nếu không tìm ra nguồn lồ ô, tre nứa ổn định thì nghề đan lát ở xã Ia Pết (huyện Đak Đoa) sẽ rất khó duy trì. Nguồn nguyên liệu này tại địa phương dường như đã cạn kiệt, người trong các làng thường phải tìm đến tận các vùng rừng núi ở xã Đak Trôi, Kon Chiêng (huyện Mang Yang) hay vùng biên giới Ia Dom (huyện Đức Cơ). Ông Chuin-Chủ tịch UBND xã Ia Pết-cho biết: “Xã cũng đã có hướng hỗ trợ quỹ đất, cung cấp giống lồ ô để chủ động nguồn nguyên liệu giúp người dân giữ nghề truyền thống bền vững nhưng người trong làng vẫn chưa thống nhất được ý kiến”. Nói về vấn đề này, ông Xêl-một người dân xã Ia Pết-cho hay: “Lồ ô phải trồng trên diện tích lớn, rộng rãi thì cây mới cao, thẳng. Thời gian từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khá lâu nên cũng không đủ để phục vụ nhu cầu sản xuất. Ngoài ra, cây lồng mức thường dùng làm đế gùi là cây mọc dại trên vùng đất đá, khó có thể lấy giống và đem về trồng”.
Không “danh chính ngôn thuận”
Nghề đan lát ở xã Ia Pết (huyện Đak Đoa) hiện đang gặp khó khi nguồn nguyên liệu ngày một khan hiếm. Ảnh: Phương Linh
Dệt thổ cẩm tại xã Ia Ka (huyện Chư Pah).    Ảnh: Đ.T

Trong giai đoạn 2007-2013, Gia Lai đã đầu tư xây dựng 10 hạ tầng làng nghề từ nguồn vốn có mục tiêu của Chính phủ và nguồn vốn ngân sách địa phương với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Tỉnh cũng triển khai hỗ trợ 34 lớp đào tạo nghề cho 1.560 học viên với tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng (trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là 720 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương là 652 triệu đồng).

Theo ông Ngô Quốc Thịnh, có rất nhiều đề án hỗ trợ làng nghề như đào tạo nghề, truyền nghề, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các hội trợ triển lãm… nhưng khó khăn lớn nhất của việc duy trì các làng nghề truyền thống hiện nay là chưa có ngành nghề truyền thống nào ở tỉnh ta được công nhận là làng nghề truyền thống theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7-7-2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (nay được thay thế bằng Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12-4-2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn). Cũng bởi lý do này mà sự phân công trách nhiệm về quản lý làng nghề giữa các ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chưa rõ ràng; tổng hợp báo cáo về làng nghề, các chính sách hỗ trợ và những vấn đề liên quan thường không đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chính xác.
Như vậy, sau nhiều năm gầy dựng, đầu tư, Gia Lai vẫn chưa có làng nghề truyền thống nào được “danh chính ngôn thuận” về góc độ nghề nghiệp lẫn quản lý nhà nước. Dễ dàng nhận thấy, nghề đan lát ở Ia Pết (huyện Đak Đoa), nghề dệt thổ cẩm ở Ia Ka (huyện Chư Pah), xã Biển Hồ (TP. Pleiku)… chưa nhận được sự quan tâm đúng mức dù đã có nhiều năm hoạt động tương đối ổn định. Chiếu theo các tiêu chuẩn để được công nhận làng nghề thì những nơi này vẫn có thể đáp ứng đầy đủ. Thế nhưng, sự chồng chéo trong khâu quản lý đã khiến cho những làng nghề giàu tiềm năng mãi vẫn chưa được đánh thức.
Hoàng Ngọc - Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.