Lắng dịu sắc chàm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Màu sắc là một phần của văn hóa tộc người. Từ thời xa xưa, các dân tộc sinh sống ở cao nguyên, miền núi nước ta đã biết khai thác những vật liệu có sẵn trong tự nhiên để tạo ra các loại sắc màu sơn quét, trang trí trên các vật dụng, công trình kiến trúc, nhất là nhuộm vải làm màu nền và dệt hoa văn, điểm tô nét đẹp cho bộ trang phục truyền thống. Trong muôn sắc màu, màu chàm là gam màu trầm lắng, làm nên hồn cốt của tộc người.
Nghệ nhân dệt thổ cẩm với đôi tay “nhuốm chàm”. Ảnh: Tấn Vịnh
Nghệ nhân dệt thổ cẩm với đôi tay “nhuốm chàm”. Ảnh: Tấn Vịnh
Màu chàm đen luôn là màu chủ đạo, là màu nền trong trang phục của các dân tộc Tây Nguyên như: Ê Đê, Jrai, Bahnar, Giẻ Triêng, Cơ Tu... và các dân tộc Tây Bắc. Đây là màu trung gian, có vai trò điều tiết sự tương quan, hài hòa màu sắc trên trang phục. Có lẽ do điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng rừng núi, để hòa mình với môi trường sống, môi trường lao động, con người phải chọn cho mình một loại trang phục chắc bền, tiện dụng, không quá phô trương về hình thức.
Trước đây, đồng bào thường mặc chiếc áo chàm thuần khiết, sau đó điểm xuyết vài đường viền hoặc những hoa văn đơn giản bằng sợi được nhuộm màu tươi sáng hơn. Tuy là gam màu tối nhưng màu chàm vẫn nổi bật trong không gian miền núi, hợp với khung cảnh thiên nhiên nơi những chủ nhân mặc chiếc áo này sinh sống.
Chiếc áo chàm chính là thông điệp tộc người. Chiếc áo chàm là chiếc áo dân dã. Bà con mặc hàng ngày trong lao động, trong các dịp lễ hội cổ truyền dân tộc, sinh hoạt văn hóa tâm linh. Vải chàm mặc rất mát, giặt mau sạch, không bị kích ứng da. Đồng bào miền núi dùng vải nhuộm chàm để may quần áo, làm khăn đội đầu, may túi khoác vai, may chăn, nệm... Trên nền vải chàm đằm thắm này, thợ dệt gửi gắm những đường kim mũi chỉ, cắt may, khâu đắp, tạo thành những hoa văn đẹp mắt.
Trong các loại cây cho màu nhuộm vải thổ cẩm thì cây chàm là quan trọng nhất, đồng bào gọi là cây ta râm. Loại cây này mọc hoang dại trong rừng, có tên khoa học là indigofera tinctoria và indigofera anil. Người ta chặt cây chàm về lấy cả thân lẫn lá đem ngâm với nước suối trong một cái ché lớn đến khi mục rữa. Sau đó, vớt thân cây chàm bỏ ra ngoài rồi dùng khúc cây đánh cho lên màu.
Để thuốc nhuộm màu phát huy tác dụng, cải thiện sắc thái và nước bóng, đồng bào còn tạo ra một số chất phụ gia làm từ vỏ ốc, hạt bắp, củ nâu. Mỗi ngày, người ta nhúng sợi vải vào dung dịch này đến 3 lần và phải qua 3 lần thay nước nhuộm màu mới. Nếu thấy chưa đậm, chưa sắc nước thì trộn vôi bột (được nung từ vỏ ốc suối) vào nước màu rồi lấy cây khuấy đều cho đến khi thuốc nhuộm trở nên đen tuyền mới đưa sợi vải vào nhuộm màu.
Đối với người thợ nhuộm tài ba, một số dạng màu từ đen thẫm, xanh lam sẫm đến màu xám nhẹ, xanh nhạt đều do cách nhuộm mà ra. Màu đen thẫm thì nhuộm 8 lần, còn các màu sẫm thì chỉ cần nhuộm qua vài lần.
Thu hoạch cây ta râm làm thuốc nhuộm màu chàm. Ảnh: Tấn Vịnh
Thu hoạch cây ta râm làm thuốc nhuộm màu chàm. Ảnh: Tấn Vịnh
Đồng bào các dân tộc miền núi gắn với nghề dệt thổ cẩm. Bông vải thu hoạch về, người dân chế biến sợi từ màu trắng nguyên thủy của nó, sau đó mới nhuộm để cho ra các màu sợi khác nhau. Những búp sợi có màu khác nhau là nguyên liệu chính để đưa lên khung dệt, tạo ra những tấm thổ cẩm. Việc chế biến màu chàm và nhuộm vải đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ của người phụ nữ.
Có thể nói, cuộc sống muôn màu, văn hóa các tộc người tuy có “đổi màu” nhưng qua thời gian, màu chàm vẫn bất biến. Không riêng vùng văn hóa Tây Nguyên, màu chàm còn là màu in đậm dấu ấn bản sắc tộc người vùng Tây Bắc.
Cây chàm, màu chàm góp một gam màu tô điểm cuộc sống, mang lại sức sống cho buôn làng. Chiếc áo chàm xuất hiện trong lễ hội hát then, trong các nghi lễ thiêng liêng vòng đời người. Cây chàm giúp người dân có nguồn nguyên liệu cơ bản duy trì nghề dệt thổ cẩm, mang lại nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống cho mỗi gia đình.
Nhiều họa sĩ, nhà nhiếp ảnh chuyên đặc tả những bức chân dung của người phụ nữ các dân tộc với nụ cười hồn nhiên ẩn giấu dưới đôi tay thấm đượm màu chàm. Các nhà thiết kế thời trang đình đám của Việt Nam cũng có thiên hướng quay lại với màu chàm để làm nên các bộ sưu tập thời trang thổ cẩm ấn tượng mang đậm bản sắc tộc người Tây Nguyên, Tây Bắc.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi

(GLO)- Người Tây Nguyên làm du lịch không chỉ bằng khu nghỉ dưỡng, mà còn bằng lòng hiếu khách và nghệ thuật kể chuyện. Vậy nên, đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi mà hãy đánh thức nó bằng chính giọng nói của rừng, bằng bàn tay của bà con và bằng tình yêu với buôn làng của mình.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

(GLO)- Ở buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), ông Hiao Thuyên được biết đến là một nghệ nhân tài hoa khi giỏi cả sáo trúc, biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca... Bằng những việc làm thiết thực, ông đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Jrai và xây dựng khối đại đoàn kết ở buôn làng.

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Nhắc đến đại ngàn Tây Nguyên, có lẽ biểu tượng văn hóa “sừng sững” chính là những mái nhà rông, nhà dài truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trong những biến chuyển của thời đại, không gian che chở các hộ gia đình và lan tỏa văn hóa cộng đồng ấy khó tránh khỏi những hư hao, nghiêng ngả.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

(GLO)- Người Bahnar quan niệm rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có sự hiện diện của thần linh và con người phải tôn trọng, thờ cúng. Vì vậy, họ có nếp sống, sinh hoạt văn hóa với hệ thống lễ hội vô cùng phong phú, gắn với vòng đời người và chu kỳ canh tác nông nghiệp.

null