Lần đầu có website ảnh chân dung 'Mẹ Việt Nam anh hùng'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự án được đánh giá mang tính nhân văn cao khi số hóa hơn 2.000 bức vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước.

Giao diện trang web Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng.
Giao diện trang web Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng.


Sáng 30-10, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM ra mắt trang web đầu tiên lưu trữ chân dung của các Mẹ Việt Nam Anh hùng từ Nam ra Bắc tại địa chỉ mevietnamanhhung.hcmgis.vn.

Đây là dự án hợp tác giữa Công đoàn Sở Khoa học và Công nghệ với Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (HCMGIS) và họa sĩ Đặng Ái Việt.

Bà Chu Vân Hải - phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - chia sẻ công trình được xây dựng từ tháng 1-2020, nhằm số hóa và lan tỏa trên 2.000 tác phẩm ký họa chân dung Mẹ Việt Nam của họa sĩ Đặng Ái Việt. Các tác phẩm được bà thực hiện từ từ năm 2010 đến nay.

Họa sĩ Việt nổi tiếng là người phụ nữ độc hành khắp Việt Nam với chỉ một chiếc xe máy, tìm vẽ chân dung của các Mẹ Việt Nam anh hùng ở mọi miền Tổ quốc.

"Mỗi hành trình vẽ chân dung của tôi là một chiến dịch. Đó là một cuộc chạy đua nghiệt ngã với thời gian, để hoàn thành các tác phẩm vì sợ các mẹ sẽ đi mất", bà Việt nói.

 

Họa sĩ Đặng Ái Việt cùng chiếc xe vào Nam ra Bắc của bà.
Họa sĩ Đặng Ái Việt cùng chiếc xe vào Nam ra Bắc của bà.


Ông Phạm Quốc Phương - giám đốc HCMGIS - kể nhóm của ông bắt đầu kết hợp với họa sĩ Đặng Ái Việt từ năm 2019. Nhóm được họa sĩ tin tưởng giao lần lượt hàng trăm tác phẩm để số hóa, trong khi bà Việt vẫn tiếp tục hành trình ký họa của mình.

Ngoài ảnh chân dung, trang web còn có thêm những thông tin giới thiệu về từng Mẹ Việt Nam anh hùng, thời gian, địa điểm sáng tác và bút tích của họa sĩ. Công nghệ scan mới nhất giữ lại những nét vẽ chân thật, hệt như tác phẩm gốc.

Trang web cũng thống kê, cho người dùng có thể tìm kiếm các Mẹ theo từng địa phương. Nhóm lập thêm một bản đồ định vị vị trí của từng tác phẩm, thực hiện đồ họa hành trình sáng tác của họa sĩ.

"Các tác phẩm chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng của họa sĩ Việt nếu chỉ để ở phòng tranh thì có nhiều hạn chế. Việc số hóa cho phép khán giả dễ dàng tiếp cận hơn. Sau này nếu các Mẹ không còn, các dữ liệu, chân dung vẫn còn trên trang website", ông Phương nói.

Ông cho biết thêm, cách đây 10 năm HCMGIS cũng đã thực hiện một dự án số hóa nghĩa trang Trường Sơn với hơn hơn 10.000 phần mộ.

Theo bà Chu Vân Hải, những người làm dự án muốn bày tỏ lòng tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng, qua đó có thể tiếp nối có thể lưu giữ, lan tỏa, tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, tổ đất nước tự hào dân tộc, khát vọng đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Một số tác phẩm của họa sĩ Đặng Ái Việt trên website:

Lần đầu có website ảnh chân dung 'Mẹ Việt Nam anh hùng' ảnh 3
 
Lần đầu có website ảnh chân dung 'Mẹ Việt Nam anh hùng' ảnh 4
 
Lần đầu có website ảnh chân dung 'Mẹ Việt Nam anh hùng' ảnh 5
 
Lần đầu có website ảnh chân dung 'Mẹ Việt Nam anh hùng' ảnh 6
 
Lần đầu có website ảnh chân dung 'Mẹ Việt Nam anh hùng' ảnh 7
 
Lần đầu có website ảnh chân dung 'Mẹ Việt Nam anh hùng' ảnh 8
 


TRỌNG NHÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm