Làm khóm chà trên biển, mỏi tay bắt cá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngư dân xã Phổ Quang (Đức Phổ, Quảng Ngãi) dày công gắn kết cây lá thành khóm chà làm nơi cho cá trú ngụ, tung tăng bơi lội.

Hàng chục tàu cá lao đến truy đuổi, bắt giữ những người sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản trên biển giao cho lực lượng chức năng. Bao đời, họ luôn nhắc nhở nhau cần gìn giữ cá tôm để khai thác lâu dài.

“Dựng nhà” cho cá ngụ

Chiếc tàu cá QNg - 98530 TS của lão ngư Nguyễn Xếch ở xã Phổ Quang rẽ sóng đưa tôi cùng bạn chài ra khơi trong chiều phai nắng. Thấy tôi nhìn chăm chú khúc tre khô bồng bềnh trên sóng nước, ông Xếch mỉm cười giảng giải: “Chà của tôi làm cho cá ở đấy!”. Câu chuyện về ngư dân và biển cả như những thước phim quay chậm, cuốn hút người nghe.

Thuở trước, cụ Cố của ông Xếch và nhiều ngư dân lội bộ hơn 10km đến thôn Nho Lâm, xã Phổ Hòa (Đức Phổ) tìm mua tre đằng ngà rồi cùng nhau khiêng về làng. Sau đó, họ lội bộ trên 20km lên tận núi Eo Gió, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) cắt nhánh cùng lá chà là, đồng đình rồi bó tròn gánh nặng oằn vai. Họ vượt sông Thoa sang Núi Cửa cạy những tảng đá lớn, cùng nhau khiêng xuống thuyền chở về nhà. Những cây tre to được cưa làm đôi rồi đục lỗ hai đầu, tre nhỏ được chẻ lạt rồi bện thành dây thừng khá chắc chắn. Thân và lá chà là, đồng đình mang về phơi nắng 3 ngày rồi cột thành từng chùm lớn.

Vào ngày trời yên biển lặng, họ chất mọi thứ chuẩn bị sẵn lên thuyền rồi chèo đến vùng biển có bãi rạn với những tảng đá to như mái nhà nằm cạnh nhau dưới đáy biển. Đấy là nơi lý tưởng đặt chà cho cá tìm đến trú ngụ, tung tăng bơi lượn và sinh sôi nảy nở. Cánh ngư phủ trẻ với đôi tay rắn chắc cột những tảng đá lớn thành khối nối với sợi dây thừng dài 15-25m. Những chùm thân và lá chà là, đồng đình được cột vào dây thừng với khoảng cách 0,5m tựa tín đồ mộ đạo kết hoa dâng cúng chư Phật. Lão ngư dạn dày kinh nghiệm cẩn thận xỏ dây qua lỗ 6 khúc tre rồi cột chặt tạo thành khung chà chia làm 3 nhánh chữ V như biểu tượng chiến thắng gian lao. Khung chà tựa mái tháp cổ với phần đỉnh hướng vào lòng biển khi thả xuống làn nước xanh thẳm. Khối đá lớn nối với dây thừng được thả vào làn nước, nằm gọn trong khe hở giữa rạn đá, đầu dây còn lại nối với hai khúc tre để neo giữ khung chà khỏi trôi dạt trên biển.

Mỗi khóm chà gồm 3 nhánh chữ V nối với 3 khối đá bằng những sợi dây thừng khá vững chắc. Lá rừng cột vào dây thừng bập bềnh như đang lả lơi nhảy múa mời gọi cá, tôm kéo đến trú ngụ và tìm kiếm thức ăn. Vậy nên chà luôn được bảo quản và tu bổ hằng năm vì đấy là “nhà chứa cá” mang lại ấm no. Bão lớn, những cơn sóng dữ dội nhấc bổng khóm chà rồi đưa ra khỏi rạn đá được họ kéo trở lại, neo vào chỗ cũ khi biển lặng.

Giờ cuộc sống hiện đại nên việc dựng chà không còn vất vả như trước nhưng cũng lắm nhọc nhằn. Núi đồi ngày trước giờ phủ kín keo lai, bạch đàn nên ngư dân phải dùng bao nylon màu xanh thay cho thân và lá chà là, đồng đình. Thừng tre cũng được thay thế bằng những sợi dây nylon chắc chắn hiện diện ở chợ quê. “Bây giờ làm chà không còn mệt nhọc như thời ông cha nhưng cũng khá vất vả. Vậy nên ít người làm chà như thời trước…” - ông Xếch cho biết.

 

 Ngư dân đi bạn trên tàu cá của ông Xếch đang kéo lưới trên biển đêm.Ảnh: P.V
Ngư dân đi bạn trên tàu cá của ông Xếch đang kéo lưới trên biển đêm.Ảnh: P.V



Của để dành

Sau mẻ lưới vây rút với lượng hải sản đánh bắt hơn 100kg, ông Xếch nhấn ga, chiếc tàu cá rẽ sóng đi tìm đàn cá lẩn khuất giữa đại dương bao la. Tàu chậm dần rồi dừng hẳn gần khóm chà bồng bềnh giữa sóng nước biển đêm. Mỏ neo được thả xuống để giữ cho tàu khỏi trôi theo dòng nước. Dàn đèn cao áp bật sáng rực rỡ để dẫn dụ đàn cá. Lát sau, cá, mực và cả những con rắn biển dài ngoẵng kéo đến cạnh tàu tung tăng bơi lượn như muốn trình diễn vũ điệu biển khơi.

Ông Xếch nhỏ nhẹ: “Cá trong chà ra đấy”, rồi ra hiệu cho ngư dân đi bạn buông lưới khi chiếc tàu lướt trên sóng nước tạo thành vòng tròn vây quanh đàn cá. Mẻ lưới thu được hơn 100kg cá, mực tươi sống, tàu quay hướng vào bờ để hải sản kịp hiện diện phiên chợ sớm, bán với giá cao. Chuyến biển đêm ấy mỗi ngư dân đi bạn được chia hơn 100 nghìn đồng, phần chủ tàu trên 400 nghìn đồng. “Nhờ có 3 khóm chà nên không lo lỗ phí tổn. Những lúc đánh bắt nơi khác không có thì chúng tôi chạy đến đấy cũng kiếm được ít tiền nuôi sống gia đình” - ngư dân Nguyễn Lý đi bạn trên tàu của ông Xếch thổ lộ.

Ngư dân nơi đây còn “để dành” hải sản khi chỉ bắt cá lớn và chừa lại cá nhỏ tiếp tục sinh sôi. Họ hành nghề lưới cản, vây rút trên các vùng biển xa với mắt lưới từ 5-7cm, đánh bắt cá gần cả ký trở lên. “Anh em tôi có 4 tàu cá với tổng giá trị hơn 7 tỉ đồng. Trong đó, có hai tàu lớn với công suất mỗi chiếc 500CV hành nghề lưới vây rút trên vùng biển Hoàng Sa. Chúng tôi chỉ bắt cá lớn, chừa lại cá nhỏ cho nó lớn để còn đánh bắt tiếp…”-ngư dân Nguyễn Mai tâm sự.

Đối diện với “hung thần” trên biển

Vùng biển miền Trung đang “dậy sóng” trước tình trạng tàu cá giã cào khai thác tận diệt hải sản. Giàn lưới dày nối hai tàu cá chạy song song gom trọn tất cả các loại hải sản đủ kích cỡ nằm sát đáy biển hay nổi trên mặt nước, hủy diệt nghiêm trọng môi trường biển. Không chỉ vậy, giàn lưới giã cào còn kéo phăng, gây hư hỏng ngư cụ của ngư dân mưu sinh trên biển khiến họ lâm vào cảnh trắng tay. Lực lượng chức năng nhiều lần truy bắt, xử lý nhưng “vấn nạn giã cào” vẫn tiếp diễn vì lợi nhuận cao hơn hẳn những phương thức đánh bắt khác. “Hồi trước cá nhiều lắm, mỗi mẻ lưới là khẳm ghe (đầy ghe) luôn đó. Bây giờ công nghệ hiện đại với máy tầm ngư và nhiều người đánh bắt giã cào hốt sạch sành sanh nên cá ngày càng ít, chắc tới đời con cháu không còn cá để bắt…” - lão ngư Nguyễn Em than thở.

Giữa đêm khuya thả neo chong đèn dụ cá, thuyền trưởng Nguyễn Mai phát hiện hai tàu giã cào công suất lớn tiến về phía mình. Mặc cho anh liên tục nháy đèn báo hiệu nhưng hai tàu cá vẫn lao đến như muốn nghiền nát chiếc tàu của anh đang dập dềnh trên sóng nước. Anh cùng với bạn chài vội vàng nhổ neo chạy thoát thân trong đêm tối. “Những lúc như vậy anh em tôi tức lắm nhưng không làm gì được. Tàu của họ to hơn nhiều, sẵn sàng tông chìm tàu mình rồi bỏ đi thì chỉ có chết nên phải nuốt giận mà tránh né cho yên thân. Những đôi tàu giã cào to lớn còn kéo luôn cả khóm chà, cuốn cả lưới và dây câu làm thiệt hại hàng chục triệu đồng…”-anh tâm sự.

Biển thẳm xanh chứa bao điều huyền bí với sóng vỗ miên man vào mạn tàu đang lướt sóng vươn khơi. Chợt vang lên tiếng nổ lớn và rồi cột nước bốc lên trắng xóa cạnh những chiếc tàu cá che khuất số hiệu như kẻ gian giấu mặt. Những ngư dân đưa mắt nhìn nhau chép miệng: “Lại đánh thuốc nổ nữa rồi!”. Với họ, đấy là ”chuyện thường ngày trên biển” dù đã nhiều lần báo cáo sự việc với lực lượng chức năng.

Giữa trưa hơn 10 năm trước, lão ngư Nguyễn Xếch cùng bạn chài phát hiện 6 tàu cá chuẩn bị đánh thuốc nổ vào khóm chà mà ông cùng bạn chài nhọc công gây dựng. Ông liền điều khiển tàu cá lao tới can ngăn liền bị ngư dân trên tàu dùng súng bắn tên tự chế đe dọa với những lời lẽ sặc mùi dao búa rồi ngang nhiên vung thuốc nổ vào lòng biển xanh. Ông liền điện thoại vào bờ báo tin cho ngư dân trong vạn chài. Lát sau, hơn 50 tàu tàu cá cùng hàng trăm ngư dân Phổ Quang lao đến vây bắt 6 tàu cá sử dụng thuốc nổ rồi lai dắt vào bờ bàn giao cho lực lượng chức năng. Khóm chà của ông Xếch tả tơi sau tiếng nổ lớn, cá, tôm chết trắng trôi lững lờ trong làn nước. Và phải chờ đến hơn 3 tháng sau tôm cá mới tìm đến trú ngụ. “Mấy ổng đánh thuốc nổ chỉ bắt được phần nhỏ thôi, phần lớn cá, tôm phân hủy, trôi nổi trong nước thấy tiếc lắm. Ngư dân chúng tôi không ngăn được vì sợ mấy ổng làm liều ném thuốc nổ sang tàu mình thì chỉ có chết chìm. Đề nghị cơ quan chức năng truy bắt và xử phạt thật nặng để bảo vệ cá, tôm…” - ông Xếch kiến nghị.

Bao đời, ngư dân Phổ Quang luôn nhắc nhau phải giữ gìn cá, tôm để đánh bắt lâu dài, phải “để dành cho con cháu”. Tiếc thay! Vẫn còn nhiều người vì món lợi tức thời mà quên đi điều đơn giản ấy.

* Phổ Quang hiện có 202 tàu cá với tổng công suất hơn 90 nghìn CV cùng gần 1.900 ngư dân đánh bắt trên biển. Sản lượng hải sản khai thác hằng năm trên 12 nghìn tấn, doanh thu khoảng 360 tỉ đồng. "Tôi vừa nghe thông tin có hai tàu cá đăng ký nghề vây rút nhưng hành nghề giã cào ngoài khơi xa. Chúng tôi sẽ tuyên truyền để họ dừng việc đánh bắt giã cào nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản…"-ông Huỳnh Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang - cho biết.

*Nhiều ngư dân Phổ Quang mưu sinh trên biển với nghề lưới rê, vây rút và "nói không" với nghề giã cào hay sử dụng thuốc nổ. Họ luôn ghi nhớ lời dặn của cha ông: "Đánh bắt phải biết giữ gìn để dành sau này có cái mà ăn" nên không vì món lợi tức thời mà khai thác theo kiểu tận diệt. "Lúc lặn quanh khóm chà thấy cá, mực nhiều màu sắc bơi lượn đẹp mắt lắm. Nhiều con cá gốc (cá ngụ lâu trong chà) rất tinh khôn, chong đèn cao áp cả đêm nhưng chúng không bao giờ ra ngoài để bị bắt. Và dẫu biết cách dụ chúng ra ngoài nhưng tôi không bao giờ làm thế vì để chúng còn sinh đẻ và dẫn dụ cá từ nơi khác đến" - ông Xếch tâm sự.

Hữu Nhân (Lao động)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.