Làm giàu nhờ… phúc đức ông bà!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đó là lời giải thích chân thật nhưng khá ngộ nghĩnh của tỉ phú nông dân Phan Văn Khanh (62 tuổi), ngụ ấp 3, xã Thạnh Tân, H.Tân Phước, Tiền Giang.
 
Cây thanh long ở vùng Đồng Tháp Mười, Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Phương
Ôm nợ, bỏ quê
Theo hướng dẫn của UBND xã Thạnh Tân, chúng tôi men theo con đường vừa trải đá xanh đi chừng 500 m thì tới nhà ông Khanh. Đó là căn nhà mới xây chưa lâu theo kiểu biệt thự. Cửa mở, bên hiên nhà dựng gần một chục chiếc xe gắn máy nhưng chẳng thấy ai. Nghe tiếng gọi, bà Nguyễn Thị Diêu, vợ ông Khanh, đang ở nhà sau chạy ra nói: “Ổng đang ở trong ruộng thanh long coi mấy đứa nhỏ tưới nước. Chú đi vô chừng 300 thước nữa thì gặp hà. Mà chú kiếm ổng có chi hông?”.
Khi chúng tôi tới ruộng thanh long thì thấy một người đàn ông mặc áo xanh giống như công nhân, đầu đội nón lá, đang trong tư thế vừa quỳ, vừa bò dưới đất để vun phân hữu cơ cho gốc thanh long. Nghe hỏi đúng tên, ông lật đật đứng dậy rồi nhảy ùm xuống nước lội qua con mương đi về cái trại ở đầu ruộng và để nguyên bộ quần áo ướt sũng ngồi trên chiếc giường kê phía ngoài trại nói chuyện với khách. “Quê tui ở xã Hòa Lợi, H.Thạnh Phú, Bến Tre, đã 4 đời làm ruộng. Từ ông nội, ba tui đến tui và bây giờ là các con tui. Hồi đó nhà tui nghèo lắm, anh em đông, chưa xong tiểu học thì tui phải nghỉ để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Năm 1975, mới 18 tuổi thì ba má tui kêu cưới vợ, hai năm sau sinh con gái đầu lòng”, ông Khanh tâm sự.
Ở nông thôn nhà nghèo thường đông con và ông Khanh cũng không ngoại lệ. Sau khi lập gia đình, dù chỉ có 2 công ruộng hương hỏa mỗi năm làm một vụ lúa mùa nhưng vợ chồng ông sinh 7 người con, 2 gái, 5 trai. Bà Diêu kể: “Hồi đó vợ chồng tui nghèo lâu lắc. Nuôi 500 con vịt đẻ thì bị “phù đầu” nên thâm thủng, phải ôm nợ gần 3 chỉ vàng. Mà vàng hồi đó tính ra mắc lắm. Người ta đặt tiền trước để lấy trứng nhưng vịt bị bịnh không đẻ được nên đâu có trứng để giao. Vậy là nợ”.
Sau khi làm ăn thất bại, vợ chồng ông Khanh đưa các con về ở tạm nhà bên vợ ở H.Vũng Liêm (Vĩnh Long) rồi tiếp tục nuôi vịt thịt nhưng lại thất bại nên phải bỏ xứ vào Đồng Tháp Mười. Đó là năm 1992, vợ chồng ông đùm túm hết đồ đạc, đưa các con xuống xuồng ngược sông Hàm Luông, đi một vòng theo sông Ba Rày tới Cai Lậy rồi dừng chân tại vùng đất mới ở xã Thạnh Tân, H.Tân Phước, Tiền Giang. Ông Khanh nói: “Lúc đó con gái đầu lòng của vợ chồng tui đâu chừng 15 tuổi. Thằng con trai út thì tui hổng nhớ mấy tuổi nhưng cũng “trộng trộng” rồi. Chú tính thử coi, năm nay nó 24 tuổi đó”.
“Thời gian đầu, hằng ngày ngoài việc đi đào mương, lên liếp mướn, có thời gian ổng theo ông già đi suốt lúa ở tận H.Tam Nông, Đồng Tháp. Tui với đứa con gái lớn thì 4 giờ sáng bơi xuồng vô rừng kiếm củi, chạng vạng tối mới về. Có hôm hai mẹ con đi chín mười bữa mới về nhà, qua tới Long An luôn. Khổ vậy mà còn bị giựt nữa. Có ông mua củi rồi giựt hết 9 thước, hồi đó giá đâu chín chục ngàn một thước nhưng nhiều lắm”, bà Diêu kể.
 
Ông Phan Văn Khanh
Một mẫu rưỡi 3 chỉ vàng
“Khi gia đình tui tới đây thì vùng này đất đai vẫn còn hoang vu, nước trong xanh nhưng không có tôm cá vì nhiễm phèn. Bấy giờ để lo cái ăn cho cả nhà 9 người, hằng ngày vợ tui vô rừng tràm chặt củi. Tui thì ai kêu gì làm nấy. Đến khi chuyển sang trồng khóm thì tui mới không làm mướn nữa”, ông Khanh nói.
Khi mới tới xã Thạnh Tân, cả nhà ông Khanh phải vào ở tạm trong cái chòi của người ta cất ở đầu các dải ruộng dọc theo bờ kinh xáng nhưng không có người ở. Sống tạm bợ ở đây được chừng 3 năm ông mới về quê bán 2 công đất hương hỏa lấy tiền mua một lô đất cất nhà. Lô đất đó hiện giờ gia đình ông đang ở với diện tích hơn một mẫu rưỡi, giá lúc đó là 3 chỉ vàng nhưng vợ chồng ông trả trước 2 chỉ rưỡi, còn nợ lại 5 phân sau đó trả dần.
Giá đất rẻ như vậy vì thời điểm đó ít người dám liều vào chỗ thiên nhiên khắc nghiệt để sinh sống. Sau khi mua được đất, ngoài việc đào mương lên liếp trồng khoai mỡ, vợ chồng ông Khanh còn mượn thêm đất của người ta bỏ hoang để trồng lúa. Hỏi làm được mấy công, ông nói: “Trời ơi hồi đó tui làm tới 2 - 3 lô lận. Mỗi lô 15 công, tức một mẫu rưỡi đó. Con đông quá, phải mượn đất làm thêm, nhờ mỗi cái một chút mới có dư. Làm được vài năm thì mấy ổng đắp đê bao nên tui trả đất mượn, quay qua trồng khóm và nhờ cây khóm mà gia đình tui bắt đầu khá lên tới bây giờ”.
Cây khóm trồng một năm thì thu hoạch lần đầu tiên. Sau đó bón phân, chăm sóc thì khóm tiếp tục cho trái. Thế là cứ lai rai vài tháng thì thu hoạch tiếp một lần, tiền vô đều đều. Nhờ trồng nhiều lô nên mỗi lần ông Khanh bán được vài ba chục tấn khóm, kiếm được vài trăm triệu đồng là bình thường. Nhưng ông nói hồi trước khóm dễ trồng. Chỉ trồng một lần là ăn được 4 - 5 năm. Vừa đốn xong thì chồi mọc lên ngay. Giờ đốn xong mấy tháng chỉ thấy lú lác đác, lại còn bị bịnh lá đỏ nữa.
 
Cây khóm ở vùng Đồng Tháp Mười, Tiền Giang
Một một, hai hai đâu ra đó
Hết nghèo, năm 2012 vợ chồng ông Khanh dành dụm cất được căn nhà tường, chi phí lúc đó hơn 700 triệu đồng. Mặc dù sống giữa vùng Đồng Tháp Mười nhưng nhà ông có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt không khác gì ở chợ. Hỏi hiện nay tổng cộng có bao nhiêu đất? Ông Khanh nhẩm tính: “Để coi, ở đây gần 2 mẫu, chỗ nhà ở và bên kia sông nữa. Tổng cộng hơn 5 mẫu, chưa kể phần đã cho thằng con mới ra riêng”.
Trong 5 mẫu đất hiện ông Khanh trồng khóm 1 mẫu, còn lại trồng thanh long. Nhưng thanh long mới trồng, năm tới mới bắt đầu thu hoạch. Còn hơn 10 mẫu đất thuê trồng khóm trước đây giờ đã trả lại gần hết, vì đất bây giờ lên giá, ít người còn cho thuê. Ở vùng này hiện nhiều người rao bán với giá từ 2 - 5 tỉ đồng 1 mẫu, tùy khu vực.
Riêng miếng đất mà ông Khanh khoe mới mua được và đang trồng thanh long có diện tích 1,9 mẫu. Ngoài ra còn 2 lô đất thuê trồng khóm diện tích 3 mẫu, nên có trái bán lai rai hoài. Hỏi lai rai là bao nhiêu? Ông Khanh nói: “Cứ 2 tháng thì thu hoạch một lần, mỗi lần vài ba trăm triệu đồng. Cũng nhờ khóm nên vợ chồng tui mới cất được nhà. Cất nhà xong thì mua thêm đất”.
Hỏi bí quyết thành công bởi không ít người thất bại vì cây khóm, ông Khanh thành thật: “Tui đâu có bí quyết gì. Cứ cật lực làm rồi từ từ khá lên thôi. Nhờ trồng khóm mà tui mua được đất trồng thanh long và từ thanh long mà tui mới mua thêm miếng đất này. Nhưng nói nào ngay gia đình tui làm ăn thuận lợi cũng nhờ đức ông bà để lại. Hễ mình ở phải thì gặp phải”.
Hỏi “ở phải gặp phải” là như thế nào? Ông Khanh giải thích: “Hồi xưa giờ người ta tự kêu tui cho mướn đất chớ tui không có đi tìm kiếm. Người khác hỏi thì không chắc chớ tui hỏi thì được liền, bởi vì người ta tin tui làm ăn đàng hoàng, một một, hai hai đâu ra đó”. Thu nhập tiền tỉ mỗi năm nhưng vợ chồng ông Khanh đều nói mình cũng còn khó khăn, “chỉ mới hơi đỡ đỡ chớ có giàu có gì đâu”.

Ông Dương Quốc Giang, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Tân, cho biết ngày xưa ở đây đất hoang hóa chỉ có năn, lác tự mọc. Thời gian đầu chính quyền hỗ trợ người dân khai hoang để trồng tràm, bàng, khoai mỡ rồi chuyển qua trồng lúa nhưng đều kém hiệu quả. Đến năm 2003 - 2004, sau khi đắp đê bao mới bắt đầu trồng khóm. Nhờ mấy năm liền trúng giá nên nhiều nông dân làm giàu. “Ở xã này nhiều gia đình làm giàu như ông Khanh nhờ sản xuất giỏi. Sau khóm, giờ họ chuyển sang trồng thanh long. Anh đi từ đây vô ấp 3 chắc đã thấy nhiều ngôi nhà lợp ngói khang trang mới cất. Cũng nhờ dân làm ăn khá nên tất cả các tuyến đường từ xã xuống ấp đều được tráng nhựa hoặc trải đá xanh. Có khoảng 30% số hộ như ông Khanh”, ông Giang nói.

Hoàng Phương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Từ vùng đất hoang hoá, kém màu mỡ, vợ chồng cụ bà 73 tuổi đã phủ màu xanh cho đất, và thu tiền tỷ từ việc khai thác tiềm năng loài tre bốn mùa. Diện tích tre bốn mùa của gia đình bà trở thành đặc sản “độc nhất vô nhị” ở tỉnh Đắk Nông.

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng tôi cũng giống như bao làng khác ở Việt Nam. Ngày xưa, làng có tên Thi Phổ Nhứt, được mệnh danh là 'tiểu Đồng Nai' vì ruộng làng tôi là nhất đẳng điền, lúa cấy xuống vươn lên xanh ngát một màu. Vụ mùa cũng như vụ chiêm, lúa thu hoạch mỗi sào tính bằng nhiều giạ. Không thua gì lúa Đồng Nai.

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Không phải chỉ miền Tây Nam bộ mới là vùng sông nước, Sài Gòn - TP.HCM là thành phố dọc ngang kênh rạch, là nơi từng dày đặc những bến đò. Cùng với sự hình thành và phát triển đô thị, những chuyến đò ngang, đò dọc đã trở thành phần không thể tách rời với tầng lớp thị dân.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

(GLO)- Sự hiện hữu của những cây cầu, cống thuộc Dự án LRAMP đã giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết một phần “bài toán” về giao thông. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được tiếp sức từ những “nhịp cầu lòng dân”.

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Cuối tuần, các em học sinh học nội trú lại trở về thôn Làng Nủ và nỗi nhớ bạn càng thêm quay quắt. Cậu học sinh Ma Trường Quyền vẫn mơ thấy người bạn thân, nhưng khi tỉnh dậy lại buồn vì bạn đã mất rồi.
Tìm lại tên cho đồng đội

Tìm lại tên cho đồng đội

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.
Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.