Lại một mùa hoa Tết...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày này, nông dân ở các làng hoa ở miền Trung đang tất bật chuẩn bị cho vụ hoa Tết. Nhiều dự báo thị trường hoa, cây cảnh tết năm nay ổn định, đem lại thu nhập khá cho các nhà vườn miền Trung.

Tất bật những làng hoa

Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều hộ dân trồng hoa ở các làng hoa tại miền Trung đang tất bật chăm sóc cây với hy vọng hoa sẽ nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Tại các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định... những ngày cuối năm thời điểm thời tiết thuận lợi nên thị trường hoa, cây cảnh những ngày này đã bắt đầu sôi động.

Quất kiểng Hội An năm nay được mùa, được giá khiến người trồng phấn khởi

Quất kiểng Hội An năm nay được mùa, được giá khiến người trồng phấn khởi

Làng hoa Phú Mậu thuộc xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) nằm bên bờ nam sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km. Từ đây sang phố cổ Bao Vinh chỉ cần qua một chuyến đò ngang. Làng hoa tập trung ở các thôn: Vọng Trì, Thế Vinh, Thanh Tiên và đặc biệt là Tiên Nộn với 13ha đất trồng hoa. Đây là vựa hoa lớn nhất, cung cấp hoa cho tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận. Hiện nay, ở Phú Mậu có hơn 20 hộ trồng hoa tập trung theo công nghệ cao, còn lại hầu hết các nhà đều có vườn trồng hoa riêng, quy mô tùy thuộc vào diện tích đất của mỗi hộ. Vụ hoa tết năm nay, Phú Mậu có hơn 200 hộ tham gia trồng hoa cúc, tuy líp, ly, đồng tiền, phong lan ngoại, vạn thọ, hoa hồng và 10 hộ trồng cây cảnh các loại cung cấp cho thị trường với tất cả hơn 11ha. Theo tính toán của các hộ dân trồng hoa ở Phú Mậu, bình quân mỗi héc ta hoa đạt doanh thu trên 500 triệu đồng, sau khi trừ đi các chi phí còn thu được từ 250 - 300 triệu đồng tiền lãi.

Tại Đà Nẵng, người trồng hoa hy vọng vào một vụ mùa bội thu của hoa cảnh tết. Ông Phạm Ngọc Sơn (62 tuổi, xã Hòa Châu, H. Hòa Vang) ở làng hoa Dương Sơn cho biết, những năm gần đây, kinh tế đang dần hồi phục lại sau đại dịch COVID-19, đời sống được cải thiện, người dân có nhu cầu chơi hoa và trang trí nhà cửa nhiều hơn nên năng suất trồng hoa ở làng hoa Dương Sơn cũng tăng. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, từ đầu tháng Chạp, làng hoa Dương Sơn bắt đầu rộn ràng khách và thương lái về chơi, mua hoa Tết. Giá thương lái thu mua cúc chậu tại vườn là từ 580.000 - 750.000 đồng/cặp tùy kích thước. Cung cấp chủ yếu cho các bạn hàng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình… Nhà vườn đang tăng cường nhân công chăm sóc lặt lá, nụ hoa để kịp cho mùa hoa Tết 2024.

Còn ông Mai Thanh Nam (54 tuổi, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) năm nay cho ra thị trường khoảng 300 chậu mai chủ yếu là thanh mai và mai hồng diệp cho biết hy vọng sẽ đảm bảo được mai ra hoa đúng dịp Tết. Giá mai năm nay theo dự đoán của nhiều nhà vườn có phần khởi sắc hơn so với các năm trước. Những người trồng mai vẫn mang nhiều kỳ vọng về một năm bội thu.

Làng hoa Dương Sơn (Đà Nẵng) tất bật cho vụ Tết

Làng hoa Dương Sơn (Đà Nẵng) tất bật cho vụ Tết

Tại TP Hội An, các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh riêng biệt. Quất tết tập trung chủ yếu ở phường Tân An, Thanh Hà và xã Cẩm Hà với các loại hoa cảnh, quất Tết phổ biến ở phường Cẩm Châu, xã Cẩm Thanh. Hoa cúc được trồng ở phường Cẩm Châu. Một người nông dân trồng hoa tại Hội An cho biết, trung bình mỗi ha trồng khoảng 200.000 cây cúc, mỗi cây 3.000 đồng, mỗi vụ tết ước tính tổng thu được khoảng 3 tỉ đồng. Năm nay quất cảnh tại thủ phủ quất Hội An lại được mùa, được giá.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, chủ một vườn quất lớn cho biết, quất năm nay có giá rất cao, cao hơn khoảng 30-40% so với giá quất năm ngoái. Đến nay, thương lái từ các tỉnh như Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế… đến các vườn đặt mua quất rất nhiều, nhiều vườn quất đẹp đã được thương lái đặt mua hết rồi. Dự kiến đến giữa tháng Chạp thì thương lái sẽ đến vườn để vận chuyển quất đi bán, phục vụ thị trường Tết.

Còn tại TX. An Nhơn (tỉnh Bình Định) được mệnh danh là “thủ phủ” mai vàng miền Trung, những ngày này đang tất bật vào vụ mai Tết. Làng mai cảnh Nhơn An hay làng mai Háo Đức từ lâu nổi tiếng với nghề trồng mai Tết. Địa phương này được công nhận là làng nghề với hơn 1.000 hộ trồng mai, chiếm 65% số hộ dân trong xã. Mỗi năm, vụ mai Tết mang về cho người trồng mai ở địa phương này khoảng 25 đến 30 tỷ đồng.

Theo nhiều hộ dân trồng hoa, năm nay thương lái mua hoa kiểng ổn định. Nếu như những năm trước đến tháng 12 âm lịch thương lái mới dạo các vườn để chọn hoa, đặt cọc tiền. Nhưng năm nay, từ cuối tháng 11 âm lịch, các thương lái đã nườm nượp đổ về các làng hoa kiểng đặt cọc tiền. Theo hầu hết người trồng hoa ở miền Trung thời điểm này, nếu may mắn và thời tiết thuận lợi từ giờ tới cận Tết thì có thể cung ứng được khoảng 80% số hoa kiểng phục vụ cho thị trường.

Dốc sức cho mùa vụ cuối năm

Để có được một mùa hoa kiểng Tết chất lượng, người dân phải dầm mưa dãi nắng trong suốt 4-5 tháng trời ròng rã, mặc dù xuống giống với số lượng hoa lớn, nhưng hầu hết các cây, chậu hoa đều được chăm sóc cẩn thận để tăng sức cạnh tranh với các đơn vị khác trên thị trường hoa Tết. Giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chậu cây... trong vụ hoa, cây cảnh năm nay ở mức ổn định. Nhờ chất lượng, đa dạng chủng loại nên người trồng hoa, cây cảnh Tết kỳ vọng Tết Giáp Thìn đầu ra thông suốt.

Trong khi đó, có nhiều dự báo thị trường hoa, cây cảnh tết năm nay ổn định, khó có sự biến động về giá. Các loại hoa quen thuộc dễ bán đem lại thu nhập khá cho các nhà vườn. Năm nay căn cứ tình hình kinh tế, dự báo nhu cầu của người dân, số lượng hoa cúc được trồng không thay đổi so với mọi năm. Tuy chi phí sản xuất như cây giống, vật tư và phân bón có tăng cao nhưng giá hoa tết dự báo thị trường ổn định. Thời tiết năm nay dẫu có thất thường, có mưa nhiều nên cúc chậm phát triển. Tuy nhiên các chủ vườn đã đầu tư công nghệ, áp dụng kỹ thuật và sự kiên trì, chịu khó của người nông dân để chăm hoa Tết được mùa, được giá.

“Thời điểm hiện tại, nhà vườn đã chong đèn buổi tối, tận dụng ngay cả đèn đường để cúc bắt đầu đóng búp. Việc chong đèn để đảm bảo cho cây phát triển tối đa tránh trường hợp cúc ra hoa sớm", ông Cảnh chia sẻ.

Thủ phủ mai vàng An Nhơn (Bình Định) tất bật vặt lá để kịp cho vụ Tết.

Thủ phủ mai vàng An Nhơn (Bình Định) tất bật vặt lá để kịp cho vụ Tết.

Để chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, các nhà vườn đều phải đầu tư nhiều kinh phí cho việc mua phân để bón thúc, sử dụng thuốc kích cho hoa nhanh chóng phát triển, kết nụ, lắp đặt các hệ thống mái che, đèn chiếu sáng với công suất lớn để điều tiết sự sinh trưởng của hoa. Để có được những chậu hoa nở đúng thời điểm Tết và đẹp thì những người trồng hoa phải tất bật chăm sóc. Với những chậu hoa cúc lớn, muốn hoa nở đẹp, bông to thì ngay thời điểm khi cây hoa vừa bung nụ, người chăm hoa phải cắt tỉa bớt những nụ nhỏ xung quanh nụ chính. Còn với mai kiểng, cần chăm cây và vặt lá đúng thời điểm. Chỉ còn khoảng gần một tháng nữa nữa là đến Tết Giáp Thìn 2024, các chủ vườn mai ở thủ phủ mai vàng Bình Định đang tất bật thuê người lặt lá mai cho hoa nở đúng ngày.

Tại thôn Háo Đức, (thị xã Nhơn An), cây mai tràn ngập từ ngoài đường đến trong nhà, đi đâu cũng thấy cảnh những người đàn ông tất bật vận chuyển mai ra đường để bán, còn những người phụ nữ thì cặm cụi vặt lá để mai ra hoa trúng tết. Để mai nở đúng tết, các chủ mai đã phải thuê người từ thôn khác tới để vặt lá với chi phí là 120 ngàn/ngày. Công việc làm thủ công này đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo mới có thể mang đến những chậu hoa đẹp nhất phục vụ dịp Tết.

Tại Hội An, các thương lái từ Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Trị, Đà Nẵng nhiều ngày qua đến đặt cọc mua quất tết. Quất tết thời điểm này đã chuyển sang màu vàng, chờ chín mọng là ra thị trường bán cho người thưởng tết. Từ nhiều năm qua, TP. Hội An đã chú trọng quy hoạch để phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh theo hướng hàng hóa, để thu được giá trị kinh tế lớn trên đơn vị diện tích canh tác.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, thời gian qua chính quyền thành phố luôn khuyến khích, hỗ trợ nông dân trồng hoa, cây cảnh theo hướng sinh thái, xanh để bảo vệ môi trường, đồng thời bảo vệ sản xuất lâu dài, bền vững của chính người nông dân. Nhà vườn mong chờ tín hiệu tích cực từ việc tiêu thụ sản phẩm để có một mùa hoa tết đủ đầy. So với mọi năm, các nhà vườn cho hay năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, hoa phát triển tốt. Người làm vườn mong chờ tín hiệu tích cực từ việc tiêu thụ sản phẩm, mùa hoa tết sẽ đủ đầy hơn.

Nhờ thời tiết thuận lợi, những ngày này người dân ở các làng hoa cảnh Tết đang tất bật ra vườn chăm sóc, cắt tỉa cành ở các luống, chậu… và nhộn nhịp khách, thương lái về mua bán. Mùa xuân đến rộn ràng trên những sắc hoa đủ màu, ngát hương báo hiệu một vụ mùa bội thu, no ấm cho người trồng hoa.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.