Thao thức cùng hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tết Nguyên đán đang đến thật gần. Tại những vườn hoa Tết, bà con nông dân đang chong đèn để theo dõi, chăm sóc và thức cùng hoa. Họ kỳ vọng vào một mùa hoa Tết bội thu để đón xuân mới thêm rộn ràng niềm vui.

“Ăn ngủ” cùng hoa

Khi ánh nắng cuối ngày vừa tắt, vườn hoa cúc của gia đình bà Huỳnh Thị Nga (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku) lại rực sáng ánh đèn điện. Như một thói quen, bà Nga nhanh tay chỉnh lại chiếc bóng điện giữa vườn để ánh sáng tập trung vào vườn hoa.

Hơn 18 giờ tối, gia đình bà Huỳnh Thị Nga (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku) bắt đầu thắp đèn để chăm sóc vườn hoa cúc. Ảnh: Trần Dung

Hơn 18 giờ tối, gia đình bà Huỳnh Thị Nga (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku) bắt đầu thắp đèn để chăm sóc vườn hoa cúc. Ảnh: Trần Dung

Bà kể: “Gần 5 tháng nay, hầu như cả ngày lẫn đêm, tôi đều có mặt ở vườn. Sau 2 tuần xuống giống, vườn hoa cúc sẽ được chong đèn vào ban đêm trong gần 2 tháng. Khi được “nuôi” bằng ánh sáng của đèn điện, cây sẽ nhanh phát triển chiều cao, cho bông to, cánh dày, màu sắc rực rỡ.

Còn thời điểm hiện nay, không còn phải “nuôi” hoa bằng đèn nữa; nhưng tôi vẫn chong đèn hàng đêm theo từng khu vực để lấy ánh sáng phục vụ cho việc tưới nước, bắt sâu và tranh thủ hái những nụ thừa. Đây là công đoạn cuối cùng và quan trọng sau nhiều tháng chăm sóc vườn cúc”.

Vừa vui vẻ chuyện trò, bà Nga vừa khéo léo ngắt bỏ những nụ hoa thừa trên cây, chỉ giữ lại nụ to nhất. Việc làm này là để tập trung dưỡng chất cho bông hoa đạt chất lượng, nở đúng dịp Tết. Công việc của bà Nga thường kết thúc khi đêm muộn.

Với 300 chậu cúc được chăm sóc kỹ lưỡng, bà Nga tự tin khẳng định, chúng sẽ nở những bông hoa rực rỡ nhất, đẹp đẽ nhất để gia đình bán trong dịp Tết Nguyên đán này.

Ông Lê Văn Thảo (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku) chong đèn chăm sóc vườn mai. Ảnh: T.D

Ông Lê Văn Thảo (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku) chong đèn chăm sóc vườn mai. Ảnh: T.D

Đối với lão nông Lê Văn Thảo (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku) thì chong đèn cho hoa nở không chỉ là công việc thường ngày mà còn là niềm vui xen lẫn nỗi thấp thỏm trong suốt 10 năm trồng mai Tết của mình. Thời điểm cận Tết luôn là giai đoạn ông cảm thấy áp lực nhất bởi nó quyết định sự thành bại của một mùa hoa.

Theo ông Thảo, cách chăm hoa mai vào giai đoạn tháng 11, 12 có ý nghĩa quyết định đến chất lượng hoa Tết. Lúc này, hoa mai đã sẵn sàng bung nụ khi có điều kiện nhưng để hoa trổ đạt chất lượng hơn như: nụ nhiều, cánh lâu tàn, màu tươi và giữ được hương thơm thì nhà vườn luôn phải có... bí quyết riêng.

“Tiết trời Gia Lai ban ngày nắng nóng, đêm về lại trở lạnh nên rất bất lợi cho cây mai sinh trưởng và nở hoa đúng độ. Tôi phải theo dõi tỉ mỉ và hiểu được đặc tính của cây mai để có hướng điều chỉnh phù hợp. Gia đình hiện có 500 chậu mai và đang cho nụ rất nhiều. Dù trồng và chăm mai quanh năm nhưng Tết là vụ lớn nhất. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này, tôi luôn ăn cùng hoa, ngủ cùng hoa”-ông Thảo chia sẻ.

Không chỉ vất vả chăm sóc, những người trồng hoa còn thấp thỏm nỗi lo thời tiết không thuận lợi sẽ ảnh hưởng đến thời gian hoa nở. Chính vì vậy, những ngày giáp Tết, gần như các hộ trồng hoa phải thức đêm tại vườn. Năm nay, gia đình ông Hoàng Thanh Vân (tổ 2, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) mạnh dạn trồng thử nghiệm 100 cây đào Nhật Tân.

Để có cây đào đẹp, ông Vân đã sử dụng phân hữu cơ và luôn tưới đủ ẩm cho đến khi cây ra lá non. Sau đó, ông tiến hành cắt cành nhiều lần và kết hợp tạo hình, tạo dáng cho cây. Đến tầm tháng 8, 9 âm lịch thì tưới bón nhiều phân để thúc cho cây ra nhiều nụ hoa. Trước Tết Nguyên đán khoảng 50 ngày, ông bắt đầu tuốt toàn bộ lá và có chế độ chăm sóc đặc biệt để đào ra hoa đúng dịp Tết.

Ông Vân cho rằng, để có thể chăm sóc đào ra hoa đúng Tết phải học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi để áp dụng cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Mỗi đêm, ông thường thắp đèn quan sát nụ hoa và xử lý sâu bệnh.

Ông Đào Nhật Nam-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ayun Pa-cho hay: Bà con nông dân trên địa bàn thị xã trồng khoảng 10 ha hoa Tết các loại như: cúc, lay ơn, đào, mai...

Những ngày này, hầu hết nhà vườn đang tập trung chăm sóc hoa để kịp phục vụ khách hàng. Để có những vườn hoa Tết đẹp, đòi hỏi người trồng hoa phải bám cả ngày ngoài vườn để nhổ cỏ, phòng trừ sâu bệnh...; ban đêm thì tận dụng ánh điện để tiếp tục hoàn thành những phần việc ban ngày chưa kịp làm.

Những năm gần đây, kiến thức và kinh nghiệm trồng hoa của người dân đã được nâng cao. Bà con còn tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng và giá trị kinh tế của mỗi vụ hoa cũng ngày càng được nâng lên.

Hy vọng một mùa hoa thắng lợi

Thời điểm này, gia đình ông Trần Ngọc Sơn (tổ 1, phường An Tân, thị xã An Khê) đang tập trung chăm sóc 200 chậu cúc đủ loại. Theo ông Sơn, trồng cúc bán Tết khá vất vả và đòi hỏi nhà vườn phải tỉ mỉ, dày công chăm sóc. Từ khi xuống giống đến lúc xuất bán phải mất hơn 5 tháng.

Một trong những kỹ thuật quan trọng là phải sử dụng đèn chiếu sáng vào buổi tối để kích thích cho cây phát triển chiều cao, không ra nụ sớm. Đến tháng 11 âm lịch, khi cây đã đạt chiều cao như ý, nhà vườn bắt đầu tắt đèn để cây ra nụ và tiến hành chọn nụ, mỗi cành chỉ giữ lại 1 nụ để hoa được đẹp, đều và to.

“Hoa cúc bắt đầu nở từ 20 tháng Chạp nhưng ngay từ đầu tháng, thương lái đã đến đặt cọc vườn cúc của gia đình rồi. Năm ngoái, cũng với 200 chậu cúc, gia đình thu về 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hy vọng vụ hoa Tết năm nay sẽ khá hơn”-ông Sơn bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Hòa-Chủ nhiệm Tổ hợp tác hoa An Tân-cho biết: “Toàn phường có 11 hộ trồng hoa cúc Tết với hơn 5.000 chậu. Sau bao ngày đêm cần mẫn chăm sóc, người dân rất phấn khởi khi hoa cho nụ to, dày và đẹp. Một số nhà vườn đã có thương lái vào đặt mua.

Để những luống hoa bung nở, khoe sắc trong dịp Tết đến, xuân về, bà con nông dân phải chăm sóc rất tỉ mỉ, công phu từ khâu làm đất, ươm giống cho đến theo dõi tình hình thời tiết để chủ động can thiệp cho hoa nở đúng thời điểm. Ngoài ra, nhà vườn phải thường xuyên theo dõi sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Tại các nhà vườn trên địa bàn phường An Tân những ngày này, không khí lao động thật nhộn nhịp, khẩn trương. Hiện các chủ vườn đang tập trung nhân công loại bỏ nụ cúc thừa để cây dồn chất dinh dưỡng nuôi nụ hoa chính, căng dây định hình, tưới đủ nước với hy vọng hoa nở đúng dịp Tết, bán được giá cao”.

Theo anh Nguyễn Văn Thành (tổ 2, phường Yên Thế, TP. Pleiku), chăm sóc hoa Tết rất cần sự tỉ mỉ, khéo léo. Ảnh: T.D

Theo anh Nguyễn Văn Thành (tổ 2, phường Yên Thế, TP. Pleiku), chăm sóc hoa Tết rất cần sự tỉ mỉ, khéo léo. Ảnh: T.D

Để góp phần làm đa dạng sắc màu ngày Tết, anh Nguyễn Văn Thành (tổ 2, phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã chủ động gieo trồng nhiều loại hoa khác nhau như: mai vàng, cúc pha lê, vạn thọ, hoa giấy, mai dạ thảo… Năm nay, anh trồng hơn 1.000 chậu hoa Tết.

Thời tiết cuối năm thất thường nên anh thường xuyên túc trực chăm sóc cho hoa, theo dõi cây phát triển, điều chỉnh ánh sáng, nước tưới, dinh dưỡng phù hợp để hoa nở đúng dịp. Với những luống hoa chưa đạt kích cỡ chiều cao, anh Thành vẫn chong đèn xuyên đêm để đảm bảo cho quá trình phát triển của cây.

“Việc chăm sóc hoa Tết rất cần sự tỉ mỉ và khéo léo. Điều quan trọng nhất là theo dõi thời tiết và tình hình sức khỏe của cây. Ban đêm là thời điểm sâu bệnh xuất hiện nhiều ảnh hưởng tới việc đơm bông. Chính vì vậy, việc thắp đèn ban đêm cũng góp phần kiểm soát sâu bệnh cho hoa. Với sự tâm huyết và cố gắng của mình, tôi mong sẽ có một vụ hoa Tết thắng lợi”-anh Thành kỳ vọng.

Bà Phan Thị Hoài Thương-Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Pleiku-cho hay: Thành phố có 60 ha hoa Tết, tập trung chủ yếu ở các xã, phường như: Trà Đa, An Phú, Thắng Lợi, Yên Thế… So với năm ngoái, số hộ tham gia trồng hoa Tết năm nay có tăng. Hiện nay, những hộ dân trồng hoa đang tất bật chăm sóc hoa không kể ngày đêm. Nhiều năm nay, hoa cúc chậu vẫn luôn được nhiều người ưa chuộng.

Ở TP. Pleiku, các nhà vườn trồng các loại hoa như: cúc đại đóa, cúc pha lê, cúc farm… đã ra nụ và sẽ nở vào đúng dịp Tết.

“Hiện nay, thời tiết khá thuận lợi, hoa phát triển tốt. Đây là tín hiệu khả quan cho các nhà vườn. Dự kiến vài ngày nữa, các nhà vườn sẽ mở cửa đón thương lái đến đặt hàng. Nghề trồng và chăm sóc hoa Tết đã và đang giúp nhiều hộ dân tại TP. Pleiku tăng thu nhập”-bà Thương chia sẻ.

Nụ cười rạng rỡ, lấp lánh hy vọng của người nông dân dưới ánh đèn đêm như chờ đợi một mùa hoa đẹp, bán được giá. Ảnh: Trần Dung

Nụ cười rạng rỡ, lấp lánh hy vọng của người nông dân dưới ánh đèn đêm như chờ đợi một mùa hoa đẹp, bán được giá. Ảnh: Trần Dung

... Trời đã về khuya, sương đêm dần lạnh buốt, nhưng bà con nông dân vẫn cần mẫn dưới ánh đèn. Hơn ai hết, họ đều mong có thêm một vụ hoa Tết rực rỡ, thắng lợi.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.