Kỷ vật kỳ lạ… của người lính già

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sau ngày về hưu, người lính ấy đã về lại với ruộng đồng và không quên mang theo kỷ vật ấy như một định mệnh.

Trong những tấm ảnh mà các nhà báo ra Trường Sa sau sự kiện Gạc Ma cung cấp cho Tuổi Trẻ có bức ảnh do nhà báo Đình Trân, phóng viên ảnh TTXVN, chụp tại đảo Sinh Tồn: đó là nhà báo Trần Bình Minh (nay là tổng giám đốc Đài THVN) và đồng nghiệp phỏng vấn đại úy Thái Văn Khôi - đảo trưởng đảo Sinh Tồn - trong những ngày nóng bỏng chiến sự.

 

Ông Khôi và mặt bàn kỷ vật lấy từ bàn ăn con tàu HQ505.
Ông Khôi và mặt bàn kỷ vật lấy từ bàn ăn con tàu HQ505.

Ký ức ám ảnh

Trong những ngày lần theo các nhân chứng Gạc Ma, may mắn đã mỉm cười khi chúng tôi gặp được nhà báo Nguyễn Văn Vinh (nguyên phóng viên VTV). Ông chính là người đã chỉ manh mối để chúng tôi tìm được cựu sĩ quan, thiếu tá Thái Văn Khôi.

Người lính già năm ấy dù đã gần 70 tuổi nhưng nay vẫn lam lũ, mỗi ngày theo rẫy cà phê của mình trên vùng đất Tây nguyên.

Càng bất ngờ hơn khi con tàu ủi bãi HQ505 đã bị chìm đâu đó giữa lòng đại dương, nhưng ông Khôi vẫn còn giữ được một hiện vật của con tàu lịch sử đó. Một hiện vật hơi lạ, nhưng đã đi cùng ông như một định mệnh suốt 1/4 thế kỷ!

Trước khi vào chuyện, đúng tác phong con nhà lính, để chúng tôi hình dung về câu chuyện Gạc Ma, ông Khôi lấy tờ giấy trắng, ngồi vẽ một hồi sơ đồ chiến thuật của đội tàu hải quân Trung Quốc trong thời điểm cưỡng chiếm Gạc Ma ngày 14-3-1988.

"Chúng quyết cưỡng chiếm bằng được đảo chìm, nên mất mát và hi sinh của chúng ta vô cùng lớn" - ông Khôi nhớ lại.

 

Ông Khôi vẽ lại “sơ đồ chiến thuật” các tàu chiến Trung Quốc trong cuộc cưỡng chiếm đảo chìm Gạc Ma ngày 14-3-1988.
Ông Khôi vẽ lại “sơ đồ chiến thuật” các tàu chiến Trung Quốc trong cuộc cưỡng chiếm đảo chìm Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Chiều 13-3-1988, trên đài chỉ huy đảo Sinh Tồn, ông quan sát thấy tàu hộ vệ pháo của hải quân Trung Quốc đang lượn quanh đảo Gạc Ma. Ông báo cáo về quân chủng rằng Trung Quốc có ý định chiếm đảo và đề nghị tăng cường lực lượng.

Mờ sáng 14-3, trinh sát báo cáo có nhiều tàu Trung Quốc vây quanh đảo Gạc Ma. Ông lên quan sát thì phát hiện nhiều tàu địch có trang bị vũ khí tối tân áp sát đảo.

"Từ kính quan sát, tôi thấy công binh Việt Nam đang cắm cờ thì quân Trung Quốc có trang bị súng xuống tranh chấp. Hai bên giằng co thì phía Trung Quốc bắn vào bộ đội ta, rồi sau đó rút về tàu.

Một lúc sau, tôi thấy chúng dùng súng máy từ tàu lớn bắn về phía các chiến sĩ của ta đang tay không bảo vệ chủ quyền" - ông Khôi đau đớn kể.

Lúc này, trên đảo Sinh Tồn chỉ trang bị pháo 88mm, tầm bắn xa nhất có thể chỉ khoảng 17km, trong khi Gạc Ma cách đến gần 22km, các tàu của Trung Quốc còn đậu xa hơn.

"Nhìn anh em hi sinh mà chúng tôi bất lực. Đau đớn vô cùng" - ám ảnh về những đồng đội hi sinh trong buổi sáng 14-3 sau 30 năm vẫn đeo đẳng trong ông như một vết thương khó liền sẹo.

 

Ông Khôi lật dở các kỷ vật cũ thời trong quân ngũ.
Ông Khôi lật dở các kỷ vật cũ thời trong quân ngũ.

Theo lời ông Khôi, sau khi rời đảo Sinh Tồn, ông chuyển sang làm chỉ huy trưởng đảo Nam Yết và 6 đảo khác. Năm 1992, ông nghỉ hưu rồi chuyển vào Cam Ranh ở một thời gian trước khi chuyển lên Đắk Lắk.

Vừa kể chuyện, ông Khôi vừa mân mê tờ giấy chứng nhận từng công tác ở Trường Sa như một kỷ vật.

Rồi như nhớ ra điều gì, ông bảo: "Tôi còn một kỷ vật nữa, chính tôi cũng không hiểu sao nó cứ đi theo tôi từ Trường Sa về Cam Ranh, rồi lên Tây Nguyên. Bao nhiêu lần chuyển nhà, bao nhiêu kỷ vật mất mát hết..., riêng kỷ vật này vẫn cứ theo tôi!".

Kỷ vật đau thương

Khi anh em trên tàu HQ505 theo lệnh rút về bờ, cán bộ chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn được kiêm nhiệm thêm việc giữ tàu HQ505 và giữ Cô Lin.

Hằng ngày, ngoài nhiệm vụ bảo vệ đảo Sinh Tồn, ông và các chiến sĩ được cấp một chiếc xuồng nhỏ để đi về giữa các đảo, đảm bảo quốc kỳ Việt Nam vẫn còn đứng vững trên đảo.

"Ngoài các anh em thường trực tại Cô Lin, tôi vẫn thường xuyên qua lại, có khi ở lại trên Cô Lin câu cá, lên tàu nghỉ ngơi cả ngày, đến chiều tối mới quay lại đảo. HQ505 lúc này đã bị nứt đáy, bên trong hư hỏng nặng nên sau đó Quân chủng Hải quân phải đưa thợ hàn ra hàn tạm phần đáy để kéo về bờ.

Chẳng may khi kéo về tàu gặp sự cố và chìm từ đó đến nay. Trong những dịp lên tàu, tôi thấy mọi vật dụng đều hư hết, chỉ duy nhất mặt bàn ăn bằng nhôm nằm lăn lóc dưới sàn vẫn còn nguyên vẹn, tôi bèn nhặt đem về đảo để làm bàn ăn cơm" - ông Khôi nhớ lại.

 

Giấy công tác Trường Sa năm 1987 của ông Khôi.
Giấy công tác Trường Sa năm 1987 của ông Khôi.

Nói rồi ông Khôi lấy thang trèo lên gác xép lôi xuống một mặt bàn hình chữ nhật vẫn còn khá chắc chắn. Ông đặt mặt bàn ra trước hiên rồi pha trà, lấy bánh kẹo mời khách.

"Đó là kỷ vật duy nhất còn lại gắn với sự kiện 14-3 mà tôi còn giữ được. Khi tôi rời khỏi đảo năm 1992, nhìn gì cũng quyến luyến, không muốn rời đi. Chẳng biết lúc đó thế nào mình lại mang theo cái mặt bàn ăn này.

Và rồi sau ngày về hưu, cái bàn ăn này ngày nào cũng xuất hiện trước mặt" - ông Khôi nói.

Có một năm Cam Ranh bị bão lụt, nhiều đồ đạc, trong đó có nhiều kỷ vật suốt 25 năm binh nghiệp của ông, bị trôi mất, chỉ duy nhất bàn ăn còn ở lại. Thế rồi khi cả nhà chuyển lên Đắk Lắk ổn định cuộc sống, vợ chồng ông cũng lại mang theo kỷ vật Trường Sa này.

"Chính tôi cũng không hiểu vì sao cái mặt bàn này cứ gắn với cuộc đời tôi đến thế. Cứ như trong thẳm sâu tiềm thức mách bảo rằng đó là kỷ niệm duy nhất của người lính biển. Kỷ vật sót lại ghi dấu một sự kiện bi hùng mà đời lính không thể quên.

Cứ nhìn thấy mặt bàn là tôi lại nghĩ về tàu HQ505, về ước mơ có một ngày trục vớt nó từ lòng biển lạnh để trưng bày như một di vật tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Nhưng có lẽ điều này sẽ rất khó..." - người sĩ quan cựu binh già Thái Văn Khôi nói, rồi im lặng nhìn về hướng xa xăm.

 

Các nhà báo ra Trường Sa sau sự kiện Gạc Ma phỏng vấn đại úy Thái Văn Khôi, đảo trưởng đảo Sinh Tồn, vào tháng 4-1988.
Các nhà báo ra Trường Sa sau sự kiện Gạc Ma phỏng vấn đại úy Thái Văn Khôi, đảo trưởng đảo Sinh Tồn, vào tháng 4-1988.
Năm 1967, ông Khôi nhập ngũ và chiến đấu ở các chiến trường sân bay Tà Cơn, đường 9 Nam Lào. Năm 1974, ông được cử vào chiến trường Quân khu 5 tiếp tục chiến đấu, đến năm 1982 đi học lớp sĩ quan chiến dịch, chiến thuật tại Lâm Đồng.

Tốt nghiệp xong, năm 1986 ông được tăng cường đi Trường Sa, làm chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn, cạnh đảo chìm Gạc Ma. Tháng 3-1988, ông chứng kiến sự kiện Gạc Ma từ đài quan sát và mãi giữ ký ức đau buồn đó đến nay.

Trung Tân-Lê Đức Dục/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.