Ký ức mùa thu cách mạng ở Tân Trào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
75 năm đã trôi qua kể từ khi Bác Hồ về Tân Trào (Tuyên Quang) chỉ đạo cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Tân Trào nay đã có rất nhiều đổi khác. 

Đình Tân Trào ẢNH: NGỌC THẮNG
Đình Tân Trào ẢNH: NGỌC THẮNG

Song những ký ức về những ngày mùa thu cách mạng trong những người dân Tân Trào dường như vẫn còn vẹn nguyên.

Mùa thu tháng tám
Ông Hoàng Ngọc năm nay đã 84 tuổi, răng đã rụng, 1 mắt không còn nhìn được, nhưng khi nhớ về những ngày mùa thu tháng tám cách đây 75 năm, khuôn mặt ông vẫn rạng ngời niềm vui của một đứa trẻ 9 tuổi khi đó.
“Đuốc gươm thiêng vung cho nước nhà, khiến dân Việt Nam thoát ách xưa. Hồ Chí Minh, anh hùng bao năm luôn tranh đấu, thắng gian nguy, chiến công đầu, giải phóng cho dân Việt Nam hạnh phúc tự do...”, ông lão người Tày móm mém hát vang khi bước chân ra đình Tân Trào - nơi diễn ra Quốc dân đại hội cách đây 75 năm (ngày 16 - 17.8.1945). Ông Ngọc kể, đó là lời bài hát mà thiếu nhi Tân Trào được học để chuẩn bị cho buổi lễ rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh về xã vào năm 1946. “Khi bức ảnh to được rước về đến đình làng, người dân chúng tôi mới biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là ông Ké làng mình”.

Ông Hoàng Ngọc
Ông Hoàng Ngọc
Cuối tháng 5.1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về tới làng Kim Long (làng Tân Lập ngày nay), thuộc xã Kim Long (nay là Tân Trào), H.Sơn Dương (Tuyên Quang), để chỉ đạo cách mạng. Tại nơi đây, Bác đã chủ trì hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định tổng khởi nghĩa trong cả nước giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương...
Những ngày mới về Tân Trào, Bác cùng các cán bộ cách mạng sống nhờ trong nhà dân ở làng Kim Long. Ông Hoàng Ngọc kể, Bác ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh Tân Trào, ngay bên cạnh nhưng vẫn làm việc ở nhà ông. Cha ông Ngọc - ông Hoàng Trung Dân, là cán bộ giao liên cho Bác và T.Ư Đảng. “Ông nội tôi kém Bác 2 tuổi nên tôi cũng gọi là ông. Khi đó, dân làng Kim Long gọi Bác là ông Ké, chỉ biết Bác là lãnh đạo cách mạng, chứ không biết Bác là Hồ Chí Minh”, ông Ngọc nhớ lại.
Ngày 16.8.1945, Bác Hồ và Tổng bộ Việt Minh quyết định khai mạc Quốc dân đại hội tại đình Tân Trào với sự tham dự của 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo trong và ngoài nước. Đó là một sự kiện trọng đại đối với người dân làng Kim Long khi đó. Ông Ngọc nhớ lại, hôm diễn ra đại hội, người trong làng góp nhau gạo, gà và 1 con bò, rồi cử đoàn đại biểu dân làng do già làng Hoàng Văn Các làm trưởng đoàn ra đình làng chúc mừng Quốc dân đại hội. Hoàng Ngọc là 1 trong 4 thiếu nhi được tham gia đoàn.
“Ra đến đình thì người vào, còn con bò thì buộc ở ngoài kia. Ông Trần Huy Liệu bước xuống, sắp xếp cho chúng tôi đứng thành hàng ngang. Bốn đứa nhỏ được đứng hàng bên trên. Ông Trần Huy Liệu giới thiệu đồng chí già, tức là ông Ké, xuống nói chuyện. Bác Hồ từ trên bước xuống, cảm ơn sự nhiệt tình ủng hộ cách mạng, ủng hộ đại hội của đồng bào Kim Long. Sau đó, Bác nhìn 4 đứa nhỏ chúng tôi. Thời xưa khổ lắm, quần áo rách rưới, người không đủ ăn nên rất gầy gò. Bác thấy thế mới đến xoa đầu chúng tôi và nói với các đại biểu dự đại hội: “Chúng ta phải làm thế nào cho các cháu đây có cơm ăn áo mặc và được học hành”, ông Ngọc như sống lại không khí ngày diễn ra Quốc dân đại hội cách đây 75 năm.
Trong 2 ngày khẩn trương, đại hội đã quyết định những vấn đề quan trọng của dân tộc. Đại hội thống nhất chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và 10 chính sách của Việt Minh. Đại hội cũng quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; quy định quốc kỳ là nền đỏ, giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, quốc ca là bài Tiến quân ca...

Di tích Lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ sống và làm việc tại Tân Trào
Di tích Lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ sống và làm việc tại Tân Trào
Thủ đô kháng chiến khởi sắc
75 năm trôi qua kể từ những ngày sôi sục không khí tổng khởi nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Tân Trào nay đã đổi khác rất nhiều. Từ đứa trẻ 9 tuổi được ông Ké giao làm nhi đồng cứu quốc, Hoàng Ngọc vào Đội thiếu niên của khu ATK (an toàn khu), rồi đi bộ đội tới tận năm 1980 mới trở về làng. “Đảng, Nhà nước, Bác Hồ đã đổi đời cho đồng bào dân tộc chúng tôi. Ngày nay, các cháu nhỏ ở Tân Trào không phải ăn khổ, mặc rách như chúng tôi nữa, mà đã được ăn ngon, mặc đẹp, được cắp sách tới trường, đúng như lời Bác Hồ nói với Quốc dân đại hội”, ông Ngọc kể. Giờ đây, mỗi sào lúa của đồng bào Tân Trào không còn thu hoạch được 30 cân gạo như xưa, mà đã là 3 tạ, dân đã đủ ăn. Đường liên tỉnh, liên huyện, liên thôn, liên ngõ đều được bê tông hóa. Đèn điện thắp sáng khắp các đường làng, ngõ xóm vào ban đêm...
“Họ không quên lịch sử”
Trong cái nắng vàng rực của mùa thu tháng tám, Nông Thị Khánh Ly, cô hướng dẫn viên người Tày của Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, say sưa kể lại câu chuyện về “ông Ké Tân Trào” ở lán Nà Nưa. Bằng chất giọng đặc biệt truyền cảm và kinh nghiệm gần 15 năm làm hướng dẫn viên, Nông Thị Khánh Ly kể: lán Nà Nưa chính là nơi Bác Hồ ở trong những ngày chỉ đạo cách mạng ở Tân Trào. Đây cũng là nơi Bác bị ốm nặng và đã dặn dò đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”...
Trên những bậc thang bằng đá từ lán Nà Nưa xuống chân núi Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào nói với tôi: “Người dân Tân Trào từ già tới trẻ vẫn mang trong lòng niềm tự hào về quê hương, về mảnh đất đã được lịch sử lựa chọn để trở thành thủ đô khu giải phóng, thủ đô kháng chiến. Sống trong hiện tại ấm no, hạnh phúc, họ vẫn không quên lịch sử. Truyền thống đó vẫn là điểm tựa vững chắc cho Tân Trào đi lên”.
Ông Hoàng Cao Khải, người vừa được bầu làm Bí thư tại Đại hội Đảng bộ xã Tân Trào tháng 5 vừa qua, cũng là một người con của Tân Trào, nói rằng đó là một sự đổi thay gần như “lột xác” trên vùng quê hương cách mạng. Ông Khải cho biết tháng 12.2014, khi Tân Trào được công nhận đạt nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân mới chỉ là 16,8 triệu đồng/năm. “Đến nay thu nhập bình quân của người dân ở Tân Trào đã đạt 35,2 triệu đồng/năm”, ông Khải cho hay.
Là địa phương có những di tích nổi tiếng nhất trong số gần 180 di tích thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào như đình Tân Trào, hay lán Nà Nưa, mỗi năm, “thủ đô khu giải phóng - thủ đô kháng chiến” Tân Trào đón từ 700.000 - 750.000 lượt khách về thăm. Cùng với nông, lâm nghiệp, du lịch, thương mại và dịch vụ đang ngày một đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tân Trào. “Thu ngân sách của xã từ thương mại, dịch vụ đã chiếm 50%”, ông Khải chia sẻ.
Song điều khiến ông Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào trăn trở là làm sao giữ chân gần 800.000 lượt khách du lịch ở lại với Tân Trào. “Cơ sở hạ tầng phục vụ cho khách du lịch chưa được đầu tư xứng tầm nên chưa khai thác được tiềm năng mà Tân Trào đang có”, ông Khải tâm sự và cho biết Đảng bộ, chính quyền xã cũng có nhiều ý tưởng, đề xuất để phát triển du lịch cho Tân Trào, song do vướng nhiều quy định, cơ chế nên chưa thể thực hiện.
Ông Khải cho biết trong thời gian tới, trên cơ sở dự án phát triển du lịch cộng đồng do tổ chức của Nhật tài trợ, Tân Trào sẽ xây dựng đề án trình UBND H.Sơn Dương hoàn thiện các hạng mục quy hoạch xây dựng, như khu bán hàng lưu niệm, trồng cây xanh, khu vệ sinh, bãi để xe, xây dựng một số mô hình xe điện... phục vụ khách tham quan, từng bước tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng người dân. Bên cạnh đó, Tân Trào cũng đề nghị phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức xây dựng tour du lịch khu di tích lịch sử ATK, tạo thành tour du lịch khép kín. Ông Khải hy vọng những mô hình dự án mới sẽ là cách giúp vùng quê cách mạng giữ chân du khách lâu hơn.
Theo Lê Hiệp (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.