Ấy là những ngày buôn Chính Đơn (tên cũ của buôn Chính Hòa) mới được giải phóng. Còn tới 3 tháng nữa mới đến ngày tuốt lúa mà nhà nào cũng đã hết cái ăn. Cho nên, cứ chiều chiều, dưới mấy gốc cây có bóng mát trong buôn, người già, con nít lại xúm hết vào đó đưa cặp mắt bồn chồn ngó ra đường ngóng người nhà đi đào củ mài về. Ngóng cho đỡ buồn con mắt chứ biết tìm củ mài đâu dễ. Phải vào tít trong núi xa nên con gà vừa nhảy xuống đất kiếm ăn đã đi rồi.
Trước còn ít, giờ nhiều nhà đi, chỗ nào cũng chi chít hố sâu như con mắt đói. Đào cả ngày có khi chỉ được mươi củ bằng cán dao, đủ nấu bữa cháo muối. Dẫu sao cũng nhờ ơn rừng sinh cây củ mài, nếu không thì biết trông cậy vào đâu.
Củ mài đã trở thành "cứu tinh" của nhiều buôn làng Tây Nguyên trong những năm tháng chiến tranh (ảnh minh họa) |
Chẳng riêng gì buôn Chính Đơn ở thời điểm ngặt nghèo. Những năm dài bom đạn chiến tranh, những năm hạn hán mất mùa, những ngày giáp hạt, củ mài đã trở thành “cứu tinh” của nhiều buôn làng Tây Nguyên.
Cây củ mài, có nơi gọi là khoai mài, thuộc họ dây leo. Trong Đông y khi dùng làm thuốc, củ mài có tên chữ là “hoài sơn”, là loại thuốc có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, ích tâm phế, bổ thận. Gần như trên khắp rừng núi nước ta cũng có cây củ mài.
Cây củ mài có nét giống với cây củ từ. Tuy nhiên, khác với cây củ từ có nhiều củ mọc thành chùm, cây củ mài thường chỉ có một củ chính ăn sâu xuống đất. Nếu là cây lâu năm, củ có thể dài đến cả mét. Và một điều đặc biệt là dù lâu năm, củ mài cũng không bị thối hoặc sượng như các loại củ khác. Điều đặc biệt này đã khiến củ mài đóng vai trò như một thứ lương thực dự trữ, bất cứ thời điểm nào cũng có thể đào được để ăn.
Tuy vậy, đào củ mài không phải dễ. Cây củ mài thường mọc chen vào giữa các loại cây rừng, củ lại dễ gãy nên nếu dùng cuốc hoặc xẻng thì chỉ lấy được một đoạn ngắn mà thôi. Để đào được nguyên củ mài, đồng bào dân tộc thiểu số đã chế ra một dụng cụ rất đơn giản mà vô cùng hiệu quả: Họ chặt một đoạn đọt tre hoặc lồ ô dài chừng sải tay, sau đó chẻ phía đầu to của nó và vót thành những chiếc răng nhọn. Khi thọc xuống đất, những chiếc răng sẽ tỏe ra, đất bị nén sẽ mắc chặt vào đấy. Với thứ dụng cụ độc đáo này, không cần phải bới đất, không tốn nhiều công sức, người ta cũng có thể đào những chiếc hố sâu tùy ý, lấy được củ mài nguyên vẹn dù chúng có ăn sâu tới đâu.
Hồi còn ở Chư Prông, từng có lần tôi theo anh bạn Jrai cùng cơ quan đi đào củ mài. Tôi thì nghe nói củ mài rất ngon nên muốn thử, còn người bạn đồng hành thì đi đào củ mài để gia đình có cái ăn thực sự. Anh có tới 5 đứa con, vợ ở nhà làm rẫy nên cứ đến mùa giáp hạt lại phải đi đào củ mài. Cánh rừng chúng tôi tìm tới đâu như gần làng Xom, xã Ia Me. Mới vào sâu một quãng đã thấy chi chít những hố sâu hoắm, đất móc lên còn mới nguyên.
Bằng kinh nghiệm của mình, chỉ mươi lăm phút, anh đã tìm thấy gốc củ mài để đào. Và không phải tốn nhiều công sức, chừng nửa giờ sau, anh đã lôi lên một củ mài to bằng cán dao, dài chừng nửa mét còn nguyên rễ xù xì. Cứ thế cho đến chiều, chiếc bao tải của anh đã đầy hơn nửa, có thể đi về.
Đã hơn hai chục năm, tôi vẫn nhớ bữa cháo củ mài tại nhà anh hôm ấy. Một hương vị phảng phất như mùi củ từ nhưng bùi và béo hơn. Nếu phải ăn trừ bữa, củ mài xem ra còn dễ ăn hơn là củ mì hay củ khoai lang. Chẳng thế mà bây giờ ở một số nơi người ta đã trồng cây củ mài để bán.
Năm kia, trong một lần về huyện Chư Prông, khi ngang qua xã Ia Pia, tôi ghé thăm anh bạn đồng nghiệp cũ nay đã về làng vợ sống. Mừng là anh đã xây được nhà sát mặt đường lớn. Các con cũng đã lấy vợ, lấy chồng; tạo lập được cuộc sống yên ổn.
Nhắc lại nồi cháo củ mài năm xưa, anh cười rồi bảo: “Bọn trẻ bây giờ không biết ngày xưa anh em mình khổ như thế nào đâu nhỉ”. Chẳng riêng các con anh, lớp trẻ ở các làng bây giờ hẳn là cũng vậy.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu