Kỳ tích Cẩm Thanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi cầu và đường Cửa Đại khánh thành vào năm 2016, chính quyền Hội An cũng quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng dịch vụ du lịch về vùng ven, khai thác tối đa tiềm năng vùng sông nước..., Cẩm Thanh chuyển mình từ đó. 
 
Mô hình du lịch cộng đồng mang lại sinh kế mới cho người dân Vạn Lăng. Ảnh: Hữu Trà
Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) Nguyễn Sự kể rằng trước năm 2015, vào mùa mưa bão hay dịp xuân sang, Tết Nguyên đán cận kề, chính quyền Hội An lo nhất là Cẩm Thanh. Lo vì cái gì? Cái ăn, bởi bà con ở xã chạy gạo từng bữa... Bây giờ, mọi chuyện đã khác xưa.
Bán tàu, mua thúng
Thoạt nghe câu chuyện bán lớn, mua nhỏ này, ai cũng lo Cẩm Thanh sẽ trở lại cái thời thiếu ăn, thiếu mặc trước năm 2015. Nhưng tuyệt nhiên không phải vậy. Những con lạch, con sông với rừng dừa nước tốt tươi được giữ gìn đã mang lại nguồn sinh kế mới.
Ông Trần Quý, Bí thư chi bộ thôn Vạn Lăng, đưa chúng tôi đến nhà vợ chồng anh chị Nguyễn Tấn Lâm - Hà Thị Hạnh để nghe... câu chuyện kỳ quặc này. Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, anh Lâm kể trước đây gia đình anh sở hữu tàu đánh cá dưới 90 CV. “Có tàu lớn cũng oai lắm chớ! Nhưng ngặt nỗi khi nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt cũng là lúc chuyện ra khơi với bao phí tổn mà thu nhập bấp bênh nên phải tính toán lại. Vào mùa mưa bão, tàu phải nằm bờ mất 3 - 4 tháng, nên chuyện áo cơm là điều lo nhất”, anh kể.
Khi cầu và đường Cửa Đại khánh thành vào năm 2016, chính quyền Hội An cũng quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng dịch vụ du lịch về vùng ven, khai thác tối đa tiềm năng vùng sông nước..., Cẩm Thanh chuyển mình từ đó. Anh Lâm bàn tính tới lui với vợ rồi quyết định bán tàu, mua thuyền thúng tham gia tổ dịch vụ đưa khách du lịch tham quan rừng dừa nước. “Nhờ dịch vụ chèo thúng cho du khách, gia đình có nguồn thu bền vững hơn hồi còn tàu to, mỗi ngày kiếm bốn, năm trăm ngàn đồng mỗi người. Chuyện gạo cơm mắm muối giờ khỏe re, không lo toan nhức đầu như hồi xưa nữa”, chị Hạnh cười tươi.
Trước năm 2015, đời sống các hộ làm nghề đi biển ở Cẩm Thanh phần lớn vất vả. Như bao người trong thôn, thời cha ông của ông Trần Quý suốt đời đi biển cũng không xây nổi căn nhà vài trăm triệu đồng. Còn bây giờ, cả thôn Vạn Lăng không còn nhà tạm. Đa số các cặp vợ chồng với 4 nhân khẩu tham gia làm dịch vụ thuyền thúng đã xây được nhà tầm 600 - 700 triệu đồng. Những hộ này, trước đây là hộ khó khăn. Nhiều hộ nghèo khác đã kịp thoát nghèo, có cuộc sống tương đối khá giả như trường hợp gia đình các ông N.T.A, T.V.V, L.M hoặc chị N.T.T... Nói như ông Bùi Minh Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, các hộ làm nông cũng đã chuyển đổi sang mô hình “nông nghiệp đô thị”. Họ chọn trồng rau hữu cơ, cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn...
 
Gia đình anh Lâm - chị Hạnh trong ngôi nhà khang trang.Ảnh: H.T
Xưa “đếm không hết” hộ nghèo, giờ chỉ còn 9
Ông Nguyễn Sự có lần kể rằng khi ông còn làm cán bộ xã Cẩm Thanh, để cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên trong xã khi tết đến, chỉ còn một chỗ để “dựa” vào là giao khoán thu hoạch lá dừa nước. Dân hay cán bộ cũng vậy. Họ sống chủ yếu dựa vào nguồn thu từ việc bán lá dừa nước lợp nhà. Giai đoạn trước năm 2015, ở Cẩm Thanh đếm hoài không hết số hộ nghèo, tết nào TP.Hội An cũng lo cứu trợ lương thực, thực phẩm để người dân vui xuân. Còn bây giờ, theo thống kê tháng 10.2019, với 2.278 hộ, 9.384 nhân khẩu toàn xã chỉ còn 9 hộ nghèo, mà những hộ này thuộc diện bảo trợ xã hội (người già neo đơn, người bị bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động), 16 hộ cận nghèo.
Ông Bùi Minh Thuận phân tích, do trước đây bà con chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm, trồng khoai và hoa màu nên thu nhập thấp. Riêng các hộ theo nghề ngư nghiệp, mùa mưa phải nằm bờ dài ngày, cứ phải gạo chợ nước sông, bấp bênh. Có nhà thiếu ăn phải ra sông bắt sộp, bắt sìa bán lấy tiền mua gạo. “Cuối năm, để giúp bà con vui xuân hoặc chí ít phải đỏ lửa 3 ngày tết, chúng tôi đến từng nhà kiểm tra, lên danh sách hộ nghèo cần trợ giúp. Các thôn Vạn Lăng, Thanh Nhứt, Thanh Tam Đông hồi đó hộ nghèo đông đếm không hết, gần như cả thôn. Chỉ trừ số hộ nào có con em lao động ở xa, hay làm nghề khác nghề nông - nghề biển thì đỡ hơn chút ít”, ông Thuận nhớ lại.
Sau khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông - ngư nghiệp sang dịch vụ - nông nghiệp phục vụ du lịch, ông Thuận bảo người dân có việc làm ổn định hơn. Thu nhập chưa cao nhưng bền vững, mỗi tháng trung bình 7 - 8 triệu đồng/người. Có đồng ra đồng vào, chuyện học hành của con em trong xã cũng được quan tâm hơn. Giờ xã chỉ còn lo phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
Bỏ rượu lo chèo thúng
Trưởng thôn Vạn Lăng Trần Quý không giấu giếm tự hào khi nói về sự thay đổi kỳ diệu của thôn. Từ một thôn nghèo khó nhất xã Cẩm Thanh, với gần 400 hộ một thời hầu hết “rơi” vào diện hộ nghèo - cận nghèo, nay Vạn Lăng thay da đổi thịt. “Cả thôn giờ chỉ còn 1 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Mà hộ nghèo này là người già neo đơn, không nơi nương tựa. 2 hộ cận nghèo do có người thân bệnh tật, đau ốm kéo dài làm bao nhiêu phải lo chạy chữa, thuốc men”, ông Quý tâm sự. Trước đây, 75% dân Vạn Lăng làm ngư nghiệp. Mùa biển động không thể ra khơi thì tụ tập lại nhậu nhẹt, đánh bài. Ông Quý bảo, sáng ra đã ngồi nhậu lai rai cho đến chiều là say từa lưa. Ban đêm thậm chí còn gây gổ, đánh nhau...
Bây giờ khác rồi, vẫn con số 75% nhưng đó là số dân Vạn Lăng chuyển sang làm dịch vụ. Đã tham gia làm dịch vụ thì không thể uống bia rượu như ngày xưa. Ai uống bia, uống rượu thì bị cấm tiệt, không được chèo thúng. Ai có hơi men thì doanh nghiệp và các cơ sở làm dịch vụ họ không kêu người đó đi chèo thúng đưa khách ra sông. “Lỡ có chuyện gì thì làm sao đảm bảo an toàn cho du khách? Đó là chưa kể tới việc ảnh hưởng hình ảnh của du lịch Hội An và xa hơn là của cả nước... Vì vậy, ai cũng né rượu bia. Nồi cơm, bát gạo theo con thúng nhỏ tròng trành, dù sông không sâu, nhưng đâu ai dám giỡn mặt”, ông Quý nói. Và cũng nhờ làm dịch vụ du lịch, ý thức của người dân Vạn Lăng thay đổi hẳn. Thu nhập bình quân đầu người trong năm của Vạn Lăng bây giờ cao nhất xã.
Chèo thúng không chỉ giải quyết việc làm cho người dân trong xã Cẩm Thanh mà còn “gánh việc” cho bao gia đình ở các xã lân cận. Nhờ đó, nhiều cặp vợ chồng trẻ tích lũy bỏ ra hàng trăm triệu đồng làm nhà, lo cho con ăn học đàng hoàng. Ông Trần Quý chưa già, nhưng lúc nào kể chuyện cũng hay dẫn nhập “hồi xưa, trước đây, bây giờ” vào câu chuyện của mình để so sánh thu nhập, đời sống người dân. Theo ông, sự thay đổi của Vạn Lăng nói riêng và xã Cẩm Thanh nói chung như nhân vật Lọ Lem bước ra từ câu chuyện cổ tích vậy.
Xã nghèo đã làm ra tiền để đầu tư hạ tầng
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch phụ trách UBND TP.Hội An, khẳng định Cẩm Thanh chuyển biến mạnh mẽ nhất từ 2016 khi chuyển đổi sang mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ du lịch, trong đó có chèo thúng. “Bây giờ khỏi lo rồi. Biển giã có động, mưa to, bão lớn cũng vô tư, không ảnh hưởng đời sống bà con ở Cẩm Thanh”, ông Sơn chia sẻ. Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, cho hay từ nguồn thu bán vé tham quan rừng dừa nước 18 tỉ đồng trong năm 2018, UBND TP.Hội An quyết định để lại toàn bộ cho Cẩm Thanh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông - chống ngập úng, xây dựng nông thôn mới, đầu tư cơ sở giáo dục các trường công lập, nâng cấp các di tích, tổ chức hoạt động văn hóa lễ hội, quảng bá du lịch...
Hữu Trà (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.