Kỳ cuối: Thấp thỏm ngày về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nỗi lo lây nhiễm chéo, đó là tâm lý chung của mọi người ở trong khu cách ly tập trung, nhất là những người đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ 3, chờ kết quả xét nghiệm lần thứ 4 và chuẩn bị được về với gia đình.
Biết rõ mình thuộc diện nguy cơ thấp nếu không muốn nói là không có nguy cơ dương tính với vi rút SARS-CoV-2, song mỗi lần được gọi lên lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, tôi cũng không tránh khỏi thấp thỏm, lo lắng, hồi hộp chờ đợi. Chỉ khi được thông báo kết quả âm tính, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Mấy ngày đầu vào khu cách ly, tôi được bố trí ở một mình 1 phòng nên hoàn toàn yên tâm. Thậm chí, khi được gia đình, bạn bè nhắc nhở phải cẩn thận để tránh bị lây nhiễm chéo, tôi còn cười trấn an mọi người. Vậy mà, từ ngày chuyển lên ở chung phòng với 2 mẹ con chị Phan Thị Linh (xã Cửu An, thị xã An Khê), tôi không còn giữ được sự tự tin ban đầu nữa. Mặc dù tôi luôn thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K và cẩn thận thay khẩu trang mỗi ngày 3 lần nhưng nỗi sợ bị lây nhiễm chéo luôn thường trực. Sở dĩ tâm trạng của tôi chuyển biến nhanh như vậy là vì cháu Đinh Đan (con gái chị Linh) khi ở Đà Nẵng có tiếp xúc gần với trường hợp F1. Khoảng cách giữa 2 giường (giường tôi nằm và giường 2 mẹ con chị Linh nằm) không đảm bảo an toàn (cách nhau chưa đầy 1 m). Và khi ngủ thỉnh thoảng chị Linh vẫn tháo khẩu trang ra cho dễ thở. Dù không thể hiện ra, vì sợ mẹ con chị Linh buồn, nhưng trong lòng tôi luôn thấp thỏm, lo lắng, bất an. Khi nghe thông báo kết quả xét nghiệm lần 3, lần 4 của cả hai mẹ con chị Linh đều âm tính, tôi thở phào vui sướng như kết quả ấy là của chính mình vậy.
 
Lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại khu cách ly. Ảnh: Nguyễn Dung
Lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại khu cách ly. Ảnh: Nguyễn Dung
Khi nghe thông báo kết quả âm tính lần 1, lần 2, tâm trạng tôi rất đỗi bình thường. Vì cho rằng kết quả đó là đương nhiên (lần 1 lấy mẫu trước khi lên khu cách ly, lần 2 lấy mẫu sau 4 ngày-khi tôi đang ở một mình 1 phòng). Nhưng đến lần thứ 3 (lấy mẫu sau 13 ngày) thì khác. Lúc này, tôi đã chuyển lên ở chung phòng với mẹ con chị Linh được hơn 1 tuần và trong khu cách ly phát hiện có 1 ca dương tính. Tôi lại vừa đọc được thông tin trên Bluezone là Việt Nam phát hiện chủng vi rút mới lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và Anh. Đặc điểm của chủng này lây lan nhanh, phát tán rộng trong không khí; nồng độ vi rút trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Rồi thì tin số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn càng khiến cái cảm giác chờ đợi ấy dài lê thê. Một ngày mà ngỡ như cả năm. Khi nhận thông báo có kết quả âm tính lần 3, tôi vui sướng nhảy chân sáo như một đứa trẻ. Thấy thái độ hài hước của tôi, chị Linh phá lên cười nắc nẻ. Hôm 2 mẹ con ra về, chị Linh còn tủm tỉm trêu tôi: “Ở lại không được khóc nhen. Nhất định phải kiên cường, không được khóc đó”.
Đặc biệt, tâm trạng chờ đợi kết quả xét nghiệm lần thứ 4 (lấy mẫu sau 19 ngày) mới thực sự căng thẳng. Thời gian này, khu cách ly mới đón 27 người về từ vùng dịch TP. Hồ Chí Minh. Tầng trệt không đủ chỗ nên những người mới đến được bố trí các phòng trên lầu. Không đồng tình với thái độ lo sợ quá mức (không dám ra khỏi phòng, không dám đi tắm…) của những người khác, tôi vẫn đem ghế ra hành lang ngồi đọc sách, đan áo… Song, thật lòng mà nói, tôi cũng rất sợ mình bị lây nhiễm chéo. Bởi lẽ, theo quy định những vật dụng có nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (khẩu trang, giấy lau mũi…) phải bỏ vào thùng rác riêng, đậy kín nắp lại. Nhưng ý thức của một số bạn sinh viên mới vào rất kém. Họ cứ vô tư vứt bừa bãi khẩu trang trong phòng vệ sinh, phòng tắm (khu sinh hoạt chung của mọi người) mà không quan tâm đến mức độ nguy hiểm của việc mình làm. Mấy bà, mấy cô lớn tuổi thấy “gai mắt” đã dọn dẹp, nhưng lại ngại không nhắc nhở. Riêng tôi thì đến từng phòng nhắc nhở các bạn trẻ và đề nghị các y-bác sĩ cho xin một số găng tay y tế treo sẵn ngoài khu vệ sinh để tiện việc dọn dẹp.
Thật may, kết quả xét nghiệm lần thứ 4 của tôi cũng âm tính. Niềm vui trong tôi vỡ òa. Bao căng thẳng, lo âu, sợ sệt bỗng chốc tan biến. Tôi chuẩn bị hành lý để hôm sau trở về với gia đình thân yêu của mình. Tôi gọi Thượng úy Nguyễn Đức Tùng nhờ anh sáng sớm hôm sau mua cà phê mời cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức đang làm nhiệm vụ trong khu cách ly để chia tay mọi người thay cho lời cảm ơn. Suốt đêm cuối cùng đó, tôi cứ trằn trọc, thao thức chờ trời sáng.
Thế nhưng, tôi vẫn phải “chiến đấu” với nỗi sợ bị lây nhiễm chéo cho đến tận ngày có kết quả xét nghiệm lần thứ 5 (lấy mẫu sau 26 ngày) bởi một lý do “lãng xẹt”. Đó là đúng cái đêm trong tôi dâng tràn niềm vui sắp được đoàn tụ với gia đình thì có một bạn mới được bố trí vào ở cùng phòng. Bạn này là người dân tộc thiểu số, mới có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1, nhưng “không thích” đeo khẩu trang. Khi tôi nhắc đến lần thứ 3, bạn ấy còn hỏi lại “ngủ cũng đeo khẩu trang à?”. Vậy nên, dù đã về nhà, tôi cũng không cho phép mình lơ là, mất cảnh giác, vẫn thực hiện nghiêm túc việc cách ly tại nhà theo đúng quy định.
NGUYỄN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.