Kỳ 1: Hành trình đến khu cách ly

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi còn công tác ở Báo Gia Lai, tôi được đi nhiều nơi, có nhiều trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Song trải nghiệm mới đây về 21 ngày ở Trung tâm cách ly tập trung phòng-chống dịch Covid-19 của tỉnh đã đem lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc.



Đã thành thói quen, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi buổi sáng, tôi thường lướt điện thoại để xem thông tin và hiểu được sự nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2. Bởi vậy, tôi luôn có ý thức tự bảo vệ mình và chấp hành nghiêm mọi khuyến cáo của Bộ Y tế cũng như của chính quyền địa phương. Việc sử dụng ứng dụng NCOVI, Bluezone cũng là ưu tiên hàng đầu của tôi. Vậy nhưng chuyện mình phải vào Trung tâm cách ly tập trung thì cũng không thể ngờ tới.

Tôi về quê lúa Thái Bình dự đám cưới đứa cháu thì gặp phải làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Cũng may xã tôi không phải tâm dịch. Tôi có 1 ngày chăm sóc bà cô đang điều trị tại Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình). Trước thời điểm Bệnh viện bị phong tỏa, tôi không tiếp xúc với ai ở những khoa khác và luôn đeo khẩu trang (cả lúc ngủ). Vậy nên ai cũng nghĩ rằng khi vào lại Gia Lai, tôi chỉ phải thực hiện cách ly tại nhà.

Những người cách ly chơi bóng chuyền để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Nguyễn Dung
Những người cách ly chơi bóng chuyền để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Nguyễn Dung

Từ ngày 10-5-2021, Hãng Hàng không Vietjet và Bamboo dừng khai thác đường bay Hải Phòng-Pleiku, chỉ còn các chuyến bay từ Nội Bài (Hà Nội) về Pleiku. Cô tôi vì bệnh trọng, sức yếu đã không qua khỏi. Sau tang lễ của cô được 1 tuần, tôi mua vé máy bay vào lại Gia Lai. Để đề phòng dịch bệnh, tôi không dám đi xe khách hay xe taxi mà thuê xe Grab chở một mình từ nhà đến Nội Bài. Lúc làm thủ tục tại sân bay, tôi được nhân viên Hãng Hàng không Bamboo kiểm tra rất kỹ thông tin. Họ đo thân nhiệt, hỏi đi hỏi lại thời gian, lịch trình của tôi để đối chiếu với những vùng có dịch tại tỉnh Thái Bình.

Sau hơn 1 giờ bay, tôi có mặt tại Pleiku vào ngày 16-5-2021. Tôi lên ngay Trạm Y tế xã Trà Đa (TP. Pleiku) để khai báo lịch trình thời gian về quê. Đang bỏ đồ ra khỏi va ly, tôi được Trạm trưởng Trạm Y tế xã gọi điện thông báo chuẩn bị tư trang, 30 phút nữa có mặt tại Trạm Y tế xã để xe chở đi cách ly tập trung. Sau phút ngỡ ngàng, tôi cũng hiểu ra việc cần phải chấp hành lúc này. Tôi ăn vội bát cơm, lấy mấy bộ quần áo và đồ dùng cần thiết rồi ra Trạm Y tế xã.

Tôi được 2 nhân viên của Trung tâm Y tế TP. Pleiku mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân lấy mẫu bệnh phẩm và đưa ra xe. Lái xe và nhân viên y tế ngồi trên buồng lái, mình tôi ngồi phía sau xe. Đem mẫu bệnh phẩm đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh gửi xét nghiệm xong, xe chở tôi lên Trung tâm cách ly tập trung của tỉnh tại Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên thuộc Binh đoàn 15 (huyện Đức Cơ). Mới chập tối mà đường vắng tanh, rất ít xe cộ lưu thông. Tới nơi, nhìn đồng hồ đã 21 giờ.

Tiếp nhận tôi là Đại úy Phạm Duy Đông (Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Anh Đông cũng mặc bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu xuống chân. Anh đo thân nhiệt cho tôi, hỏi tôi có bị bệnh gì không và bảo: “Cô ngồi chờ sẽ có người đưa về chỗ ở. Thời gian ở đây cô phải đeo khẩu trang 24/24 giờ để tránh bị lây nhiễm chéo. Cô đã có đủ thuốc huyết áp để uống chưa? Cần gì về y tế cô cứ gọi cho tôi. Số điện thoại của tôi dán ngoài cửa phòng đó ạ”. Rồi anh Đông đi phun thuốc khử khuẩn xe cứu thương.

Có tiếng hỏi vọng ra từ dãy nhà chỉ huy: “Bé ơi, đã ăn gì chưa?”. Tôi cười  đáp: “Bé ăn rồi ạ” mà thấy ấm lòng và có cảm tình ngay với cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Nghe vậy, Đại úy Đông chạy vội vào đính chính: “Cô lớn tuổi rồi chỉ huy ạ”. Chúng tôi cùng cười. Vừa lúc, Thiếu úy Phạm Văn Nam lên dẫn tôi về chỗ ở. Anh Nam chỉ đeo khẩu trang chứ không mặc đồ bảo hộ. Vừa đưa chăn màn cùng đồ dùng cá nhân cho tôi, anh Nam vừa ân cần hỏi thăm quê quán, chỗ ở hiện nay và nói: “Nhà cháu ở thôn 2, xã Biển Hồ. Cháu cũng quê Thái Bình. Cháu là người phục vụ dãy nhà này. Ở một mình hơi buồn nhưng sẽ an toàn hơn cô ạ. Cố gắng ngủ để lấy sức và nhớ đeo khẩu trang 24/24 giờ để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người, cô nhé!”.

Vậy là sau gần 40 năm, tôi lại trở về cuộc sống “chăn đơn, gối chiếc, cơm phần” của người lính. Nhưng lần này, tôi không phải thực hiện điều lệnh nội vụ, 10 lời thề, 12 điều kỷ luật của quân nhân như thời còn tuổi đôi mươi xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Tôi cùng mọi người tự giác thực hiện thời gian biểu hàng ngày, không có tiếng kẻng hay tiếng còi hiệu. Đó là: sáng thức dậy làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng, đo thân nhiệt, vệ sinh nơi ở; ăn trưa, ngủ trưa, tắm giặt, vệ sinh nơi ở; ăn tối, đo thân nhiệt, đi ngủ... Ai đến lịch thì đi lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm (trong 21 ngày được xét nghiệm 4 lần). Riêng việc rèn luyện sức khỏe thì tùy sở thích của từng cá nhân. Chủ yếu là đi bộ, đá cầu, chơi cầu lông, bóng chuyền...

Đêm đầu tiên ở khu cách ly, tôi đã có một giấc ngủ rất sâu với tinh thần thoải mái. Bởi tôi cảm nhận được rằng thời gian ở đây mình sẽ được chăm sóc chu đáo, an toàn.

NGUYỄN DUNG

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.