Xác định cuộc chiến phía trước vẫn còn nhiều gian khó, nên lực Công an các địa phương luôn nỗ lực. Và trong cuộc chiến đấu thầm lặng nhưng không kém phần quyết liệt ấy, máu của các anh đã đổ. Nhưng tất cả đều tự hào khi màu đỏ của máu được đổi lấy lại những chồi non và màu của rừng thêm xanh…
Vất vả với án… trong rừng
Tại Thừa Thiên Huế, vào đầu tháng 7 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Phước Toàn (SN 1975, trú tại phường Kim Long, TP Huế), Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Hương Thủy và Nguyễn Đăng Phong (SN 1965, trú phường Phú Thượng, TP Huế), là Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật BQLRPH Hương Thủy để điều tra làm rõ hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do liên quan đến việc lập phương án và dự toán khai thác tận thu gần 158ha rừng thông sau 2 vụ cháy rừng xảy ra vào năm 2021.
Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tại xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam) vào tháng 2/2023. |
Tại Phú Yên, trong số hàng chục vụ án hình sự liên quan đến phá rừng đã được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện và tỉnh điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua, có 4 vụ án nổi cộm xảy ra trên địa bàn các huyện Tây Hòa, Sông Hinh và Sơn Hòa, thu hút sự quan tâm của dư luận ở địa phương.
Trong 4 vụ án này, sau thời gian tập trung các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên khởi tố 73 bị can, trong đó có 14 bị can là cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã liên quan đến các nhóm tội danh “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, “Hủy hoại rừng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Không tố giác tội phạm”. 4 vụ phá rừng nêu trên đều có tổ chức với hậu quả thiệt hại về lâm sản và môi trường hơn 3,5 tỷ đồng. Tất cả đều do báo chí, trong có Báo CAND phát hiện và phản ánh bằng những bài điều tra. Không ít lần, PV Báo CAND xâm nhập hiện trường, ghi nhận hiện trạng rừng bị đốn hạ hàng loạt cây gỗ đổ ngã ngổn ngang, phát dọn trắng nhiều khoảnh rừng để lấy đất trồng keo.
Trung tá Nguyễn Duy Toàn, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên cho biết, vụ án có tổ chức quy mô lớn nhất, hậu quả thiệt hại nghiêm trọng nhất, bị can cùng tội danh nhiều nhất, khám nghiệm hiện trường nhiều nhất và là cuộc điều tra truy xét vất vả nhất... là vụ phá rừng tại địa phận giáp ranh giữa hai tiểu khu 358 ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa và tiểu khu 312 ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh. Hai nhóm “lâm tặc” điều xe cơ giới chuyên dụng san ủi 3 con đường xuyên sâu vào rừng với tổng chiều dài hơn 2.300m để đốn hạ 373 cây gỗ với tổng khối lượng hơn 330m³, gây thiệt hại gần 1,2 tỷ đồng về lâm sản và môi trường.
Ngoại trừ một bị can đã chết do lâm bệnh nặng, 24 “lâm tặc” còn lại đã bị TAND tỉnh Phú Yên, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên xử bằng hình phạt nghiêm minh về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, “Hủy hoại rừng”; 10 cán bộ, công chức, viên chức là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa; Phó Giám đốc BQLRPH Sông Hinh… bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Kết thúc chuyên án truy xét vụ phá rừng lớn nhất ở Phú Yên, Thường trực Tỉnh ủy đã trao thư khen, “thưởng nóng” Ban chuyên án cùng tập thể Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên.
Đối với vụ phá rừng trên diện rộng tại tiểu khu 170 ở Hòn Đót, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, hẳn độc giả còn nhớ, từ nguồn tin của PV Báo CAND cung cấp, giữa tháng 9/2021, ông Nay Y BLung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp vượt núi, xuyên rừng kiểm tra đột xuất hiện trường. Đến nơi, lãnh đạo huyện không thể ngờ rằng, lâm tặc đã thuê nhân lực, xe cơ giới san ủi đường vào rừng, tổ chức đốn hạ, phát dọn trắng hai khu rừng tự nhiên để tận thu cây gỗ rồi lấy đất trồng keo.
Sau khi vào cuộc khám nghiệm hiện trường, điều tra truy xét, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên xác định diện tích rừng bị tàn phá hơn 8,7ha, giá trị thiệt hại về lâm sản và môi trường hơn 1,9 tỷ đồng, trong số 27 bị can bị khởi tố về các nhóm tội danh “Hủy hoại rừng”, “Không tố giác tội phạm”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, có 2 bị can là kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa và cán bộ lâm nghiệp xã Sơn Định.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2021, vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương tại tiểu khu 162, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa cũng được nhiều nhà báo phát hiện. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên sau đó đã vào cuộc đấu tranh làm rõ, khởi tố 8 bị can về tội danh “Hủy hoại rừng”, 2 bị can là Phó Giám đốc và nhân viên BQLRPH huyện Sơn Hòa về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kể thêm về những khó khăn, vất vả trong đấu tranh truy xét hành tung thủ phạm giấu mặt sau những vụ phá rừng, Trung tá Nguyễn Duy Toàn, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên, điều tra viên chính vụ phá rừng tại địa phận giáp ranh giữa tiểu khu 358 ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa và tiểu khu 312 ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, cho biết: “Khi vào cuộc, các trinh sát, điều tra viên vấp phải rất nhiều trở ngại. Ngoài những gốc cây bị đốn hạ, hàng chục cây gỗ còn sót lại chưa kịp cẩu kéo và dấu tích san ủi đường, sau các cuộc khám nghiệm đều không thu được dấu vết để truy nguyên vì hiện trường đã thay đổi do tác động của con người và thời tiết, vật chứng khác không có, nhân chứng cũng không, vì 4 bên đều là rừng, khối lượng lớn cây gỗ đã tiêu thụ không truy thu được để xác định danh mộc, chiều cao, trưng cầu giám định khối lượng, định giá tài sản...
“Sau 90 ngày đêm xác lập chuyên án truy xét, tôi cùng nhiều đồng đội khoác ba lô bám địa bàn rồi ngược xuôi đến nhiều địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiên trì rà soát, sàng lọc hơn 100 đối tượng chuyên nghề đốn hạ, cưa xẻ, vận chuyển, mua bán gỗ lậu ở các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa và thị xã Đông Hòa, kết hợp xác minh, thu thập chứng cứ từ nhiều nguồn mới lần lượt đấu tranh làm rõ vụ án”, Trung tá Nguyễn Duy Toàn chia sẻ.
Gian truân tìm tội phạm ẩn
Thực tế quá trình điều tra, xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là hành vi khai thác rừng trái pháp luật, cơ quan Công an đối mặt với không ít khó khăn. Nếu không kiên quyết trước tội phạm, dốc sức bảo vệ màu xanh của rừng, rất dễ “xếp hồ sơ”. Trung tá Tán Duy Hưng, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Đông Giang (Quảng Nam) cho biết, khu vực xảy ra hành vi vi phạm thường nằm rất xa khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào thời điểm miền Trung vào đợt mưa lũ.
Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật, để xác định được loài cây, khối lượng thì phải trưng cầu giám định tư pháp tại Viện Nghiên cứu công nghiệp đóng tại Thừa Thiên Huế. “Trong khi đó, chi phí cho việc giám định này rất lớn, các đơn vị được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra như Hạt Kiểm lâm, Cơ quan Cảnh sát điều tra không đủ kinh phí để thực hiện”, Trung tá Tán Duy Hưng cho biết và giải thích thêm: Trường hợp vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép đã vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, chỉ còn lại gốc chặt thì tiến hành giám định tư pháp theo quy định tại Thông tư 49/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT để xác định khối lượng gỗ bị khai thác trái phép, làm căn cứ xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, quá trình gửi mẫu gỗ trưng cầu giám định tại Viện Nghiên cứu công nghiệp (cơ quan giám định) chỉ xác định được loài cây chứ không xác định được khối lượng lâm sản bị thiệt hại. Đồng thời, yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện là cơ quan ra quyết định trưng cầu giám định, cung cấp số liệu về cây tương đồng với cây bị khai thác của lâm phần tương đồng. Nhưng cơ quan chức năng tại địa phương không có chức năng xác định chủng loài cây để thực hiện nội dung trên mà cần phải có giám định viên của cơ quan giám định đến thực hiện trực tiếp tại hiện trường, kinh phí thực hiện 500.000 đồng/m³.
Ngoài ra, còn phải chi trả các chi phí lớn khác, như giám định đồng nhất về chủng loại gỗ (140.000 đồng/mẫu); giám định tên gỗ (3.150.000 đồng/mẫu/ loài gỗ); giám định khối lượng gỗ (90.000 đồng/gốc chặt). “Chính điều này đã gây khó khăn cho công tác giám định, làm căn cứ xử lý vi phạm. Hơn nữa, tội phạm liên quan đến hành vi khai thác rừng là tội phạm ẩn nên cơ quan Công an rất khó khăn trong việc bắt quả tang”, Trung tá Tán Duy Hưng cho biết.
Một khó khăn nữa trong quá trình điều tra, xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp là ở khâu quy hoạch rừng. Theo Trung tá Tán Duy Hưng, tại tỉnh Quảng Nam áp dụng quy hoạch rừng theo Quyết định 120 năm 2017 của UBND tỉnh giai đoạn 2016-2020, đến nay đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 57 ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam thì tiếp tục thực hiện quy hoạch rừng theo Quyết định 120. “Thực tiễn đã xảy ra tình trạng đất của người dân canh tác lâu năm, trước khi quy hoạch rừng và nhiều diện tích không có rừng nhưng vẫn được đưa vào quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất). Do đó, cần quy hoạch lại rừng vì liên quan đến đất sản xuất của người dân”, Trung tá Tán Duy Hưng cho biết và đề xuất.