Cam go cuộc chiến bảo vệ "lá phổi xanh" ở miền Trung

Kỳ 1: 'Lâm tặc' lộng hành, hung hãn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong thời gian qua, nhiều vụ việc xâm hại rừng tại các tỉnh miền Trung đã bị người dân và báo chí phát hiện. Khi vào cuộc giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm, lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Công an vấp phải không ít khó khăn từ công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ cho đến rà soát nghi can, trưng cầu giám định thiệt hại…

Với quyết tâm cao nhất, vượt qua nhiều gian khó, Công an các địa phương đã làm rõ nhiều vụ phá rừng, truy cứu trách nhiệm hình sự nhiều đối tượng. Tuy nhiên, những nỗ lực vừa kể vẫn chưa đủ sức răn đe, góp phần kéo giảm, "hạ nhiệt" số "điểm nóng" vi phạm lâm luật. Vì lợi ích cá nhân, "lâm tặc" vẫn ngày đêm hoành hành khiến diện tích rừng tự nhiên nhiều nơi tại "khúc ruột" miền Trung bị tổn thương…

Những năm qua, kiểm lâm và lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp với chính quyền, dân quân và Công an các địa phương nỗ lực triển khai nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Song, tình trạng khai thác rừng trái phép, hủy hoại rừng và các hành vi khác vi phạm Luật Lâm nghiệp tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Khánh Hoà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị… vẫn diễn ra liên tục, hết sức đáng ngại.

Vào tận vùng nghiêm ngặt để phá rừng

Tại Quảng Trị, vụ khai thác trái phép rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá (huyện Hướng Hoá) đến nay vẫn đang là câu chuyện "nóng" bởi sau khi khởi tố vụ án, đã hơn 1 năm trôi qua, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được các đối tượng tham gia vụ việc. Trước đó, vào cuối năm 2021, "lâm tặc" đã vào tận vùng lõi - Tiểu khu 645 trên địa bàn các xã Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Lập thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn kể trên để chặt phá, khai thác gỗ trái phép. Sau khi PV Báo CAND phát hiện, phản ánh, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương vào cuộc, lập đoàn kiểm tra đến ngay hiện trường.

PV Báo CAND bên một gốc cây rừng bị chặt hạ tại xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam).
PV Báo CAND bên một gốc cây rừng bị chặt hạ tại xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam).

Qua kiểm đếm, các tổ công tác xác định có gần 100 cây rừng (đường kính gốc từ 0,6 - 1m) ở đây bị "lâm tặc" đốn hạ, trong đó có nhiều cây chưa kịp cưa xẻ, chế biến, vận chuyển đi nơi khác. Tổng khối lượng gỗ bị khai thác trái phép ước tính trên 100m3, trong đó lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ được gần 30m3, gỗ còn lại ở hiện trường hơn 41m3 và có ít nhất 37m3 gỗ đã bị "lâm tặc" đưa ra khỏi rừng…

Tại Thừa Thiên-Huế, nhiều cây gỗ lớn trong các khu rừng ở huyện miền núi Nam Đông và A Lưới đã bị "lâm tặc" ngang nhiên đốn hạ. Mới đây, một vụ phá rừng được phát hiện tại xã Thượng Quảng thuộc phạm vi quản lý của 4 chủ rừng, gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Nam Đông; cộng đồng Thôn 2, Nhóm 1 Thôn 4, xã Thượng Quảng và UBND xã Thượng Quảng. 24 cây gỗ (đào, trâm đỏ, chò) bị cưa hạ. Theo nhận định, sau khi cưa hạ được cây, các đối tượng xẻ gỗ rồi vận chuyển ra khỏi bìa rừng; tiếp tục dùng trâu và thuê thêm nhiều người để kéo, vác gỗ từ rừng đưa ra ngoài.

Cũng tại xã Thượng Quảng, trước đó, Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông bắt giữ 12 vụ khai thác, tàng trữ, vận chuyển lâm sản với khối lượng 8,161 m3 gỗ. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện này đã phối hợp bắt giữ 5 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; riêng tại "điểm nóng" Thượng Quảng là 3 vụ.

Huyện A Lưới cũng được xem là "điểm nóng" khi nơi đây đã xảy ra nhiều vụ phá rừng tại các cánh rừng phòng hộ do BQL RPH A Lưới quản lý. Trong vụ khai thác rừng trái phép được phát hiện cách nay chưa lâu tại khoảnh 7, tiểu khu 312, xã Hương Phong, "lâm tặc" đã đốn hạ 12 cây gỗ (trong đó 9 cây gỗ là chủng loại phò lái, 1 cây vang trứng, 2 cây trám thuộc gỗ nhóm VII) có đường kính gốc từ 0,5-0,9m. Lợi dụng khoảng cách từ đường Hồ Chí Minh đến nơi khai thác gỗ trái phép chỉ gần 6km, vắng người qua lại nên "lâm tặc" cưa trộm cây lấy gỗ. Số cây bị chặt nằm rải rác tuyến.

Người dân ở A Lưới cho biết, “lâm tặc” thường chọn những cánh rừng nguyên sinh được giao cho cộng đồng các thôn quản lý hoặc các khu rừng cộng đồng nằm xung quanh lòng hồ chứa nước thủy điện để ra tay.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, năm 2020, địa bàn tỉnh xảy ra 133 vụ phá rừng, diện tích 22,34ha, cơ quan chức năng đã khởi tố 2 vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng. Năm 2021, do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, chỉ phát hiện ra 31 vụ, diện tích gần 4 ha. Năm 2022, xảy ra 56 vụ, diện tích gần 6ha. Cũng trong năm 2022, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã bắt giữ, xử lý 289 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, tịch thu gần 130m3 gỗ các loại. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị chủ rừng tổ chức nhiều đợt truy quét, phát hiện 148 vụ vi phạm, tịch thu 20,678m3 gỗ các loại và 8 máy cưa xăng, tháo dỡ 53 lán trại... Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 27 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị thiệt hại gần 6,2ha. Riêng 2 vụ phá rừng ở huyện Phú Lộc, Hạt Kiểm lâm huyện đã khởi tố 1 vụ; vụ còn lại đang chờ kết quả giám định để khởi tố vụ án.

Ở huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam), trong năm 2022, qua tuần tra, truy quét, Kiểm lâm và các lực lượng chức năng khác phát hiện 13 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Sang năm 2023, mới chỉ 6 tháng, còn số lại tăng "nóng" lên đến 33 vụ (trong đó có 17 vụ phá rừng, 9 vụ khai thác rừng,…). Trong số này, có vụ khai thác rừng phòng hộ trái pháp luật xảy ra tại thôn Ga Doong, xã Tư. Theo Hạt Kiểm lâm huyện, số lượng gốc cây bị khai thác trái pháp luật tại hiện trường là 17 gốc; lâm sản thiệt hại trên 7,2m3. Vị trí các cây bị chặt hạ thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 65, thôn Ga Doong, xã Tư, do chính quyền xã Tư và BQL RPH huyện quản lý.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, Sở NN&PTNT cho biết giai đoạn 2016-2020, số vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng là 1.808 vụ, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại gần 674ha; trong đó nguyên nhân do phá rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng 475ha.

Đốn hạ gỗ quý rồi ngang nhiên mở đường rừng…

Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có 3 huyện miền núi tiếp giáp với hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Đến nay, trong tổng diện tích hơn 253.000ha rừng ở tỉnh này có gần 127.000ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 3 năm (2020-2022) và 6 tháng đầu năm 2023, đã phát hiện 947 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, chuyển hồ sơ để xử lý hình sự 106 vụ, xử lý hành chính gần 700 vụ, tịch thu hơn 850m3 gỗ các loại, xử phạt bằng tiền và bán tang vật hơn 9,2 tỷ đồng.

Tại Khánh Hoà, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện, xử lý 11 vụ khai thác rừng và 8 vụ phá rừng; kiểm tra, phát hiện 65 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nổi cộm nhất là vụ phá rừng được phát hiện vào đầu năm nay tại tiểu khu 103 thuộc địa phận thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hoà. Từ nguồn tin báo của người dân, Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa phối hợp chính quyền tiến hành xác minh, kiểm tra thực tế, đồng thời phối hợp với Công an, Viện kiểm sát khám nghiệm hiện trường.

Tại khu vực 1 trong khoảnh 8, tiểu khu 103 có con đường rộng 3m, dài gần 1.600m và 3 con đường nhánh có tổng chiều dài 460m do "lâm tặc" sử dụng xe cơ giới san ủi xuyên sâu vào rừng để đốn hạ, cẩu kéo, vận chuyển cây gỗ.

Ngoài dấu tích 60 gốc cây gỗ rừng có đường kính 15-70cm đã bị đốn hạ bằng máy cưa cầm tay, hiện trường vẫn còn lại 50 khúc gỗ tròn có đường kính 20-53cm với tổng khối lượng 21,485m3 cùng 2 ster củi chưa kịp cẩu kéo, vận chuyển ra khỏi rừng. Tại khu vực 2 trong khoảnh 8 và khoảnh 9, tiểu khu 103 và địa phận giáp ranh khoảnh 4, tiểu khu 219 ở xã Diên Điền, huyện Diên Khánh có con đường rộng 3m, dài hơn 1.600m. Ngoài dấu tích 276 cây gỗ rừng có đường kính 6-50cm bị đốn hạ, trong đó có 272 cây ở địa phận xã Ninh Ích, tại hiện trường còn có 168 khúc gỗ tròn có đường kính 19-42cm với tổng khối lượng gần 5,7m3 cùng 5 ster củi chưa kịp cẩu kéo, vận chuyển ra khỏi rừng, trong đó có 97 khúc nằm ở địa phận xã Ninh Ích với gần 2,9m3.

"Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án "Hủy hoại rừng" từ Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa, Cơ quan CSĐT Công an thị xã này điều tra và xử lý theo thẩm quyền", lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hoà cho biết.

Không chỉ lộng hành, hoạt động vào tận cả vùng lõi của khu bảo tồn, một số "lâm tặc" còn rất hung hãn khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã kể, cách đây chưa lâu, Tổ tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng của Trạm kiểm lâm Hương Lộc (thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Bạch Mã) thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng thuộc tiểu khu 416, VQG Bạch Mã thì phát hiện 5 đối tượng đang đốn hạ 2 cây gỗ gõ (nhóm 1) nên tổ tuần tra lấy máy quay ghi lại hình ảnh, đồng thời áp sát bắt giữ các đối tượng. Khi Tổ tuần tra bắt giữ được một đối tượng thì 4 đối tượng còn lại dùng đá, cành cây và rựa tấn công tổ tuần tra để giải cứu cho đồng bọn. Lúc này, kiểm lâm viên Lê Anh Tuấn bị các đối tượng lao đến dùng cành cây tấn công và đấm đá dã man khiến anh ngã gục bất tỉnh. Không dừng lại ở đó, các đối tượng còn khống chế và đe dọa giết anh Tuấn để yêu cầu tổ tuần tra xóa đoạn video ghi hình và trả lại máy cưa. Khi tổ tuần tra đồng ý với các yêu cầu trên thì chúng mới chấp nhận thả anh Tuấn.

Kiểm lâm viên Lê Anh Tuấn được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Nam Đông trong tình trạng đa chấn thương, đầu và mặt bị sưng, gãy cổ chân phải. Sau đó, anh được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.