Ksor Krôh - Người đi tìm hồn gỗ của đại ngàn Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với nghệ nhân ưu tú Ksor Krôh, một tác phẩm tượng gỗ dân gian ra đời được xem như đứa con tinh thần, gắn với nhiều câu chuyện ly kỳ của mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn hùng vỹ.

 

Nghệ nhân ưu tú Ksor Krôh tạc tượng dân gian Tây Nguyên. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Nghệ nhân ưu tú Ksor Krôh tạc tượng dân gian Tây Nguyên. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)


Từ một khúc gỗ vô tri vô giác, nghệ nhân ưu tú Ksor Krôh (66 tuổi, làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai) đã tỉ mỉ từng công đoạn để tạc thành bức tượng mang trong nó hồn người Jrai mạnh mẽ, hoang sơ.

Với ông, một tác phẩm tượng gỗ dân gian ra đời được xem như đứa con tinh thần, gắn với nhiều câu chuyện ly kỳ của mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn hùng vỹ.

Để có một bức tượng như ý từ kiểu dáng đến chất liệu, từ nhiều tháng trước, trong khi lên rừng lên rẫy, các nghệ nhân tạc tượng sẽ chú ý đến những thân cây gỗ vừa mắt. Trước đây, cây của rừng, rừng là của dân làng, cứ thế, họ lên đốn về để tạc tượng, nên tượng đa phần là gỗ quý, thời gian sử dụng hàng chục năm, có khi hàng trăm năm. Nay, rừng được quản lý chặt chẽ nên hiếm có cây rừng để tạc tượng, các nghệ nhân thường mua các loại cây trồng như mít, xoan đào hay cà chít, xà cừ để thỏa đam mê.

Dậy từ sáng sớm, nghệ nhân Ksor Krôh cùng vài thanh niên trong làng mài dao, rựa, rìu để sáng sớm mai tập trung đi đốn cây. Cây gỗ phải đốn hạ lúc mặt trời chưa ló dạng, được chặt thành từng khúc theo chỉ đạo của nghệ nhân. Thường một thân cây sẽ được tận dụng để cho ra vài ba bức tượng tùy theo kích thước.

Các thân gỗ thường được mang về trong khuôn viên nhà rông của làng để các nghệ nhân thực hiện các công đoạn tạc tượng trước sự chứng kiến của đông đảo người dân. Gọi là tượng gỗ dân gian bởi chỉ từ những khúc cây như thế, rồi bằng bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và một trái tim yêu mến cộng đồng, các nghệ nhân phác thảo ra bức tượng chỉ bằng rìu, rựa, dao, đục.

Đơn sơ, mộc mạc, nhưng bức tượng gỗ dân gian nào ở Tây Nguyên cũng trông rất sinh động, lôi cuốn ánh nhìn người chiêm ngưỡng bởi từ chúng toát ra được cái hồn con người Tây Nguyên chân chất, thật thà.


 

Nghệ nhân ưu tú Ksor Krôh hướng dẫn các em nhỏ tạc tượng gỗ. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Nghệ nhân ưu tú Ksor Krôh hướng dẫn các em nhỏ tạc tượng gỗ. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)



Nghệ nhân Ksor Krôh cho hay, từ lúc còn chưa biết con chữ, ông đã theo bố là nghệ nhân tạc tượng có tiếng trong vùng, đi khắp nơi tạc tượng cho bà con mỗi mùa lễ Pơthi (Lễ bỏ mả, một nghi lễ lớn vẫn còn được lưu giữ cho đến tận bây giờ của người Tây Nguyên).

Nghĩ con còn nhỏ, bố ông chưa truyền dạy nghề, bắt đi học chữ trước. Với đam mê truyền nối như máu chảy trong người con Jrai, ông Ksor Krôh lén bố, trộm một khúc gỗ nhỏ ra sau nhà đục đẽo. Từ đó, hàng ngày, hàng năm cứ nuôi dưỡng niềm đam mê đến năm 12 tuổi, sau một tuần miệt mài, ông đã tạc hoàn chỉnh một bức tượng nhỏ với tên gọi “người đàn ông Jrai đánh trống.”

Ông cũng cho biết thêm, cái khó của việc cho ra một tác phẩm tượng gỗ dân gian của người Tây Nguyên là lột tả được thần thái nhân vật. Mỗi bức tượng có các trạng thái cảm xúc khác nhau. Những bức tượng được đặt ở các khu nhà mồ thường diễn tả tâm trạng đau buồn, nhung nhớ của người còn sống đối với người đã mất.

Các tượng gỗ miêu tả hoạt động sinh hoạt thường ngày được trưng bày ở nhà rông, nhà sàn hay các khu du lịch thường có trạng thái vui mừng, phấn khởi, niềm hân hoan vụ mùa bội thu hay hạnh phúc với con cháu…

Thời trẻ, ông không quản ngại khó khăn đi khắp các vùng, miền tạc tượng cho bà con có nhu cầu. Về già, lo sợ văn hóa dân tộc mai một, ông lại đi tìm lớp trẻ để truyền dạy nghề. Hàng chục lớp truyền dạy nghề tạc tượng trong và ngoài tỉnh đã được nghệ nhân Ksor Krôh đứng lớp và có hàng chục nghệ nhân trẻ tiếp nhận được "lửa nghề" của thầy Ksor Krôh.

Mải miết đi tìm hồn tượng trong những thân cây, truyền thần thái đó cho thế hệ trẻ, cho đến bây giờ, ông vẫn luôn mang nặng một niềm đam mê tượng gỗ dân gian, niềm đam mê đó được biết đến với một cái tên Ksor Krôh vang danh trong lĩnh vực tạc tượng dân gian tại Tây Nguyên.

Những đóng góp của ông được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng, giấy khen, bằng khen. Ngày 8/3/2019, Nghệ nhân Ksor Krôh được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, cụ thể là nghề tạc tượng dân gian. Đây là món quà tinh thần cho bản thân ông Ksor Krôh và cũng là niềm động viên khích lệ cho những nghệ nhân chưa được vinh danh tại các buôn, làng Tây Nguyên.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng, nhằm khuyến khích người dân tộc thiểu số trên địa bàn lưu giữ và phát huy nghề tạc tượng, tỉnh Gia Lai tiếp tục đề nghị, khuyến khích các địa phương duy trì tổ chức các cuộc thi văn hóa các dân tộc thiểu số, qua đó đẩy mạnh khuyến khích các nghệ nhân say mê với nghề. Đơn vị đã có kế hoạch phối hợp với sở Công Thương và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn làm những tượng gỗ nhỏ dân gian làm quà lưu niệm, điểm nhấn cho du khách khi đến với Gia Lai.

Theo Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.