(GLO)- Krông Pa là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 trong tỉnh với 34,1%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 88,8%. Trước thực tế đó, thời gian qua, chính quyền huyện Krông Pa đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Để giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo nói chung, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS nói riêng, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Krông Pa đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình kế hoạch đẩy mạnh thực hiện chương trình nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025. Trong số đó có kế hoạch rà soát hộ nghèo tại 2 xã điểm nông thôn mới là Phú Cần và Ia Mlah; giải pháp giúp 52 gia đình chính sách thoát nghèo trong năm 2017. Từ đây, các cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách, như: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thuế huyện tiến hành hỗ trợ xây nhà; Văn phòng HĐND-UBND huyện, Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện, Hội Cựu chiến binh huyện tặng bò giống cho hộ được phân công giúp đỡ; Văn phòng Huyện ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy, Phòng Nội vụ, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và Giáo dục Nghề nghiệp tặng dê sinh sản cho các hộ nghèo...
Hỗ trợ dê giống cho hộ nghèo. Ảnh: N.Đ |
Mặt khác, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp năm 2017, huyện đã chuyển ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 2,48 tỷ đồng để cho 124 hộ nghèo ở xã Ia Mlah và Phú Cần vay mua bò giống không tính lãi, bình quân mỗi hộ được vay 20 triệu đồng; từ nguồn vốn Chương trình 135 hỗ trợ bò giống sinh sản cho 83 hộ nghèo của xã Phú Cần và Ia Mlah; nguồn vốn định canh định cư hỗ trợ cho 207 hộ nghèo làm chuồng trại chăn nuôi với số tiền trên 517 triệu đồng; nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp đã hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi bò cho 207 hộ với số tiền gần 350 triệu đồng. Đồng thời, huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh và kỹ thuật trồng cỏ cho 207 hộ nghèo được hỗ trợ bò. Bên cạnh đó, huyện đã chuyển ủy thác 300 triệu đồng thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho hộ nghèo vay học nghề, giải quyết việc làm.
Tuy nhiên, với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6-8%/năm, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân hàng năm trên 8%; năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,7%, trong đó xã Ia Mlah và Phú Cần đạt tiêu chí hộ nghèo, hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 100% hộ chính sách thoát nghèo... đã đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong chỉ đạo và triển khai thực hiện chương trình gắn với các giải pháp phù hợp, thiết thực.
Ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, huyện phân công cán bộ, công chức ở các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ các hộ nghèo của 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự vươn lên, tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất; trực tiếp rà soát, giúp đỡ hộ nghèo theo từng nhóm hộ tại khu dân cư để cùng hỗ trợ nhau trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện tạo điều kiện, ưu tiên vốn vay cho các hộ nghèo để phát triển sản xuất. Đặc biệt quan tâm đến công tác vận động người dân, khơi dậy ý chí, nghị lực tự vươn lên thoát nghèo, loại bỏ dần tư tưởng trông chờ ỷ lại, không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước trong một bộ phận hộ nghèo. Tổ chức tốt việc lồng ghép nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo với nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước cho giảm nghèo để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, kết hợp với vốn ngân sách địa phương cân đối và tận dụng tối đa nguồn vốn huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp, gắn với việc tổ chức tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng, dạy nghề nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về khuyến nông, hướng dẫn cách làm ăn, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cũng như triển khai các chính sách an sinh xã hội, như: giáo dục-đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà ở, nước sạch-vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin... để thực hiện thành công các mục tiêu giảm nghèo giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tô Văn Chánh, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, chương trình giảm nghèo nói chung và công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Krông Pa trong năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ mang lại kết quả cao góp phần xây dựng địa phương phát triển giàu mạnh và bền vững.
Ngô Đức