Không “bột” có gột nên “hồ”?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau Tết năm ngoái tôi lên Kon Tum. Cái tháng “ăn chơi” này với dân làm báo vẫn hay bí đề tài. Anh bạn đồng nghiệp ở Báo Kon Tum bảo: Chẳng kiếm ra cái gì viết thì đi uống “rượu rừng” cho nó giải stress. Ông đã uống “rượu rừng” bao giờ chưa? Thấy tôi ngạc nhiên không hiểu, anh cắt nghĩa: “Rượu rừng” là rượu cây vea ấy mà!   

Chợt nhớ mình đang trong tháng Ning nơng… Người Tây Nguyên sau một năm làm lụng vất vả, trước mùa rẫy mới bao giờ cũng dành một khoảng thời gian để Ning nơng. Trừ người già và trẻ nhỏ, ai còn sức leo núi là vào rừng. Họ săn bắt những con thú nhỏ, hái lượm trái cây dại và hưởng thụ những thức lộc rừng ban, không màng đến thú vui vật chất, cốt để được đắm mình vào thiên nhiên hoang sơ, trở về với cái bản ngã của mình… Được uống rượu cây giữa mùa Ning nơng, cái thú còn được nhân lên gấp bội. Và thật may là chúng tôi đã được anh A Sang ở xã Đak Man nhận lời với sự hào phóng không ngờ…

Không biết đã qua bao nhiêu cây số đường rừng nhưng đầu gối tôi đã bắt đầu cứng lại, mồ hôi dâm dấp lưng áo. Những nếp nhà dưới chân dốc trông về như những chiếc nấm hiu hiu trong chập chờn cơn gió thoảng. Nắng mỏng như tấm lụa choàng lên cây cỏ. Hàng đàn bướm rập rờn ngợp cả không gian. Một tiếng ve lẻ loi cất lên ngắn ngủn cũng đủ khua động cái tĩnh lặng đến lạ kỳ của đại ngàn đang tiết xuân thì…

Cây Vea. Ảnh: Ngọc Tấn
Cây Vea. Ảnh: Ngọc Tấn

Tiếng reo mừng rỡ “đến rồi” của A Sang… “cây rượu” thoạt trông cũng từa tựa cây dừa nhưng thân nhỏ hơn, lá cũng mảnh hơn. Người Sê Đăng gọi nó là “Loă tea vea”: “Loă” là cây, “tea” là nước-tức “cây nước vea”.

Thôi ta cứ gọi bằng “cây rượu” cho dễ nhớ. Cái lạ, đất đai, núi rừng Tây Nguyên mênh mông là thế nhưng “cây rượu” chỉ đặc ân cho một số nơi ở vùng Bắc cao nguyên. Nam cao nguyên, Đak Plin nghe đâu cũng có lác đác. Người Bahnar gọi nó là cây Doak… Nói “đặc ân” nghe có vẻ hơi khoa trương, thực ra nó là loại cây chỉ mọc ở lưng chừng núi gần như quanh năm mây phủ, thích hợp với khí lạnh hàn đới điển hình của đại ngàn. Bởi là thứ cây “đặc ân”, vea thường có chủ. Không ai được tự ý “khai rượu” nếu không được sự cho phép của chủ cây…

“Cây rượu” vea lúc còn bé trông tựa cây cau. Lên đến ba, bốn mét mới bắt đầu trổ buồng. Buồng trồi ra từ nách bẹ buông từng chùm hoa thơm mỡ màng. Sau khoảng hai tuần hoa tàn, trái nhú ra xanh bóng như ngọc.

Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để “khai rượu”. Cắt bỏ buồng, chỉ chừa lại phần cuống dài chừng gang tay, bên dưới người ta để một chiếc ống tre dài hứng nước. Và nước cứ thế liên tục chảy cả hàng tháng trời mới cạn. Cây lớn mỗi ngày có thể cho đến hai chục lít nước. Để nước cây hóa rượu theo ý muốn, người ta sẽ cho vào ống đựng rượu vỏ cây Kre còn tươi. Vị đắng, ngọt nhiều hay ít tùy số lượng. Mỗi năm cây vea chỉ cho 2-3 buồng vào khoảng tháng 1 đến tháng 7 Dương lịch. Song nếu là cây khỏe, chu kỳ khai thác có thể hơn cả chục năm ròng. Khi không còn trổ buồng cũng có nghĩa là sức đã tàn, cây sẽ âm thầm chết rũ sau khi đã ban tặng cho đời đến kiệt cùng giọt nước ngọt lành… 

Tìm chỗ đất bằng, chúng tôi trải lá rừng, nhóm lửa để chuẩn bị thức nhắm. Chừng hơn tiếng đồng hồ nhìn lên đã thấy từ ống tre hứng nước cây bọt đùn ra trắng xóa. Hương rượu dịu ngọt thoang thoảng quyến rũ hàng đàn ong bướm chập chờn vây quanh… “Đã là rượu cây, dù mang về uống chung cả làng hay riêng lẻ thì cái thú cũng giảm đi một nửa. Phải ngay dưới cây này, dưới tán rừng này, hồn núi mới cho mình cái say đủ đầy hương vị”-A Sang nói. Tôi liếc nhìn con người chân đất lưng trần, thô tháp như lõi cây rừng và lần đầu tiên cảm nhận được chất nghệ sĩ của một tộc người… Thì đây, bếp lửa than đã hồng. Bỏ từng vốc gạo nếp thơm lừng vào ống lồ ô tươi gác lên giàn lửa, ta đã có cơm lam nguyên chất của núi rừng. Thịt trâu khô nướng cháy cạnh. Và đây, món nu tôi mong đợi đã được chiên vàng với dầu, thơm nức và béo ngậy được bày ra lá…

Nghiêng ghè trích một dòng rượu sủi bọt vào chiếc cốc gọt bằng gốc nứa còn nguyên mùi nhựa, chúng tôi trân trọng áp môi và từ từ dốc cạn… Tôi lim dim mắt để cảm nhận cái hương vị thuần khiết lần đầu tiên được nếm của núi rừng: Không ngọt nồng như rượu cần, không cháy như rượu cất, bốc như bia- từ cảm nhận đầu tiên là vị hăng của cây, vị ngọt của nước dừa, thoáng sau mới nghe hơi men nhẹ nhàng bốc lên cổ… Nhón một miếng nu chấm với muối giã ớt rừng cay xé cổ, hương nhựa xà nu phảng phất, vị béo ngậy của món đặc sản có một không hai này quyện với rượu nghe cong vắt cái cảm giác hoan lạc đầu chót lưỡi…

Và đôi môi cứ như mềm đi. Một cốc, một cốc rồi cốc nữa… Xung quanh tôi nắng nhễu từng giọt vàng ươm lên mặt đất. Gió ren rén như đôi chân trần thiếu nữ vọng đến từ một cõi mơ hồ. Rồi ngọn lửa của rừng thức dậy. Khẽ khàng và dịu êm, sức nóng tỏa dần vào mỗi li ti của đường gân thớ thịt… Cứ mỗi cốc rượu tôi lại lùi xa thêm một quãng với cuộc đời đang sôi động ngoài kia. Trong veo trong tôi chỉ còn bản ngã. Và rừng. Rừng đang lặng lẽ ban cho tôi tất cả vẻ đẹp, nguồn sống, niềm hoan lạc với sự hào phóng không giới hạn của mình…

Một tiếng hú dài vọng đến lay tôi ra khỏi miên man ảo giác. Sau tiếng hú đáp trả của A Sang, chỉ thoáng sau như từ nách rừng, một tốp người tiến đến. Không đợi lời mời, họ cứ tự nhiên nhập cuộc như đã quen biết từ lâu. Tất cả những gì được rừng ban cho một ngày Ning nơng đều được bày ra: Những chú chuột rừng lông vàng mượt béo múp; vài con kỳ đà nhỉnh hơn cán dao, những chùm quả rừng sặc sỡ... Tôi, đang từ một bữa tiệc đối tửu thoắt chuyển sang tiệc rượu cộng đồng. Chẳng quan tâm tôi là ai, từ đâu tới, cứ phải bình đẳng một cốc rượu đầy lần lượt quay vòng. Và cứ xong một “tua”, miếng thịt chuột thơm lừng chấm muối ớt cay xè lại được ấn vào miệng tôi.

Chợt thấy lòng dậy lên một cảm xúc yêu mến vô bờ với những con người mắt sáng, da nâu, đầu trần chân đất, chỉ mới khoảnh khắc đây thôi hãy còn khiến ta e dè, xa lạ… Tây Nguyên là vậy. Bạn đã là người chung tiệc rượu, xin hãy rũ bỏ sự định kiến sang hèn, lời ăn tiếng nói. Bạn đã chung với tôi cang rượu, tôi sẽ đền đáp bạn bằng tất cả sự cởi mở của tấm lòng… Tất cả chúng ta đều cùng một gốc, một ngôn ngữ chung là Rượu-thứ ngôn ngữ không lời mà gói trọn tất cả khát vọng tình người…

Tôi cứ ngỡ chỉ là một chuyến rong chơi thuần túy, nào ngờ kết quả lại viết được một cái ký ưng ý. Chả phải nhọc công bày biện. Thấy được cái gì, cảm nhận được gì cứ thế mà ghi ra. Nhớ chuyến đi Pờ Dầu năm kia cũng vậy. Nói “không bột cũng gột nên hồ” e không thỏa đáng. Nhưng ngẫm cái nghề viết, có “bột” hay không, nên “hồ” hay không còn phụ thuộc vào con mắt, bàn tay người viết…

Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.