Khơi nguồn sáng tạo mỹ thuật trong học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng sau những giờ lên lớp, các câu lạc bộ (CLB) mỹ thuật trong trường học còn là môi trường để học sinh thỏa sức thể hiện đam mê hội họa. Thông qua đó, nhiều tài năng được phát hiện và ươm mầm.
Gần 1 tháng qua, giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Trà Đa, TP. Pleiku) trở nên yên ắng hơn trước. Sự nô đùa “như ong vỡ tổ” của học sinh đã được thay bằng những giây phút “làm việc” nghiêm túc. Từ góc lớp, chân cầu thang đến hàng ghế đá trong sân trường, đâu đâu cũng bắt gặp các nhóm học sinh ngồi tỉ mẩn với cọ, màu vẽ và nón lá.
Em Nguyễn Tuấn Anh (lớp 6/3) hồ hởi nói: “Chúng em đang tham gia hoạt động vẽ tranh trên nón lá do nhà trường phát động. Mỗi lớp sẽ thực hiện 8 chiếc nón. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, chúng em đang hoàn thiện những sản phẩm cuối cùng và sau đó sẽ trang trí nón tại lớp học”.
Nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh giúp học sinh cảm thấy thoải mái hơn sau mỗi giờ học trên lớp, đầu tháng 12 năm nay, Liên đội cùng CLB Cọ xinh của Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám phối hợp tổ chức vẽ tranh trên nón lá cho học sinh khối THCS, vẽ tranh trên giấy A3 đối với khối Tiểu học. Trước đó, nhà trường cũng từng tổ chức cho học sinh vẽ tranh trang trí trên mẹt, quạt giấy, tường và ghế đá. Các hoạt động này đã thu hút đông đảo học sinh tham gia, tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi và lan tỏa giữa các lớp.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Trà Đa, TP. Pleiku) chăm chú vẽ tranh trên nón trong giờ ra chơi. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Trà Đa, TP. Pleiku) chăm chú vẽ tranh trên nón trong giờ ra chơi. Ảnh: Mộc Trà
Cô Nguyễn Thị Phi Khanh-giáo viên Mỹ thuật, Chủ nhiệm CLB Cọ xinh-cho hay: Thông qua các hoạt động, nhà trường nhận thấy nhiều học sinh có năng khiếu ở lĩnh vực hội họa. Do đó, năm học 2018-2019, Ban chủ nhiệm CLB đã tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường thành lập CLB Cọ xinh để giúp các em có điều kiện, môi trường rèn luyện và thể hiện tài năng. Từ 20 thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã thu hút được hơn 100 em từ lớp 1 đến lớp 9 tham gia.
“Chúng tôi thường sinh hoạt vào thời gian ra chơi và ngoài giờ học chính khóa. Bên cạnh màu sáp, tôi còn cho học sinh trải nghiệm với màu nước trên nhiều chất liệu vẽ khác nhau; đồng thời, hướng dẫn các em sáng tạo các mô hình trang trí theo chủ đề, tạo tranh bằng lá cây… Không ít học sinh bộc lộ được tố chất hội họa khi tiếp cận và thực hiện khá tốt bài vẽ của mình. Những em này được chúng tôi bồi dưỡng thêm để đại diện trường tham gia các cuộc thi vẽ tranh do cấp trên tổ chức”-cô Khanh nói.
“Em rất thích vẽ và thường xuyên vẽ tranh về phong cảnh, gia đình để tặng ba mẹ. Khi biết trường có CLB Cọ xinh, em đã đăng ký tham gia. Ở đây, em được trải nghiệm nhiều hoạt động mỹ thuật, biết sử dụng nhiều loại màu vẽ và kỹ thuật vẽ khác nhau. Em sẽ cố gắng luyện tập thật tốt để có thể thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ”-em Tô Huyền Trang (lớp 7/1) chia sẻ.
Khơi nguồn đam mê, sáng tạo trong học sinh, góp phần thu hút các em đến trường cũng là mục đích của CLB Hội họa-Trường Tiểu học Anh Hùng Núp (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Theo Chủ nhiệm CLB Phạm Thị Ái Quỳnh (giáo viên Mỹ thuật), đầu năm học 2018-2019, CLB Hội họa của trường đi vào hoạt động với khoảng 20 thành viên. Đây là những học sinh có năng khiếu, đam mê với bộ môn Mỹ thuật. Sau hơn 2 năm, CLB đã trở thành sân chơi bổ ích, lý thú của nhiều học sinh trong trường, thu hút khoảng 40 học sinh tham gia, trải đều từ lớp 1 đến lớp 5.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Trà Đa, TP. Pleiku) ghép tranh bằng lá cây. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Trà Đa, TP. Pleiku) ghép tranh bằng lá cây. Ảnh: Mộc Trà

“Trường có hơn 80% học sinh là người Jrai. Đa phần học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có điều kiện cho các em học thêm tại các lớp học vẽ chuyên nghiệp. Vì thế, CLB ra đời đã trở thành nơi để nhiều học sinh thỏa sức sáng tạo. Tùy theo độ tuổi, khả năng của học sinh mà chúng tôi cho các em trải nghiệm với những loại hình mỹ thuật khác nhau như vẽ tranh, nặn hình, lắp ghép mô hình bằng vật liệu tái chế, xé ghép tranh bằng lá cây khô, giấy màu… Em nào cũng tham gia rất tích cực và hào hứng”-cô Quỳnh cho biết.
Từ lúc tham gia CLB Hội họa đến nay, hầu như em Siu Hiêng (lớp 5/1) chưa vắng mặt buổi sinh hoạt nào. Cứ đều đặn 2 buổi/tuần, em xin bố mẹ cho đến trường để tham gia hoạt động cùng các bạn. Hiêng thủ thỉ: “Em rất thích vẽ nhưng chỉ được học trên lớp chứ chưa được đi học vẽ ở trung tâm nào. Đến nay, CLB chính là nơi để em luyện vẽ. Cô giáo hướng dẫn chúng em rất cụ thể và dễ hiểu. Được học vẽ, sáng tạo mô hình cùng các bạn, em vui lắm”.
Có thể nói, cùng với các CLB sở thích khác, việc thành lập CLB Hội họa và tổ chức các hoạt động hội họa trong trường học thời gian qua đã thực sự mang lại hiệu quả. Không chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản, khi tham gia CLB, các em còn được rèn luyện khả năng cảm nhận, tư duy thẩm mỹ và sáng tạo nghệ thuật theo từng chủ đề. Đây cũng là một mô hình hay, góp phần giúp các trường làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.