Kho nhôm "khủng" 5 tỉ đô ở Vũng Tàu: Từ nghi đội lốt đến dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kiểm toán nhà nước ngày 22.7 vừa có Văn bản đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Bộ Công an) điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi có dấu hiệu trốn thuế Thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế Thu nhập doanh nghiệp và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
 

Kho nhôm của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Kho nhôm của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu.



Từ nghi vấn nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt

Đầu năm 2017, một số báo dẫn nguồn từ Wall Street Journal cho hay, hàng loạt động thái bất thường trong xuất nhập khẩu nhôm giữa Trung Quốc, Mỹ, Mexico và Việt Nam đều có liên hệ tới tỉ phú Trung Quốc Liu Zhongtian, chủ sở hữu Tập đoàn lớn China Zhongwang chuyên về nhôm của Trung Quốc.

Cụ thể, kho nhôm lớn nhất thế giới vài tháng trước còn nằm phủ bạt ở hoang mạc Mexico đã được vận chuyển tới một cảng biển ở Vũng Tàu. Đầu năm 2017, 500.000 tấn nhôm đã được chất lên tàu và chuyển từ TP.San José Iturbide (Mexico) tới Việt Nam, theo số liệu từ đơn vị vận chuyển và từ một vài nguồn tin liên quan chuyến hàng. Lượng hàng chuyển đi lớn bất thường này đã khiến nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp nhôm lo ngại về những ảnh hưởng tới thị trường và giá nhôm thế giới.

Xuất khẩu phôi nhôm Trung Quốc vào Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá tới 374% trong khi mức thuế cho mặt hàng này có xuất xứ từ Việt Nam chỉ vào khoảng 5%.

Tạp chí Wall Street Joural cho rằng, Tập đoàn China Zhongwang vướng phải nhiều nghi vấn về việc xuất nhôm sang các nước thứ ba như Mexico hay Việt Nam rồi dùng các công ty tại nước sở tại để tái xuất hàng sang Mỹ hay các thị trường bị áp thuế.

Để xác minh làm rõ vụ việc, Tổng cục Hải quan còn phối hợp với Hải quan Mỹ. Đặc biệt, các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra. Theo báo cáo của Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu, số lượng tồn lên đến 1,8 triệu tấn, trị giá khoảng 4,3 tỉ USD.

Đến tháng 11.2019, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết chi tiết: Chủ của 4,3 tỉ USD nhôm đang nằm chờ xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhôm Toàn Cầu có địa chỉ trụ sở chính: Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo quy định của Luật Hải quan, hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất chịu sự giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong suốt quá trình sản xuất cho đến khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, nguyên liệu nhôm nhập khẩu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhôm Toàn Cầu  được đưa về nhà máy sản xuất để sản xuất một phần, một phần được đưa đi gửi tại bãi thuê ngoài theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, Điều 80 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Tháng 7.2020, tại cuộc họp báo về gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu, Tổng cục Hải quan đã thông tin về kết luận điều tra ban đầu vụ Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhập 5 tỉ USD nhôm từ Trung Quốc. Tổng cục Hải quan, cho biết qua điều tra xác định, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu nhập khẩu nhôm, thậm chí nhôm thành phẩm (nhôm định hình) vào Việt Nam để sản xuất ra hàng xuất khẩu nhưng các sản phẩm này chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy chuẩn để xuất sang Mỹ. Do đó, doanh nghiệp thực hiện sản xuất lại. “Thành phẩm của công đoạn sản xuất này là nguyên liệu của công đoạn sản xuất khác và vì thế trong quá trình chuyển đổi, họ đáp ứng được chuyển đổi mã số. Với tinh thần thận trọng, khẩn trương, đoàn kiểm tra kết luận không đủ căn cứ kết luận doanh nghiệp vi phạm gian lận xuất xứ Việt Nam”, đại diện Tổng cục Hải quan là ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cho hay.

Dính nghi án gian lận, trốn thuế, chuyển tiền ra nước ngoài

Vừa thoát khỏi nghi án nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt, ngay lập tức, Công ty Nhôm Toàn Cầu - chủ nhân của số hàng hoá trị giá gần 5 tỉ USD đã bị kiểm toán chỉ ra nhiều sai phạm, trong đó có hành vi  chuyển giá, trốn thuế Thu nhập doanh nghiệp và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Theo văn bản của Kiểm toán nhà nước, hoạt động kinh doanh chính và duy nhất của Công ty PTL là cho thuê kho bãi và Công ty đã ký hợp đồng cho Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu thuê kho bãi để chứa nhôm nguyên liệu. Doanh thu cho thuê kho bãi với Công ty Nhôm Toàn Cầu từ năm 2015 đến năm 2019 là 3.404 tỉ đồng. Giá Công ty Nhôm Toàn Cầu thuê kho bãi của Công ty PTL bình quân các năm là 7,2 USD/m2/tháng.

Qua so sánh, giá thuê Công ty Nhôm Toàn Cầu trả cho Công ty PTL cao gấp 7 lần so với giá Công ty PTL thuê kho bãi của Công ty CP Thành Chí (1 USD/m2/tháng) và gấp 4,7 lần giá Công ty PTL thuê của Công ty CP Cảng Tổng hợp Thị Vải (1,53USD/m2/tháng). Như vậy, thông qua việc nâng giá thuê kho bãi một cách bất hợp lý, Công ty Nhôm Toàn Cầu đã chuyển giá sang Công ty PTL tổng số tiền ít nhất khoảng 2.680 tỉ đồng (bằng 78,72% tổng số tiền thuê kho bãi giai đoạn 2015-2019). Theo KTNN, số tiền chuyển giá này về nguyên tắc sẽ làm tăng chi phí, giảm thu nhập chịu Thuế TNDN phải nộp của Công ty Nhôm Toàn Cầu hoặc làm tăng số chuyển lỗ để bù đắp thu nhập chịu thuế các năm sau của công ty. Hành vi này của Công ty Nhôm Toàn Cầu đã vi phạm quy định của Luật Quản lý thuế và vi phạm Bộ Luật Hình sự.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đây là Công ty TNHH hai thành viên trở lên, đăng ký lần đầu ngày 16.9.2015, vốn điều lệ là 150 tỷ đồng, trong đó, giá trị phần vốn góp của ông Jakky Cheung là 120 tỉ đồng (tỉ lệ 80%) và giá trị phần vốn góp của ông Nguyễn Tài là 30 tỉ đồng (tỉ lệ 20%). Tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ nhất ngày 4.12.2015, vốn điều lệ của Công ty là 150 tỉ đồng - Công ty TNHH Praise Trend có giá trị phần vốn góp là 120 tỉ đồng (tỉ lệ 80%), ông Nguyễn Tài có giá trị phần vốn góp là 30 tỉ đồng (tỉ lệ 20%).

Trong quá trình chuyển nhượng vốn của ông Nguyễn Tài, KTNN nhận thấy, khi chuyển nhượng 75% vốn góp, ông Nguyễn Tài có dấu hiệu chuyển nhượng vốn với giá chuyển nhượng thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị thực tế của tài sản chuyển nhượng (giá trị DN tại thời điểm chuyển nhượng vốn, ngày 16.1.2017). Qua kiểm toán, KTNN xác định lại giá trị thực tế của 22,5 tỉ đồng vốn góp ban đầu của ông Nguyễn Tài khi chuyển nhượng cho Công ty Praise Trend là 420,9 tỉ đồng. Áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất 20%, KTNN xác định số thuế TNCN phải nộp đối với hoạt động chuyển nhượng 75% vốn góp tại thời điểm 16.1.2017 là hơn 79,6 tỉ đồng. Sau khi trừ số thuế TNCN đã được Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu xác định và truy thu 400 triệu đồng, số thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn của ông Nguyễn Tài cần phải truy thu thêm là hơn 79,2 tỉ đồng.

Qua nắm bắt thông tin, KTNN được biết, ông Jakky Cheung đại diện vốn của Công ty TNHH Praise Trend cũng chính là Giám đốc Công ty Nhôm Toàn Cầu. Như vậy, hành vi chuyển giá của Công ty Nhôm Toàn Cầu sang Công ty PTL và việc Công ty TNHH Praise Trend nhận chuyển nhượng 75% vốn góp từ ông Nguyễn Tài, từ đó được chia lợi nhuận các năm 2015, 2016 tổng cộng hơn 337,6 tỉ đồng và Công ty đã chuyển số lợi nhuận được chia này ra nước ngoài có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, mục đích cuối cùng là chuyển tiền bất hợp pháp từ Công ty Nhôm Toàn Cầu ra nước ngoài.

Chính vì vậy, KTNN đã nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03) - Bộ Công an điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi có dấu hiệu trốn thuế Thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế Thu nhập doanh nghiệp và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

https://laodong.vn/kinh-te/kho-nhom-khung-5-ti-do-o-vung-tau-tu-nghi-doi-lot-den-dau-hieu-chuyen-gia-tron-thue-821871.ldo
 

Theo Phạm Dung - Thanh Uyên (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.