Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, Phan Ngọc Diễm vừa ra đi ở tuổi 35 trong vòng tay của chồng. Nguyễn Minh Trí tâm sự: Tiếc nuối lớn nhất của anh là chưa kịp đưa vợ đến Đắk Lắk làm thiện nguyện. Cả hai vợ chồng dù sống trong hoàn cảnh khó khăn vẫn thường xuyên nhường cơm sẻ áo cho những phận đời khó khăn hơn.
Thiên thần trên xe lăn
Có người gọi Phan Ngọc Diễm là “thiên thần hóa thân trên chiếc xe lăn” bởi với họ thiên thần xuất hiện trong Tâm, được biểu hiện ở sự từ bi, yêu thương và muốn giúp đỡ người khác, mà Phan Ngọc Diễm hội tụ đầy đủ những phẩm chất này. Khó tin được một người phụ nữ ngồi xe lăn ngày ngày bán vé số dạo ở Long Thành (Đồng Nai) thường xuyên lên Facebook nhờ “giải cứu” vé số, lại chắt chiu từng đồng bạc để tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ trẻ em nghèo dân tộc thiểu số, những người bị bệnh phong, bệnh lao…
Tinh thần làm thiện nguyện của chị được bồi đắp nhờ chồng, anh Nguyễn Minh Trí. Trí đã nhiều năm tham gia hoạt động thiện nguyện thầm lặng cùng với những hội, nhóm tự phát. Vì thường xuyên hoạt động thiện nguyện nên Trí có quan hệ với nhóm những người khuyết tật mà Diễm là một thành viên.
Lần đầu gặp mặt họ đã cảm mến nhau nhưng mối tình của họ không được người thân ủng hộ. Mẹ Trí từng doạ sẽ từ mặt con trai, nếu anh kiên quyết lấy người phụ nữ ngồi xe lăn. Nhưng sức mạnh tình yêu giúp Trí và Diễm vượt qua mọi rào cản. Vốn là một thợ cơ khí lành nghề có thu nhập cao ở quê, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An; nhưng đi theo tiếng gọi tình yêu Trí bỏ việc vào TPHCM làm phu hồ, cuối tuần lại trở về Đức Hoà, Long An thăm bạn gái ngồi xe lăn.
Thương tấm chân tình của chàng trai trẻ, mẹ Diễm “bật đèn xanh” cho Trí về Đức Hoà, Long An “cắm rể”, anh tiếp tục mưu sinh bằng nghề phu hồ. Sau một thời gian, Trí và Diễm tạm biệt quê nhà, dắt díu nhau về Long Thành, Đồng Nai lập nghiệp: Vợ bán vé số, chồng làm cho một công ty tư nhân chuyên bán đồ nội thất. Anh không trở lại làm thợ cơ khí vì công việc gò bó, không thể trợ giúp vợ khi cần.
Hơn 6 năm bên nhau, tuy cuộc sống vật chất thiếu thốn nhưng trong phòng trọ nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Thế mà định mệnh buộc họ phải buông tay nhau. Nguyễn Minh Trí chia sẻ: “Vợ tôi bị viêm phổi cấp, ra đi sau 4 ngày nằm viện”. Trong thời gian Diễm nhập viện, Trí túc trực 24/24 giờ, không rời vợ nửa bước.
Khi bác sĩ gặp riêng Trí để nói về tình trạng của Diễm, Trí hiểu thời gian của Diễm chỉ tính bằng giờ, bằng phút. Anh xin bác sĩ cho mình được ở bên vợ. Khi tinh thần còn đủ tỉnh táo, Diễm tha thiết nói với chồng: “Em không biết mình mắc bệnh gì nhưng anh cố gắng cứu em”. Diễm khát khao cuộc sống này, cô chưa muốn ra đi, dù thân thể thường xuyên bị hành hạ bởi những cơn đau cũng những đêm mất ngủ. Trí vay mượn bạn bè cố gắng chạy chữa cho vợ song đành bất lực. Cô trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay chồng.
Mình khổ rồi nhưng còn nhiều người khổ hơn…
Còn nhớ cách đây hơn một năm, Diễm từng bật mí với phóng viên: Cô lớn hơn chồng 3 tuổi. Lúc này, khi Diễm đã rời xa trần thế, Minh Trí mới “khai”: “Tôi nhỏ hơn vợ 5 tuổi. Diễm sinh năm 1989, tôi sinh năm 1994”. Vợ ngại không muốn khai thật độ chênh tuổi tác giữa hai người. Còn Trí cảm thấy tuổi tác chỉ là con số, ngoại hình cũng chỉ là vỏ ngoài, không quan trọng. Cách suy nghĩ của người đàn ông vừa bước sang tuổi 30 có thể khiến nhiều thiếu gia phải trầm tư: “Đẹp cũng có ăn được đâu? Cuối cùng cũng về với cát bụi. Chỉ có tấm lòng mới đáng quý”. Cho nên, Trí yêu vợ. Cô ấy không có một thân thể lành lặn như ai nhưng lại có tâm hồn, trái tim của một thiên thần. Ước nguyện cả đời của Diễm cũng là ước nguyện cả đời của Trí: “Chúng tôi muốn đi khắp muôn nơi cứu giúp những mảnh đời bất hạnh”. Trí từng trải qua tuổi thơ vất vả. Từ thời niên thiếu anh đã phải lao vào cuộc mưu sinh bằng việc bán vé số nên thấu hiểu nỗi đời cơ cực và yêu thương phận nghèo.
Minh Trí và Ngọc Diễm nhiệt tình tham gia nhiều hội nhóm thiện nguyện. Họ là thành viên của nhóm thiện nguyện “Cười lên”. Trí còn là trưởng nhóm thiện nguyện “Tình cờ” với hơn mười thành viên đến từ nhiều vùng quê khác nhau. Họ tình cờ gặp nhau và làm thành nhóm thiện nguyện. Minh Trí nói: “Đây là con đường tôi và Diễm chọn, kể cả sống ở gầm cầu chúng tôi vẫn làm thiện nguyện”.
Phóng viên hỏi: “Tại sao hai vợ chồng không nghĩ đến việc tích cóp tiền bạc lo cho cuộc sống của chính mình?”. Câu nói của Minh Trí khiến những người đang mệt nhoài với công cuộc làm giàu phải nghĩ: “Tích luỹ bao nhiêu thì cuối cùng cũng nằm xuống trong vài mét đất thôi, nào có mang theo được gì? Ganh đua với đời làm chi?”. Trí từng vượt qua bạo bệnh thời thơ ấu nhờ một thầy thuốc Đông y không có quan hệ đặc biệt với gia đình anh. Sau này, anh nhận thầy thuốc làm cha nuôi. Anh hỏi cha nuôi: Tại sao ba bốc thuốc cho con mà không lấy tiền? Cha nuôi chỉ đáp ngắn gọn: Cho đi là còn mãi. Câu nói ấy đã thành lẽ sống của Trí và vợ.
Thu nhập của Trí tầm chục triệu đồng, vợ bán vé số thu nhập còn bấp bênh hơn nhiều. Họ phải sống hết sức tiết kiệm mới có thể dành ra một khoản cho hoạt động thiện nguyện.
Trí kể: “Nhiều khi hai đứa phải ăn mì gói cả tuần vì hết tiền. Diễm không phàn nàn mà cười vui vẻ. Diễm hay đau yếu, cũng có lúc cả hai không còn đồng nào, phải vay mượn bạn bè để thuốc thang cho Diễm. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ cãi nhau vì chuyện tiền bạc”. Hơn 6 năm sống với nhau, hai vợ chồng chưa từng to tiếng, chỉ đôi lúc Diễm hờn dỗi, trách chồng sao đã hứa đưa vợ đi nơi này, nơi kia mà chưa thực hiện?
Trí cũng từng nhìn thấy nước mắt của vợ nhưng cô ấy khóc không phải vì bất mãn ở chồng mà vì xót chồng, thương chồng vất vả: “Mọi việc trong nhà từ cơm nước, giặt giũ, đến giúp vợ tắm gội, vệ sinh cá nhân đều do tôi phụ trách. Có hôm tôi đi làm tận 9 giờ tối mới về đến nhà, phục vụ vợ xong xuôi lại phải ra ngoài đến nửa đêm mới về. Tôi tham gia một nhóm trợ giúp người gặp tai nạn giao thông. Đây cũng là một nhóm tự phát. Chúng tôi tự nguyện hỗ trợ bằng sức lực và tiền túi. Thấy chồng cực quá vợ khóc nhưng vẫn động viên chồng tham gia những hoạt động có ích cho cuộc đời”.
Kỷ niệm đẹp nhất của hai vợ chồng chính là chuyến đi thiện nguyện ở An Giang. Trí nhớ lại: “Chuyến đi ấy gian truân, trời mưa gió. Đó là khoảng tháng 8 năm 2023. Chúng tôi thuê một chiếc xe chở bàn ghế tặng học sinh. Diễm ngồi trên thùng xe. Từ đầu đến cuối hành trình cô ấy rất vui. Thời tiết khắc nghiệt nhưng về nhà Diễm không đổ bệnh. Tôi chỉ tiếc chưa đưa được Diễm đi Đắk Lắk cùng nhóm thiện nguyện để gặp gỡ các bạn nhỏ khó khăn ở vùng sâu, vùng xa”.
Chỉ những người thân với hai vợ chồng mới biết, Diễm từng khao khát có một đứa con, dù bác sĩ đã cảnh báo sức khoẻ cô không cho phép nhưng cô đã từng liều và thất bại. Không thể có con nên Trí và Diễm dồn tình yêu cho những đứa trẻ đang chịu thiệt thòi trong cuộc sống này. Giờ đây, Diễm đã đi xa, chiếc xe ba bánh do Trí tự chế vẫn nằm đó.
Trông cảnh lại nhớ người. Trên chiếc xe này Trí đã chở Diễm qua bao nhiêu con đường thiện nguyện: “Chi phí đi lại cho mỗi chuyến từ thiện khá tốn kém. Cho nên tôi nghĩ ra làm chiếc xe ba bánh để hai đứa đi lại tiết kiệm chi phí, số tiền dư có thể trợ giúp được thêm cho những hoàn cảnh khác. Chúng tôi đã khổ rồi nhưng nhiều người còn khổ hơn. Càng đi nhiều nơi càng thấy nhiều cuộc đời cần được chở che và san sẻ”.
Bên tai Trí luôn văng vẳng câu nói của vợ: “Cho dù anh ở đâu, em cũng luôn ở bên anh. Cho dù anh có làm việc gì, em cũng luôn ở bên anh”. Trước đây, không ít người cười chê vợ chồng Minh Trí, họ bảo vợ chồng anh không bình thường: “Khùng hay sao mà không biết xài tiền lại đem cho?”. Vợ chồng anh chỉ cười. Diễm yêu âm nhạc, cô thuộc câu hát của Trịnh Công Sơn: “Tự mình biết riêng mình/Và ta biết riêng ta”.
Một đám tang đặc biệt
Sự ra đi của “thiên thần ngồi xe lăn” để lại nỗi xót thương cho bao người. Tang lễ được tổ chức tại quê nhà của Phan Ngọc Diễm. Nhóm khuyết tật của người Việt ở Mỹ “Ngọc trong tim” do nghệ sĩ Thành Lễ sáng lập và điều hành, danh ca Như Quỳnh là một trong những người đồng hành cùng nhóm, đã gửi lời chia buồn và gửi một khoản tiền giúp đỡ gia đình Ngọc Diễm, dù phía gia đình Diễm từ chối nhận tiền phúng viếng.
Nhiều người có mặt trong tang lễ của Phan Ngọc Diễm đã không kìm được nước mắt khi những người bạn khuyết tật tới tiễn đưa “thiên thần ngồi xe lăn”. Một người đàn ông không thể bước đi bình thường, khó nhọc lê gối tới bên di ảnh của Diễm nghẹn ngào khóc nấc.
Bố mẹ Minh Trí đã chấp nhận con dâu Phan Ngọc Diễm vài năm nay. Hai ông bà đã về tận quê nhà của Diễm tiễn đưa con dâu tới nơi an nghỉ cuối cùng. Ra đi ở tuổi 35, tuy cuộc đời của Diễm ngắn ngủi nhưng ngọt ngào, ý nghĩa. Cô đã yêu và được yêu, sống một cuộc đời đáng sống, không toan tính thiệt hơn.
Người đàn ông mà cô trao gửi trái tim nói rằng: “Dẫu có tài sản trăm tỷ, ngàn tỷ thì cũng không bằng có được tình yêu thương. Vì thế, Diễm là người giàu có và hạnh phúc”. Suốt hành trình 6 năm chăm vợ như chăm một em bé, Trí chưa bao giờ thấy phiền. Anh không hề hối hận vì đã yêu và lấy Diễm, bởi dễ gì tìm được người chung chí hướng làm thiện nguyện, không ganh đua giàu nghèo?
Giữa cuộc sống xô bồ này, những người có hoàn cảnh đặc biệt tìm đến được với nhau còn khó hơn “đãi cát tìm vàng”. Một nhà thơ nước ngoài từng viết: “… Người đãi cát không bao giờ sốt ruột/ Thời gian không nghiền nát mất niềm tin/ Anh không tìm vàng nhưng lại tìm em/ Vất vả gấp trăm lần đãi cát/ Cát ở bến sông lấy bao nhiêu chẳng được/ Người của thế gian đâu phải của riêng mình…”.
Theo Nông Hồng Diệu (TPO)