Hành trình giúp đời của người thợ chế xe lăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáu năm trước, từ một người chuyên chế xe cho người khuyết tật, ông Đoàn Quý (ngụ xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) đã quyết định gắn bó với công việc thiện nguyện giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh, gặp khó khăn trong cuộc sống.

Ông Đoàn Quý tâm sự, công việc của ông gắn bó với người khuyết tật và người nghèo. Từ những chiếc xe ông làm cho người khuyết tật ông không lấy giá cao, mà chỉ tính ngày công lao động. Ông càng thương người nghèo khó khi thấy có những trường hợp không có tiền mua nổi cái xe ba bánh để đi bán vé số…

Khi ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Quý nhắc lại trường hợp của ông Cừu (70 tuổi ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát). Con trai của ông Cừu là sinh viên ĐH Quy Nhơn, ra trường, đi làm được 3 tháng. Một ngày, trên đường về quê thăm nhà, người con của ông Cừu bị tai nạn rất nặng, phải phẫu thuật toàn thân và nằm một chỗ hơn 2 năm. Khi sức khỏe của con mình ổn định hơn, ông Cừu muốn “độ” một chiếc xe có cái thùng một bên để chở con đi tập vật lý trị liệu nhưng không đủ tiền. Thế là ông Quý đã kết nối họ với những “Mạnh Thường Quân” để cho tiền làm xe và ông cũng không lấy tiền công... “Từ những trường hợp như thế, thấy họ vui mừng và hạnh phúc, tôi thấy mình có năng lượng tích cực nên quyết định gắn bó với công việc thiện nguyện từ đó”, ông Quý kể.

Ông Quý (người thứ hai từ trái sang) bên cạnh chiếc xe do ông độ chế cùng nhà hảo tâm hỗ trợ tiền làm xe giúp đỡ gia đình ông Cừu (ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC

Ông Quý (người thứ hai từ trái sang) bên cạnh chiếc xe do ông độ chế cùng nhà hảo tâm hỗ trợ tiền làm xe giúp đỡ gia đình ông Cừu (ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC

Trong 6 năm qua, ông Quý đã hỗ trợ khoảng 70 hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Nhiều trường hợp rất đau thương, có những người bị tai nạn nặng bất ngờ, và cuộc sống gia đình trở nên túng quẫn. Hay những người đau yếu bệnh tật, bệnh nan y mà lại quá nghèo không có khả năng chạy chữa. Còn có những trường hợp đau lòng hơn, khi người mẹ, người cha ấy phải dành cả cuộc đời để chăm sóc đứa con tật nguyền từ lúc lọt lòng…

Mọi việc ông làm rõ ràng, công khai và minh bạch. Video của ông chia sẻ thời điểm bắt đầu kêu gọi và khi đi trao tiền. Trong video có hiển thị đầy đủ thông tin những người quyên góp giúp đỡ cùng số tiền họ đã chuyển hỗ trợ. Thường sau 3 ngày kêu gọi dù được ít hay nhiều, ông cũng thu gom tiền và đi trao tận tay cho người cần giúp đỡ. Trong khoảng thời gian kêu gọi ngắn ngủi ấy, số tiền nhận được tuy không nhiều, cao nhất là trên 50 triệu, nhưng cũng góp phần nào hỗ trợ khó khăn và làm ấm lòng những mảnh đời bất hạnh.

Chị Võ Thị Hường (SN 1996, ở khu vực 7, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) – người vừa nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của ông Quý trong tháng 7 năm nay, xúc động tâm sự: “Tôi là mẹ đơn thân của 2 bé Tuấn Anh 6 tuổi và Tuấn Kiệt 8 tuổi, trong đó cháu Tuấn Anh phát hiện ung thư hạch cách đây đã 8 tháng và chi phí điều trị rất cao nhưng gia đình tôi lại rất khó khăn. Công việc của tôi không ổn định, lương tháng chỉ 3-4 triệu, ông bà ngoại cũng đã lớn tuổi không giúp được nhiều. Vừa rồi được anh Quý kêu gọi giúp đỡ, các “Mạnh Thường Quân” đã hỗ trợ được 15,6 triệu đồng, giúp tôi trang trải phần nào khó khăn trong cuộc sống. Tôi biết ơn anh Quý rất nhiều”.

Chia sẻ thêm về công việc này, ông Quý cho biết, trong công việc thiện nguyện, ông không gặp khó khăn gì. “Chỉ sợ kêu gọi có ít tiền thì buồn thôi. Cái đó cũng tuỳ duyên của mỗi người nữa. Mọi người trong gia đình rất ủng hộ việc tôi làm”, ông bộc bạch. Có một thời điểm ba của ông Quý bị bệnh rất nặng, gần như nằm liệt giường. Thời điểm đó vợ chồng ông thay nhau chăm sóc cho người cha già. Mặc dù nhận được rất nhiều cuộc gọi điện nhờ “độ xe” giúp đỡ, nhưng ông không thể bỏ ba mình để đi ra ngoài được.

“Không làm việc thiện nguyện được, khi đó, tôi cảm thấy rất buồn và cầu mong có thể tìm được thuốc thang giúp ông mau chóng khỏi bệnh. Thật lạ, có thể tạm gọi là luật nhân quả, có thể do tôi làm điều lành nên được… trời thương khi cuối cùng, tôi cũng tìm được đúng thuốc và ba của tôi đã khỏi bệnh, đi đứng trở lại bình thường”, ông Quý kể thêm.

Từ ngày đó đến bây giờ, ông Quý lại tiếp tục công việc thường ngày - mua xe cũ về sửa chữa rồi bán lại. Điều đáng quý là nhiều năm qua, hễ bán được “con xe” nào, ông cũng trích 3% để hỗ trợ người cần giúp đỡ.

Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, việc làm thiện nguyện của ông Đoàn Quý ở địa phương này ai cũng biết. “Chúng tôi luôn trân trọng và đánh giá cao những việc mà anh Đoàn Quý đã làm cho cộng đồng địa phương. Không những từ công việc ý nghĩa là độ chế xe cho người khuyết tật, anh còn kêu gọi giúp đỡ cho các mảnh đời bất hạnh. Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, anh Quý cũng có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ bà con. Mới đây nhất, anh còn kêu gọi giúp bắt điện thắp sáng và lắp đặt camera an ninh tại một con hẻm trong xóm nhỏ ở Phước Hòa. Anh là một điển hình về người tốt, việc tốt đáng biểu dương”, ông Vương thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null