Ngày 29.9, tại Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan (ở P.Nhơn Hưng, TX.An Nhơn, Bình Định), Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bình Định phối hợp cùng UBND TX.An Nhơn, Hội VHNT TX.An Nhơn và gia đình tổ chức khánh thành tượng thi sĩ Yến Lan (1916 - 1998) và chương trình thơ - nhạc Nhà thơ Yến Lan với quê hương. Đây là hoạt động góp phần tưởng nhớ thi sĩ Yến Lan nhân dịp 25 năm ngày ông mất.
Tượng thi sĩ Yến Lan cao 60 cm, được đặt trên khối đá cao 105 cm (rộng 50 cm) và phần đế (gồm 2 bậc cấp) cao 40 cm. Tượng được đặt tại khuôn viên Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan.
Tượng thi sĩ Yến Lan. Ảnh: LÂM TRƯỜNG ĐỊNH |
Theo ông Mai Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND TX.An Nhơn, cách đây đúng 25 năm, ngày 15.8 âm lịch năm 1998, thi sĩ Yến Lan đã giã biệt chúng ta để về với cõi vĩnh hằng. Nhân dịp tưởng niệm 25 năm ngày mất thi sĩ Yến Lan, UBND TX.An Nhơn tặng cho Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan bức tượng chân dung của ông.
Tác phẩm này được hoàn thành nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm trên địa bàn TX.An Nhơn, kết tinh từ tài hoa và tấm lòng yêu mến cố thi sĩ Yến Lan của nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa (ở Bình Định).
"Với tặng phẩm này, UBND TX.An Nhơn mong muốn Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan có thêm hiện vật lưu niệm. Trong thời gian tới, mong nhà lưu niệm không chỉ bảo quản tốt các hình ảnh, hiện vật và tác phẩm của thi sĩ Yến Lan mà tiếp tục sưu tầm, bổ sung thêm nhiều di vật, hiện vật để trở thành điểm đến ý nghĩa của các văn nghệ sĩ, người yêu thơ trong cả nước đến dâng hương, tìm hiểu về cuộc đời và những tác phẩm của nhà thơ Yến Lan", ông Mai Xuân Tiến nói.
Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa cho biết đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về văn chương, sự nghiệp, hồn cốt, nhân cách thi sĩ Yến Lan trước khi thực hiện bức tượng. Cuộc đời và văn nghiệp của thi sĩ Yến Lan không suôn sẻ vì thế nét buồn in hằn lên khuôn mặt, lên ánh mắt của ông. Dù vậy, những vần thơ của ông lại rất đẹp, rất mạnh mẽ, tươi sáng chứ không hề khổ đau, ủy mị.
Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa và tượng thi sĩ Yến Lan. Ảnh: LÂM TRƯỜNG ĐỊNH |
"Những hình ảnh tuổi già về sau này trông ông khắc khổ và khá yếu nên tôi đã không chọn. Bức tượng này tôi tham khảo từ tấm ảnh lúc ông vừa qua tuổi 60, đang giữ chức Chủ tịch danh dự Hội VHNT tỉnh Bình Định, khoảng năm 90 của thế kỷ trước. Chân dung này được cắt ra từ tấm hình chụp chung với nhiều người nên phóng lên rất mờ, dù vậy cũng đủ để tôi nhận ra nguồn năng lượng còn tràn trề của ông, đặc biệt là những bài thơ của ông thời kỳ này rất thăng hoa", nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa cho biết.
Trong chương trình thơ - nhạc Nhà thơ Yến Lan với quê hương, các văn nghệ sĩ đã nghe diễn ngâm nhiều bài thơ tiêu biểu của thi sĩ Yến Lan như: Bến My Lăng, Cánh màn trong nắng, Bình Định 1935…
Ông Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Định, cho biết nhà thơ Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh tại TX.An Nhơn, Bình Định. Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành nhóm bạn thơ "Bàn Thành Tứ Hữu" nổi tiếng.
Cách mạng tháng Tám thành công, nhà thơ Yến Lan tham gia cách mạng, công tác văn hóa văn nghệ tại Bình Định, sau đó tập kết ra Bắc rồi công tác ở Nhà xuất bản Văn học. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về lại quê nhà Bình Định, tiếp tục sáng tác và tham gia công tác văn hóa văn nghệ tại địa phương với chức danh Chủ tịch danh dự Hội VHNT tỉnh Bình Định.
Ngoài mảng thơ viết trước 1945 sớm làm nên tên tuổi trên văn đàn và các tập thơ được Giải thưởng Nhà nước về VHNT như: Những ngọn đèn (1957), Tôi đến tôi yêu (1965), Lẵng hoa hồng (1968) viết trong những năm tháng ở miền Bắc, Yến Lan để lại một khối lượng lớn với hơn 500 bài thơ tứ tuyệt được viết trong những năm cuối đời trên quê hương An Nhơn.