Khám phá thảo dược Việt: 'Vua' thảo quả Tây Côn Lĩnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tây Côn Lĩnh được ví là “vương quốc” thảo quả và ở đây, ông Đặng Văn Minh được mệnh danh là “vua” của loại thảo dược này.
Thảo quả là vị thuốc và một loại gia vị dùng chế biến nhiều món ăn. Trên hành trình từ Tây Bắc sang Đông Bắc, tôi rất hào hứng khi được một “thổ địa” rủ lên Hà Giang khám phá một trong những vườn thảo quả được coi là lớn nhất vùng núi Tây Côn Lĩnh.
Vườn thảo quả dưới tán lá rừng
Từ TT.Vị Xuyên, chúng tôi phải dùng xe máy vượt đoạn đường khoảng 20 km toàn đèo dốc quanh co khó đi, thậm chí có lúc thót tim, để đến thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ (H.Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) để gặp “vua” thảo quả Tây Côn Lĩnh.
Chiếc xe máy “gầm gừ” vì gài hầu như toàn số 1, số 2 và trong hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi phải nếm mùi “cảm giác mạnh” trên quãng đường nhiều thách thức cho tay lái. Bù lại, khung cảnh núi non hữu tình khiến người lần đầu đến Tây Côn Lĩnh như tôi rất háo hức, bồi hồi. Tới thôn Lùng Tao, cũng mất gần nửa tiếng mới đến được vườn thảo quả của ông Đặng Văn Minh.
 
Ông Minh thu hoạch thảo quả trong khu vườn của mình. Ảnh: Quang Viên
Ông Minh thu hoạch thảo quả trong khu vườn của mình. Ảnh: Quang Viên
Dưới tán lá rừng, một vườn thảo quả bạt ngàn đang vào mùa thu hoạch. Trước đây, tôi chỉ biết đến thảo quả khô nhăn nheo, màu đen, nay gặp những chùm thảo quả chín đỏ rực, căng tròn lúc lỉu dưới gốc, thật quá ấn tượng. Nhưng với ông Minh, vụ mùa năm nay hơi thất bát vì sản lượng không bằng một số năm trước, giá cũng còn thấp. Khi được hỏi về biệt danh “vua thảo quả”, bằng giọng lơ lớ, người đàn ông dân tộc Dao này chân chất nói: “Trước đây tôi tiên phong trồng thảo quả với diện tích lớn nhất vùng, có năm thu tiền tỉ nên một số người gọi thế. Nhưng bây giờ, cũng có nhiều người trồng thảo quả rồi”.
Theo ông Minh, người dân ở đây từ bao đời sống bám vào rừng. Tài nguyên rừng có hạn và chủ trương đúng đắn của Nhà nước là hạn chế khai thác tài nguyên rừng, nên nếu không tìm phương kế làm ăn thì sẽ mãi đói nghèo. Ông Minh thuộc diện người nông dân có học ở vùng này, nhưng cũng chỉ học đến lớp 6. “Tôi từng đi bộ một ngày trời xuống phố để học chữ mong thay đổi cuộc đời. Nhưng điều kiện khó khăn đành quay trở lại Tây Côn Lĩnh heo hút này”, ông Minh bộc bạch.
Ông hiểu rõ hệ thực vật tự nhiên phát triển như thế nào ở dãy Tây Côn Lĩnh, trong đó có loài thảo quả nức tiếng về hương vị của xứ này. Nhưng thảo quả rừng ngày càng cạn kiệt bởi tình trạng khai thác thái quá. Vì vậy, ông quyết tâm trồng cho bằng được thảo quả.
Bắt đầu cho dự tính trồng thảo quả trong rừng, ông Minh hằng ngày lặn lội vào các khu rừng già tìm đất đủ điều kiện cho cây thảo quả phát triển. “Thảo quả dễ dàng sinh trưởng, cho năng suất cao, chất lượng tốt dưới tán lá rừng, ở độ cao từ 1.300 m trở lên và có khí hậu ẩm mát quanh năm”, ông Minh chia sẻ.
 
“Vua” thảo quả Đặng Văn Minh. Ảnh: NVCC
“Vua” thảo quả Đặng Văn Minh. Ảnh: NVCC
Khởi sự, ông gieo gần 5 ha thảo quả. Lúc đó, nhiều người dân địa phương không tin ông sẽ thành công. Thậm chí, họ còn bảo ông… khùng, vì cho rằng nếu trồng thành công thì sản lượng thảo quả lớn biết bán cho ai. Nhưng ông Minh đã có tính toán rất căn cơ. Ông lên huyện nhờ chính quyền hỗ trợ và đến các xí nghiệp thu mua, chế biến thảo dược vận động họ mua thảo quả khi đến vụ thu hoạch.
Ba năm sau, kể từ khi xuống giống, những lứa thảo quả đầu tiên đến mùa thu hoạch chín rực khu vườn của ông Minh. Năm sau, thảo quả cho năng suất cao hơn năm trước. Lúc này, nhiều chuyến xe nườm nượp đến thu mua, người dân địa phương trố mắt nhìn rồi thốt lên: “Ông Minh tài thật!”.
Nhưng không phải lúc nào vườn thảo quả cũng đem lại niềm vui cho ông Minh. Năm 2017, cả khu vườn rộng lớn cũng như nhiều vườn thảo quả của người dân nơi đây hứng chịu tổn thất nặng nề. Năm đó, trời rét chưa từng có. Vườn thảo quả ngã rạp, trắng phau, ông Minh buồn héo ruột. May thay, cây thảo quả có sức sống mạnh lạ lùng. Sau 2 năm, chúng hồi sinh, ra hoa kết trái trở lại.
Giúp cộng đồng thoát nghèo
Đi theo những đoạn đường đèo dốc ngang qua dãy núi Tây Côn Lĩnh, chúng tôi gặp nhiều vườn thảo quả cũng đang mùa thu hoạch. Anh Đặng Văn Chung, một người nông dân trồng và thu mua thảo quả ở xã Cao Bồ, cho biết: Thảo quả vùng này được trồng dưới tán rừng, có tầng thảm mục đạt độ dày từ 20 - 40 cm, càng lên cao độ dày tầng thảm mục càng lớn.
Tầng thảm mục là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng của thảo quả. Thảo quả Vị Xuyên có trái to, đỏ mọng, lớp vỏ và cùi dày, không có hạt lép, mùi thơm tự nhiên, vị cay ngọt, dễ chịu. Hàm lượng protein thô, tinh dầu, a xít… của thảo quả Vị Xuyên cao hơn thảo quả ở một số khu vực khác.
“Trước đây, người dân chưa ai trồng thảo quả ở những khu vực này. Họ chỉ khai thác ở rừng thôi. Từ khi thấy ông Minh trồng thảo quả thành công, đem lại lợi nhuận cao thì họ bắt đầu trồng. Tôi cũng có vườn thảo quả, nhưng mua thêm thảo quả của vườn ông Minh về bán”, anh Chung cho hay.
Ông Đặng Văn Minh đã đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 5 năm liền; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Nông dân xuất sắc và Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương.
Có thể nói, để xã Cao Bồ trở thành địa danh nổi tiếng về thảo quả, công sức của ông Đặng Văn Minh rất lớn. Hơn 20 năm trước, người đàn ông dân tộc Dao này đã đến từng bản làng vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng thảo quả. Đến nay, cả 7 thôn trong xã Cao Bồ đã trồng thảo quả với diện tích lên đến gần 1.000 ha. “Loại cây này không quá khó trồng, chủ yếu là phải biết chọn giống và khí hậu mát mẻ. Trồng dưới tán rừng Tây Côn Lĩnh là thích hợp nhất”, ông Minh trải lòng.
Không chỉ hỗ trợ về kinh nghiệm trồng thảo quả, ông Minh còn dành lợi nhuận cho hàng chục hộ vay tiền lãi suất 0 đồng với số tiền mỗi hộ từ 10 - 40 triệu đồng để họ trồng thảo quả. Ông Minh tâm tình: “Dân quê mình từ trước đến giờ khổ lắm. Giúp họ chút vốn làm ăn để họ thoát nghèo là mình vui rồi”. Riêng với vườn thảo quả của mình, ông Minh đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người ở địa phương, kể cả những người ở các huyện khác.
 
Một vị khách thích thú khi đến thăm vườn thảo quả của ông Minh. Ảnh: Quang Viên
Một vị khách thích thú khi đến thăm vườn thảo quả của ông Minh. Ảnh: Quang Viên
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở xã Cao Bồ nói riêng, H.Vị Xuyên nói chung, người dân đã đưa cả việc trồng thảo quả vào hương ước. Các hộ dân kiểm tra, giám sát lẫn nhau trong việc giữ rừng và bảo vệ, khai thác thảo quả. Thảo quả được thu hoạch đúng thời vụ, đảm bảo chín già, cho chất lượng tốt nhất. Tiến bộ hơn, họ trồng thảo quả theo hướng hữu cơ, để cây phát triển tự nhiên dưới tán lá rừng. “Thảo quả Vị Xuyên vì thế tốt lắm. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học - Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thảo quả Vị Xuyên, Hà Giang”, ông Minh hào hứng cho biết.
(còn tiếp)
Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.