Khám phá thảo dược Việt: Lộc rừng rưng rưng nước mắt  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thảo dược quý trong tự nhiên được gọi là “vàng xanh”, “lộc rừng”. Nhưng giờ tìm lộc rừng không dễ vì nạn khai thác hủy diệt.

Tây Bắc được xem là một trong những vùng thảo dược trọng điểm của cả nước. Theo thống kê sơ bộ, vùng này có hàng ngàn loài thảo dược, trong đó có nhiều loại quý hiếm. Cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Bắc lưu giữ nhiều bài thuốc cổ truyền được làm từ thảo dược có giá trị cao trong điều trị bệnh. Người dân tại đây cũng từng “hái ra tiền” nhờ lộc rừng này. Nhưng lộc rừng ngày càng khan hiếm.

 

 Chợ Bắc Hà bán tràn lan thảo dược, trong đó có cả thảo dược quý khai thác tự nhiên. Ảnh: Quang Viên
Chợ Bắc Hà bán tràn lan thảo dược, trong đó có cả thảo dược quý khai thác tự nhiên. Ảnh: Quang Viên


Cạn kiệt cây thuốc quý ở rừng

Đưa chúng tôi đi tham quan chợ thảo dược tại H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, “thổ địa” Giàng Seo Nhà chỉ vào những gian hàng bày bán la liệt các loại thảo dược cho biết đa số hàng này nhập từ Trung Quốc, còn lại là một số thảo dược trồng trong vùng. “Thuốc quý ở rừng khai thác cạn kiệt rồi!”, anh Nhà than vãn.

Những người bán thảo dược ở chợ Bắc Hà hầu hết giấu lai lịch thảo dược Trung Quốc, nhưng họ cũng thẳng thắn nói thảo dược tự nhiên không có nhiều. Các sản phẩm họ bán là thảo dược trồng. Dạo khắp chợ Bắc Hà, có thể dễ dàng nhận thấy hàng tấn thảo dược. Tuy nhiên, để tiếp cận được các cây thuốc tự nhiên, đặc biệt là các loại quý hiếm như tam thất, thất diệp nhất chi hoa, khôi đỏ… thì tìm đỏ con mắt. Bày trên tấm bạt trải dưới đất chừng 4 kg tam thất tự nhiên, chị Vương Thị Thu, người H’Mông, giới thiệu: “Đây là tam thất hoang. Bây giờ có tam thất hoang để bán khó khăn lắm. Chồng mình phải đi rừng cả nửa tháng mới được chừng này”.

Từ Lào Cai chúng tôi đến Lai Châu, vùng đất từng nổi tiếng với sâm Lai Châu, loài thảo dược được ví như “báu vật” của rừng. Sâm Lai Châu được các nhà khoa học đánh giá không kém cạnh gì với sâm Ngọc Linh. Gần đây, Hội chợ Sâm Lai Châu được tổ chức từ ngày 11 - 13.11.2022, phóng viên Báo Thanh Niên cũng được mời tham dự. Tại buổi lễ khai mạc hội chợ, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã nhận định: “Sâm Lai Châu là loài đặc hữu quý hiếm bậc nhất thế giới với nhiều thành phần dược chất saponin vượt trội so với các loài sâm nổi tiếng”. Thế nhưng, vẫn “điệp khúc buồn”, sâm Lai Châu tự nhiên giờ đây gần như không còn.

Tại Lai Châu, chúng tôi gặp anh Sùng Chúng Khoa, dân tộc H’Mông, một trong những người đang nỗ lực để bảo tồn, phát triển báu vật này bằng cách trồng sâm Lai Châu dưới tán lá rừng. Hỏi sâm Lai Châu tự nhiên hiện nay có còn nhiều không, anh Khoa lắc đầu nói: “10 năm về trước, sâm Lai Châu tự nhiên có nhiều. Nhưng khi biết giá trị của nó, người dân săn lùng khai thác dữ quá, giờ cực kỳ khó kiếm sâm Lai Châu hoang dã”.


 

 Tam thất bắc, loại thảo dược quý này giờ tìm trong tự nhiên rất hiếm
Tam thất bắc, loại thảo dược quý này giờ tìm trong tự nhiên rất hiếm


Qua tìm hiểu một số người dân từng là những tay săn sâm Lai Châu hoang dã có “thành tích” vùng này, thì giờ họ cũng đi tìm những loài cây thuốc khác có giá trị thấp hơn để mưu sinh. Họ cho biết hơn 10 năm trước đây, một ngày vác mai vô rừng cũng có thể tìm được ngay sâm Lai Châu. Còn bây giờ đi rừng 1 - 2 tháng trời cũng chưa chắc tìm được một củ sâm Lai Châu.

Tôi hỏi anh Khoa về chuyện thỉnh thoảng có nghe nói người dân vùng này đào được củ sâm Lai Châu hoang dã bán tiền tỉ, anh Khoa chia sẻ: “Chuyện này giống như trúng số độc đắc. Sự thật, có một số người không phải mới đào được sâm Lai Châu trong rừng, mà củ sâm này họ tìm được nhiều năm trước rồi đem vùi trong vườn, bây giờ đào lên hét là mới đào được để ra giá cao”.

Trong chuyến đi Tây Bắc lần này, tôi may mắn được tháp tùng những nhà khoa học và những người tâm huyết với việc bảo tồn, phát triển các loại thảo dược để đến một số nơi tìm hiểu cây thuốc quý. Hầu hết họ đều cho rằng Tây Bắc từng là vùng trù phú về thảo dược tự nhiên, trong đó có nhiều cây thuốc rất quý như sâm Lai Châu, tam thất bắc, lan kim tuyến… nhưng nay thì thật sự khó tìm được chúng trong tự nhiên.

“Tại anh, tại ả, tại cả đôi đường”

Theo nhiều nghiên cứu, thảo dược tự nhiên hầu hết có những dược tính cao hơn các thảo dược trồng. Vì thế, giá trị của cây thuốc tự nhiên cao hơn so với cây thuốc trồng. Đó cũng là lý do mà người dân ở những nơi chủ yếu sống dựa vào rừng ráo riết săn lùng thảo dược hoang dã, nhất là các loại thảo dược quý, để bán.


 

Một nhà nghiên cứu thảo dược (áo trắng) đi điều tra thảo dược trong rừng
Một nhà nghiên cứu thảo dược (áo trắng) đi điều tra thảo dược trong rừng


Là một trong những nhà khoa học luôn trăn trở và tìm cách bảo tồn nguồn gien các loại thảo dược, PGS-TS Phạm Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm tài nguyên dược liệu (Viện Dược liệu), cho biết do khai thác liên tục nhiều năm, không chú ý bảo vệ tái sinh và nhiều nguyên nhân tác động khác đã làm cho nguồn cây thuốc tự nhiên ở Việt Nam suy giảm nghiêm trọng. Hầu hết các cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao nhanh chóng bị khai thác cạn kiệt. Một số loài cây thuốc hiếm gặp, do bị khai thác quá mức đã dẫn tới nguy cơ bị tuyệt chủng.

“Các vùng trồng cây thuốc truyền thống cũng bị thu hẹp đáng kể. Nhiều cây thuốc nam bản địa đang có xu hướng bị lãng quên. Nhiều giống và loài cây thuốc nhập nội đã từng đưa vào sản xuất đại trà ở nước ta đã và đang bị mất giống dần hoặc bị thoái hóa”, PGS-TS Phạm Thanh Huyền trăn trở.

 


Mạng lưới bảo tồn nguồn gien và giống cây thuốc

Trong hơn 30 năm thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gien và giống cây thuốc, Viện Dược liệu được Bộ Y tế giao là đơn vị đầu mối để triển khai chương trình bảo tồn nguồn gien và giống cây thuốc của ngành y tế. Viện Dược liệu đã xây dựng được mạng lưới và bảo tồn hơn 1.500 nguồn gien của gần 900 loài cây thuốc. Viện Dược liệu hiện có 5 vườn bảo tồn cây thuốc ở các vùng sinh thái khác nhau: Vườn cây thuốc Hà Nội đại diện vùng đồng bằng sông Hồng, vườn cây thuốc Tam Đảo đại diện vùng trung du miền núi phía bắc, vườn cây thuốc Sa Pa đại diện vùng núi cao phía bắc, vườn cây thuốc Thanh Hóa đại diện vùng Bắc Trung bộ và vườn cây thuốc Thuận Kiều (TP.HCM) đại diện vùng Đông Nam bộ.

Một câu chuyện nhức nhối đã diễn ra nhiều năm liên quan tới người láng giềng Trung Quốc. Là quốc gia số một thế giới về chữa bệnh bằng các loại thảo dược, người Trung Quốc biết “người Việt đang ngồi trên đống thuốc”, trong đó có những loại thảo dược quý hiếm. Vì thế, họ đã sang Việt Nam lùng mua các loại cây thuốc quý. “Tầm 10 năm về trước, người Trung Quốc ráo riết lùng mua sơn tra, huyết giác, đẳng sâm, cẩu tích, đương quy, tam thất, thất diệp nhất chi hoa… hoang dã. Có những người dân ham tiền nên đã cho họ đào tận gốc, trốc tận rễ các loại thảo dược quý này. Vậy nên một “rừng” thảo dược Tây Bắc giờ tan hoang hết. Mấy năm gần đây họ ít sang mua, cũng bởi vì cây thuốc ngoài tự nhiên còn đâu nữa mà mua”, một lương y giấu tên cho biết.

Lương y này còn cho rằng ngoài các đầu nậu Trung Quốc “kích cung” để người dân đào tận gốc, trốc tận rễ các loại thảo dược bán cho họ, thì một số người làm nghề bốc thuốc cũng “góp phần” hủy diệt nhiều loại thảo dược. “Họ đặt hàng người dân, hoặc tự lặn lội vào rừng sâu núi thẳm tìm cây thuốc về chế biến để phục vụ cho nghề bốc thuốc của mình. Lương y thật sự thì họ khai thác, song cũng biết cách tái sinh cây thuốc quý. Còn những người chỉ biết cái lợi trước mắt cho riêng mình thì họ nhổ cả gốc, cả rễ. Như vậy, cây thuốc tự nhiên nào còn!”, vị lương y này chua chát nêu thực trạng.

(còn tiếp)

Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.