Khám phá thảo dược Việt: Đi tìm 'Tây vương nữ thuốc'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi lên Sa Pa đi tìm nơi người đồng bào Dao đỏ nắm giữ bài thuốc tắm gia truyền.
Thật lạ lùng, giữa mảnh đất thâm sơn cùng cốc này, người dân hầu như ai cũng biết bà Chảo Sử Mẩy, người phụ nữ nắm giữ “linh hồn” của bài thuốc tắm.
Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, từ TX.Sa Pa, chúng tôi vượt đoạn đường chừng 12 km để đến thôn Tả Chải, xã Tả Phìn (TX.Sa Pa, Lào Cai). Dọc đoạn đường nằm vắt qua thôn Tả Chải, lô nhô những mái nhà của người Dao đỏ. Hầu như nhà nào cũng có bán thuốc tắm hoặc phục vụ du khách tắm thuốc tại chỗ. Nhưng hôm nay, đích đến của chúng tôi là nhà bà Chảo Sử Mẩy, người phụ nữ được người dân nơi đây phong là “Tây vương nữ thuốc”.
10 tuổi, lên núi Fansipan đi tìm thuốc tắm
Bà Chảo Sử Mẩy niềm nở đón chúng tôi trong ngôi nhà đơn sơ mà ấm áp. Ngoài 60 tuổi, nhưng trông bà rất tươi tắn và tràn đầy năng lượng. Đặc biệt nước da của bà Mẩy rất đẹp. Chúng tôi hỏi: “Có phải sức khỏe tốt và làn da đẹp của bác là nhờ thuốc tắm không?”. Bà Sử Mẩy cười hiền hậu: “Ừ thật đấy. Tôi và phụ nữ làng này khỏe đẹp là nhờ thuốc tắm”.

Bà Mẩy và anh Lở (bìa trái) trong buổi tiếp xúc với các nhà nghiên cứu thảo dược.
Bà Mẩy và anh Lở (bìa trái) trong buổi tiếp xúc với các nhà nghiên cứu thảo dược.
Bà Mẩy cho hay gia đình bà theo nghề thuốc đã ba đời nay. Cha mẹ bà từng là một trong những người đi tìm các loại thảo dược nổi tiếng trước đây tại Sa Pa.
Lần về ký ức, người phụ nữ Dao đỏ này kể hành trình đi lấy thuốc tắm như câu chuyện cổ tích. Còn nhỏ xíu, cha mẹ đã địu cô bé Mẩy vào rừng, lên núi hái cây thuốc tắm và tìm các loại cây có thể làm thuốc. Các loại cây thuốc tốt chỉ có ở những vách đá cheo leo, thậm chí ở độ cao hơn 3.000 m so với mực nước biển như đỉnh Fansipan. “Thuốc tắm mọc trong rừng sâu, núi cao. Có khi phải đi hàng ngày trời mới tới nơi. Bám theo bố mẹ đi lấy thuốc từ nhỏ thành quen. Lên 10 tuổi tôi có thể leo được lên bất cứ ngọn núi cao nào để hái thuốc”, bà Mẩy tự hào nói.
Bà Chảo Sử Mẩy không quên chuyến đi năm 10 tuổi cùng cha leo lên Fansipan tìm cây thuốc. Ngay bây giờ, những phượt thủ kiên cường, dày dạn kinh nghiệm mới có thể leo bộ lên đỉnh Fansipan. Nhưng lúc đó, cô bé Mẩy đã khăn gói theo bố hành trình gần một ngày trời để lên ngọn núi cao nhất Việt Nam, nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn này.
“Lúc đó mình thích lắm. Vì mình được lên núi cao nhất tìm thuốc mà. Ở trên ấy nhiều cây thuốc tốt. Được cha động viên và hái được nhiều thuốc, mình quên cả vất vả, hiểm nguy”, bà Mẩy vui vẻ nhớ lại. Chuyến đi lên đỉnh Fansipan như một bước ngoặt trong cuộc đời, từ đó cô gái Chảo Sử Mẩy chính thức trở thành người thừa kế dòng họ tiếp tục hành trình đi tìm thảo dược được coi là “bí truyền” của dân tộc mình để làm thuốc. Tính đến nay, bà Chảo Sử Mẩy đã có thâm niên đi tìm thuốc hơn 50 năm. Nhiều vùng rừng núi ở Lào Cai in dấu chân bà Mẩy.
Bài thuốc tắm lừng danh
Theo bà Chảo Sử Mẩy, thuốc tắm của người Dao đỏ có rất nhiều loại với các công dụng khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng. Còn anh Lý Láo Lở, con trai của bà Sử Mẩy, người chủ homestay có phục vụ thuốc tắm rất nổi tiếng tại xã Tả Phìn, cho biết: “Từ khi tôi mới sinh ra, cha mẹ đã cho vào bồn thuốc tắm để tăng cường sức khỏe. Hầu hết những đứa trẻ của người Dao đỏ cũng được cha mẹ chúng làm như thế. Có lẽ nhờ đó mà những đứa trẻ ở đây chống chọi được thời tiết khắc nghiệt, tránh được nhiều bệnh tật”.

Trồng cây thuốc tắm của người Dao đỏ trong HTX của bà Chảo Sử Mẩy.
Trồng cây thuốc tắm của người Dao đỏ trong HTX của bà Chảo Sử Mẩy.
Tôi hỏi về biệt danh “Tây vương nữ thuốc”, bà Chảo Sử Mẩy thật thà nói: “Đồng bào người Dao đỏ nhiều người biết đến bài thuốc quý chứ không phải riêng tôi. Nhưng có người quý mình nên cho cái danh vậy thôi, chứ mình cũng bình thường mà”. Thật sự, công sức đóng góp của bà Sử Mẩy cho nền y học cổ truyền, cho kho thuốc quý của người Dao đỏ không “bình thường” chút nào. Theo một số người dân địa phương, trong số hơn 10 người biết pha chế các bài thuốc bí truyền của người Dao đỏ ở Tả Phìn thì bà Mẩy là người nắm nhiều cây thuốc và bài thuốc độc đáo nhất.
Khi chúng tôi cùng đoàn dược sĩ từ TP.HCM và Hà Nội đến homestay được thành lập bởi cộng đồng các dân tộc bản địa tại Tả Phìn, do anh Lý Láo Lở làm giám đốc, để lưu trú và trải nghiệm dịch vụ tắm thuốc thì được biết: Một số chuyên gia ngành dược đã từng đến gặp bà Chảo Sử Mẩy để tìm hiểu, sau đó phối hợp nghiên cứu đưa ra thị trường các sản phẩm thuốc được chiết xuất từ các cây thuốc quý với chủng loại đa dạng, nhằm phục vụ cộng đồng rộng rãi hơn.
“Không chỉ có thuốc tắm, ở đây có các loại thuốc trị phong thấp, đau nhức xương, chân tay tê mỏi, ra mồ hôi tay, chân; thuốc chữa bệnh ngoài da, giúp cho làn da hồng hào, sáng trắng và mịn màng; thuốc giúp phụ nữ sau sinh phục hồi sức khỏe nhanh, phòng hậu sản. Nhưng chắc chắn đừng quên bài thuốc tắm nổi tiếng của người Dao đỏ”, tại homestay của mình, người con trai của bà Mẩy hào hứng giới thiệu.

Bà Chảo Sử Mẩy đi hái thuốc tắm. Ảnh: NVCC
Bà Chảo Sử Mẩy đi hái thuốc tắm. Ảnh: NVCC
Câu chuyện bảo tồn và phát triển các cây thuốc quý, trong đó có bài thuốc tắm danh tiếng của người Dao đỏ của bà Chảo Sử Mẩy đáng ngưỡng mộ. Nhận thấy nguồn tri thức truyền thống, cùng tài nguyên cây thuốc quý mà dân tộc Dao đỏ đang bị người ngoài chiếm dụng với mục đích thương mại và trục lợi cá nhân, thậm chí bị làm giả, bà Mẩy quyết tâm tạo dựng “thương hiệu” bền vững cho bài thuốc tắm. Bà lặn lội đến từng hộ dân vận động họ chung tay để hình thành một cộng đồng bảo tồn, gìn giữ và tạo sinh kế từ bài thuốc tắm cho cả đồng bào vốn là chủ sở hữu của nguồn tài nguyên đó. “Mình được các nhà khoa học giúp sức, anh con trai Lý Láo Lở chịu trách nhiệm điều hành, được bà con nhiệt tình ủng hộ nên vui lắm”, bà Mẩy bộc bạch.
Mối lo tài nguyên cây thuốc tự nhiên sẽ bị khai thác cạn kiệt cũng được bà Mẩy và người con trai giải quyết một cách bài bản. Các cây thuốc quý giờ đây đã được nhân giống trồng tại vườn. Các cổ đông trực tiếp cung cấp nguyên liệu đầu vào để chế biến thuốc tắm. Mỗi ngày, luân phiên một gia đình đưa thảo dược làm thuốc tắm khai thác từ vườn của họ đem về cho công ty.
“Các cổ đông được quyền làm chủ và bàn bạc trong các hoạt động của công ty, được quyết định giá nguyên liệu đầu vào, được phân chia lợi nhuận theo hướng công bằng thương mại, đảm bảo hài hòa lợi ích của công ty và của cộng đồng”, bà Chảo Sử Mẩy chia sẻ.
(còn tiếp)

Năm 2005, Viện Dược liệu (thuộc Bộ Y tế) xác định được 134 loài cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có nhiều loại thuộc hàng biệt dược do bà Chảo Sử Mẩy tìm trên đỉnh Fansipan. Từ đó, Viện Dược liệu đã quy hoạch và cho bảo tồn 65 loài thuốc quý ở các vườn dược liệu trên toàn quốc.

Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.