(GLO)- Giọng của cô tiếp viên Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam vang lên: “Quý khách chú ý, máy bay đang hạ thấp độ cao chuẩn bị đáp xuống Sân bay Quốc tế Phú Quốc trong ít phút nữa”. Liếc mắt nhìn qua cửa sổ máy bay, Phú Quốc hiện ra với biển xanh, đảo xanh và bầu trời cũng xanh mênh mang.
Đường đến Đảo ngọc
Từ TP. Hồ Chí Minh có 2 cách đến đảo Phú Quốc. Cách thứ nhất hơi tốn kém vì giá vé máy bay nhưng chỉ tốn khoảng 25 phút đã đặt chân lên “hòn đảo ngọc”. Cách thứ hai là “thủy bộ kết hợp”. Có nghĩa là từ TP. Hồ Chí Minh, du khách đi xe gắn máy, xe vận tải hành khách đến Rạch Giá sau đó đi tàu cao tốc đến Phú Quốc.
Ảnh: V.H |
Phú Quốc không chỉ có biển mà còn có rừng, có núi. Trong 99 ngọn núi, đồi ở đây thì núi Chúa cao nhất, tới 603 mét, là nơi mà du khách nào cũng ước ao được một lần đặt chân tới. Rừng vàng, biển bạc không những mang lại cho người dân Phú Quốc cuộc sống ấm no, sung túc mà người dân nơi đây còn được tận hưởng một bầu không khí trong lành, thanh khiết của vùng biển đảo hoang sơ hiếm có. Tôi ở Phú Quốc 4 ngày, bạn tôi đã bỏ ra 2 ngày gác lưới, thả neo dẫn tôi đi thăm những danh lam thắng cảnh nơi đây. Nhiều người nói với tôi rằng hãy ở lại Phú Quốc một tháng mới đi hết các danh lam thắng cảnh và đủ thời gian chiêm nghiệm…
“Thiên đường du lịch”
Nếu đến Phú Quốc mà không ngắm chợ đêm Dương Đông, không ăn đặc sản biển nơi đây thì coi như chưa đến. Chợ đêm Phú Quốc hay còn gọi là chợ đêm Dinh Cậu gồm 2 khu vực khác nhau. Ở cuối chợ là các gian hàng đồ lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm, đồ trang sức và đặc biệt là các loại ngọc trai Phú Quốc. Bên cạnh đó thì cũng không thể thiếu những sản vật đặc trưng của đảo ngọc như nước mắm, hồ tiêu, rượu sim và các loại hải sản khô…
Theo một tiểu thương ở chợ đêm, dịp cuối năm khá đông khách, chủ yếu là du khách nước ngoài. Chính vì thế, bà con ở đây cũng chuẩn bị thêm hàng hóa để đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Ngược lên đầu chợ là khu vực hấp dẫn nhất với rất nhiều gian hàng bày bán các loại hải sản tươi sống vừa đánh bắt được. Đây cũng là điểm nhấn, tạo ấn tượng mạnh bởi các món ăn đều được chế biến hoặc nướng tại chỗ. Món nào cũng thơm ngon, hấp dẫn và giữ được chất tươi ngon. Hải sản ở đây được tính theo khối lượng, nhưng cũng có loại tính theo con. Nếu du khách thích con nào, người bán sẽ bắt con đó và chế biến theo yêu cầu. Đó cũng là một yếu tố hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Trái ngược với không khí khá trầm lắng của ban ngày, chợ đêm Dinh Cậu đã mang đến một sức sống mới khi về đêm.
Ảnh: V.H |
Rời chợ đêm, chúng tôi đến Dinh Cậu, còn gọi là miếu thờ Long Vương. Ngoài ý nghĩa tâm linh, đây còn là một cảnh đẹp kỳ thú được tạo nên bởi những hình thù sinh động hình thành trong quá trình phun trào của núi lửa. Do nằm trên mũi đá nên khu vực Dinh Cậu chỉ trồng được cây dương và cây xộp. Qua 29 bậc đá, đứng ở đây, du khách mặc sức để gió biển tắm táp vào người. Bên này là biển, bên kia là chợ Dương Đông tấp nập... Anh bạn của tôi bảo hãy đến “Bảo tàng Cội Nguồn”. Đây là bảo tàng do tư nhân xây dựng, được ví như một phiên bản Phú Quốc, bao gồm cả chục ngàn hiện vật, mang đậm tính nhân văn qua nhiều thời đại.
Thúy Hạnh-người được coi là khá hiểu biết về Phú Quốc, kể: Phía Bắc là Vườn Quốc gia Phú Quốc. Vườn được thành lập năm 2001 gồm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc đảo, núi Hàm Rồng, Gành Dầu và Cửa Cạn. Vườn rộng 31.422 ha, trong đó có 12.794 ha đất rừng. Đến nay, các nhà khoa học đã ghi nhận được 929 loài thực vật sống trên đảo. Hệ động-thực vật ở đây rất phong phú và đa dạng. Trong các rặng san hô san sát (chiếm tới 41% diện tích đảo), các loài cá mú, cá bướm... sinh sống đông đúc. Các nhà khoa học đã thống kê được 89 loài san hô cứng, 19 loài san hô mềm, 125 loài cá, 132 loài thân mềm, 32 loài da gai và 62 loài rong biển ở Phú Quốc...
Cờ tổ quốc trên biển Tây Nam
Ở Phú Quốc, tôi có khá nhiều người bạn đánh bắt cá trên biển. Chính vì thế khi tôi đề cập đến ý định được đi biển một lần bạn tôi vui vẻ nhận lời. Trần Hữu Anh-chàng trai quê gốc Hà Tĩnh đã có thâm niên hơn 10 năm bám biển Tây Nam lộng gió. Ngoài chiếc ghe để đánh lưới cào, anh có thêm mấy lồng nuôi cá bớp.
3 giờ chiều, anh gọi tôi chuẩn bị ăn cơm và dong thuyền ra khơi. Anh bảo hôm nay cho lên lưới cào, ngày mai sẽ lên thuyền đi đánh bằng lới xăm nghĩa là phải vất vả hơn. Sau bữa cơm chiều, chiếc ghe mang số TS.KG 1082 bắt đầu nổ máy hướng ra biển khơi. Bạn tôi bảo: Đây là loại ghe giã cào. Có 3 người tham gia, trong đó có một tài công và 2 người phụ người đi biển vẫn quen gọi là “bạn chài”.
Ảnh: V.H |
Biển trời Tây Nam về đêm trở nên huyền diệu. Chiếc I Com cứ vang lên giọng của những chủ ghe về phát hiện đàn cá, đây cũng là tín hiệu thông báo của các ngư dân về vùng có nhiều cá, lập tức các ghe khác đều tăng tốc đến tọa độ được thông báo. Cứ như thế những chiếc ghe giã cào cứ tăng tốc buông lưới, sau khi buông lưới cào 3 giờ, các tài công bắt đầu kéo lưới lên bằng hệ thống ròng rọc. Những con cá mú, cá hồng, cá trích và tôm cua, ghẹ được kéo lên đổ đầy sàn. Giữa biển mênh mông, những bóng đèn cao áp soi rõ thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay.
Anh Nguyễn Văn Hải-một chủ ghe cho biết: “Biển Tây Nam sóng tương đối lặng nên việc đánh bắt khá dễ dàng. Tuy nhiên, mỗi chiếc ghe khi ra khơi đều cắm cờ Tổ quốc để nhận diện được ngư dân của mình đồng thời phát hiện và có biện pháp xua đuổi những tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải của ta. Biển của Việt Nam thì ngư dân mình phải biết bảo vệ và gìn giữ…”.
Sáng tinh mơ, những bến cá đã bắt đầu đông người người mua, kẻ bán. Sau khi đã bán hải sản, những chiếc ghe bắt đầu buông neo, tôi lên bờ và phóng tầm mắt ra xa những lá cờ Tổ quốc vẫn đỏ rực cả vùng trời biển Tây Nam.
Vĩnh Hoàng