Khai thác đá - Những hệ lụy môi trường bài 2: Nguy hiểm rình rập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngoài việc gây ra khói bụi và tiếng ồn ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân quanh khu vực mỏ đá (như bài trước chúng tôi đã đề cập), trong các mỏ đá, tai nạn cũng luôn rình rập, đe dọa sự an toàn tính mạng, sức khỏe của các công nhân trực tiếp sản xuất. Còn ngoài công trường khai thác, các xe tải hạng nặng chở đá còn tạo ra các mối nguy hiểm cho phương tiện khác khi tham gia giao thông. Đồng thời, các xe chở đá quá tải không được kiểm soát cũng góp phần làm đường sá mau xuống cấp.

Nguy hiểm từ công trường

Chúng tôi đến khu khai thác đá thuộc cụm mỏ đá Dĩ An, bao gồm mỏ Tân Đông Hiệp và mỏ Núi đá nhỏ (thuộc phường Tân Đông Hiệp và phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vào những ngày nắng gắt. Trên những con đường dẫn vào mỏ, những hàng cây xanh và hầu hết nhà dân ven đường đều bạc phếch màu bột đá. Đứng trên miệng mỏ đá nhìn xuống, hàng chục công nhân và hàng trăm xe tải cùng các loại xe múc đá hoạt động ở độ sâu hun hút đến 100m. Có cảm giác như đứng trên sân thượng của tòa nhà 20 tầng nhìn xuống mặt đất. Đó là công trường mỗi ngày của hàng trăm công nhân trong những ngày cuối mùa khô ở Đông Nam bộ.

Bà Nguyễn Thị Phú (67 tuổi) cho biết, đã ở cạnh mỏ này hơn 20 năm và chứng kiến nhiều sự cố kinh hãi xảy ra tại đây, trong đó có những vụ nghiêm trọng làm chết người. Điển hình là vụ tai nạn làm 1 tài xế thiệt mạng vào đầu năm 2016 do xe tải rớt từ trên đường dẫn xuống đáy mỏ sâu. Những vụ việc như vậy, theo bà Phú là “xảy ra hoài à, không thể nhớ cụ thể được”. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp và người lao động tại đây đã lập miếu thờ và thường xuyên cúng lễ để cầu bình an và cầu cho những người bị nạn siêu thoát.

Không chỉ tai nạn vì rớt xe hay xe lao vào các thành taluy được xây dựng trong lòng mỏ đá mà việc sử dụng điện để phục vụ việc khai thác đá dưới mỏ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro chết người. Đại diện khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp thừa nhận, tình trạng mất an toàn sử dụng điện tại đây và đã có lúc xảy ra chết người như trường hợp tại Công ty Khai thác đá Trung Thành vào năm 2016; hay 2 vụ khác cũng gây thương vong cho người lao động tại công trường do thiết bị vận hành đột ngột dừng khiến người làm không kịp trở tay.

Anh Nguyễn Văn Tùng (33 tuổi, khu phố 2, phường Tân Đông Hiệp) đã từng xin vào làm lái xe trong mỏ đá nhưng nhận thấy nhiều rủi ro thương tật, chết người khi đường lên xuống mỏ đá quá sâu và nhiều khúc cua nguy hiểm nên đã xin nghỉ ngay sau 1 tuần thử việc. Trường hợp như anh Tùng không phải là hiếm ở đây. Các tai nạn lao động từng xảy ra trong nhiều năm qua, luôn rình rập tại các mỏ đá đã đặt ra vấn đề cần phải thay đổi phương thức vận chuyển để tránh các tai nạn có thể xảy ra trong nay mai. Thế nhưng, các doanh nghiệp khai thác đá đều chưa thực hiện, do kinh phí sử dụng băng tời tốn kém hơn nhiều so với việc sử dụng sức người để vận chuyển theo cách truyền thống.

Ám ảnh tai nạn

Trong hoạt động khai thác khoáng sản ở Đồng Nai, tai nạn lao động là nỗi ám ảnh thường trực. Cái chết của anh Đặng Chính Tâm (29 tuổi), thợ sửa chữa ô tô tại mỏ đá Tân Cang, hồi cuối năm 2015 đến nay vẫn khiến nhiều người cảm thấy ớn lạnh. Trong lúc anh Tâm và người thợ phụ đang ở dưới gầm xe tải sửa xe, bất ngờ xe mất thắng đè lên người anh Tâm, trước khi trượt lao xuống vực sâu của hầm khai thác đá. Trước đó, cũng tại khu vực mỏ đá Tân Cang, đã xảy ra cái chết ngạt của anh Đoàn Anh Quốc (32 tuổi) khi bị đống đá bất ngờ đổ ập lên người. Mới nhất là ngày 30-7-2016, tại khu vực cưa xẻ đá của cơ sở khai thác đá tại ấp Cây Điệp, xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, do ông Trần Bá Linh làm chủ, anh Vòng Lũy Cỏng (35 tuổi, ngụ xã Cây Gáo) cẩu một tảng đá thô vào máy cắt, thì dây xích cần cẩu bị đứt làm tảng đá rơi đè anh Cỏng chết tại chỗ.

Còn trường hợp của ông Bùi Ngọc Tuyến (58 tuổi), một công nhân đã từng làm ở mỏ đá Hóa An (xã Hóa An, TP. Biên Hòa) thì may mắn hơn. Sau vụ tai nạn lao động cách đây vài năm, giờ ông chỉ bám vào nghề đan lồng chim kiếm sống. Ông Tuyến nhớ lại: “Hôm đó, sau khi cho nổ mìn xong, thấy một đống đá to còn sót lại, tôi lấy khoan ra khoan, không ngờ mũi khoan trúng tảng đá còn sót kíp nổ, công trường nổ ầm, tôi bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện, mất chân phải, mắt trái đã bị mù”…

 
Đường đầy đá rơi vãi và bụi đất là nỗi ám ảnh của người đi đường khu vực cụm mỏ đá Dĩ An
Đường đầy đá rơi vãi và bụi đất là nỗi ám ảnh của người đi đường khu vực cụm mỏ đá Dĩ An


Đến nguy cơ mất an toàn trên đường phố

Ở ngoài khu vực mỏ đá, hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra nhiều năm qua liên quan đến các xe chở đá khiến người dân hoang mang và lo sợ: vụ xe chở đá lật ngửa khi đang lưu thông vào ngày 11-8-2016; vụ xe ben tông sập nhà dân và cán nát một xe máy ngay tại ngã ba chùa Châu Thới-quốc lộ 1K vào đầu năm 2016… Người dân cũng bất an với hiện tượng hút chích ma túy, đánh nhau như cơm bữa của cánh tài xế xe tải; tiếng còi hơi, tiếng gầm rú của động cơ liên tục 24/24 giờ, nhất là khoảng thời gian từ 4 đến 5 giờ sáng hàng ngày, khi xe ben vào ra vận chuyển đá đi các công trình, bến cảng. Đáng ngại hơn là trong số các tài xế chở đá, có một tỷ lệ đáng kể lái xe thường phóng nhanh vượt ẩu, xem thường tính mạng của người tham gia giao thông. Một người hàng ngày đi qua khu vực khai thác đá cho biết, thường xuyên chứng kiến xe tải chở đá vượt đèn đỏ hay từ đường ngang vọt ra đường lớn rất bất cẩn mà nếu người đi đường không để ý, dễ gặp tai nạn.

Việc xe chở đá làm rơi vãi đá và bụi đá ảnh hưởng tầm nhìn cho người và các phương tiện khác khi tham gia giao thông, chưa bao giờ được khắc phục hoàn toàn mà chỉ là đối phó, đã làm người dân ở quanh các mỏ đá nơm nớp lo sợ. Nhiều người dân sống dọc đường Đinh Quang Ân cho biết, do xe ben chở đá chạy nườm nượp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của bà con. Dù có biển báo hạn chế tốc độ, cấm vượt, quy định tải trọng tối đa 30 tấn, tuy nhiên các xe vẫn vi phạm. Quá bức xúc, từ đầu năm 2016 đến nay, không ít lần, người dân trên đường Đinh Quang Ân đã dựng rào chắn ngăn xe ben chở đá ra vào khu vực mỏ đá Tân Cang, gây ách tắc giao thông cục bộ.

Theo số liệu của Thanh tra Giao thông tỉnh Đồng Nai, trong năm 2016, đơn vị này đã tập trung xử lý vi phạm chuyên đề đối với ô tô đầu kéo, xe tải ben, qua đó phát hiện 984 vụ chở hàng quá tải, 639 vụ vận chuyển vật liệu xây dựng làm rơi vãi trên đường ở một số địa phương trong tỉnh và trong quý 1-2017 đã lập biên bản vi phạm hành chính 1.323 vụ. Trong đó, có 224 vụ chở hàng quá tải, 123 vụ vận chuyển vật liệu xây dựng làm rơi vãi trên đường, với tổng số tiền phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 320 triệu đồng.

Tại cụm mỏ đá Dĩ An (Bình Dương), tình trạng xe chở đá quá tải, không thể kiểm soát được ngay từ công trường. Ông Lê Văn Rẻ-Giám đốc Xí nghiệp Tân Đông Hiệp, thừa nhận, không kiểm soát được tình trạng xe chở đá có quá tải vì: “Nói nặng với tài xế là họ đòi đánh luôn cả tui, tài xế bây giờ khiếp lắm, có cả mã tấu trên xe, giờ cổ phần hóa rồi khó quản lý hơn”.

Tháng 8-2016, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường tại mỏ Núi đá nhỏ. Qua kiểm tra cho thấy, chủ đầu tư khai thác đá chưa đúng thiết kế dẫn đến việc chập tầng trên vách moong, do vậy sở đã lập biên bản và xử lý vi phạm với số tiền 100 triệu đồng và buộc chủ đầu tư phải tiến hành khắc phục theo quy định. Nhưng do người dân vẫn chưa dừng việc phản ánh về ô nhiễm môi trường và mất an toàn của các mỏ đá gây ra, nên ngày 31-3, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản số 1139/UBND-KTN chỉ đạo Sở Tài nguyên-Môi trường chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành liên quan, tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật nhà nước tại các mỏ khai thác đá trên địa bàn thị xã Dĩ An và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 30-4.

Trả lời chất vấn của phóng viên về việc người dân phản ánh tình trạng xe chở đá quá tải hoạt động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Bá Lộc-
Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông-Vận tải tỉnh, cho biết, huyện Tân Thành là một trong những địa phương nóng nhất với các xe chở đá từ các mỏ ở xã Châu Pha. Chỉ tính trong năm 2016, thanh tra của sở đã lập biên bản xử phạt 456 trường hợp xe quá tải, xe chở đá làm rơi vãi đá trên đường với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng thừa nhận: “Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động này hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, bởi lực lượng mỏng, chỉ có 4 người/địa bàn, trong khi còn nhiều công việc khác cũng cần giải quyết. Hơn nữa, tình trạng đối phó của các tài xế với lực lượng kiểm tra ngày càng tinh vi. Ví dụ như tranh thủ lúc cán bộ nghỉ trưa để di chuyển hoặc thuê “cò” theo dõi lực lượng kiểm tra để né tránh…”.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.