Khắc ghi lời thề y đức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Đối với các y-bác sĩ và nhân viên y tế, khi đã khoác lên mình chiếc áo blouse trắng thì tính mạng, sức khỏe người bệnh là trên hết, như lời thề Hippocrates.

Công việc dẫu không ít vất vả, khó khăn nhưng giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch là hạnh phúc, niềm vui lớn nhất của người thầy thuốc.

Bệnh nhân khỏe, bác sĩ vui

Hơn 0 giờ ngày 15-1-2024, Bệnh viện Nhi tỉnh tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhi M.T.K. (trú tại thôn Phú Danh, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) chuyển từ một bệnh viện tư sang trong tình trạng nguy cấp. Khi tiếp nhận bệnh nhân, đội ngũ y-bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu, thực hiện các bước cần thiết theo quy định. Bệnh nhi được chẩn đoán bị thủng thận, xước gan, mất máu rất nhiều, tỷ lệ phẫu thuật cứu sống rất thấp.

0 giờ 55 phút ngày 15-1, bệnh nhi được đưa vào phòng phẫu thuật trong sự hồi hộp, lo âu của gia đình. Theo anh M.V.T. (cha của bệnh nhi K.), trong suốt khoảng thời gian K. trong phòng phẫu thuật, cả gia đình đều vô cùng lo âu và hồi hộp, lặng lẽ chờ đợi đến đau tim và cùng cầu mong phép màu xảy ra với cháu. Rồi cánh cửa phòng phẫu thuật mở ra lúc 4 giờ 55 phút sáng cùng ngày. 4 tiếng đồng hồ quá dài với đầy đủ mọi cảm xúc lo lắng, hồi hộp, hy vọng. Và rồi, phép màu đã đến với gia đình anh.

Ê kíp y-bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh thực hiện ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhi bị sốc mất máu, vỡ lách do tai nạn giao thông ngày 13-2-2024 (ảnh đơn vị cung cấp).

Ê kíp y-bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh thực hiện ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhi bị sốc mất máu, vỡ lách do tai nạn giao thông ngày 13-2-2024 (ảnh đơn vị cung cấp).

Sau đó, anh T. đã viết thư cảm ơn gửi đến Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh cùng ê kíp thực hiện phẫu thuật. Anh bày tỏ: “Cháu K. đã được cứu từ những phần trăm tỷ lệ sống thấp nhất. Ê kíp phẫu thuật rạng sáng ngày 15-1 của Bệnh viện Nhi tỉnh do bác sĩ Phạm Phi Đen (Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp) làm trưởng ê kíp thật xuất sắc. 1 tuần sau phẫu thuật và điều trị tại bệnh viện, được các bác sĩ, điều dưỡng tận tình chăm sóc, điều trị, đến nay, tình hình sức khỏe của con tôi đã dần ổn định… Tôi xin cảm ơn những người đã tận tình giúp đỡ, theo dõi sức khỏe của con tôi bất kể ngày, đêm mà không có bất kỳ một đòi hỏi riêng gì cho bản thân khi con tôi từ cửa tử đến lúc có được thể trạng tốt như bây giờ. Các bác sĩ, y tá và nhân viên trong Bệnh viện đã làm sáng rạng thêm lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.

Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Ngọc Thành-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-chia sẻ: “Đối với các y-bác sĩ, niềm hạnh phúc lớn lao là khi người bệnh, nhất là những bệnh nhân nguy kịch được cứu chữa và khỏe mạnh xuất viện về nhà, là những lá thư cảm ơn, những lời tri ân của bệnh nhân, giúp các y-bác sĩ thêm niềm tin, động lực, gắn bó với nghề đã chọn”.

Các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai) nỗ lực chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Ảnh: Như Nguyện

Các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai) nỗ lực chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Ảnh: Như Nguyện

Là bệnh viện nhi tuyến cuối của tỉnh, thời gian qua, tập thể y-bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh đã cứu chữa cho nhiều bệnh nhi nặng từ tuyến dưới chuyển lên, trong đó có những bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch, sự sống mong manh. Mới đây, vào ngày 13-2 (mùng 4 Tết Giáp Thìn), đơn vị tiếp nhận bệnh nhi C.T.P. (trú tại làng Kúc, xã Ia O, huyện Ia Grai) trong tình trạng mạch, huyết áp không đo được, sốc mất máu/vỡ lách do tai nạn giao thông. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Triều (Khoa Ngoại tổng hợp) cho biết: Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng vỡ lách mức độ 4, lơ mơ, mạch yếu, huyết áp không đo được. Toàn bộ tua trực nhanh chóng thực hiện các bước theo quy định và tiến hành phẫu thuật cấp cứu. “Bệnh viện Nhi tỉnh là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh nên có nhiều ca bệnh nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực hết mình cứu chữa cho người bệnh, làm việc xuyên ngày lễ, Tết. Mỗi một bệnh nhân khỏe mạnh ra viện là niềm hạnh phúc lớn lao của người thầy thuốc”-bác sĩ Triều tâm sự.

Chị Đỗ Thị Minh (mẹ bệnh nhi C.T.P.) xúc động nói: “Lúc hay tin con bị tai nạn nguy kịch, tôi đang ở xa nên vô cùng lo lắng và hoang mang. May mắn cháu được các y-bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh cứu chữa kịp thời. Ngày Tết, mọi người vui chơi, đoàn viên cùng gia đình nhưng các y-bác sĩ phải làm việc cả ngày đêm chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, trong đó đã cứu sống con trai tôi. Tôi vô cùng biết ơn”.

Nỗ lực vì người bệnh

Lời thề y đức “sâu y lý-giỏi y thuật-giàu y đức” luôn thắp sáng tư tưởng và hành động trong mỗi thầy thuốc và nhân viên y tế. Xác định chọn nghề y thì phải yêu nghề, toàn tâm toàn ý với công việc và quan trọng nhất là đặt tính mạng của người bệnh là trên hết, trước hết. Rất nhiều y-bác sĩ đã nỗ lực ngày đêm cứu chữa cho người bệnh. Công việc dẫu vất vả, áp lực, đối mặt với nhiều tình huống “thắt tim” nhưng vượt lên tất cả là tấm lòng hướng về người bệnh.

Y-bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nằm điều trị tại Khoa Ung bướu-Y học hạt nhân Bệnh viện Đa khoa Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Y-bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nằm điều trị tại Khoa Ung bướu-Y học hạt nhân Bệnh viện Đa khoa Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Hạnh-Trưởng khoa Khám bệnh-Hồi sức cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông) tâm sự: “Tôi công tác trong ngành Y tế đã nhiều năm nay. Hầu như chưa năm nào tôi đón Tết trọn vẹn bên gia đình bởi phải thường xuyên trực tại bệnh viện. Do đặc thù của ngành nên các y-bác sĩ phải chấp nhận hy sinh để đảm bảo công tác khám-chữa bệnh cấp cứu cho người dân trong dịp Tết. Tuy nhiên hiện nay, tiền công trực của nhân viên y tế rất thấp, thu nhập nhiều người không cao. Rất mong Đảng, Nhà nước có sự điều chỉnh chính sách để cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác, giữ trọn tình yêu với nghề”.

Còn bác sĩ chuyên khoa II Kiều Văn Bước-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thì cho biết: “Tôi đã làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc hơn 20 năm. Công việc vất vả gấp nhiều lần so với các khoa khác vì là nơi tiếp nhận bệnh nhân nặng, “thập tử nhất sinh” từ các tuyến chuyển về. Mọi người ở đây đều yêu nghề, mong muốn tiến bộ, cố gắng cứu chữa cho bệnh nhân bằng tất cả tấm lòng của người thầy thuốc”.

Thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai). Ảnh: Như Nguyện

Thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai). Ảnh: Như Nguyện

Theo bác sĩ Kiều Văn Bước, Khoa Hồi sức tích cực chống độc được thành lập tháng 1-2002. Khoa có 10 bác sĩ, gần 40 điều dưỡng viên, biên chế 30 giường bệnh, thực kê 27 giường bệnh đa năng, có 20 giường cho phòng chạy thận nhân tạo. Lưu lượng thu dung mỗi ngày khoảng 25-30 bệnh nhân; bệnh nhân chạy thận nhân tạo 90-95 người. Khoa thực hiện khám điều trị, chăm sóc cho người bệnh toàn diện, chạy thận nhân tạo. Thời gian qua, nhiều ca nhồi máu cơ tim cấp có rung thất đã được sốc điện cứu sống; nhiều ca nhịp nhanh trên thất có chỉ định sốc điện đồng bộ cắt cơn; các trường hợp sốc nhiễm khuẩn, bệnh sốt xuất huyết nặng… đã được cứu chữa thành công.

Không chỉ nỗ lực cứu chữa, chăm sóc người bệnh, các y-bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc còn quan tâm tìm hiểu những trường hợp bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn để kịp thời vận động Mạnh Thường Quân giúp đỡ. Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Trần Thị Kim Chung chia sẻ: Bản thân chị đã có 27 năm công tác tại đây. Khoa có nhiệm vụ chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân nên tất cả các y-bác sĩ đều nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình.

“Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi tìm cách quyên góp để giúp đỡ. Vất vả, áp lực nhưng niềm vui là có nhiều bệnh nhân nặng đã khỏi bệnh, cảm ơn chân thành đến các y-bác sĩ giúp chúng tôi có thêm động lực, niềm tin gắn bó với nghề”-Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc tâm sự.

Cần có chế độ đãi ngộ thích hợp để các y bác sĩ, nhân viên y tế công lập yên tâm gắn bó với công việc. Ảnh: Như Nguyện

Cần có chế độ đãi ngộ thích hợp để các y bác sĩ, nhân viên y tế công lập yên tâm gắn bó với công việc. Ảnh: Như Nguyện

Ông Lý Minh Thái-Phó Giám đốc Sở Y tế: Toàn tỉnh hiện có trên 4.600 cán bộ y tế, trong đó có 969 bác sĩ. 94% xã, phường trên địa bàn tỉnh có bác sĩ làm việc; 94% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Những năm qua, ngành Y tế đã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt quan tâm đến công tác khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế, khám-chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

Hiện nay, chế độ chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế hệ thống công lập vẫn còn hạn chế. Chúng tôi đã có kiến nghị đề xuất đối với trung ương cần xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học chung, vì bác sĩ có thời gian đào tạo 6 năm.

Ngoài ra, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bác sĩ sau khi ra trường phải học thêm 12 tháng tại các bệnh viện mới có được giấy phép hành nghề. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi về lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đặc biệt, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến cho cán bộ y tế làm việc tại địa bàn khó khăn, hỗ trợ kinh phí cho các huyện đặc biệt khó khăn để thu hút bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế.

Trước áp lực cuộc sống, mức thu nhập chênh lệch giữa bệnh viện công và bệnh viện tư đã tạo ra “làn sóng” bác sĩ bỏ việc, nghỉ việc không chỉ xảy ra trên địa bàn tỉnh. Việc kịp thời điều chỉnh chế độ đãi ngộ thích hợp giúp cán bộ, y-bác sĩ, nhân viên y tế hệ thống công lập yên tâm gắn bó với nghề trở nên hết sức cần thiết.

Bác sĩ chuyên khoa I Hà Quang Luân-Phó Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho hay: Dù công tác ở bệnh viện công hay tư thì cũng đều phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên trên thực tế, bệnh nhân có điều kiện thì thường đến các bệnh viện tư khám-chữa bệnh nhưng đối với bệnh nhân nghèo, khó khăn phần lớn thăm khám, điều trị tại bệnh viện công.

“Vậy nên, cần có chế độ thích hợp dành cho các y-bác sĩ bệnh viện công, nhất là các bác sĩ có trình độ cao yên tâm gắn bó với công việc, từ đó giúp bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao để điều trị bệnh”-bác sĩ Luân nói.

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ chú trọng chăm sóc sức khỏe người dân

Đức Cơ chú trọng chăm sóc sức khỏe người dân

(GLO)- Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất và trang-thiết bị y tế, Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) còn tạo điều kiện cho y-bác sĩ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Gia Lai: Kỳ tích nuôi sống trẻ sinh non chỉ nặng 500 gram

Gia Lai: Kỳ tích nuôi sống trẻ sinh non chỉ nặng 500 gram

(GLO)- Mang thai 27 tuần, chị N.T.D.L (thôn Kê, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã chuyển dạ và sinh non. Bé gái chỉ nặng 500 gram được chuyển qua Bệnh viện Nhi Gia Lai để chăm sóc đặc biệt. Qua hơn 60 ngày chăm sóc, điều trị, cháu bé bước đầu đã có chuyển biến đáng mừng.
Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử

Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử

Theo Bộ Y tế, nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác.