Đảm bảo nguồn máu phục vụ bệnh nhân sau Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau Tết Nguyên đán, các bệnh viện thường rơi vào tình trạng khan hiếm máu điều trị và cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nhờ dự lường tình hình và chủ động kế hoạch tổ chức hiến máu tình nguyện, Gia Lai đảm bảo máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân sau Tết.

Ngay sau Tết Nguyên đán, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Giáo hạt Pleiku đã tổ chức hiến máu tình nguyện tại nhà thờ Hoa Lư (thuộc Giáo xứ Mẹ Vô nhiễm Hoa Lư). Kết quả, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 158 đơn vị máu an toàn. Tiếp đó, cuối tháng 2 và đầu tháng 3 tới, một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức các buổi hiến máu tình nguyện góp phần chủ động nguồn máu phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh nhân sau Tết.

Năm nay, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông và tai nạn thương tích khác được kéo giảm trong dịp Tết. Vì vậy, nhu cầu sử dụng máu cấp cứu và điều trị cũng không gây áp lực như các năm trước. Thời điểm hiện tại, nguồn máu dự trữ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn đảm bảo nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.

Bà Vũ Thị Ngọc Thủy-Phó Trưởng khoa Huyết học-Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thông tin: Năm nay, nhu cầu sử dụng máu trong dịp Tết ít hơn mọi năm. Nếu dịp Tết năm ngoái, trung bình mỗi ngày, đơn vị sử dụng từ 80 đến 100 đơn vị máu thì dịp Tết vừa qua, lượng máu sử dụng hàng ngày chỉ khoảng 20-30 đơn vị máu. Hiện tại, Bệnh viện còn khoảng 500 đơn vị máu dự trữ để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân cũng như hỗ trợ máu cho các đơn vị bạn khi có nhu cầu.

Nhờ dự lường tình hình và chủ động tổ chức hiến máu tình nguyện, Gia Lai đã đảm bảo lượng máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân sau Tết. Ảnh: N.N

Nhờ dự lường tình hình và chủ động tổ chức hiến máu tình nguyện, Gia Lai đã đảm bảo lượng máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân sau Tết. Ảnh: N.N

Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu-Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Năm nay, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông giảm nên vấn đề sử dụng máu cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân cũng giảm, không xảy ra tình trạng thiếu máu.

Ông Dương Đình Diện-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh: Nhằm đảm bảo nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân, chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và lễ hội Xuân hồng năm 2024 kéo dài trong 2 tháng (từ ngày 11-1 đến 10-3). Với thông điệp “Hiến máu đầu xuân-Nhân lên hạnh phúc”, chiến dịch nhằm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân có đủ sức khỏe tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu tiếp nhận ít nhất 3.200 đơn vị máu an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị người bệnh.

Chăm sóc chồng tại Khoa Ung bướu-Y học hạt nhân, bà Phan Thị Thanh Thúy (thôn 4, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) chia sẻ: Chồng bà bị ung thư dạ dày, bị xuất huyết nên phải truyền máu thường xuyên. Dịp Tết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chủ động nguồn máu dự trữ nên chồng bà cũng như những bệnh nhân khác không phải chờ để được tiếp máu.

Cũng nhờ chủ động kế hoạch dự trữ nên Bệnh viện Nhi tỉnh đảm bảo máu cấp cứu và điều trị cho người bệnh. Bà Vũ Thị Kim Thu-Phó Trưởng khoa Xét nghiệm-Giải phẫu bệnh (Bệnh viện Nhi tỉnh) cho hay: Trước Tết có xảy ra tình hình khan hiếm nhóm máu A. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bệnh viện nên đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu máu cấp cứu bệnh nhân, trong đó có các bệnh nhân Thalassemia. Đơn vị đã chủ động dự trữ hơn 15.000 ml máu để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân trong và sau Tết. Ngoài ra, Bệnh viện có hợp đồng mua máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Quân y 211. Trong trường hợp khẩn cấp thì huy động cán bộ, nhân viên y tế hiến máu tình nguyện để cứu chữa bệnh nhân.

“Nhờ có nguồn máu dự trữ đầy đủ mà dịp Tết vừa qua có trường hợp bệnh nhi bị tai nạn giao thông vỡ lách, sốc mất máu nguy kịch đã được phẫu thuật, truyền máu kịp thời. Chúng tôi hy vọng trong năm 2024, việc hiến máu tình nguyện sẽ được đẩy mạnh hơn nữa để đảm bảo máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân”-bà Thu nói.

Có thể bạn quan tâm

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: N.N

Bệnh sởi diễn biến phức tạp

(GLO)- Những ngày qua, Gia Lai ghi nhận nhiều ca bệnh sởi ở trẻ em và người lớn. Hiện bệnh sởi đang diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp chủ quan, không kịp thời phát hiện bệnh đã trở thành nguồn lây cho gia đình và cộng đồng.

Diễn biến dịch cúm nghiêm trọng ở Mỹ

Diễn biến dịch cúm nghiêm trọng ở Mỹ

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo tình hình bệnh cúm trong tuần đầu tháng 2 cao hơn hoặc tương đương với thời điểm cao nhất của mùa cúm và số ca nhập viện cũng như tử vong đều tăng.

Vì sao tập thể dục lại tốt cho não?

Vì sao tập thể dục lại tốt cho não?

Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và ung thư. Tuy nhiên, chúng ta thường bỏ qua vai trò của việc tập thể dục trong việc giúp não khỏe mạnh.

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Thời điểm lây lan mạnh nhất của virus cúm thường rơi vào khoảng 3 - 4 ngày đầu tiên của bệnh. Nếu trẻ đang bị cúm, bạn nên chờ cho đến khi trẻ hoàn toàn khỏi bệnh trước khi tiêm vắc xin cúm.

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

(GLO)- Với chức năng điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, các y-bác sĩ Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 211) luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tại đây, niềm hy vọng chưa bao giờ tắt dù bệnh nhân đang trong tình huống “thập tử nhất sinh”.