Nữ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu y đức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nhỏ, nữ sinh Đinh Thị Thu Hường đã quyết tâm học thật giỏi để trở thành bác sĩ. Tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Huế năm 2007, chị về nhận công tác tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai), hiện là Phó Trưởng khoa.

17 năm qua, bác sĩ chuyên khoa I Đinh Thị Thu Hường đã chứng minh cho mọi người thấy chỉ cần có quyết tâm thì việc gì cũng vượt qua.

Nghề y vô cùng vất vả. Đối với đội ngũ y-bác sĩ làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc thì sự vất vả lại nhân lên gấp bội. Vậy nên, khi bác sĩ Hường mới về công tác tại đây, ít đồng nghiệp tin rằng, cô gái trẻ có dáng người mảnh mai, da trắng, môi hồng, gốc Hà Nội lại gắn bó lâu dài với công việc đầy áp lực khi hàng ngày phải tiếp nhận, điều trị cho những bệnh nhân nặng mà sự sống của họ hết sức mong manh giữa lằn ranh sinh tử.

Nỗ lực vì người bệnh

1 ngày làm việc của bác sĩ Hường bắt đầu từ 7 giờ sáng với việc giao ban, nhận bàn giao tất cả bệnh nhân nặng, nghe báo cáo tình hình tổng thể của phiên trực hôm trước, sắp xếp những vấn đề cấp bách cần xử lý cấp cứu ngay; tiếp đó là phân công nhiệm vụ cho các y-bác sĩ, hội chẩn toàn khoa đối với trường hợp bệnh nhân nặng để đưa ra phương pháp xử lý tốt nhất. Nếu là ngày trực thì công việc xuyên suốt 24/24 giờ, đảm nhiệm khám bệnh, theo dõi bệnh và cấp cứu bệnh.

“Đêm nào không tiếp nhận thêm bệnh nhân, người bệnh không có diễn biến nặng thì tôi được ngủ tầm 3 giờ. Còn nếu nhiều ca nặng, thêm bệnh nhân nhập viện thì hầu như thức trắng”-bác sĩ Hường kể.

Bác sĩ Hường thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ Hường thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Thời gian đầu mới về Khoa công tác, công việc áp lực, chứng kiến nhiều bệnh nhân nặng không thể qua khỏi, bác sĩ trẻ Đinh Thị Thu Hường không tránh được những phút dao động. “Nhưng rồi, tôi tự động viên bản thân quyết tâm vượt qua khó khăn, phải có tinh thần lạc quan, hy vọng vào tương lai tốt đẹp. Và những nỗ lực trong công việc, cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng là động lực, là niềm tin để tôi tiếp tục làm việc”-bác sĩ Hường bày tỏ.

Khoa Hồi sức tích cực chống độc thường xuyên xảy ra những tình huống bất ngờ khiến tính mạng bệnh nhân như “ngàn cân treo sợi tóc”. Điều đó buộc bác sĩ phải có những quyết định chính xác.

Bác sĩ Hường chia sẻ: Trong lĩnh vực hồi sức tích cực chống độc, ngoài trang bị kỹ năng cấp cứu nhanh nhẹn và thành thạo, kiến thức phải chuyên sâu, tổng quát thì bác sĩ còn phải có sự quyết đoán, xử lý công việc nhanh, chuẩn vì chỉ cần chậm trễ vài phút là bệnh nhân có thể tử vong.

Sau nhiều năm công tác, bản thân chị đã thành thạo những kỹ năng cấp cứu và kinh nghiệm điều trị những ca bệnh nặng, nguy kịch, phức tạp. Cùng với đó, chị luôn để tâm tới bệnh nhân, bám sát diễn biến bệnh để có hướng xử lý kịp thời.

“Tôi nhớ có lần cấp cứu cho một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, bị rung thất sau đó ngừng tim. Tôi đã sốc điện 10 lần, ép tim liên tục trong 2 giờ, mồ hôi ướt đẫm… Lúc đó, bệnh nhân tưởng không còn hy vọng gì nữa, nhưng những nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp khi người bệnh tỉnh lại và sống nhiều năm sau.

17 năm trong nghề, tôi không nhớ hết mình đã cứu chữa cho bao nhiêu người bệnh nhưng niềm vui thì vẫn trọn vẹn như ngày đầu. Khi chứng kiến bệnh nhân khỏe mạnh và được xuất viện là mọi nhọc nhằn của chúng tôi đều tan biến”-bác sĩ Hường tâm sự.

Quyết tâm gắn bó với nghề

Trong khi nhiều đồng nghiệp khác chọn ở lại công tác tại các thành phố lớn hay làm việc ở các bệnh viện tư với mức lương hậu hĩnh thì bác sĩ Hường vẫn gắn bó với công việc mình đã chọn dù có nhiều lời mời hấp dẫn.

“Thú thật, có những thời điểm bác sĩ nghỉ việc nhiều, Khoa thiếu nhân lực nên phải trực liên tục, cộng thêm chống dịch Covid-19… nên tôi thấy rất áp lực, mệt mỏi và cũng từng có lúc dao động. Nhưng rồi, khi nghĩ lại thời điểm khó khăn nhất mình đã trải qua thì giờ có thêm bao nhiêu gian khổ cũng chẳng thấm gì.

Không chỉ tự động viên mình, tôi còn động viên mọi người vượt qua khó khăn, tiếp tục gắn bó với công việc. Bên cạnh đó, gia đình chính là điểm tựa vững chắc, luôn thấu hiểu, động viên và chia sẻ giúp tôi an tâm công tác”-bác sĩ Hường bộc bạch.

Bác sĩ Đinh Thị Thu Hường (bìa phải) trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp. Ảnh: N.N

Bác sĩ Đinh Thị Thu Hường (bìa phải) trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp. Ảnh: N.N

Với những cống hiến trong công việc, nhiều năm liền, bác sĩ Đinh Thị Thu Hường được Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Sở Y tế tặng giấy khen. Năm 2023, cá nhân bác sĩ Hường và tập thể Khoa Hồi sức tích cực chống độc được Hội đồng thi đua khen thưởng Sở Y tế xét chọn là điển hình tiên tiến của ngành Y tế.

Theo bác sĩ Hường, người làm nghề y phải có phẩm chất, năng lực, kiến thức sâu rộng, tấm lòng nhân ái, kinh nghiệm thực tiễn vì mọi công việc đều liên quan đến tính mạng con người. Vì vậy, đội ngũ y-bác sĩ phải không ngừng học hỏi, nỗ lực để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như đạo đức trong sáng, mang tất cả kiến thức và tâm huyết của mình vì người bệnh.

Chính sự tận tụy, thấu hiểu, sẻ chia cùng sự hết lòng vì người bệnh, bác sĩ Hường nói riêng, các y-bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc nói chung luôn được người nhà bệnh nhân tin tưởng và tôn trọng.

Chị Phan Thị Thủy (thôn 4, xã Chư Á, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi chăm sóc người thân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc nhiều ngày qua. Những bệnh nhân ở đây hầu hết đều là bệnh nặng, gia đình ủy thác lại sự chăm sóc cho các y-bác sĩ. Không chỉ ân cần chăm sóc, tích cực điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Hường nói riêng, các y-bác sĩ tại Khoa nói chung còn trao đổi, giải thích tình trạng bệnh cụ thể, ân cần động viên để gia đình có niềm tin, động lực. Tôi rất cảm kích”.

Theo các đồng nghiệp, bác sĩ Hường là người gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết; thực hiện sinh hoạt chuyên môn đầy đủ, tham gia nghiên cứu khoa học, giúp đỡ đồng nghiệp và không ngừng trau dồi y đức, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, không để xảy ra sai sót về chuyên môn, về quy tắc ứng xử; thực hiện tốt nội quy, quy chế bệnh viện, thực hiện tốt 12 điều y đức…

Trao đổi với P.V, bác sĩ chuyên khoa II Kiều Văn Bước-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc-nhấn mạnh: Bác sĩ Đinh Thị Thu Hường luôn tận tụy với người bệnh và làm tốt về chuyên môn, gắn bó và tâm huyết với công việc.

Có thể bạn quan tâm

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước. 

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.