Kết nối sản xuất-tiêu thụ nông sản sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chúng ta đã kêu gọi rất nhiều về chuyện sản xuất nông sản sạch theo chuỗi, có nguồn gốc xuất xứ và liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhưng trong thực tế, những địa phương có được chuỗi sản xuất-tiêu thụ nông sản sạch mới chỉ là những “vùng lõm” rải rác, thiếu sự kết nối trên diện rộng và thiếu bộ quy tắc như bên sản xuất cà phê đã có bộ nguyên tắc 4C-một bộ nguyên tắc rất khoa học, rành mạch, được kết nối vì quyền lợi của người sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Ở huyện Phú Thiện đã xuất hiện và hoạt động có hiệu quả “Tổ liên kết sản xuất rau sạch”, mỗi tổ chỉ từ 10 hộ nông dân tham gia trên cơ sở tự nguyện, cùng áp dụng “bộ quy tắc ứng xử” khi trồng rau sạch và từ đó tìm được đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm. Dù diện tích canh tác rau sạch còn nhỏ lẻ, thu nhập chưa phải là cao lắm nhưng hình thức “tổ liên kết” rất linh hoạt, nhẹ nhàng, dễ tham gia và người tham gia có thể trao đổi, nhìn nhau, học tập lẫn nhau trong kỹ thuật trồng rau sạch. Sản phẩm của họ cũng dễ được thị trường chấp nhận hơn vì nó tuân thủ những quy tắc về sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP. Chỉ cần những tổ chức nhỏ này liên kết với nhau hình thành những chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ rau sạch chẳng hạn thì không chỉ nông dân thu nhập ổn định, người tiêu thụ được hưởng lợi khi ăn rau sạch mà những nhà phân phối cũng có thể cùng gánh vai liên kết trong chuỗi để đưa hàng hóa ra thị trường.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Gia Lai. Ảnh: Lê Nam
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Gia Lai. Ảnh: Lê Nam
Mô hình tổ liên kết này có thể phát triển ở bất cứ địa phương nào, kể cả vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, mô hình này rất dễ kết nối nông dân với nhau, chỉ cần mỗi tổ có một tổ trưởng để “xâu đầu mối” và nhận trách nhiệm giao dịch. Chính thu nhập chưa cao nhưng ổn định đã khiến nông dân tin tưởng vào mô hình này, vì nó mang tính thực tế, không rườm rà mà lại có hiệu quả tức thì. Không cần góp chung đất, chỉ cần liên kết với nhau để sản xuất rau sạch “đúng chuẩn”, được công nhận ngoài thị trường và giá bán giữ được sự ổn định khiến nông dân có lãi, vậy là được. Từ đó, khi có nhu cầu nội tại phát triển lớn hơn, mở rộng quy mô hơn thì chính nông dân sẽ quyết định lấy hình thức phát triển.
Với những cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch, ngoài những quy định về công khai nguồn gốc, dán nhãn tiêu chuẩn sạch thì việc liên kết với nhau thành chuỗi cũng tạo thêm uy tín, khiến khách hàng yên tâm hơn khi mua sản phẩm. Một khi thị trường đã chấp nhận, khách hàng đã quen với những mặt hàng nông sản sạch thì việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn và mỗi công đoạn trong chuỗi đều có thu nhập tốt, không lo gặp những bấp bênh, trắc trở trong tiêu thụ.
Dĩ nhiên là ở đây, vai trò của các cơ quan chức năng nhà nước vẫn rất quan trọng. Đó là vai trò của người nhạc trưởng điều tiết, tập huấn, đào tạo cho nông dân không chỉ là kỹ thuật, kỹ năng trồng nông sản sạch mà còn giới thiệu để nông hộ làm quen với thị trường, biết sản xuất cái gì thị trường cần, biết giới thiệu sản phẩm của mình để thị trường chấp nhận. Cách hướng dẫn thế này của ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về kỹ thuật trồng hồ tiêu là cần thiết: “Để phát triển hồ tiêu bền vững, trước hết người dân phải quan tâm đến đầu vào khi sản xuất, đó là sử dụng nguồn giống sạch bệnh, xử lý đất hiệu quả để tránh nguồn lây bệnh. Tiếp đó phải hạn chế sử dụng phân bón vô cơ mà chuyển qua sử dụng phân bón hữu cơ. Trong phân bón hữu cơ cũng phải được xử lý đảm bảo tránh tồn dư nguồn gây bệnh. Đối với những diện tích hồ tiêu bị chết hiện nay của người dân, tuyệt đối không tiến hành tái canh mà nên chuyển qua các loại cây trồng khác như cây ăn quả, kết hợp trồng cây ngắn ngày và dài ngày để tạo thu nhập. Người dân cũng nên sản xuất có chứng nhận theo hướng VietGAP, GlobalGAP, Organic... Ngoài ra, việc liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, có tem truy xuất nguồn gốc… giúp đầu ra ổn định, đảm bảo phát triển bền vững”.
Dĩ nhiên, đi vào hướng dẫn cụ thể thì phải có những bộ quy tắc, quy chuẩn kỹ thuật. Nhưng khi nhìn nhận vấn đề đúng đắn như vậy, công việc tiếp sau sẽ thuận chiều hơn.
THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.