Kbang nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Kbang là huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Gia Lai. Thời gian qua các Trạm Y tế trên địa bàn huyện Kbang đã không ngừng được củng cố, kiện toàn về cơ sở vật chất, kỹ thuật, đội ngũ nhân lực đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, y đức để chăm sóc tốt cho sức khỏe người dân, thực hiện có hiệu quả kế hoạch tiêm chủng mở rộng và phòng-chống các bệnh truyền nhiễm. 
Năm 2016, Trạm Y tế xã Đông, huyện Kbang được Ngân hàng TMCP An Bình đầu tư 2 tỷ đồng để xây dựng, với diện tích 270 m2, có 9 phòng chức năng. Bên cạnh đó, các thiết bị, kỹ thuật của Trạm đã cơ bản đầy đủ, ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ việc khám-chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Chính những điều đó đã tạo động lực cho đội ngũ y-bác sĩ nơi đây yên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. 
 Bác sĩ Nguyễn Thị Thiện-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đak Hlơ, huyện Kbang- trao đổi nghiệp vụ với y tế thôn làng. Ảnh: Hà Duyệt
Bác sĩ Nguyễn Thị Thiện-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đak Hlơ, huyện Kbang- trao đổi nghiệp vụ với y tế thôn làng. Ảnh: Hà Duyệt
Bác sĩ Trần Thị Vàng-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông, huyện Kbang, cho biết: Chúng tôi ở địa bàn rất thuận lợi cách trung tâm y tế khoảng 4 km, nên là tình hình bệnh nhân đến khám bệnh tương đối ít so với những Trạm khác. Về công tác dự phòng và tiêm chủng mở rộng năm 2017 vừa qua đạt khá cao, 98,2%. Trạm còn đưa tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm ít nhất 2 mũi uốn ván lên đến 91% (tăng 26% so với năm 2016); 100% trẻ từ 6 tháng đến 60 tháng tuổi được uống Vitamin A; khám và chữa bệnh cho trên 2.000 lượt bệnh nhân trên địa bàn, năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm nào… Năm nay chúng tôi sẽ phấn đấu đạt tỷ lệ cao hơn nữa. Chúng tôi rất quan tâm đến các đối tượng là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, nói chung tất cả người dân đến khám ở trạm đều được chăm sóc như nhau cả, với tinh thần lương y như từ mẫu.
Là một người dân địa phương, chị Đinh Thị Điêk, ở thôn 1, xã Đông, huyện Kbang cho biết: Trong gia đình mỗi khi có người ốm đau đều đến đây khám và xin thuốc, các bác sĩ ở đây chăm sóc người bệnh rất tốt và nhiệt tình nên chúng tôi rất yên tâm. 
Còn Trạm Y tế xã Đak Hlơ, huyện Kbang, được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2016-2020. Hiện Trạm có đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế gồm 5 người có trình độ đạt chuẩn. Đặc biệt, Trạm luôn quan tâm duy trì mối liên hệ, giao ban công tác với đội ngũ y tế 7 thôn, làng trên địa bàn. Bà  Nguyễn Thị Hoa-ở thôn 3, xã Đak Hlơ có gần 15 năm làm công tác y tế của thôn. Đã trên 50 tuổi đời nên khi khỏe mạnh, bà duy trì công việc của một y tế thôn làng; lúc trở trời, bà lại đến Trạm Y tế để được chăm sóc. Chính vì vậy hơn ai hết bà hiểu rõ trọng trách của người làm nghề y, dù phụ cấp ít ỏi nhưng chưa bao giờ bà có ý định từ bỏ công việc này. “Hàng tháng chúng tôi phải nắm bắt được những người sinh trong tháng, những chị phụ nữ có thai, báo cho trẻ em hàng tháng xuống tiêm chủng và tuyên truyền vận động những bà mẹ có thai đi khám thai ít nhất 3 tháng 1 lần rồi chăm sóc và tư vấn cho những trẻ bị suy dinh dưỡng. Khi có những vấn đề chúng tôi chưa biết được thì các chị trên trạm chỉ tận tình để chúng tôi phấn đấu, cố gắng vì công việc hơn”-bà Hoa, tâm sự.
 Nhân viên Trạm Y tế xã Đông, huyện Kbang khám bệnh cho người dân. Ảnh: Hà Duyệt
Nhân viên Trạm Y tế xã Đông, huyện Kbang khám bệnh cho người dân. Ảnh: Hà Duyệt
Chị Tô Thị Thúy Hằng-Nữ hộ sinh, Trạm Y tế xã Đak Hlơ, huyện Kbang, chia sẻ: Trong quá trình làm việc có nhiều cái vui buồn khó khăn và nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trước đây có sản phụ tự sinh (ở làng Lợt, xã Đak Hlơ) bị băng huyết nghiêm trọng. Sau khi được nhân viên Trạm hỗ trợ ứng cứu kịp thời thì đã cứu được người mẹ.  Qua việc đó thì ý thức của người dân trong làng nhất là những phụ nữ mang thai đã đi khám thai định kỳ và họ đã ý thức là đến bệnh viện sinh .Mình đã cống hiến được chuyên môn của mình để giúp cho những người mẹ khỏe con khỏe là đã rất vui rồi-chị Hằng chia sẻ. 
Nhờ những con người luôn hết lòng, tận tụy như vậy mà nhiều năm liền các chỉ tiêu nhiệm vụ của Trạm Y tế xã Đak Hlơ luôn đạt cao: năm 2017 tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ dưới 2 tuổi đạt từ 97-100%; 98% phụ nữ có thai khám thai định kỳ; 100% bà mẹ và trẻ sau sinh được chăm sóc; năm 2016 và 2017 tập thể Trạm Y tế xã Đak Hlơ được Sở Y tế tỉnh Gia Lai khen thưởng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thiện-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đak Hlơ, huyện Kbang, nói: Nhân viên của Trạm cũng xác định khi bước vào nghề này là nghề để phục vụ, người dân lúc đau yếu mới đến trạm, tinh thần của họ có lúc cáu gắt nhưng mà mình đã là cán bộ ngành Y thì phải luôn quan tâm chăm sóc bệnh nhân chu đáo, đưa việc phục vụ bệnh nhân lên trên hết, ân cần tiếp đón và dặn dò chu đáo để làm sao cho người dân có sức khỏe tốt. Đó là niềm vui của người thầy thuốc. 
Hiện nay ngành Y đã và đang từng ngày khẳng định vai trò, sứ mệnh cao cả của mình đối với việc chăm lo sức khỏe của người dân; đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa thì quan trọng nhất vẫn là tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế, phòng-chống bệnh truyền nhiễm và nêu cao hơn nữa trách nhiệm của mình, khi ấy ý nghĩa và sứ mệnh cao cả của ngành Y sẽ ngày càng được nhân lên và ghi nhận.
Hà Duyệt 

Có thể bạn quan tâm

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

(GLO)- Với máy móc hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm, đội ngũ y tế ân cần, chuyên nghiệp nên nhiều người dân đã lựa chọn nội soi dạ dày-nội soi đại tràng tại Phòng khám đa khoa SYSMED Phù Đổng (02A Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) giúp tầm soát sớm các bệnh lý tiêu hóa và điều trị hiệu quả.

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

(GLO)- Trong 2 ngày 14 và 15-11, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn Chương trình phong năm 2024 cho 56 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác phòng- chống bệnh phong trên địa bàn tỉnh.