Ia Pa ứng phó mưa bão với phương châm “4 tại chỗ”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với phương châm “Chung sống là quy luật; phòng-chống như đánh giặc; 4 tại chỗ là phương thức; nâng cao ứng phó là trọng tâm”, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) luôn chủ động kiểm tra tình trạng kỹ thuật, vật chất bảo đảm nhằm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống mưa bão.

Do đặc thù địa hình huyện Ia Pa có độ dốc lớn, sông suối nhiều nên thường xảy ra tình trạng lũ quét, ngập lụt trên diện rộng cũng như lốc xoáy, giông sét… Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, trong năm 2022, gió lốc đã gây thiệt hại gần 100 ngôi nhà và hàng trăm héc ta hoa màu bị vùi lấp, cuốn trôi; ước thiệt hại hàng tỷ đồng.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão 2023, Ban Chỉ đạo phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp huyện Ia Pa triển khai nhiều biện pháp với phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Trong đó, việc chủ động kiểm tra tình trạng trang-thiết bị phục vụ phòng-chống mưa bão được Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện triển khai thực hiện chặt chẽ, đảm bảo vận hành tốt khi có tình huống xảy ra.

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ia Pa chủ động kiểm tra vật chất sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra trên địa bàn trước mùa mưa bão. Ảnh: H.B

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ia Pa chủ động kiểm tra vật chất sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra trên địa bàn trước mùa mưa bão. Ảnh: H.B

Theo kế hoạch, ngày 15 hàng tháng, Ban CHQS huyện tiến hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật của ca nô, máy đẩy… bảo đảm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Thượng úy Nguyễn Văn Tý-Trợ lý Quân khí Ban CHQS huyện Ia Pa-cho hay: “Được sự phân công của cấp trên, chúng tôi luôn duy trì nghiêm chế độ bảo quản ca nô, xuồng và các trang-thiết bị máy móc khác. Bên cạnh kiểm tra, rà soát thiết bị, chúng tôi còn cho máy nổ thử 15-20 phút nhằm đảm bảo các phương tiện, máy móc luôn trong trạng thái sẵn sàng khi có tình huống bất ngờ xảy ra”.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, trước mùa mưa bão 2023, Ban CHQS huyện đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền trong xây dựng các chỉ thị, kế hoạch, văn bản triển khai. Đồng thời, điều chỉnh bổ sung các kế hoạch, phương án ứng phó với các sự cố thiên tai, sát với tình hình thực tế của từng xã.

Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp đi vào hoạt động có hiệu quả; hiệp đồng với các lực lượng, ban, ngành chức năng trong công tác phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, góp phần phát huy đồng bộ sức mạnh cả hệ thống chính trị ở địa phương cùng với Nhân dân chủ động ứng phó với sự cố thiên tai, bão lũ xảy ra trên địa bàn.

Tuyên truyền, nhắc nhở người dân hạn chế đi qua các điểm xung yếu, thường xuyên xảy ra nguy hiểm trong mùa mưa bão. Ảnh: Huy Bắc

Tuyên truyền, nhắc nhở người dân hạn chế đi qua các điểm xung yếu, thường xuyên xảy ra nguy hiểm trong mùa mưa bão. Ảnh: Huy Bắc

Đặc biệt, Ban CHQS huyện luôn chú trọng đến công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn về phòng-chống thiên tai, bão lụt, lũ quét, sạt lở đất, cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang của 9 xã. Đồng thời, cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền tạo sự thống nhất, liên kết chặt chẽ trong xử lý tình huống.

Ông Lê Hữu Hưng-Chủ tịch UBND xã Kim Tân-thông tin: “Ngay từ đầu mùa mưa bão, chúng tôi phối hợp với lực lượng vũ trang huyện tiến hành kiểm tra các trang-thiết bị, phương tiện ứng phó với bão lụt. Đồng thời, chúng tôi rà soát, đánh giá toàn bộ nhân lực, vật lực để kịp thời huy động, ứng phó khi có bão lũ xảy ra với phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Cùng với đó, xã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về phòng tránh hậu quả thiên tai”.

Trao đổi với P.V, Thượng tá Nguyễn Đình Hồng-Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Ia Pa-cho biết: “Ia Pa có đặc điểm địa hình là vùng trũng, rốn lũ của hạ lưu sông Ba. Do đó, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng chính quy, chúng tôi tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, tập trung chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang-thiết bị, ca nô, xuồng cũng như chỉ đạo Ban CHQS các địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với mưa bão. Bên cạnh đó, hàng năm, chúng tôi đều tiến hành khảo sát, điều chỉnh, giao nhiệm vụ từng khu vực để đảm bảo sẵn sàng xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn tốt nhất, bảo đảm an toàn nhất cho các khu vực rốn lũ”.

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Dự báo thời tiết cho biết những ngày đầu tháng 11 có liên tiếp các đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn về. Hôm nay theo dự báo, Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung sẽ rét trở lại. Thế nhưng thực tế, những người thích không khí lạnh đặc trưng của miền Bắc chưa cảm nhận được điều này.